Trồng dâu nuôi tằm đã là một điểm đặc sắc lớn trong kinh tế canh nông của ngành nông nghiệp từ xưa đến nay và được truyền bá rộng rãi. Cũng là một nghề nông nghiệp nhưng sao nghề trồng dâu nuôi tằm lại vất vả đến thế. Đâu đó ta vẫn bắt gặp những cảnh:
Thương tằm cởi áo bọc dâu
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay (Ca dao)
Hoặc:
Vì tằm tôi phải chạy dâu
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay. (Ca dao)
Và chỉ có ai thực sự tiếp xúc, trải qua cái nghề ấy thì mới hiểu được những nỗi vất vả của nó. Vốn dĩ vậy bởi con tằm là một loại sâu vô cùng khó tính với những đặc thù của nó. Chỉ cần một chút lá dâu không ngon, hoặc thời tiết thay đổi “trái nắng trởi giời” không thuận lợi cũng đủ để làm nên sự thất bại của một lứa tằm.
Không biết từ khi nào những hình ảnh của con tằm và hoạt động của nghề nuôi tằm đã được khắc họa bằng những vần thơ. Có người thắc mắc là sao con tằm lại đi vào thơ lục bát nhiều đến vậ? Phải chăng thơ lục bát dễ nhớ, dễ thuộc và dễ đi vào lòng người. Tại lễ hội tôn vinh Bà Chúa Tằm Tang, ta vẫn nghe văng vẳng đâu đây tiếng hò câu hát:
Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu
Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình. (Ca dao)
Xuất thân từ một cô gái làm nghề tằm tơ, sau khi trở thành Hiếu Chiêu Hoàng Hậu, bà đã hết lòng khuyến khích nông dân các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa lúc bấy giờ chú trọng nghề nuôi tằm dệt lụa. Nhờ thế mà nghề tằm tang canh cửi xứ đàng trong được mở mang và lan truyền khắp nơi trong nhân gian. Nằm kề bên con sông Đáy, các xã Đại Hưng, Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức… với những ngôi làng cổ từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, được mệnh danh là "Thủ đô dâu tằm" một thời. Mỗi khi nhắc đến vùng Kinh Bắc là người ta nghĩ ngay đến hình ảnh cô gái hái dâu nuôi tằm, hát “người ơi ngưởi ở” đêm giã bạn.
Em là con gái Bắc-Ninh,
Hái dâu nong kén ươm tình thơ ngây.
Mối duyên kỳ ngộ Ỷ-Lan
Bắc Ninh vắng bóng cô nàng hái dâu
(Nguyễn Phú Long)
Vẫn còn đó những câu thơ nói đến một mảnh đất của thành phố Nam Định khi xưa với những địa danh quen thuộc như Cồn Vịt, vườn Dâu và nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm.
Em là con gái Phù Long
Quê em Cồn Vịt, lấy chồng vườn dâu
Dù đi buôn đâu bán đâu
Cũng về giữ đất trồng dâu chăn tằm
(Ca dao)
Và rồi trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa đã trở thành cái nghiệp đã gắn bó với nhiều người lao động:
Nợ đời mang kiếp tằm tang
Nợ người mang những lỡ làng vì đâu
(Nguyễn Thúy Hạnh)
Hay ta từng nghe thấy có người nghiên cứu viên đã nhiều năm gắn bó với nghề nuôi tằm này đã bất chợt phải thốt lên khi ngồi gỡ những sợi tơ tằm và sợi tơ lòng:
Thương nghề gọi tiếng: “Tằm ơi”
Thương người gọi những chơi vơi tiếng lòng
(Nguyễn Thúy Hạnh)
Đúng vậy, từ những quả trứng bé li ti những chú tằm con được nở ra bé xíu như những con kiến nên người ta gọi là “tằm kiến”. Qua hơn hai mươi ngày mải mê ăn dâu, những chú tằm kiến ấy đã trưởng thành những con tằm ăn rỗi, lớn gấp vạn lần những chú tằm kiến ban đầu. Đó là quãng thời gian để tằm tích lũy lá dâu hay nói cách khác là tích lũy những mưa nắng dãi dầu để tạo nên những sợi tơ mịn màng.
Con tằm vương khắp đó đây
Cõng từng giọt nắng đổ đầy nong tơ
(Nguyễn Thúy Hạnh)
Hình ảnh những con tằm cõng nắng đổ vào nong tơ ấy đã không phụ lòng người lao động.
Anh ơi! Cố chí canh nông
Chín phần ta cũng dự trong tám phần.
Hay gì để ruộng mà ngăn,
Làm ruộng cấy lúa, chăn tằm lấy tơ.
Tằm có lứa, ruộng có mùa.
Chăm làm trời cũng đền bù có khi
(Ca dao)
Không chỉ có thế, hình ảnh con tằm và những nương dâu xanh ngắt đã được gắn bó chặt chẽ với cuộc đời người phụ nữ. Đó là một người em gái chịu khó cần cù:
Hoa đỗ ván nở mùa xuân
Lứa dâu tháng tháng, lứa cần năm năm.
Em tôi là gái mười lăm.
Quét sân chạy chợ chăn tằm sớm trưa
(Nguyễn Bính)
Với lời dặn dò thủ thỉ:
Em ơi, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Hình ảnh cô thôn nữ trong bài thơ Chân Quê của Nguyễn Bính:
Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân
Nào đâu cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen
(Nguyễn Bính)
Một mái nhà mộc mạc đơn sơ bên triền sông nơi vùng quê yên ả cũng được ông khắc họa rõ nét:
Nhà tôi có một vườn dâu
Có giàn đỗ ván, có ao cấy cần
(Nguyễn Bính)
Một bóng dáng người mẹ suốt đời tảo tần lam lũ chịu thương chịu khó vì con đã được trau chuốt từng câu chữ:
Ôi hình dáng mẹ kính yêu
Con như thấy cả bao nhêu nhọc nhằn
Nhả tơ rút ruột con tằm
Mẹ cho con cả trời xanh rộng dài
(An Sơn)
Một người vợ tảo tần, hai sương một nắng, chịu thương chịu khó:
Vì tằm tôi phải chạy dâu
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay
(Nguyễn Bính)
Bên cạnh đó hình ảnh đẹp đẽ của con tằm còn được gắn bó với tình yêu lứa đôi sâu sắc qua những mối tình lãng mạn:
Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ
Và:
Vầng trăng từ độ lên ngôi.
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ
(Lưu Trọng Lư)
Hay chỉ là một lời trách móc giận hờn:
Tằm ơi say đắm nơi đâu,
Mà tằm bỏ nghĩa cành dâu không nhìn. (Ca dao)
Đến những lời thề thốt:
Tằm chết mới nhả hết tơ
Nến kia có tắt mới khô lệ sầu
Và những cuộc chia ly, kẻ ở người đi giữa thời loạn lạc đầy nhung nhớ:
Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
(Đoàn Thị Điềm)
Khắc họa hình ảnh đẹp của con tằm trong thi ca, ta còn thấy ở đó thể hiện sự vất vả của cuộc đời dâu bể. Bốn từ “bãi, bể, nương, dâu’ đã nói lên sự thay đổi lớn của trời đất, của vạn vật và của 1 kiếp người. Trong nhân gian, mấy ai mà không từng:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
(Nguyễn Du)
Những bãi bể nương dâu ấy cứ mênh mông, long đong như những thăng trầm của nghiệp tằm, sáng lên cao chiểu xuống thấp.
Không chỉ có thế, những áng thơ áng văn đã mượn hình bóng con tằm để so sánh với sự sáng tạo, tận tâm, cống hiến hết mình tìm cái hay cái đẹp cho đời của những người nghệ sỹ. Cái thiên chức “rút ruột nhả tơ” chỉ có ở con tằm ấy đã trở thành hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, một nhân cách cao quý với đức tính chịu thương chịu khó. Người nghệ sĩ như con tằm vậy. Người họa sĩ vẽ là vì cái nghiệp vẽ, thi sĩ làm thơ vì cái nghiệp thơ, người làm văn thì vì cái nghiệp văn, người nuôi tằm vì cái nghiệp tằm. Nghiệp là nói theo quan điểm Phật giáo, mỗi người tự chọn cho cho mình một cái nghiệp và người ta phải miệt mài trả cho hết cái nghiệp của mình.
Vì thế ta đã không thể phủ nhận rằng cách đây từ rất lâu, trong truyện kiều cụ Nguyễn Du đã từng có một phát hiện rất tinh tế:
Dù cho núi lở non mòn,
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ
Cho đến nay nghề trồng dâu nuôi tằm vẫn khi lên bổng khi xuống trầm theo biến đổi của thời cuộc, nhưng hình ảnh đẹp của con tằm thì vẫn mãi mãi khắc sâu trong nhiều người lao động chúng ta. Chỉ bằng một câu lục bát, Nguyễn Bính một lần nữa đã khẳng định:
Một ngàn năm, một vạn năm
Con tằm vẫn kiếp con tằm vương tơ
Để cho chúng ta mỗi khi nhớ về cái mùa cho con tằm giăng tơ làm tổ ấy, ta vẫn tìm thấy ở đó một mùa trăng, một mùa thơ.
Theo Nguyễn Thúy Hạnh - (Vietseri)