Lần đầu gặp nhà văn Đặng Vương Hưng trong không gian xanh mát và đầy trữ tình của Lục Bát Quán- Hội quán của những người yêu thơ văn Hà Nội, ông đã mang lại cho người đối diện những cung bậc cảm xúc khác nhau. Trước đây, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi luôn dành những tình cảm đặc biệt với những trang sách đầy lửa, đầy máu của thời đạn bom mà luôn ấm tình người như Nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc hay “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Nhà văn Đặng Vương Hưng chính là người làm cầu nối lịch sử bằng cách đưa những câu chuyện, những trang văn của chính những chứng nhân lịch sử ấy đến với bạn đọc.
Đại tá Nhà văn Đặng Vương Hưng
Những ngày cuối năm 2004, nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và tiến tới kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, Nhà văn Đặng Vương Hưng đã nhân danh một nhóm các Nhà văn Cựu chiến binh phát động Cuộc vận động Sưu tầm và Xuất bản bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”, bằng cách cho công khai đăng tải hướng dẫn thông tin nội dung tư liệu cần sưu tầm trên nhiều kênh từ báo chí đến tài liệu cá nhân cả trong và ngoài nước.
Từ ý tưởng của cá nhân một người yêu nước, có tâm có tài đó đã ra đời những tác phẩm ấn tượng như: Tài hoa ra trận (Nhật ký của Liệt sĩ Hoàng Thượng Lân); Trở về trong giấc mơ (Nhật ký của Liệt sĩ Trần Minh Tiến); Nhật ký Vũ Xuân; Sống để yêu thương và dâng hiến (Tập thư của Liệt sĩ Hoàng Kim Giao); Gửi lại mai sau (Nhật ký của Liệt sĩ Nguyễn Hải Trường)… Đặc biệt, 2 tác phẩm “Mãi mãi tuổi 20” và “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” đã trở thành hiện tượng trong đời sống của nhân dân cả nước năm 2005, cả hai tác phẩm đã được chuyển thể thành những bộ phim lấy đi nước mắt của nhiều thế hệ.
Để góp thêm mảnh ghép hoàn chỉnh hơn bức tranh về mảng sách tư liệu chiến tranh, Nhà xuất bản CAND vừa ấn hành xong tác phẩm “Không thể mồ côi” tự truyện của bà Minh Vân, con gái của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhà Tình báo vĩ đại Đào Phúc Lộc (bí danh Hoàng Minh Đạo). Dựa vào những ghi chép và lời kể theo trí nhớ của bà Đào Thị Minh Vân (năm nay đã gần 70 tuổi), Nhà văn Đặng Vương Hưng lại một lần nữa chắp bút cho một tác phẩm theo thể loại “Chuyện đời tôi” ra đời.
Tác phẩm “Không thể mồ côi” với gần 500 trang sách là những câu chuyện đời thực, được chính bà Minh Vân - người con của hai liệt sĩ Tình báo kể lại. Theo chia sẻ của nhà văn, nguyên gốc bản thảo của cuốn sách là khoảng 200 trang A4 chữ dày chi chít, hầu như không xuống dòng, thậm chí tất cả các từ, các câu là tiếng Việt không dấu. Câu chuyện được kể lại hoàn toàn chân thực và sống động nhưng liệt kê theo trí nhớ của chính nhân chứng lịch sử và thiên về tư duy của nhà làm Kinh tế, chuyên về quản trị kinh doanh nên có phần hơi khô khan và khó hiểu. Ông đã dành tâm huyết hàng tháng trời, mời tác giả tham dự Trại sáng tác tại Đà Lạt Đà Lạt để cùng biên soạn thứ tự nội dung, chỉnh sửa câu chữ cho phù hợp với bạn đọc trên tinh thần tôn trọng tối đa văn bản gốc.
Gia đình bà Đào Thị Minh Vân chụp ảnh cùng chân dung của Anh hùng Liệt sĩ Đào Phúc Lộc được treo ở vị trí trang trọng nhất trong Phòng truyền thống của Tổng cục II Quân Đội
Lật giở từng trang bản thảo trên tay, người đọc sẽ không tránh khỏi xúc động với những trang văn được kể lại từ quá khứ đầy máu và nước mắt của đất nước trong thời kì chiến tranh đầy gian khổ. Câu từ mộc mạc xen lẫn những đoạn hội thoại theo hồi ức của chính tác giả Minh Vân càng khơi gợi cho người đọc những rung cảm mãnh liệt nhất về quá khứ hào hùng, về sự thăng trầm cuộc đời người tình báo với những bí mật “sống để dạ, chết mang theo”, thậm chí có thể hy sinh cả niềm hạnh phúc bên gia đình bé nhỏ của mình mà cống hiến cho Tổ quốc non sông.
15 chương sách được Nhà văn Đặng Vương Hưng đặt tên theo từng giai đoạn, từng biến cố cuộc đời người phụ nữ đầy tài năng Minh Vân trên con đường tìm hiểu về Người cha của mình - Nhà tình báo Đào Phúc Lộc được chắt lọc những chi tiết đắt giá nhất chính là những “Trang Đời”.
Ngày 23/12 tới đây, “Không thể mồ côi” ra đời với sự tham gia của là một món quà nhỏ cho bạn đọc khắp đất nước, cả những người quan tâm đến lịch sử, tự hào về quá khứ hào hùng của thế hệ đi trước. Nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ “Tôi muốn mình qua những trang văn được là một cây cầu nối lịch sử, đưa những mảnh ghép, những khía cạnh khác nhau về cuộc sống thời chiến đến với thế hệ trẻ ngày nay. Qua lời kể của một cá nhân nhưng chúng ta có thể thấy được hình ảnh của cả đất nước, cả xã hội trong giai đoạn gian khổ và hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.”
Hy vọng rằng, những trang văn, trang đời của nhiều mảnh ghép quá khứ được tái hiện chân thực dưới sự chắp bút của Đặng Vương Hưng sẽ là món quà tinh thần vô giá cho nhiều thế hệ trong những ngày cuối năm này.
Hoa Liên (ANTT.TT)