Thứ bảy, 20/04/2024,


Những "hiệp sĩ di sản" (08/11/2014) 

Những không gian nhà cổ là nơi khởi nguồn tình yêu di sản của Nguyễn Hoài Nam.

Những không gian nhà cổ là nơi khởi nguồn tình yêu di sản của Nguyễn Hoài Nam.

ÐINH QUANG HÚC (huyện Ba Vì, Hà Nội) được coi là điển hình của "vấn nạn" trùng tu di tích bừa bãi khi đơn vị thi công tự ý đưa nhiều cấu kiện lạ vào chùa, những linh vật đẹp bị vứt đi thay bằng linh vật mới, cột kèo không đủ kích thước... Phát hiện những sai phạm đó không phải do các cơ quan báo chí, nhà khoa học hay cơ quan quản lý văn hoá, mà do một... nhân viên kế toán. Anh là Nguyễn Hoài Nam, làm việc tại một công ty nhập khẩu bu-lông, ốc vít. Nam còn là người trực tiếp chứng kiến, phát hiện nhiều vụ việc khác như: vụ phá tan mái đình khi tu bổ đình Tiên Canh (Vĩnh Phúc); cuộc "tàn phá" chùa Sổ (huyện Thanh Oai, Hà Nội)... dưới danh nghĩa trùng tu di tích. Tất cả các vụ việc đều được Nam tập hợp thông tin đến báo chí và đang được các cơ quan chức năng giải quyết. Chẳng phải ngẫu nhiên một nhân viên kế toán trở thành "người bảo vệ" di tích như thế...
Sáu, bảy năm nay, Nam quen "một mình một ngựa" lọ mọ ở những đình làng. Khởi nguồn của câu chuỵên bắt đầu từ những ngày thơ bé. Nam sinh ra lớn lên ở làng lụa Vạn Phúc, Hà Ðông, Hà Nội. Tình yêu với di sản cứ ngấm dần, mà như anh nói là "ngay từ lần đầu biết bò qua bậu cửa, sờ vào những chiếc cột, những hoa văn chạm khắc trong căn nhà cổ của gia đình". Sau này, Nam thi vào Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Do thiếu điểm, cho nên Nam theo học ngành kế toán, rồi trở thành một kế toán viên. Nhưng đam mê di sản cứ lớn dần cùng năm tháng. Và Nam không bỏ cuộc. Lần đầu gặp Nam, tôi hơi ngạc nhiên. Nam đi một đôi dép quai hậu đã sờn, đầu tóc bù xù. Tôi nhận ra đó là hình ảnh thường gặp ở những nhà nghiên cứu, luôn mải mê công việc mà quên mất việc "tạo dựng hình ảnh" của bản thân. Dường như Nam cũng "quên" công việc chính mà mình đang làm. Nam bảo: "Chiều mai chắc mình phải lên đình Quang Húc. Không biết hiện giờ người ta "sửa sai" thế nào. Sốt ruột quá". Tôi hỏi Nam đi bằng phương tiện gì. "Xe máy thôi". Nam trả lời cho chuyến đi từ trung tâm thành phố lên địa bàn xa hơn 60 km một cách tự nhiên như thể thanh niên rủ nhau đi uống cà-phê. Chuyến đi giúp Nam phát hiện thêm nhiều sai phạm khác: Người ta đã "bỏ quên" nhiều chiếc cột đình rỗng ruột, đến mức một người lớn chui vừa, dù trùng tu sắp xong. Cả chiều đi lẫn chiều về là khoảng 130 km. Chi phí cho chuyến đi là tiền túi Nam bỏ ra... Không được đào tạo bài bản, Nam khắc phục sự thiếu hụt những hiểu biết về di sản bằng cách đọc tài liệu, rồi đi thực tế, học hỏi qua những người đi trước. Nam hầu như không còn ngày nghỉ, không còn lúc nào rảnh rỗi. Hết sách vở, lại máy tính, máy ảnh, và đi. Nhiều người gọi Nam là "chuyên gia đình làng".
Không có cơ quan có thẩm quyền giới thiệu, không có dấu đỏ của chính quyền, cho nên việc tiếp cận một di tích với Nam là cả một vấn đề. Có nơi, Nam được ban quản lý di tích giúp đỡ. Nhưng không ít lần anh bị... đuổi về. "Có những di tích mình đi đến hơn mười lần mới chụp được ảnh, bởi không tài nào "đột nhập" được", Nam bảo thế. Ðó là cuộc "chinh phục" đình Hạ Hiệp (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Sau nhiều lần thất bại, Nam chợt nhớ, ngày mùng 1 (âm lịch), chắc chắn làng sẽ mở cửa đình thắp hương, sẽ vào được, nhưng vẫn không xong. Nam đành chờ đến ngày hội làng, không ai cấm khách thập phương vào đình, nếu có chụp ảnh cũng không ai ngăn cản. Mất cả năm trời cho một bộ ảnh. Cảm giác khi thực hiện xong bộ ảnh sung sướng không thể tả được. "Quá xứng đáng. Những mảng chạm tầng tầng, lớp lớp, kênh bong tách, tỉa khắc mà nay không thể làm được", Nam chia sẻ. Cũng có lần, dù anh đã xin phép ông thủ từ giữ đình được chụp ảnh, nhưng vẫn bị lực lượng công an xã đưa về trụ sở UBND xã. Mãi mới được thả về, với điều kiện phải... xóa hết ảnh đã chụp. Vậy là công toi.
Hễ dắt xe ra khỏi nhà là tốn nhiều chi phí. Thi thoảng vợ cằn nhằn. Bố mẹ phản đối. Nam thường phải cố gắng cân bằng công việc và gia đình. Vừa mới chuyển chỗ làm được một thời gian, Nam suốt ngày kêu "nóng ruột", vì "ở ngoài kia bao nhiêu diễn biến sôi động". Cái sôi động Nam nói đến là cuộc đấu tranh bảo vệ linh vật, những con sư tử, nghê... mang tâm hồn Việt. Hơn một năm trước, Nam lập nhóm Mỹ thuật cổ Việt Nam trên facebook, nhóm được rất nhiều nhà nghiên cứu, người đam mê di sản... ủng hộ. Nam còn lập diễn đàn về linh vật Việt Nam trên facebook. Rất tình cờ, Nam lập diễn đàn ít ngày thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn về việc sử dụng hợp lý các linh vật trong di tích. Sau công văn trên, Cục Mỹ thuật, triển lãm và nhiếp ảnh đã đăng tải bộ ảnh về linh vật Việt Nam và khuyến cáo các tổ chức, cá nhân nên tham khảo làm theo. Không phải ai cũng biết rằng, nhiều bức ảnh trong số đó, được chụp bởi chính tay máy Nguyễn Hoài Nam.
Rất hiếm người ở lứa tuổi 8x như Nguyễn Hoài Nam quan tâm di sản. Nhiều người gọi Nam là "ông cụ non". Nhưng danh hiệu này còn xứng đáng hơn với Ðào Ðức Minh ở Cầu Giấy, Hà Nội, hiện là sinh viên năm thứ hai Trường cao đẳng Cộng đồng. Sinh năm 1993, ở độ tuổi mà bạn bè vẫn mải mê học hành, yêu đương, thì Minh đã tích lũy cho mình một kho kiến thức về kiến trúc, điêu khắc đình, đền, miếu, phủ... Minh cũng có cả kho chuyện về thần tích, giai thoại... cổ. Nhưng phong phú nhất, được Minh dành nhiều thời gian nhất là những tư liệu về tín ngưỡng thờ Mẫu đồng bằng Bắc Bộ. "Khi tìm hiểu em nhận thấy tín ngưỡng thờ Mẫu có giá trị rất đặc biệt, không chỉ trong các nghi lễ, trong những làn điệu hát văn... mà qua tín ngưỡng thờ Mẫu, người Việt đã tôn vinh giá trị của người mẹ. Ðến với tín ngưỡng thờ Mẫu, mỗi người hiểu thêm vai trò người phụ nữ, người mẹ, qua đó, người ta thay đổi nhận thức và hành động", Ðào Ðức Minh chia sẻ khi nói về con đường nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu của mình.
Ðào Ðức Minh ham mê văn hóa Việt từ nhỏ. Khi mới học lớp 10, 11, Minh đã bắt đầu công cuộc "thám hiểm" các di sản và tích lũy tư liệu một cách nghiêm túc. Minh không thể ước chừng số di tích mình từng đến. Những di tích ở Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng..., Minh đi về trong ngày bằng xe máy là chuyện bình thường trong bốn, năm năm qua. Với mỗi di tích, sau khi đọc kỹ tài liệu, Minh tự tìm đến tận nơi để khảo sát hiện trạng, chụp ảnh, ghi nhận những tư liệu mà sách vở chưa có. Một trong những vấn đề gây tranh luận thời gian gần đây là sự giống và khác trong trang trí hình tượng sư tử của người Việt với các nước lân cận. Từ những chuyến đi, không những cùng giới nghiên cứu góp tiếng nói vào khẳng định nét tạo hình độc đáo của sư tử Việt (nhất là sư tử đá thời Lý), Minh còn tìm ra nét riêng của sư tử Việt qua tên gọi rất dân gian, đó là "ông sấm". Theo Minh, các di tích thời Lý thường đặt sư tử làm bệ thờ. Tên gọi "ông sấm" có lẽ được đặt do sức mạnh của tiếng gầm sư tử, đồng thời, tượng trưng cho sức mạnh của Phật pháp.
Với tín ngưỡng thờ Mẫu, Minh dành nhiều thời gian khảo sát các bản thần tích của các vùng, miền khác nhau về cùng một vị thánh, vị thần để từ đó rút ra điểm chung và điểm khác biệt. Bên cạnh đó là các bài văn tế, lời của các bài hát văn... Tín ngưỡng thờ Mẫu có hệ thống thần linh rất phức tạp. Các vị thần linh được phân chia thành các Phủ, các hàng theo các cấp bậc từ Tam tòa Thánh Mẫu, hàng quan, hàng chầu, ông hoàng, các cô, cậu... Mỗi hàng lại có nhiều vị. Lai lịch của mỗi vị lại có những dị bản. Ngay cả người am tường về văn hóa cũng rất dễ bị "rối" trước hệ thống thờ tự này. Nhưng Ðào Ðức Minh hoàn toàn không gặp khó khăn gì trong việc hệ thống hóa, cũng như ghi nhớ lai lịch của từng vị. "Em đọc nhiều sách nghiên cứu về thờ Mẫu, có một số vị như mẫu Thoải, nhiều nhà nghiên cứu thường cho rằng mẫu Thoải chỉ có một lai lịch duy nhất. Theo em điều này chưa hoàn toàn đúng. Một số địa bàn người ta thờ những vị thần địa phương gắn với sông nước, nhưng vị đó cũng được đồng nhất với mẫu Thoải. Tương tự là những trường hợp khác. Nên có những ghi nhận rõ ràng hơn về điều này để có cái nhìn tổng thể, khách quan về các vị thánh, thần trong thờ Mẫu". Rất khó để tin rằng những kiến thức, những nhận định trên được đưa ra bởi một thanh niên mới 21 tuổi, hoàn toàn không theo học chuyên ngành về lịch sử văn hóa. Có lẽ, chỉ có thể giải thích bằng sự say mê và cả cái duyên kỳ lạ với di sản văn hóa .
Khi hỏi Nguyễn Hoài Nam và Ðào Ðức Minh dự định làm gì tiếp theo, tôi nhận được chung một câu trả lời: Tiếp tục nghiên cứu, để đem đến cho mọi người sự am hiểu giá trị văn hóa Việt. Ngoài Nguyễn Hoài Nam, Ðào Ðức Minh, tôi còn được biết nhiều người khác vẫn đang âm thầm gìn giữ di sản Việt, cho dù đó là việc trái ngành trái nghề của họ. Họ tìm ra những cách tiếp cận di sản theo những hướng khác nhau - thông qua các diễn đàn, các trang mạng xã hội như diễn đàn "Ðình làng Việt", "Linh vật và cổ vật truyền thống Việt Nam"... do các nhà nghiên cứu: Nguyễn Ðức Bình, Trang Thanh Hiền, Trần Hậu Yên Thế... "dẫn dắt" về chuyên môn. Cũng như Nguyễn Hoài Nam, Ðào Ðức Minh, phần lớn họ còn rất trẻ. Và điều đó mở ra hy vọng cho tương lai của di sản văn hóa Việt Nam.

Đào Đức Minh trong một chuyến khảo sát di tích.


Theo Nhân dân

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: