Hát xẩm là bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc và lâu đời, đã có mặt ở nhiều địa phương miền Bắc, đặc biệt rất phổ biến ở Hà Nội hồi đầu thế kỷ 20 cho tới tận thập niên 1970. Tới giai đoạn này, xẩm bắt đầu bị mai một do quan niệm thời bấy giờ đã phần nào đánh đồng những nghệ nhân hát xẩm là những người hành khất.
Thuở đó, nghệ thuật hát xẩm không được tôn vinh đúng mức, xứng tầm giá trị nghệ thuật của xẩm. Hát xẩm thực tế là một nghề rất đáng trân trọng, bởi những người hành nghề hát xẩm thuở xưa dù có đời sống kém may mắn, nhưng họ đã lấy nghề đàn hát để mua vui cho đời, cho người và giúp kiếm sống cho mình.
Họ đã lấy cái tài hoa của mình để kiếm sống, chứ không chịu cảnh hành khất, ăn xin mà không có gì tặng lại cho những khách qua đường bỏ vào chiếc nón, chiếc lon của họ một vài đồng. Càng tìm hiểu bộ môn hát xẩm, người ta sẽ càng thấy những nét đẹp nghệ thuật và tính nhân văn, tuy vậy, nghệ thuật hát xẩm đang có nguy cơ bị thất truyền.
Hiện tại, xẩm vẫn chưa được quan tâm đúng mức, rất khó để xẩm có được một đêm diễn cho riêng mình, dù sự ủng hộ của công chúng dành cho xẩm hiện nay không hề ít. Gần đây, những bài xẩm đưa lên mạng thu hút hàng triệu lượt xem, điều đó chứng tỏ xẩm vẫn có chỗ đứng trong lòng công chúng.
Đây cũng chính là lý do để Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc phối hợp cùng CLB Xẩm Hà Thành đưa xẩm lên sân khấu lớn, với khát khao sẽ tổ chức định kỳ hàng năm để xẩm khẳng định lại vị trí của mình trong nền âm nhạc dân gian đương đại.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc “Xẩm và đời” sẽ diễn ra vào hồi 20h ngày 20/1 tới đây tại Nhà hát lớn Hà Nội, do nhóm Xẩm Hà Thành phối hợp với nhiều nghệ sĩ, như NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Thúy Ngần, nghệ sĩ saxsophone Phan Anh Dũng, ca sĩ Hà Linh, Minh Kiên beatbox, nhóm nhảy Milky Way.
Những nghệ sĩ tham gia chương trình
Sự trở lại của xẩm lần này tại Nhà Hát Lớn sẽ mang dáng dấp phố thị, đến với chương trình “Xẩm và đời”, công chúng sẽ được thấy lại xẩm đã từng sống trong lòng Hà Nội ra sao và hiện đang phát triển như thế nào.
Lời ca sâu sắc, gần gũi với đời sống, thể hiện tâm tư, nguyện vọng của người dân, xẩm luôn có vị trí trong đời sống dù ở bất kỳ giai đoạn nào, dù xã hội đã thay đổi ra sao.
Trong đêm diễn “Xẩm và đời”, người đẹp Trà Ngọc Hằng và nhà thơ Vũ Quần Phương sẽ cùng dẫn chuyện. Hai người dẫn chương trình thuộc hai thế hệ, đều có sự yêu mến và trải nghiệm với xẩm, sẽ thể hiện sự chuyển giao và sức sống âm ỉ của một loại hình nghệ thuật những tưởng đã thuộc về quá khứ.
Nhà thơ Vũ Quần Phương
Chương trình gồm 3 phần: Xẩm xưa - Xẩm đương đại - Xẩm thử nghiệm. Xẩm xưa với những bài xẩm kinh điển từng rất phổ biến ở khắp miền Bắc những năm đầu thế kỷ 20, trong nhiều thập niên vắng bóng, những bài xẩm này vẫn được các nghệ nhân hát xẩm lưu giữ.
Xẩm đương đại vẫn là những làn điệu xẩm xưa nhưng được lồng ghép với những bài thơ mang hơi thở đương đại, để xẩm gần gũi hơn với đối tượng khán giả hiện nay. Xẩm thử nghiệm khai thác những ưu điểm của nhạc xẩm. Bản thân xẩm có tính ngẫu hứng từ nhạc cụ cho đến lời ca, rất tương đồng với những dòng nhạc thiên về tiết tấu (beatbox, hip hop, world music…).
Tại buổi họp báo giới thiệu chương trình nghệ thuật “Xẩm và đời”, Giáo sư Hoàng Chương đã có một “bật mí” thú vị rằng cháu ngoại của Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu sẽ biểu diễn xẩm trên sân khấu tới đây.
Khi gia đình Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cân nhắc tìm một bộ môn nghệ thuật để cháu theo đuổi, bác Lê Khả Phiêu đã quyết định phải cho cháu gái mình học hát xẩm. Sau quá trình theo học xẩm, giờ đây, cô bé đã có thể hát xẩm một cách tương đối thành thục và sẽ tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ.
“Để được như cụ Cầu, 100 năm nữa cũng chưa chắc có ai làm được”.
Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Ta nghe bừng tỉnh dậy/ Câu quan họ, xẩm xoan xưa vứt ngã ba đường/ Ðiệu lục bát và màu nâu nơi ruộng rẫy/ Bức tranh làng Hồ và cô tố nữ dáng quê hương…”.
Nói xẩm đặc biệt hơn một số loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian khác chính là bởi xẩm xưa “vứt ngã ba đường”. Những bến đò, bến chợ, ga tàu, góc phố… chính là không gian diễn xướng của xẩm.
Xưa người ta thường nghĩ những người hát xẩm là những người hành khất, đi ăn xin, nhưng thực tế, xẩm là môn nghệ thuật cứu rỗi con người, nâng đỡ con người lúc truân chuyên, lận đận, giúp đỡ họ cả về mặt tâm hồn lẫn phương kế mưu sinh.
Có lẽ vì hát xẩm từng có thời không được coi trọng nên những người hát xẩm đã sản sinh ra truyền thuyết về nguồn gốc của xẩm, rằng trước đây, từng có một vị hoàng tử bị đày ra khỏi cung, rơi vào cảnh mù lòa, vị hoàng tử đã phải kiếm sống bằng những bài xẩm.
Xẩm từng luôn song hành và phản ánh thế sự. Xẩm luôn luôn giao lưu, tương tác với khán giả. Sân khấu của xẩm trước đây chính là cuộc đời. Trải qua vài thập kỷ bị “đánh đắm” (mượn từ của nhà thơ Vũ Quần Phương), giờ đây xẩm - con tàu bị đắm ấy - được trục vớt lên và lại tiếp tục nhiệm vụ phản ánh sinh động đời sống đương đại. Gần đây, khán giả được thấy những xẩm Rau má, xẩm Tiễu trừ cướp biển, xẩm An toàn giao thông…
Xẩm lam lũ nhưng xẩm lạc quan. Những ai từng quan tâm tìm hiểu về xẩm hẳn đều biết đến cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Tất cả những ai từng gặp cụ Cầu đều nhận thấy rằng dù có vẻ ngoài vất vả, dù cuộc sống nhiều gian khổ, lận đận, nhưng cụ Cầu luôn dí dỏm, hài hước, dù ở bất cứ tuổi nào. Trong buổi biểu diễn tới đây, sẽ có con gái của cụ Hà Thị Cầu - chị Nguyễn Thị Mận - là khách mời đặc biệt.
Tại buổi họp báo, cụ Hà Thị Cầu luôn được nhắc tới như một biểu tượng của xẩm. Tính ngẫu hứng của xẩm rất cao, để vừa chứng kiến sự đời đã có thể đưa ngay vào câu hát, chỉ những nghệ nhân xuất chúng, đàn giỏi, hát hay, đồng thời là một nhà thơ dân gian như cụ Cầu mới có thể ứng tác được. Các nghệ sĩ của nhóm Xẩm Hà Thành đều khẳng định: “Để được như cụ Cầu, 100 năm nữa cũng chưa chắc có ai làm được”.
Trong đêm diễn “Xẩm và đời” ở Nhà Hát Lớn tới đây, nhiều người cho rằng với bộ môn rất đời như xẩm, khi không gian diễn xướng là những nhà ga, bến tàu, góc phố, với manh chiếu con, chiếc nón rách… mà đưa vào không gian biểu diễn sang trọng hàng đầu của thủ đô, có lẽ sẽ tạo nên sự khập khiễng.
Nhóm Xẩm Hà Thành khẳng định, trong văn hóa và nghệ thuật hát xẩm. Phần văn hóa hát xẩm đã mất, không còn những người khiếm thị đi hành nghề hát xẩm nữa, không thể bảo tồn ở không gian đích thực của xẩm như trước được nữa.
Với đời sống âm nhạc hiện đại, âm nhạc phương Tây tràn ngập đời sống tinh thần người Việt, bộ môn nghệ thuật truyền thống như xẩm đang gặp khó khăn trong việc bảo tồn. Giờ đây, người ta chỉ còn có thể phục dựng nghệ thuật hát xẩm.
Những nghệ nhân hát xẩm thực thụ cũng chỉ còn rất ít. Các cụ - người đã qua đời, người sức khỏe yếu - gần như không thể xuất hiện trên sân khấu biểu diễn phục vụ khán giả được nữa.
Được biết, sân khấu “Xẩm và đời” sắp tới đây sẽ tái hiện toàn bộ không gian Hà Nội khoảng thập niên 1930-1940 với ga tàu điện, quán cà phê Lâm, một góc phố, một ngõ chợ… Những không gian quen thuộc và rất đời ấy sẽ được đưa lên sân khấu Nhà Hát Lớn và xẩm sẽ được tôn vinh tại một sân khấu sang trọng hàng đầu thủ đô.
Theo Dantri.com.vn