Bìa tập thơ Nỗi buồn pha lê do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2014
(Tâm tình cùng Trương Nam Chi)
Trong ánh sáng Thái Dương hệ đang chiếu rọi sự lấp lánh cái đẹp thiên nhiên, hay chiếu rọi tôn vinh cuộc sống con người với những tài năng danh giá, thì một khuôn mặt ''đời cát'' như tôi khó mà ''thể hiện mình'', dù chỉ là để góp vui cuộc sống...
Nhưng cuộc sống vốn luôn sản sinh ra nhiều cái đẹp, cái hay rất cuốn hút, quá hấp dẫn nên tôi cũng dễ sa đà buông thả tận cùng cảm xúc, theo kiểu ''điếc không sợ sấm'' như khi chạm phải ''Nỗi Buồn Pha Lê'' của Nhà thơ Trương Nam Chi.
Tập thơ Lục bát xinh xắn, dày hơn trăm trang với những bài thơ được ''cắt'' rất mới và rất khéo. Dù chỉ có mấy câu lục bát thôi, Trương Nam Chi đã ''tóm gọn hồn tôi'' ngay bài thơ đầu của tập thơ:
GỌI HỒN
Bớ
Hồn con chữ
Bơ vơ
Về đây
Xích lại
Cho thơ gieo vần
Đời đang ủ
Ché rượu cần
Thêm lần vít ngọn
Thêm
Lần ta say.
Tuyệt vời cho cái réo gọi của Trương Nam Chi...
Có phải vì ''bí chữ'' mà réo chữ hay không? Nếu chỉ vậy thôi thì ''tội nghiệp'' cho Thơ và cho tôi quá... Không biết tại sao tôi lại chìm sâu trong cái bát ngát tình yêu phía sau câu chữ ở hai câu đầu như ''nụ cười có mang theo nước mắt'' rất bao dung của Kẻ Sĩ trước muôn mặt của sự ly tán luôn dễ xảy ra của tình đời. Cái bao dung còn lớn thêm ở niềm tin yêu cuộc sống, dù cho cuộc sống có nghiệt ngã thế nào đi nữa, thì men tình vẫn đầy ắp, người thơ vẫn bước qua ''dấu bầm'' không thể hủy diệt, và còn biến nó thành ''nỗi buồn sang trọng'', đó chính là chất liệu ''rất thơ'' dành riêng cho người Nghệ sĩ chân chính…
Từ tiếng gọi Hồn Thơ tôi đã theo Trương Nam Chi dấn sâu qua nhiều vùng miền khác của đời thường, của tâm tư, của tình cảm riêng cô…
Dù là vùng miền nào, thú thật, đối với ''Lục bát của Trương Nam Chi'' tôi cũng say mê trước những hình tượng khái quát, những ẩn dụ thấm đẫm một chiều sâu thật sâu của cảm xúc và nghĩa tình. Nhất là cái ''ngọt dịu mà đắng chát'' của Trương Nam Chi, như trong bài ''Vạn kiếp tu''.
Heo may theo
Lá
Vào chùa
Nằm nghe kinh
Kệ
Chờ mùa thu
Qua
Lá này là
Chiếc
Lá Đa
Tu từ vạn kiếp
Chưa
Ra khỏi
Chùa.
Thật là thú vị. Thật là tài tình... Một ''phát'' thăng thiên của trái pháo bông tủa tia hoài nghi bao trùm khắp cõi... Từ lớn tới nhỏ, từ nam sang nữ… ai có ''kiểu lá đa'' như thế trong cuộc đời lắm dối gian này thì tha hồ giật mình... Còn Trương Nam Chi vẫn với nữ tính chu đáo và dịu dàng, y như những vần thơ mềm mại tinh tế nhưng kín đáo của cô dắt ta đi qua từng nhói đau của từng con chữ. Cái nhói đau ít ai ngờ được vì những vần thơ ''nói điều không nói''.
Trương Nam Chi đem thơ ra “Trảm” mà thơ không bị cụt đầu, không nghe dù chỉ một tiếng khóc nhỏ nhưng lại vẽ ra lồ lộ thân phận con người trong những thói đời nhỏ nhen, ích kỷ. Những kiếp người suốt một đời chỉ luôn là ''hình tượng'', một hình tượng không sự sống, không sức sống, không dấu ấn riêng...
Tiễn thơ
Lên
Đoạn đầu đài
Quay về con
Cuốc
Vẫn
Ngoài bụi tre
Trên cành
Còn
Lại xác ve
Mắt
Nhìn trân trối
Giữa hè
Nắng
Loang.
Với bài ''Hậu hiện đại'', Trương Nam Chi lại vẽ rất sâu một nỗi đau khác, nỗi đau rất thật nhưng không ai ngờ tới xuất phát từ sự tị hiềm, ghen ăn tức ở của những con người luôn cho rằng “không ai thiêng hóa chữ nghĩa bằng mình” trong cái ''trò chơi hội đồng'', một trò chơi nhưng họ đã ra sức rất thật để chà đạp nhau trong một “sàn diễn” mà họ vừa là diễn viên vừa là khán giả:
Bác Cò
Chị Vạc
Anh Nông
Cả ba xăng xái
vặt
Lông
Cô gà
Vặt
Xong chà trấu lên
Và
Xát thêm tro nữa
Thế
Là
Hụt hơi…
Thủ pháp “nghịch đảo và cắt dán” đắt giá này thể hiện tính cách và nội lực của riêng Trương Nam Chi, nhẹ nhàng như không nhưng oằn đau cái ''hài hước sâu cay'' của thế thái nhân tình. Vì rằng:
Lột da
Cáo
Chẳng nên người
Đứt đuôi vẫn
Rõ mười mươi
Thằn lằn.
(Lột da)
Thú thật, tôi đã cười… rất buồn nhờ vào sự tinh tế, sâu thẳm nhưng nhẹ nhàng và độc đáo ấy, đúng như tính cách của Trương Nam Chi ngoài đời.
Sự đồng cảm ấy khiến tôi thèm một cái bắt tay với tác giả:
Cho em được
Nắm bàn tay
Đời người dễ
Có
Mấy
Ai hiểu mình
(Tri âm)
Tại sao không!? Chỉ vì tác giả đã CÓ trong cái KHÔNG hun hút của tôi rồi.
Tri âm
Chẳng
Lụy bóng hình
Mai xa
Còn
Tấm chân tình
Sao quên!
(Tri âm)
''Nỗi buồn pha lê'' đã hoàn toàn chinh phục tôi, với chính những xúc cảm rất thật nhưng không dễ mấy ai khơi gợi nên được bằng những con chữ luôn ở tư thế khiêm tốn. Vốn không phải là người có thói quen phê bình nên chỉ xin nói ra những gì rất thật ở lòng mình, không hổ thẹn, cũng chẳng ngại ngùng...
Cần Thơ, 12/11/2014
Nguyễn Thị Thanh Huệ