Thứ sáu, 27/12/2024,


Để khẳng định: Tình yêu không có dại khờ (26/09/2014) 
 
Tôi biết thi sĩ Lưu Thế Quyền từ buổi chập chững  bước vào làng thơ. Ấy là năm 2002-2003. Ở tuổi  mười tám đôi mươi đã có thơ trên Tạp chí Văn nghệ, ở Báo, Đài phát thanh truyền hình tỉnh. Giữa thời buổi “gạo châu, củi quê”, miếng cơm manh áo ngự trị đời sống xã hội, mà vẫn có người xuân sắc đương thì  lầm lũi dấn thân vào thi ca đầy cam go, khổ ải. Đúng là “ đãi cát tìm vàng”. Con đường ấy anh đã đi và đã đến. Năm 2011, Lưu Thế Quyền được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc, chuyên ngành Thơ, sỹ số 40. Nay anh là nhà thơ trẻ nhất tỉnh Vĩnh Phúc.  

Tôi lặng nhìn ra ngã ba sông nơi hợp lưu của hai dòng chảy: Một - phẳng lặng, an phận; một cuộn xiết, tưng bừng. Rồi hoà lẫn vào nhau chảy mãi, chảy mãi về khơi xa bao la. Ở chốn bao la ấy vẫn phảng phất linh hồn của hai dòng sông chảy qua làng tôi. Những người sáng tác văn chương ai cũng biết lực sức mình mà tìm dòng chảy cho xuôi chèo mát mái.

Ước mong là thế nhưng nào ai đã xắp đặt trước cho mình cái sự viết lách lắm phương, nhiều hướng này đâu. Thôi thì khắc đi, khắc đến.

 

Tôi biết thi sĩ Lưu Thế Quyền từ buổi chập chững  bước vào làng thơ. Ấy là năm 2002-2003. Ở tuổi  mười tám đôi mươi đã có thơ trên Tạp chí Văn nghệ, ở Báo, Đài phát thanh truyền hình tỉnh. Giữa thời buổi “gạo châu, củi quê”, miếng cơm manh áo ngự trị đời sống xã hội, mà vẫn có người xuân sắc đương thì  lầm lũi dấn thân vào thi ca đầy cam go, khổ ải. Đúng là “ đãi cát tìm vàng”. Con đường ấy anh đã đi và đã đến. Năm 2011, Lưu Thế Quyền được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc, chuyên ngành Thơ, sỹ số 40. Nay anh là nhà thơ trẻ nhất tỉnh Vĩnh Phúc.

Hãy bằng lòng với những điều ta đã làm, đã có. Tất cả còn ở phía trước, “ đường dài mới biết ngựa hay”.

“ Tình yêu không có dại khờ” là một bức ảnh cận cảnh rõ nét không qua kỹ thuật vi tính. Ta càng tôn trọng và chia sẻ với tác giả, tác phẩm. Trẻ người, nhưng không non dạ, nhà thơ Lưu Thế Quyền đang nhìn xoáy vào từng ngõ ngách làng quê, lần tìm dấu tích xưa yên ả, dân dã đã dựng nên hồn cốt làng. Bởi làng bây giờ đang bị bê tông - innoc -nilon dồn ứ, chiếm lĩnh không gian, thời gian và cả tập tục rất riêng của làng. Anh đã hỏi làng:

 “Có buồn không hả làng

Khi phố về ngổn ngang

Hạt mưa đồng e ngại

Chim trời bay hoang mang”

 (Nét xưa  mơ màng)

Người quê vẫn có lý để buồn. Nét đằm thắm chất phác, duyên duyên đang bay ra khỏi làng, mãi mãi sẽ không về:

 

“Nỗi nhớ chồng nỗi nhớ

Những ngày hoang cất lời...”

Và:

“Cây đa già đang hát

Ngày xưa tính tình tang”

 

Thơ thật thân phận, da diết làm sao!

Năm 2010, Lưu Thế Quyền trình làng tập thơ đầu tay: “ Khúc quê hương” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, được bạn đọc gần

 

xa trân trọng đón nhận. Vẫn bút pháp ấy, sức viết ấy, nhưng chín ở tư duy, tính khai quật xã hội được quy chiếu nhiều chiều ở tập thơ thứ hai - “ Tình yêu không có dại khờ”. Chẳng cần ảo thuật ngữ nghĩa,  mà bằng những đột phá trực diện  lại rất thơ, rất tình:

 

“ Có ai đó nhắc lại thời xa vắng

Tóc mây bay thanh thản những chiều”

 ( Về quê ngày 2-9)

 

Bên những cảm xúc nuột, ta chợt va vào những cạnh sắc bằng những lát cắt ngọt đau:

“Thuở ta ngây ngô

Ra đi mang mộng yêu đương chưa thành vết

Để lại giật mình

khi nỗi nhớ

Đầy

Vơi

.

Ở tận nơi xa

                       nơi cuối chân trời

Câu khuyết ấy

                       chưa lành con tim nhỏ”

 ( Viết cho mình)

 

Viết được như thế này phải có nhãn quan, bút lực vững vàng lắm. Và khi ta ném câu thơ xuống dòng đời cuộn chảy, không chìm, không dạt mà cứ duyềnh lên bản ngã tác giả:

“Cuối năm lặng lẽ một mình

Dõi theo nỗi nhớ có hình xa xăm

Bao nhiêu những thứ lạnh căm

Lại bao nhiêu nữa tiếng tăm ở đời”

 

( Vần thơ cuối năm)

 

Khi dòng chảy phẳng lặng là bao xoáy ngầm vun vút:

 “Thương lắm nhé lúc gian nan
               Tôi - em - phận rẻ - treo ngang kiếp người
                           Miếng cơm, manh áo chẳng cười
                   Nâng lên, hạ xuống rụng rời chân tay.”

 ( Thương lắm nhé máy ảnh ơi)

Người đọc bây giờ thu nạp qua sở trường , sở đoản với các loại hình truyền thông: Đọc - Nghe - Nhìn trải đều trên một mặt phẳng nên cần có tư duy, nhạy cảm tiếp nhận văn hoá, văn học ở các cấp độ khác nhau, tránh kiểu phân mảnh, cắt dán tuỳ hứng. Những lối hành xử ấy sẽ giết chết tác phẩm, tác giả. Chuyện xem voi ngày xưa các cụ đã dạy rồi.

 

Xuyên suốt “ Tình yêu không có dại khờ”, nhà thơ Lưu Thế Quyền chủ tâm xắp đặt từng cụm chủ đề xen lẫn với nhau: Tình Yêu - Đất và Người - Những suy tư thời cuộc.

* Với tình yêu đôi lứa :

”Anh trả cho em tuổi mười sáu

Cứ lơ ngơ bên lá thư tình

Nét chữ nào một thời in dấu

Vẫn trong anh tuổi mười sáu lung linh.”

 

(Anh trả cho em tuổi mười sáu)

*Với Đất và Người:

“Tháng ba ngập ngừng qua

nỗi đau vùi lấp

cắt vào đầu cha tới tấp

con đi rồi

đau lắm tháng ba”

 ( Đau lắm tháng ba)

* Với suy tư thời cuộc:


”Tóc voan bay, trắng cặp bồng
Đèn vàng, đèn trắng thổi phồng uyên ương


Nụ cười còn chút hơi sương
Mà pha lễnh loãng buổi hương chưa nồng.”

 ( Chiếc máy ảnh và hình cô dâu)

Từ văn hoá đọc, đến văn hoá nghe, rồi thông tin sạch, ngôn từ sạch... ta phải tự lực chọn cách đọc, cách nghe, cách nhìn. Xem ở trào lưu nào, trường phái nào mà ứng xử cho phải phép. Mỗi khuynh hướng đều có đặc trưng của nó, không thể nhào lẫn, đánh đồng rồi thống nhất đưa vào một CHUẨN nào đó. Thực thể vận động nằm ở năng lực và bút pháp.

Nhớ lại thời xa, nhà thơ Hải Thanh - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc bảo tôi rằng: “ Anh chớ chủ quan hãy đọc thơ Lưu Thế Quyền sẽ rõ”. Và tôi đã đọc. Thơ Lưu Thế Quyền thời ấy là Thơ cho Thơ ; thơ Lưu Thế Quyền thời nay là Thơ cho Đời. Sau lưng anh là một khối gia đình dẻo dai đeo bám. Nguyên cái sự này hợp thành nhiều mảnh ghép cuộc sống cũng có góc cạnh sắc nhọn không mài bằng được.

Mỗi nhà thơ là một thấu kính riêng, không ai nhìn thay ai được. Thấu kính ấy hợp chiếu và thu nhận xã hội nhiều chiều, lột tả kỹ lưỡng  dung nhan CON NGƯỜI.

Tôi đặt kỳ vọng vào lớp trẻ thời nay nói chung và nhà thơ Lưu Thế Quyền nói riêng. Sự chuyển đổi thế  hệ tiếp nối thế nào, chúng ta hãy tin và đợi.

 

                                                                              Hè 2014

Nhà thơ Nam Phương

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: