Lời tác giả 'Quận Chúa Biệt Động'
Một ngày đầu mùa hạ năm 2007, ông Phạm Vũ Quỳnh, Thư ký riêng của Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo giới thiệu với tôi một bà cụ khoảng 80 tuổi, dáng người mảnh mai, gương mặt quý phái và phúc hậu. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại một quán cà phê nhỏ ở cuối đường Mai Hắc Đế - Hà Nội. Bà nói giọng Sài Gòn, pha giọng Huế và cả giọng Sơn Tây.
Cảm thấy câu chuyện của bà cụ không thể ngồi ở quán cà phê một buổi mà nghe hết được, tôi quyết định dành thời gian cùng bà về Đức Trọng (Lâm Đồng) và ở lại Tây Nguyên cả tháng trời, để được tiếp tục nghe câu chuyện đời khó tin mà thật đó. Bà cụ đã kể rất nhiều về cuộc đời mình, xen giữa câu chuyện, nhiều lần bà bật khóc, khiến gương mặt già nua cứ giàn giụa nước mắt...
Thì ra, bà cụ là nhân chứng của một trong những thời kỳ hào hùng, nhưng cũng bi thương của lịch sử nước nhà.
Bài viết này chỉ xin giới thiệu tóm tắt những sự kiện chính trong cuộc đời đầy thăng trầm và sóng gió ấy. Bởi những chi tiết cụ thể đã có trong cuốn sách “Quận Chúa Biệt Động” mà bạn đang có trên tay.
1.
Người phụ nữ ấy sinh ra trong một gia đình có thể gọi là “danh gia vọng tộc”. Theo gia phả và lời kể của những người thân trong gia đình dòng tộc, thì bà là hậu duệ của quan Thượng thư Phạm Đăng Hưng, gốc Hoa Lư - Ninh Bình. Dù không hề được triều đình sắc phong, nhưng từ hồi nhỏ bà vẫn được một số người gọi là “Quận Chúa”. Một thời, bà đã sống trong nhung lụa và lễ nghi. Nhưng cái thời ấy với bà thật ngắn ngủi, chỉ còn trong ký ức xa mờ.
Người phụ nữ ấy có rất nhiều tên. Khi còn nhỏ, người ta gọi bà là “Quận Chúa Ngọc Diệp”. Bà tuổi Nhâm Thân, sinh ngày 28 tháng 4 năm 1932 ở Huế, nhưng trong thời gian hoạt động Cách mạng (1945 - 1975), bà lần lượt mang hai thẻ căn cước do chính quyền cũ cấp, với nội dung khác nhau: Phạm Ngọc Diệp sinh ngày 28 tháng 4 năm 1932 tại Sơn Tây; và Nguyễn Như Diệp sinh ngày 28 tháng 4 năm 1932 tại Trà Vinh. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, khi sống trong “Đoàn 307 Liên Hợp Quốc”, bà có tên là Huỳnh Thu Nga và mang bí danh là H12. Khi sống cùng Anh Hai “Xe Ngựa” (đồng chí Phạm Văn Xô, nguyên Thường vụ Xứ uỷ Nam Bộ) bà thường được gọi là út Diệp, hoặc út Đẹt (vì người nhỏ nhắn, gầy ốm). Khi sang Cộng hoà Pháp học Y khoa, bà có tên là Léna Phạm. Đặc biệt là từ ngày tham gia hoạt động trong lực lượng Cảm tử quân của Trung ương Cục miền Nam và Biệt động thành Sài Gòn, do yêu cầu công tác bí mật, để che mắt địch, bà phải thay tên, đổi họ liên tục: Ba Diệp (tức Nguyễn Như Diệp); Cô Tư Mắt Kiếng (vì bị cận thị, phải đeo kính thường xuyên); Lâm A Mùi (thời gian sang Lào vận chuyển vàng và đôla về Việt Nam, 1961-1962); Thu Nga, Hoàng Nga (thời gian làm tiếp tân Tổng thống phủ Sài Gòn, 1964-1965); T2R; TW307... Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, để tránh sự trả thù và truy sát của kẻ xấu, theo lời khuyên của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, bà đã đổi họ tên mới là Đặng Hoàng Ánh, sinh năm 1940. Với họ tên này, bà đã được Công an tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng minh nhân dân số 250272236, ngày 19 tháng 10 năm 1984.
Hiện bà Đặng Hoàng Ánh đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng - nơi từng là “vùng đất dữ” một thời, bởi những hoạt động của tàn quân phản động FULRO, trước khi bị lực lượng An ninh ta triệt phá.
Đặng Hoàng ánh là con người của một thời. Không chỉ có cha mẹ, mà chính là chiến tranh và loạn lạc đã sinh ra người như bà. Ngay từ tuổi ấu thơ, bà đã phải chứng kiến quá nhiều chuyện máu lửa, chia ly và chết chóc. Không còn gì đau đớn hơn, khủng khiếp hơn là một cô bé mười ba tuổi phải tận mắt nhìn thấy xác mẹ và nhiều người nhà bị chặt đầu, chặt tay chân nằm trong vũng máu.
Nhà tan, cửa nát, không được người thân thích cưu mang, út Diệp từng phải vừa đi học, vừa lang thang trên đường phố để kiếm sống. Cô bé đã lần lượt được các đồng chí Phạm Hùng và Phạm Văn Xô - những người có mối quan hệ đặc biệt với gia đình cô, cưu mang, đùm bọc và dạy dỗ nên người. Đặc biệt là đồng chí Phạm Hùng (cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), khi còn tuổi thiếu niên, đi rải truyền đơn Cách mạng, bị Pháp bắt đưa ra tòa xét xử, từng được cha của út Diệp là Phạm Đăng Chất làm Chánh lục sự Tòa án Mỹ Tho cứu thoát án tử hình, nên đã nhận ông là cha nuôi, coi út Diệp như em gái.
Cũng vì căm thù giặc đã sát hại cha mẹ mình, mà cô bé út Diệp đã dám ném lựu đạn giết Tây trước cửa Rạp Nguyễn Văn Hảo (Sài Gòn). Một lần, được tin vua Bảo Đại cùng Hoàng hậu Nam Phương tới thăm Trường Gia Long, út Diệp đã dẫn đầu một tốp nữ sinh bất ngờ xông vào xé áo bào và cắn tay nhà vua đến chảy máu. Vì tội này mà cô và nhóm bạn đã bị lính bắt nhốt vào bót Catina, rồi chính Bảo Đại phải can thiệp để cô được thả ra.
2.
Tháng 7 năm 1952, sau khi thi lấy bằng Tú tài bán phần, út Diệp được tổ chức cử sang Campuchia tham dự lớp huấn luyện phản gián, do nhà tình báo Đào Phúc Lộc phụ trách. Tháng 7 năm 1953, cô về Sài Gòn tiếp tục học hết tú tài, sau đó thi vào Đại học Y khoa.
Một năm sau, nhờ học giỏi và thi đạt kết quả cao, út Diệp đã giành được học bổng để sang Pháp tu nghiệp. Được các đồng chí của tổ chức Đảng ủng hộ động viên: “Cố gắng học thành tài để sau này về phục vụ Cách mạng”, cô đã sang Cộng hòa Pháp và thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa
Nhưng mới chỉ học được mấy tháng thì Chính phủ bảo lãnh cho cô đi du học sụp đổ, nguồn học bổng chu cấp từ trong nước hàng tháng vì thế cũng bị cắt luôn. út Diệp phải dọn xuống ở nhờ “gầm cầu thang” nên ngoài giờ học, cô xin đi làm bồi bàn, rửa bát ở các nhà hàng để có tiền ăn và tiếp tục việc học hành.
Nhớ lời dặn của các chú, các anh giao nhiệm vụ, sau khi lấy được bằng tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa loại giỏi ở Pháp, út Diệp quyết định rời
Bác sĩ Nguyễn Như Diệp (Ba Diệp) được Bộ Y tế của Chính quyền Sài Gòn phân công về làm việc tại Khoa Ngoại - Sản, Bệnh viện Đô thành Sài Gòn, thời gian sau được điều lên tăng cường cho Bệnh viện Đà Lạt.
Tuy nhiên, cũng ngay sau khi về nước, Ba Diệp đã bắt liên lạc được với tổ chức và bắt đầu hoạt động ngay với vai trò là một cán bộ biệt động bán công khai trong lòng địch. Cô tham gia diệt ác trừ gian, phá ngục cướp tù...
3.
Là một phụ nữ có nhan sắc, nên bà Đặng Hoàng Ánh từng được nhiều người đàn ông yêu mến. Đặc biệt trong đời, bà có hai người đàn ông có mối quan hệ cực kì sâu sắc, một vì nghĩa và một vì tình; không thể nói ai hơn ai và cũng không thể quên được ai.
Trước hết, phải kể đến “mối tình đơn phương” của ông Trần Văn Phước, một cán bộ cách mạng hoạt động luồn sâu, leo cao trong lòng địch, có bí danh là “C16”. Cha mẹ và hai em của Phước đã bị quân Nhật sát hại năm 1944. Anh được đồng chí Phạm Thành, phụ trách cung cấp hậu cần Khu 9 nhận làm con nuôi. Do Phước học rất giỏi, sau khi tốt nghiệp loại ưu Đại học Luật tại Pháp, anh khéo léo chiếm được cảm tình của Ngô Đình Thục (anh trai Tổng thống Ngô Đình Diệm), nên được ông ta đỡ đầu, cho làm quan chức lớn từ khi còn rất trẻ. Trước ngày út Diệp sang Pháp du học, cô về thăm bà ngoại ở Vĩnh Long, tình cờ gặp Tỉnh trưởng Trần Văn Phước trong một bữa tiệc. Trước vẻ đẹp rực rỡ của cô gái mới lớn, Phước mê ngay. Quá tự tin vào bản thân mình, bởi anh đang là một tỉnh trưởng trẻ tuổi, hào hoa và quyền thế; Phước đã tỏ tình và thậm chí xin “cưới liền tay”. Nhưng út Diệp đã từ chối, hẹn ngày học xong mới trả lời. Phước thề sẽ không lấy ai để chờ út Diệp.
Khi Trần Văn Phước được Chính quyền Sài Gòn điều lên Cao nguyên làm Tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức(1) một năm, thì út Diệp (lúc này đã được gọi là Ba Diệp) cũng được điều lên làm việc ở Bệnh viện Đà Lạt. Hai người bất ngờ, bối rối nhận ra nhau. Nhưng khi đó, Ba Diệp đã có chồng và đang mang thai đứa con đầu lòng.
Chuyện lấy chồng của bà Đặng Hoàng ánh là cả một sự bi hài, khiến bà đã phải trả giá cho đến hết cuộc đời. Sau khi từ Pháp trở về nước chưa đầy một năm, theo yêu cầu của nhiệm vụ, út Diệp đã kết hôn với một người đàn ông để tạo thêm “vỏ bọc” dễ hoạt động. Người chồng tương lai của cô là Giáo sư, Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt, quê ở Long Xuyên, bạn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Bác sĩ Kiệt hơn út Diệp tới 24 tuổi. Là một trí thức rất nổi tiếng ở miền
Và cái đám cưới ấy đã diễn ra vào ngày 29 tháng 8 năm 1959. Hôn lễ được tiến hành tại Nhà thờ Lớn Sài Gòn theo phong cách Tây phương khá trang trọng. Khi vừa tiễn quan khách ra cửa, út Diệp đã tự lái xe về nhà riêng, cô kiên quyết không cho chú rể “động phòng”. Phải mười ngày sau, thuyết phục mãi, ông Kiệt mới đưa được cô sang Nhật Bản hưởng tuần trăng mật. Sang tới nơi, út Diệp kiên quyết không cho chú rể ngủ cùng phòng. Ông Kiệt ức quá, tuyên bố: Nếu không chịu mở cửa ông sẽ tự sát bằng cách nhảy lầu, hoặc bắn một viên đạn vào đầu... út Diệp phát hoảng, vì biết rằng một trí thức lịch lãm, trọng danh dự như Đào Tuấn Kiệt đã nói là sẽ làm thật, nên cô đành phải miễn cưỡng chấp nhận chuyện vợ chồng giữa hai người. Kết quả sau chuyến đi này, cô đã có thai, sinh được một con gái, đặt tên là Đào Kim Chi...
Tại Đà Lạt, thấy người mình yêu đã lấy chồng và có con, Trần Văn Phước chán nản và thất vọng tới mức có lần ông mượn cớ sinh nhật, sau khi uống say, ông đã tự rút súng bắt thủng bụng mình trước mặt Ba Diệp (tức út Diệp), khiến cho chị phải đưa đi cấp cứu, trực tiếp cầm dao phẫu thuật lấy đầu đạn ra... Khi Đào Tuấn Kiệt cùng phái đoàn của Bộ Y tế Chính quyền Sài Gòn lên thăm Đà Lạt đã diễn ra một cuộc đấu khẩu trực diện và sòng phẳng giữa hai người đàn ông. Nếu Ba Diệp không xuất hiện kịp thời, rất có thể một cuộc đấu súng đã diễn ra sau đó. Tuy nhiên, cả hai sau đó đã bắt tay nhau, cùng âm thầm chăm sóc cho Ba Diệp. Thậm chí, để tạo bình phong cho Ba Diệp dễ dàng hoạt động, Trần Văn Phước đã làm thủ tục đăng ký kết hôn để Ba Diệp được gọi là “Tỉnh trưởng phu nhân”. Nhưng hai người chưa bao giờ là vợ chồng.
Trần Văn Phước là người lịch thiệp và lãng mạn. Ông rất yêu văn thơ, nhạc họa, thích giao du, kết bạn với các văn nghệ sĩ. Một trong những nhà thơ mà ông mến mộ nhất là Nguyễn Bính, tác giả của “Lỡ bước sang ngang” nổi tiếng thời bấy giờ. Khi còn là học sinh, Phước đã nhiều lần rủ bạn bè đến nghe Nguyễn Bính đọc thơ. Thậm chí, trước khi Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, trong một Hội nghị ở Vĩnh Long do Trần Văn Phước chủ trì, nhà thơ “chân quê” Nguyễn Bính còn được mời làm khách danh dự.
Cũng từ đó cho đến cuối đời, “C16” - Trần Văn Phước đã không chịu yêu và cưới một người phụ nữ nào. Năm 1963, ông bị lực lượng đảo chính của Dương Văn Minh bắt giam biệt tích. Năm 1968, như sự sắp đặt của số phận, ông được Ba Diệp cứu thoát tình cờ tại Đà Lạt trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân - 1968. Trần Văn Phước đã trở thành “Thương phế binh có công” và được Chính quyền Sài Gòn thăng hàm tới cấp Trung tướng. Sau ngày giải phóng miền
4.
Là vợ của một trí thức nổi tiếng Sài Gòn, nhưng đồng thời còn trong vai là “phu nhân” của Đại tá Tỉnh trưởng Tuyên Đức, rồi Tỉnh trưởng Gia Định... Ba Diệp có rất nhiều lợi thế để thực hiện các nhiệm vụ được Cách mạng giao phó trong điều kiện vừa bí mật, vừa công khai. Nhờ đó, mà rất nhiều lần chị đi máy bay từ sân bay Liên Khàng (nay là sân bay Liên Khương - Đà Lạt) sang Lào, nhận vàng và đô la, vận chuyển về tiếp tế cho Cách mạng miền Nam qua một đường dây đặc biệt. Cũng rất nhiều lần chị một mình công khai lái xe chở hàng của địch từ Thành phố Đà Lạt vào tiếp tế cho Khu 6, trong giai đoạn khó khăn nhất của địa bàn này.
Cũng nhờ có lợi thế về hình thức, nhan sắc và ngoại ngữ, nên Ba Diệp từng được nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Cố vấn Tổng thống Chính quyền Sài Gòn, sử dụng làm “Tiếp tân Tổng thống phủ” dưới vỏ bọc là ca sĩ Thu Nga (hay Hoàng Nga). Chính nhờ nhiều lần tiếp các đoàn ngoại giao và các quan chức, tướng lĩnh cao cấp của chính quyền Sài Gòn thời đó, nên chị đã có thêm điều kiện để lập công.
Trong khoảng 30 năm (1945 - 1975), vừa công khai vừa bí mật, Ba Diệp đã trực tiếp tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tên địch.
Tiêu biểu và táo bạo nhất là trận đánh Tòa Đại sứ Mỹ năm 1965, diệt và làm bị thương nhiều sĩ quan và nhân viên ngoại giao Mỹ. Đây là một trong những trận đánh đầu tiên của quân và dân miền Nam với quân Mỹ, khi chúng mới đặt chân tới Sài Gòn. Sau trận đánh này, do bị lực lượng cảnh sát và mật thám địch truy nã gắt gao, út Diệp đã phải trốn vào chùa làm ni sư. Nhiều tháng sau, chị mới liên lạc được với tổ chức.
Với thành tích đặc biệt kể trên, năm 1966, út Diệp đã vinh dự được tham gia Đoàn đại biểu Anh hùng Chiến sĩ Thi đua của miền Nam ra thăm miền Bắc và được gặp Bác Hồ. Được cùng ăn cơm và chụp ảnh chung với Bác. (Tấm ảnh quý giá này, hiện đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh - Hà Nội; số KK: QĐ 743, 744/ Q6).
Đoàn đại biểu Anh hùng Chiến sĩ Thi đua của miền Nam có chín người, trong đó có ba nữ là chị Tạ Thị Kiều, chị út Hí (tức Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân út Tịch) và út Diệp (tức Ba Diệp, Phạm Ngọc Diệp, Nguyễn Như Diệp, Đặng Hoàng ánh...).
Bà Đặng Hoàng Ánh cho biết: Những tình tiết trong phần đầu cuốn sách này, bà cung cấp cho tôi là dựa theo lời kể của người cha trước khi ông cụ bị giặc Pháp sát hại. Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo tư liệu từ nhiều nguồn sách báo viết về lịch sử và truyền thống của Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Thuận, Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An và lịch sử Trung ương Cục miền Nam...
5.
Tháng 8 năm 1969, sau khi tiến hành vụ ám sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không thành, Ba Diệp đã xung phong đánh bom cảm tử vào Rạp Ngọc Lan - Thành phố Đà Lạt. Hàng trăm sĩ quan Mỹ, nguỵ chết và bị thương. Cả Đà Lạt náo loạn bởi tiếng còi xe cấp cứu và sự truy lùng thủ phạm của cảnh sát. Nhưng cũng trong trận đánh này, Ba Diệp đã bị một mối hiềm khích cá nhân khó nói. Chán nản, chị đã xung phong cùng đội cảm tử sang công tác và chiến đấu tại chiến trường Lào ba năm. Trong một trận đánh, một mảnh đạn nhỏ găm vào hộp sọ, phía sau tai trái của Ba Diệp. Nhưng chị chỉ băng bó tạm và chung sống với mảnh đạn ấy suốt cả một thời gian dài.
Cuối tháng 4 năm 1972, Ba Diệp bí mật về nước để cùng một nhóm biệt động thâm nhập vào cứ điểm Đắc Tô - Tân Cảnh của địch, góp phần cùng bộ đội chủ lực tiêu diệt chúng. Khi vừa trở lại Đà Lạt thăm con, mua gạo tiếp tế cho Khu 6, chị đã không may sa vào tay giặc...
Ba Diệp bị bắt khi đang ăn tối, bọn địch đưa chị về giam tại Ty An ninh tỉnh Tuyên Đức. Chị bị địch giam giữ và tra tấn ở đây suốt ba tháng trời. Cùng một phòng giam với chị còn có một nữ tù tên Nguyễn Thị Dương và sinh viên Trương Đình Thành. Chúng đã tra tấn, đánh đập cả ba người hết sức tàn bạo. Chị Dương đã bị chết trong tù. Anh Thành hiện còn sống, nhưng đã trở thành người tàn phế. Riêng Ba Diệp bị bọn địch dùng dao rạch nát kẽ tay và cắt gân chân... Một người Bác sĩ tốt bụng đã bí mật báo cho “C16” biết tin. Trung tướng Trần Văn Phước đã xin “lệnh bài” của Tổng thống Phủ và lấy trực thăng bay từ Sài Gòn lên Đà Lạt để cứu Ba Diệp thoát khỏi nhà tù...
Ba Diệp có mặt tại Đà Lạt từ những ngày thành phố hỗn loạn vì quân địch bỏ chạy khỏi Cao Nguyên. Chị đã tổ chức cứu chữa cho hàng trăm người bị thương, rồi sau đó, tham gia đoàn công tác của đồng chí Phạm Hùng từ Đà Lạt tiến về giải phóng Sài Gòn...
6.
Chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong lúc đang cùng đoàn cán bộ Quân quản làm việc tại Dinh Độc Lập, Ba Diệp đã ngất xỉu bởi vết thương trên đầu tái phát, do nhiều ngày thức đêm căng thẳng và làm việc quá sức. Đồng đội lập tức đưa chị tới bệnh viện cấp cứu.
Khi tỉnh dậy, Ba Diệp thấy mình đang nằm trong Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Chị lơ mơ nghe các Bác sĩ nói mình đã được phẫu thuật cách đó hơn một tuần. Họ đã lấy được một mảnh đạn nhỏ 3 ly, nằm trong hộp sọ, sau tai trái của Ba Diệp. Vì nhóm máu O của chị quá hiếm, một bác sĩ người Mỹ tốt bụng đã xung phong hiến máu cho chị...
Rồi chị lại ngất đi, không biết gì nữa. Chị đã sống mê man như người thực vật...
Mãi ba tháng sau, Ba Diệp mới tỉnh dậy lần thứ hai, thấy mình đang trong Bệnh viện Chợ Quán. Người Bác sĩ reo lên khi biết Ba Diệp tỉnh lại. Những ngày đó, chị cứ lơ ngơ, nửa mê nửa tỉnh.
Rồi tới một ngày, Ba Diệp nghe lỏm các Bác sĩ nói với nhau: Bà này bị “nẹc-vơ” (bây giờ gọi là “tâm thần”) rất nặng, chuẩn bị cho đi nhà thương điên ở Biên Hòa.
Ba Diệp hoảng quá, liền tự bỏ Bệnh viện ra về trong tình trạng nửa tỉnh, nửa mê, nhiều khi không biết mình là ai, không nhớ quá khứ của mình thế nào và không một thứ giấy tờ tùy thân.
Theo bản năng, chị tìm về căn nhà cũ của mình trong một con hẻm nhỏ, ở gần Chợ Cây Quéo - Gia Định. Ngôi nhà lâu không có người ở, hoang tàn như người chủ của nó.
Không có lương, không tiền trợ cấp, để có thể sống tồn tại được hàng ngày, Ba Diệp phải ra chợ trời buôn bán. Chị mua đồ cũ của vợ con công chức chế độ cũ, vợ sĩ quan binh lính Sài Gòn, từ quần áo, đến cát sét, ti vi, tủ lạnh... (họ bán dần đi để lấy tiền ăn), rồi mang ra chợ hè phố Huỳnh Thúc Kháng bán. Gặp gì mua nấy, có lời là bán, miễn là kiếm được mấy đồng để mua gạo, mua rau sống qua ngày.
Cũng vì buôn bán ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng - Sài Gòn mà trong một cuộc truy quét tệ nạn xã hội, Ba Diệp đã bị bắt đưa đi lao động cải tạo tại trại Ba Reng, thuộc huyện Mộc Hóa tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Campuchia. Khi quân Pôn Pốt tấn công xâm chiếm biên giới, trại Ba Reng bị tan rã, Ba Diệp thoát được về Sài Gòn, rồi lên Đà Lạt. Chị phải thuê nhà, sống bằng nghề chữa bệnh “chui” và buôn thuốc Tây ở chợ trời.
Trí nhớ khôi phục dần, Ba Diệp thường kể cho các con nghe về cuộc đời hoạt động của mình. Chị cũng hay nhắc đến “Cậu Hai Phạm Hùng”, lúc đó đã là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đài báo thường xuyên đưa tin và nói tới. Lũ trẻ nhà chị không tin, cứ thắc mắc hoài: “Sao má quen nhiều người là lãnh đạo, lại có Cậu Hai làm lớn, mà sao cuộc sống cả nhà vẫn khổ thế?”.
Ba Diệp không biết giải thích cho các con thế nào. Sau khi sinh con gái đầu lòng Đào Kim Chi năm 1960, năm 1962 chị sinh tiếp con trai Trần Tấn Phúc. Nhưng chỉ nuôi được 1 tháng 24 ngày thì cháu đã bị bắt cóc tại Đà Lạt và mất tích từ đó. (Mãi tới năm 2006, bà Đặng Hoàng ánh mới được tin con trai mình còn sống, hiện đã trở thành một nhà sư đang tu hành tại Cộng hòa Pháp).
Năm 1973, một hôm “C16” - Trần Văn Phước mang đến cho Ba Diệp một cậu bé chừng ba - bốn tuổi, tên gọi thân mật là Jacquet, người gày ốm, nói là ba mẹ cậu đều là cán bộ cách mạng, nhưng đã hi sinh, không còn ai thân thích. Ba Diệp đã thương yêu, coi thằng bé như con, sau đó chị làm giấy khai sinh đặt tên là Đặng Anh Quân.
Năm 1976, khi phát hiện mình bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, Giáo sư Đào Tuấn Kiệt đã quyết định sống li thân với vợ con. Ông về quê ở ẩn, còn bao nhiêu tiền đem tặng nhà chùa làm từ thiện hết, rất hiếm khi ông liên lạc với mẹ con chị. Có thời gian, ông ở chung với thi sĩ Bùi Giáng. Hai người có vẻ rất thân nhau. Đào Tuấn Kiệt đã mất năm 1982.
7.
Cũng năm 1982, trong chuyến công tác tại Đà Lạt, đồng chí Phạm Hùng, khi đó đang đảm nhiệm trọng trách Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ghé thăm nhà Ba Diệp, thấy cảnh nhà nghèo đói, ông đã cứu trợ gia đình chị hai bao gạo.
Một buổi tối sau đó ít lâu, Ba Diệp bị hai người đàn ông lạ mặt “bắt cóc” lên xe U-oát chở ra Bắc. Mãi sau này chị mới biết mình được bí mật đưa đi khỏi Đà Lạt là để tránh sự hiểu nhầm của một vài đồng đội và sự truy sát của kẻ xấu.
Đã từ lâu, Ba Diệp phải một mình nuôi con. Những đứa con của chị đã không được hưởng trọn vẹn tình yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ. Hồi con còn nhỏ, để có thời gian đi hoạt động cách mạng, Ba Diệp phải gửi con gái cho trường tư thục của nữ tu viện dòng Thánh Phaolo ở Đà Lạt nuôi giúp. Thời gian chị bất ngờ bị bắt đi cải tạo lao động ở Ba Reng, hai chị em Kim Chi và Jacquet (sau này được đặt tên là Đặng Anh Quân) bơ vơ không nơi nương tựa, đã phải bỏ nhà đi ăn xin. Hai chị em dắt díu nhau lang thang, lạc mãi xuống tỉnh Vĩnh Long, rồi tá túc trong chùa Long Thạnh, được nhà sư Trí Phước cưu mang...
Tai họa và bất hạnh liên tiếp giáng xuống gia đình bà Đặng Hoàng ánh: Năm 1985, cô con gái Đào Kim Chi của bà bất ngờ chết trong một tai nạn giao thông, để lại hai đứa cháu ngoại bé bỏng.
Nỗi đau mất con gái còn chưa nguôi thì năm 1994, đến lượt anh con nuôi Đặng Anh Quân lại bị tai nạn giao thông vỡ hộp sọ, gãy chân trái và gãy cả hai tay, bà Hoàng ánh đã phải đưa Quân về Bệnh viện Chợ Rẫy chạy chữa. Từ một thanh niên to khỏe, Quân chỉ còn da bọc xương và nặng... 25 kilôgam.
Sau gần một năm trời, Quân đã thoát khỏi tử thần, nhưng đầu óc anh không được như người bình thường, thỉnh thoảng lại “lên cơn” không làm chủ được mình. Vì thế, cô vợ của anh đã một mực đòi li dị chồng, bỏ lại hai đứa con nhỏ để đi tìm hạnh phúc mới.
8.
