“Tôi có vợ rồi, nàng là một người ngoại quốc rất đẹp. Nhưng nàng không biết nhóm bếp như thế này. Nàng chỉ quen dùng đồ điện, thích ăn nhà hàng hơn là nấu nướng, thích hưởng thụ hơn là chờ đợi, hy sinh và dâng hiến” (tr.9). Đó là câu nói của một người đàn ông Việt kiều trao đổi với Phong – họa sĩ – trong truyện ngắn “Người đàn bà bên bếp lửa” của Bùi Đức Ánh, truyện ngắn này cũng được tác giả chọn làm tựa cho tập truyện ngắn cùng tên vừa được xuất bản tháng 10/2014.
Cách hành văn của Bùi Đức Ánh ngắn, gọn, súc tích, dẫn người đọc đi nhanh vào mạch chính của câu chuyện, không rườm rà, dài dòng. Nếu là người từng trải, ai cũng sẽ hiểu, người đàn bà chính là cái bếp của gia đình, cái bếp có đỏ lửa thì căn nhà mới ấm áp, người đàn bà biết quán xuyến thì gia đình mới an vui. Ngày xưa, đi coi mắt con dâu tương lai, các bà sắp làm mẹ chồng thường kiếm cớ để xuống nhà sau, họ chỉ cần nhìn lướt qua cái bếp sẽ đánh giá được mức độ “công dung ngôn hạnh” của người con gái sắp về nhà mình. Ở câu chuyện “Người đàn bà bên bếp lửa”, bằng vốn sống, tri thức, kiến thức của mình, Búi Đức Anh “ngầm” dạy cho phái nữ nhiều kinh nghiệm đáng giá trong tình cảm, là đàn ông có thói quen chinh phục và chóng chán, ví dụ như: - Nhưng rồi mọi thứ cảm xúc dần dần lụi tàn khi Uyên dễ dàng chấp nhận lời hẹn hò đầu tiên rồi cũng nhanh chóng để anh khám phá tận cùng cơ thể. Uyên lại làm một việc cực kỳ ngốc nghếch là bỏ học để về sống như vợ chồng bên anh…” (tr.11). Ngụ ngôn Pháp đã nói : “Tình yêu là con quái vật, đói thì sống, no thì chết”, trong truyện ngắn này, nhân vật Uyên “cho” nhiều quá, hy sinh nhiều quá nên đã vô tình giết chết tình yêu mà cô đã có trong tay.
Có lẽ vì ảnh hưởng bởi nghề nghiệp (trước đây là thầy giáo) nên mỗi một truyện ngắn của tác giả là một câu chuyện được kể lại với cách “tóm gọn” từ chuyện quá khứ đến hiện tại, từ chuyện chúng ta đến chuyện của tôi. Truyện ngắn của anh ngồn ngộn kinh nghiệm sống nhưng không tìm thấy chất ủy mị và lãng mạn, 18 truyện ngắn trong tập truyện ngắn“Người đàn bà bên bếp lửa”, đã phần nào định hình được phong cách viết của tác giả: mộc mạc, đơn giản.
Trái lại, với thơ, Bùi Đức Ánh lại rất ngọt ngào, cứ như anh đã trải qua hàng vạn cuộc tình, mà mỗi cuộc tình ấy đã để lại vết khắc khó quên. Không biết tác giả có “yêu” thật bao giờ chưa? Có đau “thật” bao lần rồi? Mà trong hai tập thơ đã phát hành: thong dong ký ức(NXB Hội Nhà văn 2012) và Biển không em (Nhà văn học 2013), nhà thơ Bùi Đức Ánh đã có nhiều bài thơ tình “rất ướt” và những câu thơ làm lòng người lung lay (Mắt em chạm đáy cốc/ Hoàng hôn đã tím trời/ Cà phê bỗng nhiên đắng/…Nắng buồn uống sương rơi/Hàng cây ngơ ngác lạnh/ Em nơi nào mù sương(Em nơi đâu).Và nỗi buồn của tác giả rất nhẹ nhưng thăm thẳm đau”(…) Ngày em rời phố nhỏ / Chiều như càng tìm nữa/(…) Anh buồn như lá rụng/ (…) Bến nào neo đời nhau/ Em còn nhớ trầu cau/ Cái ngày mình hẹn ước?(Em ra đi).
Đặc biệt với thể lục thơ lục bát anh làm rất chuẩn: “Thôi đừng nhắc lại chuyện xưa/ Cái thời thơ ấu tắm mưa sân trường/Cái thời gió lạnh trăng suông/ Thương em nên cứ tìm đường anh qua/ Cái thời nụ cái thời hoa/ Cái thời bè bạn bảo ta phải lòng/ Ngày em lặng lẽ theo chồng/ Anh như diều giữa bão giông quay cuồng/ Thôi đừng nói những lời thương/ Thôi đừng dâng nữa nỗi buồn trong anh” (Thôi đừng).
Ngồi trò chuyện với nhà thơ Bùi Đức Ánh (hội viên Hội Nhà văn TP.HCM), tôi mới hiểu, anh yêu văn chương không có chỗ dừng, nhưng anh lại biết hy sinh niềm đam mê của mình để chăm lo tương lai cho ba người con nhỏ. Sự hy sinh cả quãng đời trẻ tuổi của nhà giáo Bùi Đức Ánh đã được đền bù, ba người con anh nay đã thành đạt, hai Tiến sĩ ngành Y, Kinh tế và một thạc sĩ. Bây giờ, anh thong dong đến với văn chương, mở toang lòng ra kết bạn với mọi người. Anh thường nói:
- Lăn lộn với cuộc sống tôi đã bị “tiêm nhiễm” tánh khí của người miền Tây và phong cách sống này đã ảnh hưởng vào sự viết lách của tôi. Người miền Tây thật thà, khoan dung, sống chân tình, không đãi bôi và bộc trực. Thơ, văn của tôi là những câu chuyện quá khứ từ mình, từ bạn, từ những gì tôi đã gặp trên đường tôi đi. Truyện mình viết ra, thơ mình làm ra, có thể người này thích, người kia không thích, biết sao được, vì mỗi người có cách nhận thức riêng, nhưng nó được do chính mình sinh ra, không vay mượn, không lai giống. Đây chính là điều hãnh diện của người cầm bút.
Nhà thơ P.N Thường Đoan
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam
(Theo Báo Văn Nghệ TP.HCM số 327 ngày 13/11/2014)