Thứ sáu, 19/04/2024,


Văn chương, mấy ghi chép tản mạn (26/10/2014) 
 
 
 1/ Có sợ là võ đoán không, khi nói rằng, một số không ít các nhà văn chúng ta, trong đó có cả tôi, khi vào nghề không có mộng tưởng lớn? Thiệt thòi này có lẽ là do ngay từ bước khởi đầu chúng ta không được tiếp xúc ngay với những kiệt tác của Dostoyevski, Tolstoy, Hugo, Balzac, Solokhov, Marquez… Không được (bị) những Tội ác và Trừng phạt, Chiến tranh và Hòa bình, Những người khốn khổ, Vỡ mộng, Sông Đông êm đềm, Trăm năm cô đơn... thiêu đốt đêm ngày. Và như người ta nói: Nghề văn bắt đầu từ đâu thì cả đời không ra khỏi nơi depart - điểm xuất phát.
 
    2. Giáo sư Hồ Ngọc Đại bạn tôi nói: “Với Văn chương, đừng coi nó quá xa cách, cao cao tại thượng. Nhưng cũng đừng mày tao chi tớ, bá vai bá cổ, suồng sã với nó. Cần có một khoảng cách vừa phải”. Đó là một ý kiến lý thú! Còn Vấn đề dạy văn của anh như tôi đã giới thiệu một phần ở trên, là một cuốn sách hay, có giá trị đặc biệt trong vai trò một cẩm nang rất hữu ích cho những người có quan hệ. Tuy nhiên, đọc xong cuốn sách, tôi cũng tí chút cấn cớ. Trên trang 134, dẫn theo K.Marx, anh viết một câu chắc nịch: “Do đó, phải trần gian hóa mọi vấn đề của con người”. Tiếp đó, anh viết: “Văn là kết quả của quá trình lao động say nhưng tỉnh của con người trần gian”. “Phải làm cho trẻ em thực bụng tin rằng văn là kết quả của hoạt động có ý thức”. Viết đến đây, tôi sực nhớ, đã lâu lắm rồi, một lần gặp, tôi nghe Nguyễn Đình Thi nói: “Sao lại có thể định nghĩa: Nghệ thuật là loại hình tư duy hình tượng?”. Tư duy? Sao lại là tư duy nhỉ? Thế đấy! Câu hỏi nọ của nhà văn lớn lâu nay vẫn neo đậu và trở thành một khắc khoải khôn nguôi trong tôi. Là một người viết, ừ thì chỉ là bình thường thôi, mà sao tôi vẫn thấy cái mà ta vẫn gọi là văn, bên cạnh những điều thật minh bạch cân đo đong đếm được, hay nói một cách khác, có thể nhận biết được hoàn toàn, còn lại vẫn có thể là một vùng còn mang nhiều ngẫu nhiên, ngẫu sự, bí ẩn, mu mơ, chênh chao mơ hồ lắm lắm! 
 
3. Có nhà lý luận nói: Vectơ hướng ra bên ngoài là biểu hiện của trưởng thành. Nhưng Nguyễn Thành Long bảo tôi: Nhà văn viết cho người khác, đến một lúc nào đó mới viết được về mình. Mình viết về mình, hiểu mình là khó nhất!
 
4. Các nhà lý luận phê bình hôm nay thường rất coi thường giá trị văn học đương đại. Vì sao? Hãy xem, văn học trước 1945 còn để lại cho đời những Nghị Hách, Xuân tóc đỏ, Cụ Cố Hồng, Chí Phèo... Còn các anh hôm nay, có được nhân vật nào? Đúng! Tuy nhiên, cũng xin nói thêm. Xây dựng hình tượng các nhân vật tích cực khó hơn rất nhiều những nhân vật dở dở ương ương. Cái đẹp phong phú hơn cái xấu, nhưng khó khám phá. Tả Don Kihoté không khó. Tả Mã Giám sinh, Hồ Tôn Hiến, Hoạn Thư dễ hơn tả Thúy Vân, Thúy Kiều, Kim Trọng.
 
 5. Vũ Trọng Phụng có biết trò đỏ đen, có trải qua đời sống đĩ điếm đâu mà viết về những cái đó được. Năm 1979, Như Phong, giám đốc NXB Văn học ký cho tôi in tiểu thuyết “Đồng bạc trắng hoa xòe”, ông hỏi tôi: “Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, cậu mới 9 tuổi, làm sao viết được về thời kỳ ấy?”. Lúc ấy tôi không biết trả lời thế nào. Còn bây giờ thì tôi nói, nhà văn là kẻ có khả năng thực hiện thao tác thoát ra khỏi mình để sống cuộc sống của người khác, để hiểu thêm một phần khác của cuộc sống.
 
    6. Viết cái gì và viết thế nào là hai vấn đề quan trọng của văn chương. Nhưng hình như các nhà văn, các nhà lý luận ít quan tâm tới vấn đề viết như thế nào. Tràng Giang chỉ có thể là thơ thất ngôn. Lượm chỉ có thể là thơ kể chuyện. Bình thơ, cuốn sách phê bình thơ của thi sỹ Vũ Quần Phương chỉ cho ta biết: tại sao Tây tiến lại rung động lòng ta thế. Bài thơ, câu thơ này vì sao nó lại hay đến thế. Có lẽ là ông đã giải mã được cái hay bằng việc khám phá ra bí mật của cách viết, tức viết như thế nào! Cũng như thế, gần đây, để hiểu nhà thơ này nọ tài tình đến thế nào, mình thường đọc những bài viết có tính giải mã thật tinh tế của nhà thơ Phạm Khải. Trò chuyện với tôi về chủ đề này, Giáo sư -Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng, một người rất am hiểu về văn học nói: “Có lẽ câu chuyện cũng tương tự như khoa sinh học của mình, từ nghiên cứu ở mức độ cơ thể, đến tế bào, qua sinh học phân tử rồi bây giờ là công nghệ gien”.
 
7. Có nhà văn cái bóng to hơn người. Tiếng tăm to hơn tác phẩm. Văn sĩ là thế chăng? Họ là kẻ bặt thiệp trong giao du. Họ sống với nhiều giai thoại. Họ vốn là kẻ sống có chút lập dị khác người. Tuy nhiên, cái còn lại cuối cùng của nhà văn là tác phẩm, chứ không phải là cái gì khác.
 
 8. Tô Hoài viết Hà Nội xưa. Hóm hỉnh, ông bảo tôi: Mình viết mà không hiểu đâu là thật đâu là ảo! Tôi nghĩ, văn chương đích thực là thế. Nhiều người cứ tưởng hiện thực là sát sàn sạt với nguyên mẫu cuộc đời. Không phải. Thực tình là nhân vật thành công luôn được xây dựng trong mơ mơ hồ hồ. Văn chương là hình ảnh đã qua khúc xạ nghệ thuật!
 
 9. Nhiều nhà văn nói theo thói quen: Tác phẩm để đời của tôi là cái tôi sắp viết. Thực ra thì với đa số, cuốn sách hay nhất của anh là cuốn đã viết rồi, chúng xuất hiện ở đâu đó nơi đầu đời anh.
 
10. Viết xong bài tiểu luận nọ, tôi ghi bên dưới ngày tháng 15, tháng 10, năm 2012. Báo Văn Nghệ in bài đó ra ngày 20 tháng 11 năm 2012. Một nhà lý luận bảo tôi: Lẽ ra anh phải ghi ngày tháng hoàn thành bài tiểu luận ra xa hơn. À, thì ra viết xong in ngay, thì có vẻ là chưa chín chắn và do đó người đọc thấy giá trị tác phẩm bị giảm đi. Nguyễn Công Hoan viết tiểu thuyêt Bước đường cùng trong 16 ngày. Ông Văn Tùng viết tiểu thuyết Cuộc kiếm tìm vô vọng trong có 7 ngày. Thời gian có mối liên hệ gì đến giá trị tác phẩm?
 
11. Trong văn chương chê nhau là bất tài là tối kỵ. Nó gây đau đớn tủi hổ cho bạn bè. Nó gây thù hận suốt đời cho người bị chê. Nó làm thui chột cảm hứng của người bị chê. Thực ra trong văn chương, mỗi người chỉ thạo một vài thao tác thôi. Hợm mình là rất không biết điều. Rất vô lý! Bởi vì trong văn chương luôn có yếu tố ngẫu sự và không có ai một khi đã dấn thân vào   nghề nghiệp này lại không ngẫm nghĩ rằng: Ta sẽ là số 1!
 
12. Cuộc đời thật ngắn ngủi. Chưa kịp làm được cái gì ra tấm ra món, cái già đã xồng xộc đến. Nhưng cuộc đời cũng rất dài. Về hưu rồi, không có cái gì để viết, lại thấy ngày sao dài lê thê thế!
 
 13. Học chữ ở đâu? Nguồn chữ ở đâu? Ai cũng có thể nói được rồi. Với tôi còn một nguồn bí mật nữa. Chính là giáo sư Phan Ngọc đã phát hiện ra, khi ông viết: “Mỗi khi trong tiếp xúc văn hóa, một ngôn ngữ phải tiếp thu các thành tựu của một ngôn ngữ khác cao hơn mình, thì công lao đổi mới ngôn ngữ là thuộc các nhà phiên dịch hơn các nhà văn.”. Tôi rât chú ý đến ngôn ngữ khi đọc sách dịch, kể cả sách khoa học kỹ thuật.
 
 14. Với những tên tuổi lớn, tôi nghĩ, phê bình chỉ có nhiệm vụ là giải trình (tại sao ông lại viết thế?) chứ không phê phán. Gía trị của họ đã neo vào lịch sử rồi. Albert Einstein nói: Một thiên tài không có sai lầm. Sai lầm của anh ta là cánh cửa của sự phám phá!
 
15. Cả một đời viết cắm cúi để có được một phong cách (style) riêng, không giống ai. Nhưng khi đã hình thành phong cách riêng rồi, phong cách đã ổn định rồi thì tự mình lại chán mình. Còn gì vui và cũng không gì buồn bằng, khi nghe một độc giả nói: Đọc văn anh tôi nhận ra ngay! Vậy là mình đã cằn cỗi?
 
   16. Những bộ óc thông minh trác việt nhất cũng khó thoát ra khỏi thế hệ và lịch sử. Bài thơ “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” của L.Aragon là thành thật. Di cảo của Chế Lan Viên cũng rất thành thật. Các tác giả lớn đều là những con người rất thành thật. Đólà điều tôi nhận ra sau khi đọc Hồi ký Lạc quan… buồn của nhà văn Trịnh Đình Khôi.
 
17. Tài năng là thiên phú, là tiên thiên và cũng là hậu thiên, tức là còn nhờ ở học tập, trau dồi. Nhưng tài năng cũng có giới hạn rất bí ẩn. Đọc mấy truyện ngắn trên báo Văn Nghệ năm 2012 của nhà văn Bùi Việt Sỹ, tác giả tiểu thuyết Người đi đường thọt chân xuất sắc, tôi nói: Anh Sỹ viết truyện ngắn có duyên lắm đây, tại sao ít viết thế? Sỹ đáp: Thú thật em viết truyện ngắn vất vả lắm. Mệt lắm! Mãi không xong một truyện. Truyện ngắn viết khó lắm! Trong khi đó, Nguyễn Hiệp bảo em: Sao anh viết tiểu thuyết hay và nhanh thế? Em đáp: Tôi không quen viết ngắn và hỏi Nguyễn Hiệp: Thế còn cậu? Hiệp nói: Còn em, cứ định viết tiểu thuyết là lát sau lại thành truyện ngắn. Huyền bí ly kỳ và như một định mệnh chưa? Được biết, trong khi ấy, cây bút đa năng tài hoa Nguyễn Đình Chính lại thú nhận: Mình cứ đặt bút viết là lập tức thành truyện dài, thành tiểu thuyết. Cả đời chỉ ao ước viết được một cái truyện ngắn thật hay thôi! Chà! Albert Einstein viết: Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học.
 
18. Đọc ba cái truyện ngắn của tôi in trên Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm số 1 tháng 9 năm 2013, Văn Chinh, thư ký tòa soạn khích lệ tôi, bảo tôi viết một truyện ngắn cho số Tết Tạp chí. Tôi đáp: Già rồi, viết gì được nữa. Văn Chinh kêu: Ông anh quên câu thành ngữ “Thầy già con hát trẻ” à? Một lần tại Hội thảo Viết cho Thiếu nhi, trong khi nhiều diễn giả than phiền, lực lượng viết trẻ về đề tài này là chủ lực giờ thưa vắng quá. Thì Bùi Bình Thi đứng phắt dậy, quát: Viết cho Thiếu nhi phải nhìn vào cánh già chứ! Nghe vậy lại nhớ: Nhiều nhà lý luận phê bình viết và nói đều một ý: Hy vọng về tương lai văn học của tôi hướng về nhà văn lứa tuổi 20!
 
19. Bùi Bình Thi gọi điện cho tôi, nói: Ông biết câu nói này của Albert Einstein chưa? Tôi hỏi lại. Nhà văn đọc: “Trên đời này có hai cái vô cùng, đó là sự ngu dốt và vũ trụ. Nhưng vũ trụ thì người ta còn có thể khám phá được”. Tôi nói: Tôi có biết câu nói đó. Nhưng gần đây đọc được một câu cũng ý đó nhưng được diễn đạt khác tí chút. Thi bảo đọc thử xem nào! Tôi giở sổ tay, đọc: “Có hai thứ không có giới hạn, vũ trụ và sự ngu dốt. Về vũ trụ thì tôi không chắc”. Bùi Bình Thi reo: “Trời, hay quá! Đúng là cách nói của nhà bác học!”. Thế mới biết tầm quan trọng của cấu trúc câu văn, của câu chữ! Lại nhớ hôm chủ nhật 22 tháng 12 năm 2013, nhận được tin nhắn của Bùi Bình Thi: Sáng Chúa Nhật, tôi cầu xin Đức Chúa Trời Ba Ngôi ban đầy ơn cho một người thiện lành là Đinh Trọng Đoàn. Chà! Chữ nghĩa gì mà một kẻ không phải là tín hữu của đạo Tin Lành mà cũng rúng động như thấy có quỷ thần ở bên trong. Nhiều người nói rồi, nhà văn không viết truyện mà là viết văn. Người đọc cũng vậy, họ đọc văn của nhà văn đấy. Nếu không tin, bạn hãy đọc thử Truyện ngắn và Tiểu thuyết của nhà văn Hồ Anh Thái mà xem!
         
     20. Tôi thật tình không hiểu tại sao người ta lại lên án gay gắt khi nhà trường tiểu học trung học dạy học sinh những bài văn mẫu. Ngay cả khi học sinh chép nguyên văn những bài văn đó, nghĩa là không có sáng tạo, một giải pháp tình thế, khi đi thi đại học. Phải sáng tạo! Phải sáng tạo! Ý của những người lên án là vậy! Hoan hô các tín đồ của chủ nghĩa sáng tạo. Nhưng xin thưa, sáng tạo bằng cái gì? Học tập Tshékhov không gì bằng chép lại truyện của ông. Ai cũng biết câu nói này. Không có nhà văn hình thành nào mà không đọc Dostoyevski, Tolstoy, Hugo, Balzac, Solokhov, Marquez... Mạc Ngôn, giải Nobel văn học 2012, rõ ràng là chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong các tác phẩm của các nhà văn Châu Mỹ La tinh. Nghe nói, trong việc đào tạo họa sĩ, có cả tiết mục chép tranh cổ điển. Tôi được như ngày nay là nhờ đứng được trên vai những người khổng lồ! Đó là câu nói cửa miệng của nhiều nhà khoa học! Riêng tôi, tôi luôn coi trọng các mẫu mực.     
 
21. Tác phẩm đỉnh cao trong những thời kỳ văn học xa xưa và gần đây là những cuốn sách nào? Hiển nhiên trong những năm 1930 - 1945 về văn xuôi là Giông tố, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Chí Phèo của Nam Cao, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài. (Nguyễn Khải có lần nói: Ước ao cả đời tôi chỉ là viết được một cái như Tắt đèn, chỉ hơn trăm trang). Nhìn về xa nữa thì thấy nếu không phải là Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc... thì là cái gì? Gần đây nhất thì tất nhiên phải kể tới Thân phận tình yêu của Bảo Ninh. Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường... Từ đó luận suy ra, tác phẩm gọi là đỉnh cao của văn xuôi Việt trong tương lai, có lẽ sẽ không phải là những bộ tiểu thuyết nhiều tập đồ sộ như Thủy Hử, Hồng Lâu mộng, Chuyện làng Nho, Những người khốn khổ, Chiến tranh và Hòa bình, Sông Đông êm đềm... đâu. Thời kỳ thống ngự của sử thi có lẽ là đã mãn. Nhưng cũng không phải là những tác phẩm có kết cấu tầng tầng lớp lớp như của M.Dostoyevski hay của G. Marquez. Trong các tác phẩm của H, Balzac, tôi thích Eugénie Grandet hơn cả và nghĩ, có lẽ tư duy truyền thống Việt gần gụi với kiểu dáng tiểu thuyết có đường nét thanh nhã này. Ý kiến này, tôi đã manh nha nghe được trong đôi ba lần từ những cuộc nói chuyện của Nguyễn Đình Thi.   
    
 22. Làm thế nào để có được những tác phẩm đỉnh cao? Nói riêng về văn xuôi thì thấy, các cuộc hội thảo tốn kém bao lâu nay vẫn chỉ loay hoay trong lối mòn. Nào đâu có phải vì chế độ nhuận bút ngọ ngằn. Nào đâu có phải vì thiếu sự thông thoáng trong quan điểm chỉ đạo. Nào đâu có phải vì nghệ thuật nghe-nhìn lấn át. Nào đâu có phải vì văn hóa đọc kém cỏi. Nào đâu có phải xã hội thiếu sự chăm lo bồi dưỡng. Nào đâu có phải... Tài năng một khi xuất hiện, tất cả những dữ kiện trên chỉ là con số Không (0). Tài năng tự mở lấy đường đi! Mà tài năng trước hết lại là bẩm sinh, là tiên thiên, là tự phát. Goeth nói có 3 yếu tố để có tác phẩm lớn: 1/ Dân tộc đó có cái để nói với nhân loại. 2/ Tài năng xuất hiện và có khả năng biến những vấn đề của dân tộc thành hình tượng nghệ thuật. 3/ Tài năng làm việc trong thời kỳ sung sức nhất. Vậy thì vấn đề chỉ là có con mắt xanh để nhận ra tài năng và cố gắng góp sức để nó phát triển. Tiếc thay, đến đây lại gặp cái cạn hẹp của lòng người!  
 
23. Nguyễn Thành Long sinh thời và cả đến bây giờ vẫn là thần tượng văn xuôi của tôi. Có lần ông bảo tôi: “Văn học chúng ta lúc này có hai đặc điểm quan trọng là: Tập thể và Vui”. Đúng là có một thời như thế. Nhưng bây giờ xem lại thì thấy, các tác phẩm văn học lớn trên thế giới và trong nước đều có âm hưởng là một nỗi buồn, một nỗi buồn nhân thế, nhân sinh. Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm chẳng hạn. M. Kundera nói đại ý: Cái cười không bao giờ là đối tượng của nghệ thuật. Hài hước chỉ là nghệ thuật khi sau nó, cùng với nó là nỗi chua chát, đắng cay, ngậm ngùi. Don Kihoté thật ngộ và tội nghiệp!
 
 24. Văn học tiến lên bằng những bước đột phá. Đột phá là từ bỏ một cái gì đó và thu nạp một cái gì đó mới mẻ. Tự lực văn đoàn là thế. Đổi mới là thế. Những quan niệm mới. Những vùng thẩm mỹ mới. Những giọng điệu mới. Thông thường ở những thời điểm đó, nếu không có chết chóc máu me thì cũng có đổ vỡ, có đau đớn, có nước mắt và có chia rẽ- nhãn tiền đã thấy rồi.
 
 25. Thi sĩ Nguyễn Linh Khiếu, trong bài bút ký in trên Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam số 10/ 2013 kể: Trùng cửu năm 663, Diêm đô đốc Hồng Châu mở tiệc khánh thành Đằng Vương Các. Các nhân vật danh tiếng trong vùng đều được mời tham dự. Vương Bột dù mới 14 tuổi cũng được tham dự nhưng chỉ được ngồi xó bếp. Để trợ hứng uống rượu, Diêm đô đốc mời mọi người làm thơ thù tạc. Đưa đẩy mãi chưa danh nhân nào lên tiếng. Lúc đó Vương Bột xin đọc bài văn ngẫu hứng Đằng Vương Các tự. Vương Bột đọc xong mọi người trầm trồ tôn vinh kiệt tác. Diêm đô đốc thốt lên: Người đúng là bậc kỳ tài thời nay. Mọi người đã không nhầm, sau này bài văn đã trở nên bất hủ, nổi tiếng khắp thiên hạ.
   Bậc kỳ tài là thế! Xuất hiện là chói sáng ngay. Ở ta, có lẽ Trần Đăng Khoa là một trường hợp duy nhất đựơc hưởng sự tôn vinh ngay lập tức như thế. Nói vậy để yên tâm rằng, về đại đởn, thiên hạ còn chưa biết đến ta là vì ta chưa là cái gì cả! Nói đại đởn là vì còn có phàm lệ. Nghe nói, thời Puskin còn sống và làm thơ, văn giới Nga vẫn phàn nàn rằng, như cách nói của các vị trong Hội đồng lý luận phê bình VHNT TW ngày nay, là chẳng thấy tác phẩm đỉnh cao đâu cả!  
 
26. Chiều 6/12/2013 đi xem Triển lãm tranh lần thứ 5 của họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ, phu nhân của Bùi Bình Thi tại 16 Ngô Quyền. Trong buồng khách của mình có treo một tranh hoa của họa sĩ tặng, bởi vậy nên càng hào hứng lắm. Phòng triển lãm không rộng, chật ních người và là cả một thế giới hoa trong tranh. Cúc vàng. Li li trắng. Hoa nắng. Đồng tiền. Tigon. Violet. Sen cạn. Cúc kim. Hoa dại... Bằng phấn màu và Acrylic. Tất cả đều đẹp trong hòa sắc và ánh sáng. Tự nhiên vốn đẹp. Con người làm cho nó đẹp thêm bội phần. Đó là ý nghĩ thứ nhất. Ý nghĩ thứ hai là: Xem tranh thấy tài năng hòa trong lao động, nói cách khác: lao động của nghệ sĩ vừa là lao động thủ công nghiệp vừa thăng hoa. Trong khi đó, tại sao xem tranh của một vài họa sĩ thuộc trường phái khác, có lúc mình chỉ thấy tài năng, không thấy lao động đâu. Ý nghĩ thứ ba: Nghề văn, nhất là trong văn xuôi, tài năng đi liền với lao động. Một thứ lao động có tính thủ công rõ rệt, vật vã khổ sai như anh thợ đấu, nhưng ngập trong cảm hứng nên không thấy mệt nhọc. Để cấu tứ, để tìm tòi tư liệu, để tìm câu tìm chữ. Viết tiểu thuyết là cả một cuộc đi săn hổ. Cực nhọc vô cùng và hồi hộp, lo sợ, sung sướng vô cùng!
 
27. Trong một buổi trò chuyện, tôi nghe cây đại bút Tô Hoài nói: Nhiều nhà văn cùng trang tuổi như tôi đến nay không còn viết nữa, trong khi tôi vẫn viết đều đều. Có nhiều lý do, trong đó có lý do sau đây: Tôi có nghề! Viết văn là làm nghề. Ngồi ở đâu tôi cũng làm nghề được. Tôi làm đủ thứ hàng mà bạn đọc yêu cầu. Nghề văn là một nghề tinh xảo. Câu giải đáp của nhà văn lớn thật giản dị mà sâu sắc!
 
 28. Ngày 17 tháng 7 năm 2002, 10 giờ sáng, từ Sa Pa, nhà văn – tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện gọi điện cho tôi, nói: Em đang đứng trước ngôi nhà thờ Sa Pa, nơi ông Cố Vinh trong truyện vừa “Cố Vinh, người xứ lạ” của anh, sinh sống. Tôi nói: “Ông Cố bị chặt đầu ở ngay bậc thềm ngôi nhà thờ ấy. Còn Núi Rêu ở phía sau thị trấn đó”. Nguyễn Ngọc Thiện nói tiếp: “Mấy chị, trong đó có nữ nhà văn - tiến sĩ Vân Thanh nói: Thế thì tôi về phải tìm đọc ngay truyện này mới được. Thú vị quá”. Tôi chợt nhớ tới một câu nói của G. Marquez: Trong tất cả văn phẩm của tôi, tôi có thể chỉ ra cho bạn đọc thấy: Chi tiết này, câu văn này tôi căn cứ từ hiện thực nào mà có!
 
29. Có cuốn sách kể rất nhiều chuyện, nhưng lại rất ít chất đời. Ngược lại, có cuốn kể ít chuyện thôi, nhưng cái nghĩa đời lại rất lớn, rất nhiều. Thực ra, truyện ngắn và tiểu thuyết chỉ là một, chỉ là một thế giới nhất quán. Nó chỉ là một góc nhìn đời sống, một thái độ trước nhân sinh. Đó là mấy ý kiến nhỏ trong rất nhiều điều lý thú PGS- Tiến sĩ La Khắc Hòa có lần nói với tôi. Còn một lần đi cùng Trần Đăng Suyền xuống Hải Dương nói chuyện với các giáo viên dạy văn toàn tỉnh, nghe Giáo sư Tiến sĩ nói về Nam Cao, tôi mới ngộ ra rằng bấy lâu mìmh vẫn có cái lối viết độc thoại nội tâm, bắt chước Nam Cao, tức kiểu lời văn hai giọng mà mình không biết!
 
30. Viết tiểu thuyết như với tới trời cao. Nhà văn viết tiểu thuyết là độc hành, tự mình sinh nở ra mình. Tiểu thuyết là một thú dữ xảo quyệt, và cũng là biểu hiện của một tổng lực văn hóa. Đó là ý kiến của Nguyễn Xuân Khánh trong một cuộc hội thảo nho nhỏ về tiểu thuyết. Cũng trong buổi đó, Đỗ Chu nói: Thơ là vương miện. Tiểu thuyết là cột xương sống. Tiểu thuyết một khi đã thả nhân vật ra, phải nuôi sống được nó. Bình Thi nói: Cuộc đời là vô số những cái không hiểu được. Đó là lúc xuất hiện tiểu thuyết. Người viết tiểu thuyết viết những cái không hiểu đó. Và người đọc thì hiểu ra ngọn ngành tất cả. Nguyễn Quang Hà nói: Viết tiểu thuyết về chiến tranh, phải thấy được cái bề ngoài rực rỡ và cái bên trong nham nhở của nó. Phạm Đức nói: Viết tiểu thuyết như nghệ sĩ xiếc đi trên dây. Hoàng Quốc Hải nói: Viết tiểu thuyết, nhà văn phải vượt qua được nỗi sợ hãi của chính mình. Đình Kính nói: Tiểu thuyết có tính phản kháng thì mới có sức hấp dẫn. Hoàng Minh Tường nói: Nông thôn Việt chứa một hàm lượng lớn cho thể loại tiểu thuyết thỏa sức tung hoành. Tô Đức Chiêu nói: Chân trời tiểu thuyết về đề tài chiến tranh với các ngóc ngách còn mở ra vô cùng bao la. Dương Duy ngữ nói: Nếu không có cái đầu thông thoáng không thể có những tiểu thuyết lớn. Nguyễn Đình Chính nói: Với riêng tôi, có đi thì tôi mới viết được. Lê Thành Nghị nói: Tiểu thuyết là kết quả của sự chưng cất cả cái thật và cái hay. Hữu Thỉnh nói: Tiểu thuyết ta mới hay ở mức độ hiểu được. Chưa hay ở mức không hiểu, không giải thích được. Cái hay là vô bờ bến! Văn trong tiểu thuyết là hương hoa của trí tuệ và tâm hồn.
    Đó là vài ý kiến tôi chợt chộp được và ghi nhanh lại trong buổi Hội thảo về Tiểu thuyết do Hội Nhà văn tổ chức tại Nhà Sáng tác Đại Lải, ngày 7 tháng 11 năm 2002.
 
 31. Văn nhân tương khinh. Chuyện vốn là vậy. Sinh thời Dostoyevski đã khốn khổ vì sự đố kỵ của đồng nghiệp. Tuy vậy, nhiều nhà văn có tài của ta vẫn có được tri âm tri kỷ trong văn giới. Mình cũng giống một số bạn đồng nghiệp có được một số bạn đọc chia sẻ chân tình. Như nghệ sĩ cải lương Thu An, thầy giáo dạy văn đa tài Khánh Tình, PGS – cây bút chính luận xuất sắc Trần Đình Huỳnh... Đừng tưởng nhà văn không cần sự nuông nựng ấm áp của tình thân. Trên con đường thiên lý vạn dặm của sáng tác, nhiều mặc cảm cô đơn và buồn đau lắm!
 
 32. Đặt tên truyện và tên nhân vật thật tình là không đơn giản. Nhất là tên truyện. Sông Đông êm đềm thì bất hủ ngay từ cái tên sách. Khôn ngoan hiện ra mặt. Què quặt hiện ra tay chân. Gần đây thấy nhiều tên truyện của bạn bè đồng nghiệp khá hay. Lên núi thả mây của Lê Văn Thảo, Đa cực và điểm đến của Văn Chinh, Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê, Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn, Chân trần của Thùy Dương, Gia phả của đất của Hoàng Minh Tường... chẳng hạn. Đọc tên sách đã thấy có cái gì thấp thoáng ở phía sau, chỉ muốn giở sách đọc liền. Với mình, thông thường trước khi viết truyện, tên truyện và tên nhân vật đã xác định xong rồi. Đến khi viết xong thì tên truyện và tên nhân vật coi như ổn định. Chúng đã ám vào câu chữ trong truyện rồi, khó thay đổi lắm! Cuốn truyện dài cuối cùng mình viết, đặt tên từ lúc khởi thảo là: Lý, con của người đời. Đắc ý lắm vì thấy cái tên thâu tóm được chủ đề câu chuyện. Nào ngờ, khi đọc duyệt để cho in, Phó Tổng biên tập, nữ nhà văn Nguyến Thị Anh Thư phát hiện, nó na ná tên một cuốn tiểu thuyết của Nêxơ Anđécxen (cũng người Đan Mạch, nhưng không phải ông Hanxơ Anđécxen chuyên viết truyện cổ tích nổi tiếng). Chết thôi! Thì ra Anh Thư đọc nhiều hơn mình tưởng! Chịu thầy vậy. Nhưng, khổ quá, vì loay hoay cả tháng trời mà vẫn không đặt được tên mới cho cuốn sách!
 
   33. Jean Paul Sartre, nhà văn – triết gia nổi tiếng thế kỷ 20 của nước Pháp được Hội đồng Hoàng gia Thuỵ Điển quyết định trao tặng giải Nobel văn học, nhưng ông không nhận. Ông nói: Nhận danh dự chánh thức tức là chịu cho nó trói buộc. Là như đeo cái mặt nạ. Là chịu sức ép của danh hiệu. Đó là bản lĩnh một kẻ sĩ, một tri thức đích thực. Tuy nhiên, căn cứ theo giấy trắng mức đen, với trí tuệ cà mèng như tôi, tôi lại thấy có lúc ông mâu thuẫn với chính ông. Chẳng hạn, ông viết: Tôi giao lưu với lũ vô lại, tôi phóng túng, tôi đến nghỉ trong những nhà chứa nhưng không quên rằng chân lý của mình vẫn nằm trong ngôi đền thiêng. Nghĩa rằng, ông là con người đầy bản lĩnh chủ động, không hề bị suy xuyển nhân cách dù sống trong sang hay hèn. Tôi thích ý tưởng này của ông. Áp dụng vào mình như sau: Tôi đã được nhận một số giải thưởng văn chương cao quý của nước nhà. Tôi rất trân trọng. Tuy nhiên không bao giờ tôi coi đó là áp lực với mình. Nghĩa là bị chúng làm cho choáng váng, tạo nên sự thỏa mãn và do đó bị chúng khống chế, nên vừa lên mặt cao ngạo vừa phải thu mình lại, xa cách cõi trần phàm, luôn khép nép giữ dìn để bảo toàn cái người đời gọi là danh giá, danh tiết  của mình. Đối với văn chương, tôi không coi nó là quá quan trọng. Cũng không coi rẻ nó. Tôi coi viết văn là một nghề như rất nhiều nghề cao sang khác. Và tôi hành nghề như một người bình thường hàng ngày làm cái nghề   mà mình đã yêu quý và dấn thân. Mà không phải đeo mặt nạ!
 
 34. Ai đã học lịch sử văn học nước nhà hẳn không thể không trân quý các tác phẩm văn chương của ông cha. Nhất là các cuốn như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc... Tôi gọi đó là dòng văn học hàn lâm bác học. Cùng với nó, tôi cũng yêu quý các tác phẩm thuộc dòng văn học khác, như Trê Cóc, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Tống Trân - Cúc Hoa... và nhiều cuốn sách khác. Văn học thế giới chắc cũng thế. Tội ác và Trừng phạt, Chiến tranh và Hòa bình, Sông Đông êm đềm... cũng tách riêng một dòng riêng, không lẫn lộn. Ở giữa hai dòng tác phẩm này, tất nhiên có một khối lượng khổng lồ những cuốn sách nửa nọ nửa kia. Hệ luận từ đó với tôi là: Là một nhà văn chuyên nghiệp, những gì tôi viết ra, hiển nhiên định hướng là phải cố vươn tới - dù là duy ý chí - những tiêu chí của dòng văn học hàn lâm bác học kể trên.
 
 Ma Văn Kháng -2014
 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: