Thứ sáu, 29/03/2024,


Tháng chạp Hàng Mã, tháng giêng chợ Viềng (22/01/2009) 

Câu nói này đã quá quen với cánh dân chơi đồ cổ Hà Thành bởi nó không chỉ về một khoảng không gian thời gian cố định mà còn nói về một thú đam mê. Chợ Viềng thì đã nổi tiếng từ bao đời là nơi người ta bày thường bày những món đồ cổ xen lẫn những hàng hóa khác họp bán vào mồng 7, mồng 8 tháng Giêng, kẻ bán người mua đốt nến hoặc soi đèn pin xem hàng ngã giá lao xao ngay từ đêm đến sáng. Cũng còn có cả một chợ đồ cổ vào dịp giáp Tết ở Hà thành. Gọi là chợ nhưng nó nằm dọc theo con phố Hàng Mã. Trước Tết khoảng nửa tháng đã thấy chợ hình thành. Đây là nơi dân sưu tầm các nơi đến giao lưu, phô diễn, bán mua chỉ là chuyện chơi bời.

 

Nhiều bậc cao niên kể lại, chợ đồ cổ phố Hàng Mã có từ rất lâu nhưng ban đầu chỉ là nơi các gia đình Hà Nội ngày xưa thanh lý những món đồ cũ có giá trị với mục đích kiếm được một khoản đón năm mới. Nhưng sau này kinh tế khấm khá, đời sống càng ngày càng sung túc cái cảnh cơ cực phải dứt ruột bán đi những món đồ gia bảo như lư hương, đỉnh đồng... đã không còn nhưng người ta vẫn giữ lệ họp chợ như thuở nào. Chỉ khác là những món hàng hóa được coi là đồ cũ ngày nào giờ được nâng tầm lên thành những món đồ cổ vô giá. Về không gian, cái chợ ấy nằm ngay trong lòng chợ hoa, người ta dành riêng đoạn phố Hàng Mã trên để quây quần họp chợ. Dân thu mua đồ cổ, dân chơi các nơi từ khắp nơi tụ về cứ thế trải chiếu trên hè, bầy đồ ra khoe cùng thiên hạ.

 

Năm nay nhà Trần Mễ lại là một trong những hộ mở hàng sớm nhất. 19 tháng Chạp đã thấy trải chiếu bầy đồ trước số nhà 32 Hàng Mã. Tay chơi này được biết đã góp mặt tại chợ đã hơn chục năm, trước đó anh ta vẫn còn là cậu nhóc theo chân ông cụ thân sinh xuống chợ học nghề. Bây giờ, đã trưởng thành Trần Mễ trở thành tay chơi tương đối tiếng tăm ở Hà Nội và là một trong những khuôn mặt không thể thiếu góp phần làm nên cái chợ có một không hai này.

           Quanh đó dân chơi khắp các tỉnh cũng đã thấy lục tục bày đồ cạnh tranh. Nhiều nhất vẫn là dân Hưng Yên và Nam Định những vùng được coi là rốn đồ cổ của khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Theo sự phân loại không chính thức của dân chơi thì muốn mua đồ thời Trần và đồ công nghiệp thời đầu thế kỷ như đồng hồ thì nhất thiết phải tìm đến dân Nam Định. Còn vùng Hưng Yên thì trước đây tồn tại thương cảng phố Hiến nên đồ Minh, Thanh còn lại rất nhiều, thương lái vùng này gần như độc quyền khai thác hết.

 

         


           Mỗi một món đồ cổ trong chợ đó là cả một câu chuyện thú vị. Như chiếc đồng hồ máy của Đức có niên đại từ thế chiến thứ nhất hiện có mặt ở Hàng Mã được các tay săn đồ cổ lùng sục lôi ra từ một xứ đạo tận Hải Hậu, Nam Định. Tương truyền chiếc đồng hồ này được chính tòa thánh Vatican biếu tặng xứ đạo. Hay như chiếc lư đồng vuông vắn có giá 1.000USD được tay bán hàng nói là từ đời Minh, đích thị lôi về từ vùng đất Hưng Yên.


            Dân chơi nào có có nhiều đồ độc thì càng tăng giá trị vì thế mà có bao nhiêu “vũ khí bí mật” những ngày này đều đem ra thi thố. Anh Hải ở  Hưng Yên một chủ sạp cho biết: 'Người chơi đồ cổ bây giờ vừa sành vừa tinh. Cách đây chưa lâu những món hàng này thường chỉ bán cho khách Tây còn người Việt mình trừ dân chơi ra vì chưa hiểu hết giá trị thực chỉ dạo phố ngắm nhìn và thèm muốn. Nếu ưng món nào thì cũng cò kè mặc cả nên rất khó bán'.


             Giới chơi đồ cổ vẫn phân biệt hàng hóa làm hai loại: Đồ nổi gồm những đỉnh, lọ, lư hương... thường được đặt trên bàn thờ và trong bộ sưu tập của một cá nhân, dòng họ nào đó. Đồ chìm nhiều nhất vẫn là tiền, đồ gốm... tìm được trong lòng đất. Những món đồ này có mặt dễ dãi trên hè phố đều đẹp và quyến rũ trong cảm nhận ban đầu. Từ chú ỉn bằng gỗ cho tới chiếc đĩa, cái bát men rạn vẽ hoa văn đơn giản. Từ chiếc mâm đồng cầu kỳ chạm nổi đôi rồng chầu nguyệt cho đến đồng tiền, mũi tên đồng... cái nào nhìn cũng “bắt mắt” chỉ có điều khó mà biết được đó là cổ thực hay giả cổ và niên đại từ bao giờ.

 

                     


              Nhiều khi chủ hàng cứ tùy tiện bảo nó là một nghìn năm thì người xem biết đó là nghìn năm, bảo nó là đời Lý thì nó là đời Lý, đời Lê là đời Lê, khiến khách chẳng biết đâu mà lần. Chính vì thế người đến chợ đồ chủ yếu là để xem. Người sành mua thì biết ngay, ngắm nghía rất nhanh, nhưng cũng rất thận trọng, rồi ra giá, vài ba câu nâng lên hạ xuống là có thể trả tiền.  Những tay cự phách trong làng chơi thì vẫn giữ nguyên dáng cổ quái, đủng đỉnh đút tay trong túi quần đi, quần lại một ngày không biết bao nhiêu lần quanh khu chợ này. Gặp những tay này, cánh chủ hàng chỉ còn biết nín thít, nếu khách phán một câu trả giá chỉ còn biết cách gật đầu đồng ý.


               Khác với khu chợ hoa ngay bên cạnh, chợ đồ cổ lặng lẽ gìn giữ báu vật thời gian không ồn ào, không chen chân. Người qua chợ dù trẻ hay già đều cố nhiên giữ vẻ lịch sự có văn hóa. Dù biết mười mươi là thật giả lẫn lộn nhưng nhiều người đã xuống chợ là thể nào cũng chọn mua cho mình một món ưng ý với ý nghĩa cầu may. Xuống chợ có khi chỉ là nơi giao lưu gặp mặt của những con người cùng chung một sở thích.

               Đến chiều ba mươi Tết chợ đồ cổ Hàng Mã giải tán, những ông chủ lại nâng niu đem đồ của mình về không hẹn mà gặp tháng Giêng hầu hết họ đều có mặt góp vui một phần cho hội chợ Viềng phủ Dầy thêm phần độc đáo những nét kiêu sa. Lẫn trong những xô bồ đó của quang cảnh chợ búa, chợ đồ cổ vẫn còn những tinh hoa thời gian để lại. Và muốn đi đến tận cùng của những câu chuyện về những món đồ vẫn cần một cảm nhận, rung động bằng cả trái tim.



Theo Ngân Hạ

(Báo HNM Omline)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: