Văn Miếu những ngày giáp Tết, hình ảnh những ông đồ thời @ mỗi người một phong cách ăn mặc, đầu tóc, trong lòng cũng thấy có cái gì đó chộn rộn như thể xuân đã ngập tràn trên phố và ngập cả trong lòng khách lãng du. Trên bức tường bao quanh Văn Miếu vẫn được treo la liệt những bức thư pháp, thư họa trình bày đủ kiểu với đủ các trường phái: Hán, Việt, lại cả loại thư pháp Tiền vệ - loại hình thư pháp mà các ông đồ trẻ đang lao tâm khổ tứ và cũng tốn không ít giấy mực của báo giới … Rồi thì tranh trúc, tranh mai, lại cả tranh Đông Hồ…
Cuối năm nào cũng vậy, mình có cái thú dạo Văn Miếu xem dân thư pháp ‘hành nghề’. Âu cũng do một phần vì mình đã ngấm tí chất họa trong máu, một phần muốn ngó nghiêng xem 'sư huynh, sư đệ' có gì mới…
Khuê - chàng trai trẻ xứ kinh Bắc cho biết: “Em vừa ở Sài Gòn ra, chỉ kịp bày bán những bức tranh đã sáng tác trong năm mà chưa kịp chuẩn bị giấy, bút mực gì cho việc vẽ ‘tại trận’ cả. Để xem năm nay có khá hơn năm ngoái hay không đã ”.
Nhìn sang bên đường Thư pháp gia tên Phúc đang múa bút trước đám đông khán giả. Thế mới biết “Lễ nghĩa sinh phú quý”. Người Hà Nội bây giờ dư dả hơn trước nhiều, Tết đến lại tìm về câu chữ để mà chiêm nghiệm cuộc sống, để mà thả hồn vào những bức tranh mà xua đi và tìm lại chính mình sau bao nhiêu ồn ã, hối hả đời thường…
Đến chỗ ông đồ trẻ Trịnh Tuấn, ngồi với anh một lúc mà thấy lòng mênh mang bao nỗi vui buồn. Với kiểu “đầu đinh” hoàn toàn khác với năm ngoái để tóc dài, Tuấn trải lòng ngâm nga mấy câu thơ : ‘Tôi- chùm khế hẵng còn chua/Ham vui cứ mãi đùa tuổi xanh/ Bao giờ vận bạc xa cành/ Trời thương cho ngọt, xin dành tặng em’. Vẫn cái chất hơi ngông ngông cùng với giọng Thanh ngai ngái, tự nhiên Tuấn làm mình phải nhìn sâu vào đôi mắt ấy để mà cảm hết nỗi lòng của nhà thư pháp trẻ tuổi. Mới thấy hết nỗi niềm qua câu nói: “Tất cả hiền sĩ đất Bắc đã tụ về đây cả chị ạ. Chỉ được vài ngày Tết để mở lòng với thiên hạ mà thôi”.
Vâng, quả là có đến đây mới thấy sự kiên nhẫn của các nhà thư pháp “nuôi những thương vụ thua lỗ’ của chính mình. Và không phải bất cứ ai đến đây ‘bán’ chữ cũng đều vì tiền. P (xin được giấu tên) chia sẻ: “Chúng em đến đây, thứ nhất là vì chỉ có những ngày này thì các annh em mới có dịp so tài sau một thời gian khổ luyện.Thứ hai là vì có những người đến đây chỉ đơn thuần “kiếm tí Tết”, nhưng cũng có những anh em đến chỉ vì muốn học hỏi bậc tiền bối như cụ Cung Khắc Lược. Nói vậy thôi, được ra đây cũng khó lắm, bị người ta dẹp đến nơi rồi đấy chị ạ. Ngày 24 âm lịch này, người ta dựng lều và yêu cầu các thư pháp gia phải nộp tiền mới được hành nghề, bác nào không có tiền nộp thì đừng có bén mảng đến. Ai lớ phớ là thu giấy, thu bút, thu mực ngay. Chị bảo, có được là bao nhiêu, nhưng vì đã trót đắm đuối với cái nghiệp nên có thể nào dễ từ bỏ đam mê cho được…”
Văn Miếu, càng về chiều sắc vàng, sắc đỏ của giấy cứ bộn bề ngang dọc khắp vỉa hè Văn Miếu. Chỗ này có dăm người Tây, chỗ kia có dăm người Việt. Lại có cả nhà nghiên cứu Hán Nôm đang cao hứng đọc bài Hoàng Hạc Lâu của thi sĩ Thôi Hiệu bên Trung Quốc, để ông đồ chấp bút. Khiến cho quang cảnh Văn Miếu như đông vui và ẩn hiện cái không khí thi cử ngày xưa…
Mưa Xuân lất phất rơi, càng thấy vui hơn vì dù sao nét đẹp truyền thống ngàn năm này, dù có khó khăn để chen chân vào chốn trần ai nhiều bụi bặm vẫn tươi nét chữ, hồn Xuân vẫn cứ rạng ngời trên khuôn mặt từng người. Họ cùng ngắm nghía từng bức thư pháp, khen chỗ này, chê chỗ kia mà quên đi giây phút náo loạn “chạy” thư án vì lo bị bảo vệ dẹp.
Mình như đa cảm hơn với những ngược xuôi câu chữ, bộn bề lòng Xuân…
Những ngày giáp Tết Kỷ Sửu
Thủy Hướng Dương