Bà Đặng Hoàng ánh tâm sự: “Trời cho tôi ba đứa con, thì hai đứa bị tai nạn giao thông (đứa chết, đứa bị thương), một cháu còn lại, chưa kịp nuôi đã bị bắt cóc, giờ làm Thầy chùa ở xứ người. Sao ông trời nỡ bắt tôi khổ làm vậy?”.
Có người hỏi: “Vậy bà có tin vào số mệnh không?”. Bà nói: “Trước đây thì không, nhưng giờ thì không thể không tin. Vợ chồng tôi đều là Bác sĩ giỏi. Trong suốt cuộc đời hành nghề y chữa bệnh, chúng tôi đã cứu sống hàng ngàn người. Nhưng thời chiến tranh, cũng vì nhiệm vụ, chúng tôi đã tham gia hàng trăm trận đánh. Người chết và bị thương nhiều lắm... Nhiều đêm, tôi vẫn thấy họ hiện về... Hình như...”. Bà ngập ngừng không nói hết.
Bà Đặng Hoàng Ánh bắt đầu nảy ra ý tưởng viết “tự truyện” vào ngày 2 tháng 9 năm 1959. Đó là một đêm trực, chỉ có một mình ở Bệnh viện, quá buồn vì không biết làm gì, người nữ Bác sĩ trẻ chợt nảy ra ý định viết lại cuộc đời mình. Bà chọn một cuốn “CASH” - loại sổ do Pháp sản xuất, bìa cứng, bọc vải, khổ rộng, ruột kẻ ô-li, có đánh số trang, chuyên dùng cho các bệnh viện ghi danh sách bệnh nhân. Cứ mỗi đêm trực, nếu có thì giờ rảnh rỗi là bà lại ghi chép một vài trang, vừa kể lại những chuyện mình chứng kiến trong ngày, vừa hồi tưởng, suy ngẫm lại những chuyện đã qua. Viết tới đâu, bà thường ghi địa danh và ngày tháng tới đó (kiểu như người ta ghi nhật ký). Bà lại tự gọi đấy là cuốn “hồi ký, hay là ký sự cuộc đời tôi”. Về nghệ thuật, bút pháp thể hiện, bà tự nhận: “Tiếc quá, tôi tốt nghiệp Y khoa. Văn chương tôi chỉ biết để làm việc cho nghề y. Chớ tôi không biết sáo ngữ, không biết viết văn. Nên sau nầy, cái quyển hồi ký, hay là ký sự cuộc đời tôi đi qua trong chiến tranh khói lửa, có ai đó vô tình đọc được, xin đừng trách tôi sao nói thật, không biết chuốt văn cho khéo. Sức của tôi có chừng đó, tôi đâu phải là văn sĩ, hay là thi nhân...”.
Tổng cộng đã có tới cả trăm trang sổ tay, dày đặc chữ được bà Đặng Hoàng ánh viết trong khoảng thời gian 15 năm (1959 - 1975). Tuy nhiên, đó chỉ là những trang tư liệu, được sắp đặt lộn xộn và thiếu tính logic; bởi người viết thấy gì thì ghi đó, nghĩ sao thì viết vậy, lẫn lộn giữa kể chuyện với nghị luận, theo lối văn cũ; có rất nhiều đoạn nội dung và chủ đề trùng lặp; nhiều đoạn đối thoại, là văn nói, nhưng lại không xuống hàng, hay cách đoạn, rất khó phân biệt.
Trang viết cuối cùng của cuốn sổ “Ký sự cuộc đời” nói trên, được người nữ Bác sĩ khép lại vào ngày 26 tháng 4 năm 1975. Trước khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, Bác sĩ Ngọc Diệp giao cuốn sổ cho người chị dâu là bà Thái Thị Sen giữ hộ. Do bận bịu mưu sinh, cuốn sổ đã bị lãng quên hơn ba mươi năm. Sau khi bà Sen qua đời, cuốn sổ đã được con cháu bà phát hiện và trao lại cho bà Đặng Hoàng ánh.
Một ngày đầu tháng 7 năm 2007, bà Đặng Hoàng Ánh đã chuyển cuốn sổ gốc cho tôi, với dòng bút tích viết thêm đoạn cuối: “Nay ủy quyền cho cháu tôi là nhà văn Đặng Vương Hưng thay mặt tôi toàn quyền biên soạn tư liệu ký sự nầy và viết lại theo ý nhà văn, để tuyên truyền văn học theo báo chí, để thế hệ tuổi trẻ mai sau lưu truyền theo lối văn mới”.
9.
Tôi đã đọc đi đọc lại rất kỹ cuốn sổ tay của bà Đặng Hoàng Ánh. Tôi hiểu rằng đây không phải là chuyện văn chương, mà là những trang đời đầy máu và nước mắt. Bởi thế, dù cuốn sách này đã được tôi trực tiếp viết lại và viết thêm, nhưng cốt truyện thì vẫn là của bà. Tôi chỉ là người giúp nhân vật chính kể lại câu chuyện cuộc đời mình và “thổi hồn” vào các tình huống và chi tiết; để sự kiện và nhân vật trong tác phẩm sống động hơn.
Về thể loại của cuốn sách này, tôi rất muốn coi đây là một cuốn tự truyện, thậm chí là một cuốn nhật ký, bởi những nhân vật, sự kiện của tác phẩm đều có thật, với ngày tháng cụ thể. (Trong thực tế, nhiều khi sự thật về cuộc chiến đấu hi sinh thầm lặng của những chiến sĩ Cách mạng còn li kì và hấp dẫn hơn mọi sự tưởng tượng và vượt lên trên khả năng hư cấu của nhà văn). Tuy nhiên, do nội dung tác phẩm đề cập đến một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn một trăm năm (từ đầu thế kỷ XX đến nay) và liên quan đến nhiều nhân vật lịch sử như: Nguyễn Tất Thành, Phạm Hùng; Phạm Văn Xô, Nguyễn Văn Linh, Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ... và một số quan chức của Chính quyền Sài Gòn cũ... hầu hết các nhân vật trong cuốn sách này đều không còn nữa; chúng tôi cũng không có điều kiện xác minh tất cả các chi tiết, thời gian và sự kiện theo lời kể của nhân vật chính; nên đành tạm đặt cuốn sách này vào loại Tiểu thuyết tư liệu. Nghĩa là, nếu trong tác phẩm còn có chi tiết nào đó mà quý bạn đọc cảm thấy chưa hoàn toàn chính xác như sự thật lịch sử, thì xin hãy coi đó như là “sự hư cấu của nhà văn”. Thêm nữa, trình độ và khả năng của người viết có hạn, nên chắc chắn tác phẩm không tránh khỏi những khiếm khuyết, kính mong được độc giả lượng thứ.
Để bạn đọc dễ theo dõi và cảm nhận, ngoài việc nội dung tác phẩm được trình bày theo từng chương, mỗi chương mang một tên riêng; chúng tôi còn đưa vào sách một số ảnh minh họa. Hầu hết những bức ảnh này là do bà Đặng Hoàng ánh cung cấp, từ lưu trữ riêng của gia đình bà. Một số ảnh tư liệu khác, do các đồng nghiệp gửi tặng và tác giả tự sưu tầm.
Để hoàn thành bản thảo cuốn sách này, tôi đã dành thời gian nhiều tháng trời. Nhiều lần, tôi đã ngồi cả buổi để nghe bà Đặng Hoàng Ánh kể chuyện. Đặc biệt, tôi đã hai lần đi Vĩnh Long, Bình Thuận... ba lần vào Lâm Đồng, theo chân bà Đặng Hoàng ánh đi khắp Thành phố Đà Lạt, nghe bà kể lại từng chi tiết nhỏ, với bao kỷ niệm buồn vui của một thời chưa xa. Tôi cũng đã cùng bà về huyện Đức Trọng, để ngủ lại trong ngôi nhà nhỏ giữa rừng. Theo bà ra rẫy, để cùng làm cỏ, tưới nước và bón phân cho những cây cà phê...
Không thể tưởng tượng nổi, một người từng là “lá ngọc cành vàng”, một người đã nhiều lần có trong tay những khoản tiền trị giá hàng triệu đô la, một cán bộ điệp báo biết bao lần “vào sinh ra tử”, gần suốt cuộc đời cống hiến và hy sinh cho kháng chiến... đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”, lại bệnh tật và thương tích đầy người, nhưng vẫn lao động vất vả kiếm sống, như một người nông dân thực thụ.
Nhiều đêm, tôi đã thức cùng núi rừng Tây Nguyên để nghe bà Đặng Hoàng ánh đọc kinh sám hối. Bà nói đã hai mươi mấy năm nay, đêm nào cũng vậy, trước khi đi ngủ và trước một ngày mới, bà đều gõ mõ và tụng kinh niệm Phật. Trong đêm vắng, tiếng tụng kinh của bà nghe như tiếng khóc than ai oán, khiến ai nghe thấy cũng không thể cầm lòng được.
Khi tôi hoàn thành bản thảo cuốn sách này, thì bà Đặng Hoàng Ánh, (tức “Quận Chúa Ngọc Diệp”) đã ở tuổi gần tám mươi. Cái tuổi mà người ta thường nói là “gần đất xa trời” và “không còn gì để mất”. Vậy tại sao bà vẫn quyết định cho công bố những câu chuyện rất riêng tư và cả những tư liệu, với nhiều sự kiện, chi tiết... như một bí ẩn của đời người?
Rất đơn giản, bởi đó là chiến tranh, là một thời kỳ bi hùng đáng nhớ của lịch sử dân tộc, mà theo chúng tôi, quý bạn đọc hôm nay và cả mai sau nữa, nên biết.
Hà Nội, tháng 5 năm 2008
Đặng Vương Hưng