Thứ sáu, 19/04/2024,


Nhìn lại văn chương Hà Nội thời tạm chiếm (03/10/2014) 

Những năm thành phố Hà Nội tạm bị quân Pháp chiếm đóng, văn hóa yêu nước tiến bộ vẫn phát triển với những nét riêng bên cạnh nền văn học kháng chiến chủ đạo của dân tộc. Giới trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước ở thủ đô, bằng mọi hoạt động và sự sáng tạo đã thể hiện sâu sắc tinh thần đó.

Văn học nghệ thuật và hoạt động của các văn nghệ sĩ trong những năm Hà Nội bị tạm chiếm (1947-1954) chịu sự kìm kẹp, kiểm duyệt chặt chẽ của thực dân Pháp. Bất cứ lúc nào sở mật thám có thể sộc tới khám xét, tra hỏi, ra lệnh đóng cửa tòa soạn, tịch thu xuất bản phẩm. Do vậy, những tờ báo bí mật như Cứu quốc thủ đô, Tiên phong, Hồ Gươm, Lao động, Nhựa sống… phải lưu hành bí mật.



Tờ "Tiểu thuyết thứ 7" có đăng các tác phẩm thơ, văn của những cây bút tên tuổi như Hoàng Cầm, Sơn Tùng, Vũ Bằng...


Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội thông qua các cán bộ trí thức vận, các đoàn thể cách mạng vẫn tiếp tục hoạt động bí mật trong nội thành và vận động quần chúng theo kháng chiến. Tiêu biểu như tờ Nhựa sống có nhiều bài hô hào thanh niên học sinh chống giặc bắt lính, phê phán văn hóa trụy lạc, tranh châm biếm, thơ đả kích chế độ tay sai thực dân…

Ngoài báo, truyền đơn, “Nhựa sống” còn cho ra mắt nhiều tác phẩm văn nghệ kháng chiến như “Xung kích” của Nguyễn Đình Thi, ký sự “Thắng từ biên giới” của Nguyễn Huy Tưởng. Những tờ báo bí mật này có tuổi thọ không dài vì cán bộ biên tập liên tục bị mật thám vây bắt, cơ sở in ấn tan vỡ. Người đọc báo cũng luôn đối diện với nạn bắt bớ, tra tấn dã man.

Nhà thơ Lê Văn Ba nhớ lại: “Nhiều văn nghệ sĩ đã vài lần “chết hụt”. Ví dụ anh Lê Tám, vì làm báo Nhựa sống mà bị bắt, vào tù. Ra tù anh làm ngay một bài thơ “Cô đơn thay cảnh trong tù” đăng báo: “Cánh cửa đề lao khép lại rồi - Nắng chiều quấn lấy bước chân vui - Ba mươi sáu phố e còn hẹp - Ta thấy lòng ta vẫn ngậm ngùi”.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, không chỉ những người con Hà Nội đi lên chiến khu Việt Bắc mới theo kháng chiến mà những người ở lại trong thành phố cũng luôn hướng về kháng chiến bằng những tác phẩm thơ, văn của mình. Đó là nhà thơ Giang Quân ở trong thành, lặng lẽ hoạt động, liên hệ với trí thức vận; Đó là ông Hoàng Xuân Hãn - chủ bút tờ báo của trí thức hướng về kháng chiến.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nhớ lại: “Trong phong trào văn nghệ này, rất nhiều người trưởng thành từ ngôi trường Chu Văn An. Tôi còn giữ ở nhà tập san “Tre xanh”, của những người học trò. Bây giờ nhìn thấy thì cảm thấy bình thường nhưng hồi đó tôi là học sinh cấp 2, được đọc tập san đó thì quý lắm. Có lẽ tôi đến với văn chương là từ chỗ đó. Hay là khi tôi đi xem kịch, không biết là của anh Giang Quân hay Hoàng Công Khanh nhưng tôi nhớ nhất câu: "Anh người Bắc anh phải yêu văn Bắc, tôi người Nam tôi phải quý văn Nam".

Thời tạm chiếm 8 năm là khoảng thời gian không dài nhưng đầy khó khăn. Nhìn lại văn chương Hà Nội giai đoạn này mới thấy đó thực sự là “gia tài” đáng kể. Hàng nghìn tác phẩm báo chí, bút ký, phóng sự ra đời phản ánh muôn mặt đời thường; hàng trăm truyện ngắn, tiểu thuyết in đậm dấu ấn một thời như: “Phượng ơi mùa dĩ vãng” (Băng Hồ), “Cánh hoa trước gió” (Nguyễn Minh Lang), Kịch thơ “Bến nước Ngũ Bồ” (Hoàng Công Khanh), “Con tôi về giữa mùa xuân” (Giang Quân)… Đó là những tác giả, tác phẩm vang bóng một thời.

 


Nhà thơ Giang Quân hồi ấy ở trong thành hoạt động, có liên hệ với trí thức vận, hướng về kháng chiến


PGS TS Lưu Khánh Thơ- Viện Văn học Việt Nam cho biết: “Sau thời kì đổi mới, văn học thời tạm chiếm trở thành vấn đề được quan tâm và đòi hỏi có những đánh giá khách quan, công bằng. Gần đây, các tác phẩm được in lại khá nhiều. Tôi nghĩ việc nghiên cứu và giới thiệu đánh giá về giai đoạn văn học đó là rất cần thiết”.

Có những người bước ra từ cái “lò” văn chương của Hà Nội thời ấy để rồi sau này dành cả cuộc đời và tâm hồn của mình cho Hà Nội: Giang Quân với “Kí sự địa chí Hà Nội”, “Hà Nội trong ca dao tục ngữ”, “Từ điển đường phố Hà Nội”…; Nhà văn Băng Sơn với “Thú ăn chơi Hà Nội”, “Hương sắc bốn mùa”, “Nghìn năm còn lại”…; Lê Văn Ba với “Hà Nội một thời xa”, “Cây bàng lá đỏ”. Đặc biệt, từ một tập truyện “Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò”, nhà văn Lê Văn Ba đã phát triển thành bộ sách “Chiến sĩ cách mạng, nhà văn Việt Nam trong nhà tù thực dân đế quốc” với giá trị hiện thực, nhân văn sâu sắc./.


Theo VOV

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: