Nhạc sỹ Đoàn Chuẩn cùng vợ và con gái lớn.
Nhạc sỹ Đoàn Chuẩn sinh năm 1924 ở Cát Hải, Hải Phòng nhưng lớn lên ở Hà Nội, là con trai của chủ hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng thời bấy giờ. Ông từng tham gia thanh niên xung phong Hoàng Diệu. Kháng chiến toàn quốc, ông tham gia công tác văn nghệ ở khu IV và bắt đầu sáng tác các ca khúc.
Đoàn Chuẩn là người rất kỹ tính trong sáng tạo. Được người đời biết nhiều từ ca khúc "Tình nghệ sĩ" viết năm 1948, sự nghiệp âm nhạc của Đoàn Chuẩn cơ bản dừng lại từ năm 1956, với 14 ca khúc: “Tình nghệ sĩ” (1948), “Lá thư” (1948), “Đường về Việt Bắc” (còn gọi là Tà áo tím) (1949), “Thu quyến rũ” (1950), “Chuyển bến” (1951), “Gửi gió cho mây ngàn bay” (1952), “Cánh hoa duyên kiếp” (1953), “Lá đổ muôn chiều” (1954), “Tà áo xanh hay Dang dở” (cuối 1954 đầu 1955), “Vĩnh biệt” (1955), “Chiếc lá cuối cùng” (1955), “Một gói nho khô, một cánh păng-sê” (1955), “Để có những chiều tắt nắng” (1955), “Gửi người em gái miền Nam” (Xuân 1956)… Sau đó là 31 năm Đoàn Chuẩn im lặng. Ông bảo “Không có hứng thì viết ra làm gì!”.
Đến năm 1987, ông khơi lại nhạc hứng sáng tạo bằng cách phổ nhạc bài thơ “Khuôn mặt em”, “Đường thơm hoa sữa gọi” (Thu cảm), “Triệu bông hồng”,” Màu nắng có bao giờ phai đâu”.
Mặc dù số lượng ca khúc Đoàn Chuẩn để lại rất ít, chưa đầy 20 bài, song quá nửa bài trong số ấy chỉ cần nhắc tên là bạn yêu âm nhạc đã cảm thấy xao xuyến, bởi đó là những bài hát vẫn vương vấn, quấn quít với lòng người, với tình yêu và mùa thu Hà Nội.
Hà Nội đang mùa thu, nghe những câu hát đẹp đến nao lòng của Đoàn Chuẩn, có ai không cảm thấy một sự xốn xang, hoài niềm: "Anh mong chờ mùa thu/ Dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai/ Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay/ Mùa thu quyến rũ anh rồi", hoặc "Mây bay về đây cuối trời/ Mưa rơi làm rung lá vàng...", hoặc "Chiều nay sao dâng nhanh màu tím/ Và mây bay theo nhau về bến..."...
Một đồng nghiệp của Đoàn Chuẩn đã nhận xét chính xác rằng, Đoàn Chuẩn viết kỹ, trong những sáng tác ông đã cho công bố, không có bài dở.
Còn nhiều người đời lại nhận xét "mỗi ca khúc của Đoàn Chuẩn đều khơi nguồn từ một cuộc tình". Với người vợ thân thương của mình, Đoàn Chuẩn cũng đã dành tặng ít nhất hai bài: Ca khúc "Đường về Việt Bắc" (còn có tên gọi "Tà áo tím") và một ca khúc được phát hiện sau khi ông mất, ca khúc "Ánh trăng mùa thu" (hiện "nguyên mẫu" bài hát được nhiều người khẳng định không ai khác ngoài người vợ hiền thục của nhà nhạc sĩ).
Với âm nhạc là thế, còn trong đời thường, ông là một người chồng, người cha vô cùng nghiêm túc và trách nhiệm với gia đình. Quảng giao, rộng lượng, chân thành với bạn bè nhưng cũng không kém phần ngông nghênh, nhưng với tư cách là người thầy - người cha, Đoàn Chuẩn lại vô cùng nghiêm khắc. Cái thời ông mở lớp dạy guitar Hawaii, ông thường xuyên thức cả đêm chép nhạc từ đĩa than để dạy học trò, kiên nhẫn chỉ bảo từng li từng tí, có cậu học trò rất có năng khiếu, nhưng chỉ một lần đùa cợt trong giờ học là ông đuổi luôn, xin thế nào cũng không lay chuyển được.
Ông có một tình bạn rất thân thiết với nhiếp ảnh gia Tạ Đình Thâu, hay còn gọi là Từ Linh. Vì muốn tôn vinh người bạn rất đỗi tri ân của mình, Đoàn Chuẩn đã ghi chung tên Từ Linh vào các ca khúc được công bố của mình. Sau khi từ Linh mất (năm 1992), Đoàn Chuẩn vẫn tiếp tục ghi tên Từ Linh vào những ca khúc ông mới sáng tác. Với Từ Linh, Đoàn Chuẩn vẫn trước sau như một. Có thể nói, tình bạn giữa Đoàn Chuẩn và Từ Linh là một tình bạn mẫu mực.
Năm 2001, ông thanh thản về cõi vĩnh hằng. Đối với ông, nghệ thuật không có tình yêu sẽ không còn là nghệ thuật. Người nghệ sĩ không có tình yêu, cũng mất luôn khả năng làm nghệ thuật.
Theo Báo Tin tức