Thứ sáu, 27/12/2024,


Nhà thơ Trương Nam Chi: Làm gì cũng cố gắng để tôn vinh Lục Bát! (05/10/2014) 
Chỉ trong khoảng 4 năm, cùng với 4 tập thơ riêng liên tiếp trình làng: “Quà tặng tình yêu” (Nhà xuất bản CAND, 2011); “Lạc Duyên” (Nhà xuất bản Trẻ, 2012); “Dốc thiêng” (NXB Hội Nhà văn, 2013) và “Nỗi buồn pha lê” (NXB Hội Nhà văn, 2014)… đã có tới hơn 50 bài thơ của Trương Nam Chi được các nhạc sĩ chuyên nghiệp phổ nhạc, phối khí và ca sĩ thể hiện. Đó là chưa kể hàng chục bài ca vọng cổ, tân cổ của Trương Nam Chi đã được các ca sĩ và tài tử biểu diễn… Chị tâm sự: Dù cố gắng làm gì, thì cũng không ngoài mục đích là để tôn vinh Thơ Lục Bát!
 
1. Cách đây vài năm, khi được mời giới thiệu cho tập Thơ “Quà tặng tình yêu” của Nhà thơ Trương Nam Chi (Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM), tôi đã viết đại ý: Để khắc phục tình trạng thờ ơ đến lạnh lùng của người đọc đối với các tập Thơ hiện nay, một nữ tác giả trước khi ấn hành sách, đã vừa nghĩ ra một “chiêu độc” giúp tác phẩm của mình đến được với bạn đọc dễ dàng hơn: Phối hợp với các nghệ sĩ nổi tiếng và phòng thu Hồ Gươm Audio (Hà Nội), cùng lúc phát hành 4 CD Thơ. Vậy là trước khi tặng ai tập thơ được in trang trọng trên giấy trắng, chị đều tặng kèm cả CD với lời đề nghị: “Xin hãy nghe tác phẩm của tôi bằng tai rồi hãy đọc bằng mắt”… 
Hồi ấy, thời điểm đầu năm 2011, với sự cộng tác của nhiều nghệ sĩ ưu tú: Tố Uyên, Vương Hà, Hồ Thanh Hương, Ngọc Phan, Thúy Hiền… và các nghệ sĩ: Tuấn Cường, Kim Liên, Hải Yến… cùng Hồ Gươm Audio, Trương Nam Chi đã lần lượt cho phát hành 4 CD, do Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội cấp phép: “Thơ tặng mẹ”, “Xin đừng hỏi”, “Giấc mơ tình yêu” và “Duyên tiền kiếp”...
Tiếp đó, Trương Nam Chi còn cho phát hành thêm 2 CD độc đáo, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh cấp phép: "Người quê ở phố" (Hát xẩm, ca trù, chầu văn); và “Em như áng mây” (Thơ phổ nhạc). Có lẽ, Nhà thơ Trương Nam Chi muốn có cuộc thử thách với các tác phẩm của mình, để chinh phục độc giả bằng nhiều cách tiếp cận mới lạ? Chị đã khẳng định: Dù tôi có làm gì, thì tất cả cũng không ngoài mục đích là tôn vinh Thơ Lục Bát!
Thật hiếm có tác giả mới xuất hiện nào lại nhận được sự yêu mến đến nhiệt tình của các nghệ sĩ biểu diễn như với Thơ của Trương Nam Chi. Chưa hết, thơ chị còn nhận được sự đồng cảm, chắp cánh của nhiều nhạc sĩ trên khắp mọi miền đất nước như: Nguyễn Ánh 9, Nguyễn Thụy Kha,Trịnh Thùy Mỹ, Lê Hoài Phú, Lê Trung Tín, Trần Hữu Bích, Kiều Tấn Minh, Phan Khanh, Quang Hiển, Trần Xuân Lâm, Bùi Đức Thịnh, Nguyễn Hải Anh… Đặc biệt là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – Người được mệnh danh là "Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam" đã chọn phổ hàng chục ca khúc từ thơ Trương Nam Chi. Các ca khúc “Em như áng mây”, “Ly biệt”, “Còn gì cho em”, “Tự tình với Vũng Tàu” của “Ông Hoàng phổ thơ” đã được Trương Nam Chi đưa vào CD cùng tên “Em như áng mây”... Nhiều tác phẩm trong số đó cũng đã được dàn dựng và phát trên sóng của Đài Truyền hình TP. HCM, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Đã có người nghi ngờ về sự thành công “dễ dàng và nhanh chóng” của thơ Trương Nam Chi liên quan đến lĩnh vực nghệ sĩ biểu diễn: Hình như đã có sự “ưu ái” hoặc “nhầm lẫn” gì chăng? Nhưng chỉ sau khi lão Nhà thơ Tạ Hữu Yên qua đời, qua một bài viết khá dài của Trương Nam Chi bật mí “Những kỷ niệm khó quên với cố nhà thơ Tạ Hữu Yên” đăng trên Báo Thể thao Văn hóa, người ta mới biết chị là “con nhà nòi”, có truyền thống về sáng tác văn nghệ: “Bác Yên hơn cha tôi 3 tuổi. Hồi đó, họ cùng làm việc tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Vào những năm 1971- 75, cha tôi và bác Yên được Tổng cục Chính trị biệt phái làm việc với Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam trong chương trình Binh vận. Đó là chương trình đã có những đóng góp tích cực trong cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước. Lúc đó bác Tạ Hữu Yên phụ trách “Trang văn nghệ” còn cha tôi (soạn giả Trương Phú Xuân, 1930 - 2009) phụ trách “Mảng Liên Khu 5”, với những lời ca bài chòi, ca vọng cổ… liên tục được phát trên sóng của Đài Phát thanh. Ngày đó, các sáng tác của cha tôi đã được chị em nghệ sĩ Ái Vân, Ái Xuân cũng như nhiều giọng ca cải lương khác là Thúy Đạt, Trang Nhung, Ngọc Mai… thể hiện rất thành công”
Có lẽ bởi thế, mà mỗi khi có dịp từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Thủ đô công tác, Trương Nam Chi thường đến thăm lại ngôi nhà số 9 - K23 khu Lắp ghép Trương Định, nơi đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ của chị. Đây là ngôi nhà mà cha mẹ Trương Nam Chi đã nhượng lại cho gia đình lão nhà thơ Tạ Hữu Yên, trước khi chuyển vào phía Nam sinh sống năm 1976…
Một lần về Hà Nội dự Lễ hội Lục Bát, Trương Nam Chi đã mời tôi cùng tới thăm Nghệ sĩ ưu tú Kim Sinh. Người nghệ sĩ tài hoa, bị mù từ bé, nhưng đã lừng danh một thời. Ông từng được mời đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới. Và tiếng đàn điêu luyện của Kim Sinh từng làm mê hoặc hàng triệu thính giả trên sóng của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ và ác liệt. Dù đã nghe điện thoại báo trước, nhưng khi nghe tự giới thiệu: “Bác ơi, con là Nam Chi, con gái của bố Trương Phú Xuân đây. Ba con đã mất mấy năm rồi”… Thì lão nghệ sĩ bỗng hu hu bật khóc nấc lên, khiến cho cả chủ nhà và khách không ai cầm được nước mắt.
Sau giây phút xúc động qua đi, người nghệ sĩ già đã hồi tưởng lại bao kỷ niệm không quên của mình với soạn giả Trương Phú Xuân: “Ông ấy giỏi lắm, cái gì cũng soạn thành bài ca vọng cổ, cải lương và bài chòi được. Cái tài của Trương Phú Xuân là đã viết về quê hương, đất nước, thì dù có tình cảm chung hay riêng, cũng đều hay và ý nghĩa cả. Tôi nhớ là mỗi khi có bài mới, cần thu thanh là ông ấy chỉ thích tôi trực tiếp đàn. Trương Phú Xuân nổi tiếng là người làm việc cẩn trọng và kỹ tính nữa. Nếu gặp hôm tôi bận, ông ấy đề nghị các nghệ sĩ và kỹ thuật chờ bằng được. Mỗi tiết mục chúng tôi dàn dựng thu thanh xong, phát trên sóng là bạn nghe đài lại gửi thư về tới tấp, yêu cầu phát lại. Cả ta và địch đều thích nghe cả mới lạ chứ!
Nghệ sỹ ưu tú Kim Sinh cất tiếng cười vang, đầy sảng khoái. Biết Trương Nam Chi là nhà thơ, ông bất ngờ đề nghị: “Trước đây, bác đàn phục vụ cho các tác phẩm vọng cổ của cha con. Bây giờ, bác muốn đem tiếng đàn ấy phục vụ cho các tác phẩm thơ của con. Nếu con có làm chương trình ngâm thơ thì hãy liên hệ với bác”.
 
 
Nhà thơ Trương Nam Chi nghe Nghệ sĩ ưu tú Kim Sinh đàn và hát một bài vọng cổ của cha mình (cố Soạn giả Trương Phú Xuân).
 
3. Sau chuyến thăm viếng xúc động ấy, Trương Nam Chi chợt nảy ra ý tưởng sẽ mời toàn bộ dàn nghệ sĩ thời của cha mình công tác: Nghệ sĩ đàn Kim Sinh, cùng các nghệ sĩ Văn Hùng, Tuấn Dũng, Thanh Tùng… Đặc biệt là các ca sĩ Thúy Đạt, Trang Nhung… đến phòng thu và thực hiện một CD chuyên về thể loại hát xẩm, ca trù, chầu văn mang tên “Người quê ở phố”.
Khi được con gái cố Soạn giả Trương Phú Xuân ngỏ lời, các nghệ sĩ nổi tiếng đều sốt sắng ủng hộ ngay. Họ coi đó như là một nghĩa cử tốt đẹp cần làm, thù lao dù có hay không chẳng quan trọng. Điều thú vị là: Dù biết trước buổi đó chỉ thu âm chứ không ghi hình, nhưng ai cũng quần áo tươm tất, trang điểm và chải chuốt cẩn trọng. Lão nghệ sĩ mù Kim Sinh trước khi lên taxi nhất quyết phải yêu cầu người vợ chuẩn bị đầy đủ nhạc cụ. Ông mang theo tới 3 loại đàn khác nhau để “cần thứ nào là có ngay”. Dường như các nghệ sĩ đều muốn cùng nhau sống lại một thời đáng nhớ, dù nay chỉ còn trong kỷ niệm và quá khứ. Dư âm của buổi biểu diễn đặc biệt ấy đã còn mãi với họ…
Cho đến Lễ hội Lục Bát Giáp Ngọ - 2014, Nghệ sĩ ưu tú Thúy Đạt còn quyết định cho Câu lạc bộ Nghệ thuật Phật giáo Liên Hoa của mình dàn dựng lại tiết mục xẩm cùng tên từ bài thơ “Người quê ở phố” của Trương Nam Chi với hàng chục diễn viên. Chị trực tiếp hóa thân vào vai “Người bán bánh mì”… Tiết mục độc đáo này được hàng ngàn giản giả có mặt tại Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn hoan nghênh nhiệt liệt. Thúng bánh mì của Nghệ sĩ Thúy Đạt đã được bán hết veo ngay… trên sân khấu và tiết mục xuất sắc đó được Ban Giám khảo tặng Huy chương Vàng.
Có thể nói không quá rằng: Nhà thơ Trương Nam Chi không chỉ giúp cho “Người quê ở phố” thành công; mà còn là một trong số không nhiều tác giả đã sử dụng Thơ Lục Bát để kết nối… “Quá khứ” với “Tương lai”. Đó là nhờ chị đã tận dụng được lợi thế của công nghệ kỹ thuật số và các phương tiện nghe nhìn hiện đại và đặc biệt là mạng internet...
Tại sao không! Khi mà những trang sách, Tạp chí và Báo giấy ngày càng hạn chế người đọc trẻ. Thì mỗi tác giả, bằng khả năng của mình hãy tìm cách giúp cho Thơ tiếp cận với công chúng dễ dàng hơn. Dù đó là diễn ngâm Thơ, chuyển thể Thơ sang các làn điệu dân ca, hay phổ nhạc cho Thơ… thì tất cả đều không ngoài mục đích tôn vinh Thơ! Cũng như 6 năm gần đây, vào ngày 6-8 âm lịch, hàng ngàn người yêu thơ đã tập hợp nhau lại làm Lễ hội Lục Bát, không ngoài mục đích: Cùng chung tay góp sức để tôn vinh “Lục Bát là Quốc Thi” và tiến tới Lục Bát được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại!
 
Hà Nội, tháng 10 năm 2014
Đặng Vương Hưng
          
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Huong Sinh - huong Sinh 1953@yahoo.com.vn - 01237124046 - CLB LB Đoàn Thị Điểm (HY)  (Ngày 22/10/2014 22:36:55)

Nhà thơ Trương nam Chi là một trong những nhân tố tích cực, là người sống cho thơ và cống hiến nhiều công sức vào việc xây dựng trang lục bát.vn. Thơ của TNC đã đi vào và đọng lại trong lòng người đọc,sức viết của NT cũng đạt mức kỷ lục, những bài thơ được chắt lọc từ cuộc sống muôn màu. Đặc biệt là mảng thơ chị viết về tình yêu, chất thơ mơn mởn sự trẻ trung và sâu lắng. 
  Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống sáng tác nghệ thuật, nhà thơ TNC đã bước tiếp con đường nghệ thuật của người cha, mặc dù NT đã là một kỹ sư, nhưng dòng máu nghệ thuật trong chị vẫn trỗi dậy không ngừng.
Xin cảm ơn nhà thơ Đặng Vương Hưng đã có bài viết trên để đọc giả hiểu thêm về nhà thơ TNC. Chúc NT Trương Nam Chi vui khỏe, hạnh phúc và thành đạt hơn nữa.

  Trần Thị Thanh Liêm - thanhliemdainam@yahoo.com - 0987641698 - Ngành tiếng Trung Đại học Đại Nam 56 Vũ Trọng Phụng Hà Nội  (Ngày 05/10/2014 19:06:41)

Xin cảm ơn Người sáng lập www.lucbat.vn - nhà thơ Đặng Vương Hưng về bài viết "Nhà thơ Trương Nam Chi: Làm gì cũng cố gắng để tôn vinh Lục Bát!" chất lượng gồm những thông tin mới mà giờ đây TL mới được biết. Xin chúc mừng nhà thơ Trương Nam Chi!
TL tin rằng mọi người sẽ cùng nhau chung tay góp sức để tôn vinh “Lục Bát là Quốc Thi” và tiến tới Lục Bát sẽ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại!
Trân trọng!

Các bài khác: