Thứ sáu, 20/09/2024,


Rộn ràng xuân Hà Nội (23/01/2009) 

 

Bây giờ chuyện ăn Tết không còn quan trọng bằng chuyện chơi Tết. Với người Hà Nội, chơi Tết lại khó hơn chơi... thường ở chỗ cần vui nhưng phải mang sắc màu văn hóa. Xin đưa đến cùng bạn một số gợi ý về những điểm đến hứa hẹn nhiều điều thú vị!

 

Vui Tết tại Bảo tàng Dân tộc học

 

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ tổ chức Hội vui xuân Tết Kỷ Sửu 2009 vào các ngày 29.1, 30.1, 31.1, 1.2.2009 (tức mồng 4, 5, 6, 7 Tết âm lịch). Hội vui xuân năm nay sẽ tập trung giới thiệu các điệu múa, điệu hát, các loại hình trình diễn, các trò chơi dân gian gắn với tín ngưỡng phồn thực trong các lễ hội dân gian của một số dân tộc ở Việt Nam. Chương trình vui xuân bao gồm việc trình diễn nghệ thuật dân gian. Đó là  Hội trình nghề tứ dân chi nghiệp hay còn gọi là trò Bách nghệ khôi hài (phần hội trong Lễ hội Trò Trám - một lễ hội dân gian độc đáo mang đậm tín ngưỡng phồn thực của người Việt). Đây là lần đầu tiên những vai diễn, những lời hát vui nhộn, mang tính hài ước, tục nhưng thanh về các nghề nghiệp khác nhau trong xã hội được những người dân đến từ xóm Cổ Lãm, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đem đến trình diễn tại Bảo tàng.

 

        

 

Nghệ thuật múa rối nước dân gian của phường rối nước Hồng Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương với các tích trò độc đáo vui nhộn. Đặc biệt sau khi xem trình diễn, khách tham quan còn được tham gia tập điều khiển con rối trên sân khấu rối nước thu nhỏ. Đây là hoạt động rất hấp dẫn và thu hút đối với trẻ em. Đặc biệt còn có múa xoè, múa sạp của người Thái. Múa khèn, thổi kèn lá, đàn môi của người Mông đến từ huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Tại Bảo tàng, sâu lắng và sang quý là nghệ thuật Thư pháp của người Việt. Gần gũi và tươi tắn là nghệ thuật in tranh Đông Hồ, làng Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Bên cạnh đó còn có hướng dẫn làm đồ chơi dân gian, đồ chơi mang đậm tính văn hóa. Trong chương trình Vui xuân Kỷ Sửu năm nay, khách tham quan sẽ được hướng dẫn làm một số sản phẩm hình con trâu như: mặt nạ trâu, trâu đất nặn, tranh cát hình trâu, làm nghé ọ bằng lá đa, in tranh dân gian hình trâu và đặc biệt được in tranh cầu phúc và học cách làm quả còn Tày, Thái. Tham gia chơi và thi các trò chơi dân gian có trò pháo đất, đánh đu, kéo co, đẩy lưng, đẩy gậy, chọi trâu của người Việt, ném còn, múa sạp của người Thái, ném pao, đánh lông gà, đánh cù của người Mông.

Tại bảo tàng, du khách còn được thưởng thức các món ăn truyền thống của người Thái trong dịp Tết. Riêng thứ năm, ngày 29.1.2009 (tức tối mồng 4 Tết âm lịch) vào lúc 19h30 bảo tàng sẽ tổ chức đốt pháo bông và trình diễn múa rối nước. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chỉ đóng cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 24.1.2009 đến ngày 28.1.2009 và sẽ mở cửa lại vào ngày 29.1.2009.

 

Du xuân theo chương trình dịch vụ lữ hành

 

Saigontourist - Hà Nội (thuộc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist) đang triển khai chùm tour Tết Kỷ Sửu với các điểm tham quan trải dài từ đồng bằng Bắc bộ tới vùng cao, cực Bắc của tổ quốc với những chương trình lễ hội đầu năm sôi động. Saigontourist - Hà Nội đang tung ra chùm tour cho du lịch đầu xuân. Các điểm đến trong hành trình là Nam Định, Tây Bắc, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Giang... Du khách có thể lựa chọn các chương trình khởi hành theo yêu cầu như: Về du xuân với chợ Viềng - Phủ Giầy - chùa Cổ Lễ - đền Trần (2 ngày, giá 890.000 đ /khách); Hà Nội - Lạng Sơn - Bằng Tường - Hà Nội (2 ngày, 960.000 đ /khách); Khám phá vòng cung Đông Tây Bắc (7 ngày, 4.555.000 đ /khách); Mùa xuân về lại cội nguồn (Yên Tử - Cửa ông, 2 ngày, 980.000 đ /khách); Hà Nội - Lạng Sơn - Lễ hội Bắc Ninh - Hà Nội (2 ngày, 860.000 đ /khách); Hà Nội - Hà Giang - Lũng Cú - Hà Nội (5 ngày, 3.860.000 đ /khách)... Chùm tour du lịch Tết Kỷ Sửu 2009 của Saigontourist - Hà Nội có giá cạnh tranh áp dụng cho từng nhóm khách, đáp ứng nhu cầu của nhiều cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp... muốn tổ chức cho cán bộ công nhân viên đi hội đầu năm.

 

Du xuân... tự túc

 

Vào dịp Tết, bạn muốn được nghỉ ngơi ngắn ngày, bạn có gia đình ở Hà Nội và đang cần được du xuân, bạn có thể đến Đầm Long một khu du lịch chỉ cách trung tâm thành phố có 70 km. Tại đây bạn thật sự được về với thiên nhiên. Đó là một vùng đất còn lại từ xa xưa, bên hữu ngạn sông Đà với một gò đất rộng gần 20 ha được bao bọc bởi đầm nước rộng mênh mông. Cái tên Đầm Long có vì tương truyền rằng vào những ngày hè thường có một đôi rồng từ trên trời bay xuống tắm rồi lấy nước phun mưa.

 

        

 

Khi đến Đầm Long, khách nên lưu ý trước các biển đề "Cẩn thận khỉ giật đồ". Khu rừng được khuôn riêng bằng một dải đường vòng bao quanh và phân định bởi một độ chênh về độ cao bằng con đê so với mặt đường. Theo các cửa rừng có bậc đá, bạn sẽ lạc vào một khoang rừng mà chỉ cần xách theo nải chuối thì có tới một đàn khỉ vui đùa hoặc bám theo xung quanh. Thế giới khỉ phần nào mở ra trước mắt bạn. Con khỉ đầu đàn chỉ việc tận hưởng thức ăn, các con khác đợi chờ được ăn thừa. Chuyện khỉ tinh nghịch giật phăng túi đồ hoặc máy ảnh của bạn là việc thường xảy ra. Khổ nhất là khi ấy, khác với việc bị người gian lấy cắp đồ, bạn không thể kêu ai, không thể trình báo vì không có luật nào trừng trị những chú khỉ tinh nghịch. Nếu nhờ nhân viên ở đây thì bạn cũng phải đợi chờ với hy vọng mong manh rằng bỗng khi nào lũ khỉ lôi đồ giật được của bạn ra quăng ở chỗ dễ thấy thì mới có cơ hội nhận lại tài sản. Và những tài sản đó chẳng có giá trị sử dụng nữa. Những người bán hàng ở đây kể lại: "Nhiều khi, lũ khỉ cướp gói bimbim đập đánh bộp một cái, thò tay nhặt ăn ngon lành rồi thả vỏ túi trêu mình". Cần nói thêm rằng, mấy quán nước tại đây rất an bình, hàng bán rẻ, người bán hiền hoà khác với các khu du lịch khác. Du khách dễ thấy nhất là khỉ vì số lượng của đàn khỉ ở đây có tới hơn 1000 con, hươu sao cũng có tới 50 con còn lại là nhiều động vật khác khó nhìn thấy hơn như: cầy, sóc, nhím, chim, tắc kè... Khách thăm rừng bằng 14 cửa, hoặc ngồi trên xe điện bánh hơi (miễn phí) đi dạo một bên là rừng, một bên là đầm sen. Từ cửa rừng, du khách theo các cầu phao dài bắc qua rừng hoa sen để ra các đảo giữa đầm ngắm nhìn từng đàn chim trời, le le, vịt trời, vạc, cò lửa, cò trắng ...Thú vị hơn nữa là những trò chơi từ thành phố cũng được đưa vào một khu vực riêng tại đây như hệ thống cầu trượt, ống trượt, bể bơi như tại công viên nước Hồ Tây, những xe vịt đạp nước, xe điện đụng nhau như ở công viên Thống Nhất, các trò chơi dân gian như hội xuân ở các miền quê... Thú nhất là khách đến đây có thể thuê xe đạp vi vu đi ngắm xung quanh rừng với giá 5000đồng/một giờ...

 

 

Nguyễn Kim Anh

(Báo Đời sống & Pháp luật)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: