Chủ nhật, 22/12/2024,


Nhà thơ Nguyễn Bính đã mất như thế nào? (19/01/2009) 

        

Nhà thơ Nguyễn Bính - Cây đại thụ của lục bát Việt Nam - mất ngày 20-1-1966, tức 29 tháng Chạp năm Bính Ngọ. Gần nửa thế kỷ trôi qua, đã có biết bao bài báo, câu chuyện viết và kể về cái chết của nhà thơ “chân quê”. Nhưng cái ngày định mệnh cuối cùng của một trong những “Người quê” vĩ đại nhất, đã có công lớn trong việc lưu giữ hồn Việt cho muôn đời sau, dường như vẫn là một ẩn số.

Nhân kỷ niệm lần thứ 43 ngày mất của Nguyễn Bính, Lucbat.com xin giới thiệu bài viết “Sự thật về cái chết của nhà thơ Nguyễn Bính, cha tôi” của Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái nhà thơ (nguồn: vanchinh.net).

 

Cha tôi mất tính đến nay đã được 43 năm,  trong khoảng thời gian gần nửa thế kỷ đó, có biết bao ý kiến, bao bài báo nói về cái chết của cha tôi, biết bao là dị bản, kể cả những người trong gia đình họ tộc nhà tôi, tất cả cũng đều nghe nói lại, không một người vợ con ruột thịt nào có mặt lúc cha tôi lâm chung.  Biết làm sao hơn được, chiến tranh loạn lạc mà!

 33 năm đất nước yên bình! Từng ấy thời gian tôi sống trong lù mù ngược xuôi nhiều chiều dư luận, thậm chí có cả dư luận nghi ngờ ác ý về cái chết của cha tôi. Ấy vậy mà, tôi vẫn chưa có điều kiện tìm hiểu thực hư về cái chết của cha mình. Vì không có thời gian, vì công kia chuyện nọ, vì cách trở quan san, vì cuộc sống áo cơm, vì sự ỷ lại nào đó hay là sự vô tâm… có lẽ vì mỗi thứ một chút mà cho mãi đến 30 tháng tư năm 2008, khi tôi về hưu, tôi mới tìm đến nơi cha tôi  trút hơi thở cuối cùng. Để rồi lúc tôi trở về, đi trên con đường làng tráng nhựa phẳng lì quanh co uốn lượn, hai bên đường được viền xanh rì bởi những cây nhãn cổ thụ, có tiếng chim hót gọi mùa, làng quê đẹp như trong tranh vẽ, và cũng thật thanh bình êm ả mà trong tôi thì gập ghềnh lắm nỗi. Con đường nào cha tôi đã đi qua với những tháng ngày gian nan vất vả, làng xóm trong thời kỳ bom đạn… tôi bùi ngùi vì sự chậm trễ nên không gặp được chú Tân Thanh để được nghe chú nhắc nhớ về cha mình vì nay chú cũng đã ra người thiên cổ.

Chú Tân Thanh có tên tục là ông lang Hứa, chú làm nghề đông y, thích làm thơ và nhất là rất yêu thơ Nguyễn Bính. Gia đình chú có nghề buôn bán cây thuốc lâu đời, thời đó đã  xuất khẩu thuốc bán ra nước ngoài, gia đình thuộc loại khấm khá. Lúc sinh thời cha tôi hay lui tới nhà chú Tân Thanh như chỗ thâm tình. Gia đình chú cũng quí cha tôi như người anh lớn trong nhà. Dạo ấy là những ngày tháng chạp, cha tôi từ bệnh viện nơi sơ tán về ghé lại nhà chú Tân Thanh nghỉ dưỡng cũng có hơn mươi ngày. Một hôm cha tôi nói với chú Tân Thanh:

- Chú Hứa này, anh đã coi số tử vi, năm nay anh chết đấy, nếu may qua được năm nay thì anh sống thêm được chục năm nữa!

Chú Tân Thanh gắt:

- Vớ vẩn, chết gì mà chết, tử vi với tử vẩn, anh cứ nói huyên thuyên!

- Thật mà hôm nào rỗi anh cho chú xem - Nhưng cha tôi cũng không kịp cho chú Tân Thanh xem lá số tử vi như ông đã hứa.

Khoảng 25, 27 tết cha tôi đem chiếc xe đạp hiệu Phượng Hoàng (tiền mua chiếc xe cũng là của chú thím Tân Thanh đưa) ra kỳ cọ sửa sang để chuẩn bị về Nam Định ăn tết. Thấy vậy thím Tân Thanh mới bảo:

- Bác ở lại ăn tết với vợ chồng chúng em, sức khỏe bác ốm yếu như vậy, đường sá gập ghềnh lỏm chỏm đá to đá nhỏ, ổ gà ổ voi không khéo ngã thì có chết! 

Cha tôi nói:

- Cô không sợ anh chết ở đây à?

- Chúng em chẳng sợ gì cả, chết thế nào được! Bác cứ ở lại đây ăn tết cùng gia đình chúng em có dưa ăn dưa có muối ăn muối.

Chú Tân Thanh nghe vợ nói, cũng hăng hái góp lời:

- Cô ấy nói phải đấy! Bác cứ ở lại ăn tết với chúng em, khi nào khỏe hẳn rồi hãy về, chúng em không buộc.

Thế là cha tôi đồng ý ở lại với gia đình chú Tân Thanh để ăn thêm cái tết xa nhà, không ngờ đó lại là một “Xuân tha hương” vĩnh viễn của cha tôi ở nơi cũng tạm gọi là đất khách.

Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 20 tháng 1 năm 1966, nhằm ngày 29 tháng Chạp âm lịch (Tết năm ấy không có ngày 30), tại nhà chú Tân Thanh ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, cha tôi đã trút hơi thở cuối cùng.

Ở nhà quê những năm sơ tán, bữa ăn sáng của người nông thôn thường là củ khoai, cơm nguội đã là sang. Sáng đó, (cha tôi tuyệt nhiên không có uống một hớp rượu nào và cả những ngày hôm trước nữa vì ông đang điều trị bệnh) cha tôi ăn được một tô cơm đầy với tép kho, ông khoe:

- Cô Hứa này, sáng nay anh ăn được nhiều cơm, cả một tô đầy đấy!

Thím Tân Thanh nói:

- Anh cứ ăn nhiều vào cho mau lại người, ăn được là tốt rồi.

Lúc này, thím Tân Thanh vừa mỗ ruột thừa xong nên đi lại còn khó khăn, thím chỉ loay hoay trên bộ ván mà trông coi việc nhà. Ngày giáp Tết thợ thầy cũng nghỉ việc. Mọi việc cha tôi cứ tự nhiên như ở nhà mình, ăn xong cha tôi vắt chiếc khăn mặt lên vai, thủng thỉnh ra ao rửa ráy. Còn chú Tân Thanh thì chuẩn bị đi mỗ lợn chung.

Cha tôi bảo: 

- Chú không ăn bát cơm cho chắc bụng, kẻo đến trưa đến xế mới xong việc đói thì làm thế nào?

Chú Tân Thanh nghe lời cha tôi vào ăn bát cơm.

Ngoài ao, có tiếng cha tôi gọi:

- Tân… Thanh…!

Thím Tân Thanh gọi chồng:

- Ông Hứa ơi, ông ra xem bác Bính bị làm sao ấy ! 

Chú Tân Thanh vội buông đủa chạy ra, nhìn thấy cha tôi gục đầu thổ huyết bên bờ ao chỗ gốc mít, mà sau nầy xây nhà làm lại cổng, người nhà bảo đốn, chú không cho đành phải xây cái cổng lượn vòng, giữ lại cây mít để kỷ niệm bác Bính. Khi  tôi đến, xung quanh gốc mít chỗ thắm máu cha tôi mọc đầy những cây gừng non đâm thẳng lên trời, xanh mượt, tôi thấy cay ở sống mũi, nước mắt cứ trào ra.

 

             Trong phòng lưu niệm nhà thơ Nguyễn Bính...

 

Chú Tân Thanh bế cha tôi vào nhà để nằm trên chiếc giường cá nhân nơi ông thường nghỉ ngơi mỗi khi ghé lại, thì cha tôi đã tắt thở. Chú nói với vợ:

- Mình ơi, bác Bính đi rồi!

Thím Tân Thanh bàn với chồng, thuê người võng cha tôi ra bệnh viện cách đó gần hai cây số, chứ để trong nhà khâm liệm thì sẽ đâm ra rắc rối lôi thôi với chánh quyền, làng nước, nhiều lời dị nghị. Điều đó cũng dễ thông cảm cho chú thím, ngày tư ngày tết lại xảy ra chuyện chết chốc, xúi quảy cả đời có khi. Hai người được thuê võng cha tôi ra bệnh viện, hiện một người còn sống, tôi đã tìm gặp, ông tên là Lữ cũng đã ngoài 70 tuổi, nhà ở gần bên.

Tôi hỏi ông Lữ:

- Chú võng cha cháu ra đến bệnh viện cha cháu có tỉnh lại lần nào không?”.

Ông Bảo:

- Không! Ngày giáp Tết ai nấy cũng đều tất bật cả.

Vậy là cha tôi được đưa về nghĩa trang Cầu Họ. Mùng Hai Tết, Bác cả tôi là nhà viết kịch Trúc Đường cùng với con gái đi về Nam Định để đưa tang cha tôi, dọc đường thấy một đám ma không kèn trống, không người đưa tang, đâu ngờ đó lại chính là đám tang đứa em trai ruột thịt của mình.

                                                         Những ngày giáp Tết Kỷ Sửu

                                                            Nguyễn Bính Hồng Cầu

  

 

                Nguyễn Bính Hồng Cầu và một tập thơ của chị.

 

 

Nhân dịp này, Lucbat.com xin giới thiệu một tác phẩm lục bát của tác giả Nguyễn Bá Phiếu (Giáo viên trường Trung học phổ thông Long Kiến, Chợ Mới, An Giang. ĐT: 0919090618; Email: nbphieu@gmail.com) tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Bính:

 

NHỚ NGUYỄN BÍNH

 

Nén tâm hương thắp lên rồi

Khấn hồn Nguyễn Bính từ nơi suối vàng

 

Nhớ chàng thi sĩ  trời Nam

Hai mươi chín Tết vội vàng rời xa

Cái năm Bính Ngọ chưa qua

Mà bông lục bát chín già rụng rơi!

 

Từ nơi đất khách quê người

Bước chân lữ thứ đã thôi giang hồ.

Hồn quê người khắc vào thơ

Tình quê tràn ngập đôi bờ nhân gian.

 

Từ ngày Lỡ bước sang ngang

Triệu con tim đã xốn xang với tình

Thương sao cái nghĩa vườn chanh

Hương đồng gió nội đâu đành lìa xa

 

Tình con gởi lại mẹ cha

Một đồng kẽm biết bao là nhớ thương

Bàn chân đi khắp bốn phương

Gió trăng bầu bạn bên thềm xanh rêu

 

Yêu người có mấy người yêu

Trải vào thơ biết bao nhiêu tình đời

Những câu lục bát đầy vơi

Hóa thân thành đất, thành trời quê hương

 

Người đi vào cõi vô thường

Còn bao kẻ ở nhớ thương vơi đầy!

 

Nguyễn Bá Phiếu

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: