Thứ tư, 24/04/2024,


Dù là cave cũng có quyền làm mẹ! (21/01/2009) 

 

Tối nay đi học về, cũng như bao nhiêu buổi tối khác, tôi từ chối bữa nhậu của mấy anh em cùng lớp để đi gặp đối tác. Thật kỳ lạ. Gặp đối tác lúc 10 giờ, tại quán ốc vỉa hè để bàn công việc. Xong đứng dậy đi về... Lại vào bar ngồi uống rượu một mình. Dạo này bận công việc cuối năm, sắp Tết rồi, tự nhiên uống rượu và hút thuốc nhiều hơn trước. Chừng nào mới có em (kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy) để anh bỏ được những tật xấu đó đây... Để nụ hôn không vương khói thuốc hay men rượu cay, mà chỉ còn những cảm giác ngọt ngào, cho dù không ăn socola...

Đang ngồi uống rượu và nhìn bâng quơ, tôi bỗng dưng nhận được tin nhắn của một cô bé làm cái nghề “cổ xưa nhất của phụ nữ”, nhắn tin nói mai sẽ gặp lại anh chuyên gia người Đức, rất hồi hộp và không ngủ được, vì mai không biết nói gì... vì cô ấy đã trót (hoặc cố tình) mang trong mình dòng máu của anh ấy...

Khi quen cô bé này, anh chuyên gia kia vẫn không biết cô ấy làm nghề gì, vì để tôn trọng cô bé ấy, vì vẫn coi cô bé ấy là một người phụ nữ bình thường chứ không phải hàng hóa, tôi đã không nói chuyện đó... Do vậy mà anh chuyên gia kia đã coi cô bé ấy là bạn thực sự, và có lẽ đã yêu... Trước khi chia tay cô bé ấy về nước, anh ấy đã hứa quay trở lại. Sau lần đó, anh ấy đã gửi tiền cho cô bé ấy. Lần quay lại thứ hai, đi mua cho cô bé ấy chiếc điện thoại mới và chắc cũng tặng thêm tiền, đã khóc tu tu như một đứa trẻ (thật lạ, ai bảo người phương Tây thực dụng và không tình cảm chứ)... Và hậu quả là bây giờ anh ấy sắp có một đứa con ngoài giá thú với một cô cave ở Việt Nam... Và nếu chuyện này ai đọc trên báo, thì chắc sẽ lại chép miệng ai bảo dại: “Không nghe cave kể chuyện, không nghe nghiện kể khổ'... Đó đã trở thành kinh nghiệm ứng xử khi gặp những thành phần 'chuyên đánh' vào lòng trắc ẩn của người khác...
            Nhưng liệu những người như cô bé ấy có thực sự đang lợi dụng lòng tốt và sự dại khờ của đàn ông? Tại sao cô ấy phải làm vậy...

Mỗi người, ai cũng đều có xuất thân và hoàn cảnh khác nhau. Và nếu được chọn lựa, có lẽ chả ai muốn làm nghề cave cả. Do bản thân, do gia đình, do bị phụ bạc tình cảm, rất nhiều người con gái đã tìm lãng quên, trả thù đời và tìm kiếm nguồn sinh nhai từ nghề đó. Và đối với số đông những người bình thường trong xã hội, họ đã đánh mất nhân cách, và do đó, không còn là con người, đã bị mất đi (hoặc tự đánh mất đi) quyền được hạnh phúc... Liệu điều đó có công bằng? Liệu họ có được quyền làm lại cuộc đời, khi trong tim họ còn le lói một tia lương thiện, để rồi khi gặp một người thực sự quan tâm đến họ, họ như chết đuối sắp vớ được cọc, tìm mọi cách bám víu vào nó, để được hồi sinh... cho dù phải thực hiện một việc (mà lẽ ra nếu không có tình cảm, nếu chỉ vì tiền, và nếu không biết người đó là người tốt, họ hoàn toàn có thể tránh được), đó là có... baby...

Cho dù bố nó là một người đi tìm vui qua đường, cho dù mẹ nó làm một nghề chưa được xã hội ta chấp nhận. (Ở Đức thì khác, nghề cave đã được xã hội chấp nhận, họ được đi khám bệnh định kì và cũng phải đóng thuế thu nhập như tất cả công dân khác, và họ được xã hội công nhận, cho dù cũng chỉ khoảng hơn chục năm trở lại đây. Ở Hà Lan và một vài nước khác cũng vậy, nghề cave cũng đã được chấp nhận là một nghề, và những người hành nghề mang lại sự thoải mái và cảm giác hạnh phúc nhất thời cho đàn ông đó cũng cần được bảo vệ), thì đứa trẻ đó cũng không có tội, và nó hoàn toàn có quyền được sống, được hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Người ta thường bảo con lai... thường đẹp và thông minh hơn so với những đứa trẻ khác (điều này đã được khoa học chứng minh, bố mẹ có nơi sinh càng ở xa nhau về khoảng cách địa lý thì đứa trẻ càng có nhiều khả năng thông minh và mạnh khỏe hơn so với những đứa trẻ khác).

Và đến khi đứa trẻ lớn lên, nó có quyền được sống tốt hơn, và có quyền tự hào về bố mẹ nó, cho dù xuất thân của mẹ nó có hơi đặc biệt... Chỉ mong 'con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo', cho dù thế nào, hy vọng em bé ấy sau này cũng biết ơn công sinh thành và dưỡng dục của bố mẹ...

Và em, cô cave đã bỏ nghề (tôi hy vọng thế) sắp được làm mẹ, anh cũng hy vọng em thực sự có thể đổi đời và có một cuộc sống tốt hơn... có thể anh chuyên gia ấy không lấy em, cũng không lo toan cho hai mẹ con em được chu đáo, chỉ có thể gửi tiền về để em nuôi con, thỉnh thoảng lấy lí do đi công tác để sang thăm em... thì dù sao, cuộc sống của em cũng đã tốt hơn nhiều so với những người phụ nữ cùng cảnh ngộ khác... những cô gái nông thôn nghèo Việt Nam đang chết dần chết mòn trong những nhà chứa bên biên giới Trung Quốc, Campuchia… nơi họ không còn là con người và mong manh, hấp hối trong hy vọng có một ngày được trở về nhà....

 

 

Tôi đã từng có ý định sẽ khuyên hoặc nói cho anh chuyên gia kia biết sự thật, nhưng cuối cùng chọn cách im lặng. Nếu cô bé ấy muốn nói, cô ấy sẽ tự nói. Nếu không, cứ để cho hai người họ sống trong mộng ảo. Cuộc đời ngoài kia nhiều lúc cũng đâu có tốt đẹp gì. Hãy để cho hai người họ hạnh phúc trong ngộ nhận để đứa bé được lớn lên mà không phải hứng chịu sự dè bỉu và hắt hủi của dư luận, sự ác nghiệt của miệng lưỡi thế gian...

Nếu em bé đó thực sự được sinh ra... tôi có một khao khát là sẽ được làm bố đỡ đầu cho đứa trẻ đó... chắc chắn mọi người sẽ phản đối, hoặc im lặng, hoặc ủng hộ... Nhưng tôi chỉ muốn làm những gì thấy đúng. Dù ai sinh ra trong hoàn cảnh nào, họ cũng có quyền được sống và hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và đã là phụ nữ, dù làm nghề gì đi nữa, thì ai cũng có quyền được làm mẹ. Điều đó đã được luật pháp nhiều nước, trong đó có Việt Nam, thừa nhận.

(Ảnh trong bài chỉ mang tính minh họa).

 

Admin Hồng Công (sưu tầm)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: