Nhà văn Đặng Vương Hưng đã có gần 20 tác phẩm văn, thơ và 33 đầu sách sưu tầm, biên soạn và giới thiệu. Đặng Vương Hưng còn là người khởi xướng và tổ chức thành công nhiều công trình tác phẩm mang tính xã hội và nhân văn: Tổ chức cuộc vận động sưu tầm, biên soạn và xuất bản bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam” (đã được xác nhận Kỷ lục Việt Nam). Anh cũng là người khởi xướng 2 cuộc vận động: “Sưu tầm và giới thiệu kỷ vật kháng chiến” và “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND”, đồng thời là người sáng lập Tủ sách “Chuyện đời tôi” và tham gia tổ chức cuộc thi cho các phạm nhân toàn quốc viết tự truyện v.v... Với Đặng Vương Hưng, thời gian và tuổi tác dường như không hề làm vơi đi niềm đam mê sáng tạo của anh…
Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng khi khởi xướng cuộc vận động sưu tầm
và xuất bản bộ sách "Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam (2004).
+ Anh được biết đến là một nhà thơ rất có duyên với thể loại thơ lục bát, đặc biệt là “Học quên để nhớ”. Vì thế, nhiều người ngạc nhiên khi tác phẩm đầu tay của anh không phải là một bài thơ tình (như thường thấy), mà lại một truyện ngắn và… không thành công? Có phải vì thế mà anh “chuyển ngạch” sang thơ?
Nhà thơ Đặng Vương Hưng (NT ĐVH): 40 năm trước, tôi vốn là một học sinh học văn rất kém. Tổng kết lớp 10, điểm văn của tôi chỉ đạt trung bình. Một lần, thầy chủ nhiệm dạy văn đến nhà chơi, ngạc nhiên khi thấy gia đình tôi có một tủ sách lớn với hàng ngàn cuốn sách quý. Thầy mang chuyện này công khai ra lớp: “Tôi thấy cậu Hưng rất chăm đọc sách, mà sao học văn lại kém vậy”. Bị chê bai trước các bạn, tôi rất xấu hổ và “trả thù” thầy bằng cách… quyết tâm viết văn!
Đó là khoảng cuối năm 1976, khi tôi từ một đơn vị huấn luyện tân binh về nhận nhiệm vụ ở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Bắc (cũ). Hằng đêm, tôi lặng lẽ lên phòng làm việc, tập sáng tác bằng máy chữ Optima. Truyện ngắn đầu tay mang tên “Người bạn gái” viết về mối tình của một anh bộ đội phục viên với một cô kỹ sư xây dựng. Bản thảo dài gần chục trang. Tôi hí hửng nộp cho Tạp chí Văn nghệ tỉnh.
Nhà văn Đỗ Nhật Minh đọc xong bảo: Nó vừa giống một bài nghị luận lại vừa giống một bản… báo cáo, nên không thể đăng được. Thấy tôi quá đam mê văn chương, nhà thơ Anh Vũ thương tình, khuyên tôi thử làm thơ xem sao. Thế là, những bài thơ ngắn viết cho thiếu nhi của tôi được các báo đăng tải từ đó.
+ Được biết đến với thơ, nhưng càng về sau, tên anh lại gắn với văn xuôi. Liệu có phải sự yêu thích đầu đời vẫn đeo bám anh?
NT ĐVH: Nhiều người cho rằng tôi là một cây bút xuất hiện và trưởng thành từ những điểm chốt của biên giới phía Bắc. Năm 1978, cả nước hừng hực khí thế chống xâm lược, tôi xung phong lên biên giới. Chính ủy Trung đoàn động viên tôi: “Cậu có năng khiếu văn học, nhưng chỉ làm thơ thôi thì chưa đủ, phải viết văn xuôi nữa. Đơn vị cũng rất cần những bài báo, thông tin kịp thời, chính xác để động viên tinh thần CBCS”.
Thế là từ làm thơ, tôi chuyển sang viết báo theo yêu cầu tuyên truyền. Tôi trở thành một cộng tác viên tích cực của chương trình Phát thanh QĐND và Báo QĐND. Tôi không có năng khiếu viết tin ngắn, mà viết gì cũng thành… mẩu chuyện văn nghệ.
Cũng thời gian này, được bạn bè khích lệ, tôi trở lại với truyện ngắn. Hàng chục truyện ngắn ra đời rất nhanh. Tôi cũng viết lại truyện “Người bạn gái” và được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội tháng 8/1980. Đầu năm 1980, Ty Văn hóa và Thông tin Hà Bắc tuyển chọn và xuất bản tập truyện ngắn “Người bạn gái” của tôi in chung với Xuân Lục. Đó là “sự kiện” ở địa phương, vì thời ấy việc ra sách riêng cực kỳ khó khăn. Cho tới nay tôi đã có hơn 40 cuốn sách, nhưng tác phẩm đầu tay thì không bao giờ quên.
+ Đến với thơ là do khuyến khích, nhưng anh vẫn ghi được dấu ấn khá sớm…
NT ĐVH: Những năm 1979 – 1984, không hiểu sao tôi viết khỏe như thế, thường tự đặt chỉ tiêu “mỗi ngày một bài thơ, mỗi tuần một truyện ngắn”. Thơ và truyện của tôi xuất hiện đều đặn trên hầu hết các báo ở Hà Nội. Năm 1983, một chùm thơ của tôi giành giải A trong cuộc vận động sáng tác cho thanh niên, do Hội Nhà văn Việt Nam và TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.
Nhà thơ Vũ Quần Phương có bài tổng kết “Chất trẻ trong hồn thơ” đánh giá cao chùm thơ này. Trong lễ trao giải, vì là “thủ khoa” nên tôi có vinh dự được ngồi cạnh nhà thơ Xuân Diệu. Ông đã mời tôi tới nhà riêng, động viên và khích lệ tôi rất nhiều. Ông góp ý cho tôi nhiều câu chữ trong từng bài thơ cụ thể… Sau này, do điều kiện công tác, tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi, nhưng Xuân Diệu vẫn là người có ấn tượng mạnh nhất.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng (người cầm ống nhòm) và các chiến sĩ trong một Tiểu đội bộ binh trên một điểm chốt bảo vệ Biên giới phía Bắc sau một trận đánh.
+ Những năm gần đây, anh tạo dựng được tên tuổi ở mảng tư liệu với nhiều tư liệu quý. Anh có thể chia sẻ “bí quyết”?
NT ĐVH: Năm 1990, khi về làm việc tại NXB CAND, tôi nhận ra mảng văn học tư liệu luôn là “đặc sản” của đề tài ANTT, được bạn đọc quan tâm đặc biệt. Sau này, khi làm báo chuyên nghiệp, tôi đã đi sâu khai thác triệt để thế mạnh này. Thật ra thì cũng chẳng có bí quyết gì cả, chỉ là lòng đam mê cộng với một chữ "duyên". Tôi có cách phát hiện và khám phá của riêng mình. Những bài viết của tôi, dù là bút ký, phóng sự, hay tư liệu, thì nhân vật được chọn không chỉ điển hình, mà còn có số phận và tính cách. Bởi thế, sau khi in trên báo, chúng thường được tuyển chọn lại, sửa chữa, bổ sung thêm nội dung chi tiết để đưa vào sách, mà vấn đề vẫn không bị cũ, bạn đọc vẫn quan tâm và yêu thích.
+ Lâu rồi không thấy anh xuất bản thơ. Có phải anh bỏ rơi “nàng thơ” vì mảng sách tư liệu chinh phục anh hoàn toàn?
NT ĐVH: Năm 2001, khi còn làm ở Báo An ninh thế giới, tôi xuất bản tập lục bát và lời bình “Học quên để nhớ”. Do cách ấn hành độc đáo, tập thơ đã in và tái bản nhiều lần, với lượng phát hành kỷ lục tới gần 5 vạn bản. Sau này, tôi biết rất khó xuất bản tập thơ nào vượt ngưỡng ấy, nên những sáng tác mới, chủ yếu tôi cho “xuất bản mạng” và lưu giữ trên Internet. Tôi sáng lập ra website Lục bát Việt Nam, một phần cũng nhằm mục đích ấy.
+ Lúc nào sức viết của anh cũng ngồn ngộn. Tới đây, bạn đọc sẽ được đón đợi từ anh những điều gì?
NT ĐVH: Tôi vừa chắp bút xong cuốn tự truyện “Không thể mồ côi” của Minh Vân, rất mừng vì được dư luận bạn đọc quan tâm. Tôi cũng đã đưa in một tập phóng sự tư liệu mới mang tên “Phát hiện và khám phá” dày hơn 400 trang. Hiện tôi đang gấp rút hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết “Những kẻ giời hành” và dự kiến xuất bản trong quý I năm 2015.
+ Xin cảm ơn nhà thơ Đặng Vương Hưng!
Ngô Thanh Hằng (Báo CAND)