Thứ bảy, 27/04/2024,


Xuân xóm chài (25/01/2009) 

 

Mùa xuân ở những xóm chài dường như đến muộn hơn. Khi nhà nhà đã nô nức sắm Tết thì những người đàn ông xóm chài vẫn lênh đênh trên biển những mong đánh được mẻ cá cuối cùng cho phiên chợ ngày giáp Tết...

 

Nên thương lắm những người đàn bà xóm chài phải đóng vai trò rường cột khi chồng, cha họ... vẫn còn kiên nhẫn tìm luồng cá ngoài khơi xa dù mùa xuân đã ngập ngừng trước cửa. Và mùa xuân chỉ thật sự về khi chiều 29, 30 Tết, những con thuyền cập bến với cá đầy khoang. Những mẹ, những vợ, những chị... kĩu kịt đòn gánh trên vai và đi bên cạnh là người đàn ông của họ với thân mình đẫm mùi biển cả và nụ cười sáng trên từng gương mặt...

 

Nhưng xóm chài có những ngày rất dài chuẩn bị cho khoảnh khắc thiêng liêng khi đón mùa xuân mới.Tôi nhớ những ngày giữa tháng mười âm lịch, tôi theo bạn bè đi tìm "đất sạn", một thứ cát biển màu sáng trắng lấp lánh, kích cỡ khoảng bằng hạt tấm, gánh về cất nơi góc sân. "Đất sạn" không dễ tìm, thường chỉ theo từng con nước thủy triều dạt vào bờ nên con gái xóm chài phải chăm chỉ đi tìm cả tháng trước khi Tết đến. Khi mẹ cha đang ngược xuôi với biển và từng buổi chợ thì góc sân nhà cũng chất đầy những gánh "đất sạn". Lặng lẽ thế để rồi đến trưa 30 tết, những khoảnh sân nhỏ chợt sáng bừng lên dưới nắng bởi lớp "đất sạn" mới rải đều trên bề mặt. Nhà nào có sân mới, đất đẹp cũng đồng nghĩa là có người con gái đảm...

 

        

 

Và khoảng rằm tháng chạp, những cậu bé quê tôi vẫn một buổi đến trường, một buổi đi tìm "mỏ cát". Cát dùng để thay lư hương vào mỗi chiều 30 Tết là loại cát trắng và nằm sâu trong từng đồi cát chạy dài theo bãi biển. Sau khi lấy về, cát sẽ được "rửa" sạch qua nhiều nước và phơi khô. Giữa phiên chợ Tết chật kín người, những cậu bé bán cát trông thảnh thơi hơn cả, dù đi đào cát rất vất vả và giá một lon cát chỉ vài trăm đồng... Có lẽ đó cũng là thú vui của trẻ xóm chài khi xuân đến...

 

Người xóm chài thảnh thơi nhất trong ngày mồng một Tết! Tôi nhớ cảm giác đón chờ người "đạp đất" vào ngày đầu năm mới. Cả nhà cùng mặc áo mới, sửa soạn bánh trái, trà nước và cùng trông ra ngõ. Cũng là những hàng xóm láng giềng thường ngày đấy thôi, mà sao hôm nay không khí bỗng trang trọng lạ lùng. Khi người lớn bắt tay nhau thì lũ trẻ con xúm xít khoe áo mới. Người xóm chài giản dị, những đồng tiền mừng tuổi không có phong bao đỏ, không thơm mùi giấy mới nhưng niềm vui vẫn tròn đầy...

Mồng hai Tết trở đi, nếu thời tiết thuận lợi, đàn ông xóm chài sẽ "xuất hành" đi biển. Chuyến ra khơi đầu năm có thêm những lễ vật trên thuyền chài và lời ước nguyện một vụ mùa đầy tôm cá với biển yên sóng lặng. Họ ra khơi mang theo niềm hy vọng của cả xóm chài...

 

Nhiều mùa xuân đã đi qua, tôi không còn là đứa trẻ xóm chài cứ đến rằm tháng mười lại đi tìm đất sạn. Nhưng mỗi khi xuân về vẫn thương lắm đôi bờ vai mảnh dẻ của con gái mới lớn khi đi tìm đất sạn và từng dãy dấu chân trần in trên cát ướt. Thương cả những cậu nhóc sáng đi học, chiều đi tìm "mỏ cát". Và thương những người đàn bà quê tôi phải quen với vai trò rường cột khi người đàn ông lênh đênh trên biển bốn mùa, cả lúc mùa xuân đang chờ trước cửa... Thương lắm mùa xuân xóm chài!

 

 

DIỆP ĐỒNG

(Tuoitre Online)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: