Thứ tư, 15/01/2025,


Tết Táo quân (18/01/2009) 

'Thế gian một vợ một chồng

Không như vua bếp hai ông một bà'

     Tết Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp - người ta coi đây là ngày 'Vua bếp' lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của các gia đình dưới hạ giới trong năm qua.

 

     Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo Quân là dấu ấn văn hóa có lẽ có từ thời mẫu hệ và là tâm linh của người Việt về gia đình. Táo gồm '2 ông 1 bà' - thần Đất, thần Nhà, thần Bếp núc. Người Việt quan niệm Táo Quân nghi nhớ tất cả mọi sự việc xảy ra trong gia đình. Táo Quân Việt có những nét tương đồng với ba vị thần: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ có xuất xứ từ Lão giáo (thế kỷ thứ 4 trước công nguyên) của Trung Quốc.

 

     I. Táo quân và sự giao thoa văn hóa

 

     Dân cư vùng Đông Nam Á có xu thế tôn thờ các vật lâu niên như hang động, các gốc cây cổ thụ... Quan niệm về các vị Thần cai quản việc đời là nét đặc trưng của văn hóa các dân tộc vùng Đông Nam Á, và khác với quan niệm tôn giáo chính thống thờ Thượng Đế của các nước Phương Bắc.

     Việt Nam là nơi giao lưu của hai nền văn hóa lớn. Người ta có thể tìm thấy sự giao thoa văn hóa trong mọi dấu ấn văn hóa vật thể hay phi vật thể. Táo Quân là một ví dụ điển hình. Táo Việt là những vị Thần ngụ ở '3 ông Đầu Rau', vào ngày 23 tháng Chạp, các ông bay lên trời bẩm báo với Ngọc Hoàng thượng đế. Ngọc Hoàng thượng đế, sản phẩm văn hóa của lối tư duy 'nhân quả'  - đó là nguyên nhân sinh ra mọi nguyên nhân. Thần linh là sản phẩm văn hóa của lối tư duy 'trải nghiệm' - đó là các ma lực tạo ra sự vận động. Táo Quân Việt là sản phẩm của sự giao thoa văn hóa Bắc - Nam.


    

    Tranh thờ Táo quân (Việt Nam)            Tranh thờ Táo quân thời nhà Thanh 

  
     Qua hàng ngàn năm, sự giao thoa văn hóa Bắc - Nam đã xóa nhòa đi gần hết dấu vết những ý niệm tâm linh ban đầu về bếp lửa gia đình của người Việt, và thay vào đó là hệ thống tâm linh được xây dựng dựa trên sự suy diễn logic bao gồm 3 thần - tương ứng với các hoạt động chính của một gia đình: hoạt động kinh tế (Thổ Kỳ), bảo đảm an ninh (Thổ Địa), quan hệ gia đình (Thổ Công). Khái quát hóa lên là: thần Thổ Địa hàm ý là các lực âm binh, thần Thổ Công là lực dương binh, thần Thổ Kỳ là nội lực.

     Với đặc điểm văn hóa 'nước lợ' của người Việt, cùng một lúc trong tâm thức họ tồn tại nhiều hệ thống tâm linh. Chính vì thế mà có lúc có sự phân biệt, có lúc không có sự phân biệt thật sự rõ ràng về các thần Táo Quân.

     II. Táo quân và các truyền thuyết

 

     Táo Quân (chữ Hán: 灶君); Táo Vương (灶王). Táo (tiếng Hán ) có nghĩa là Bếp. Việt Nam có nhiều truyền thuyết về Táo Quân khác nhau.

 

     Theo truyền thuyết, xưa có hai vợ chồng nghèo khổ quá, phải bỏ nhau. Sau đó, người vợ lấy được chồng giàu. Một hôm, đang đốt vàng mã ngoài sân, thấy một người vào ăn xin, nhận ra chính là chồng cũ nên người vợ động lòng, đem cơm gạo, tiền bạc ra cho. Người chồng mới biết chuyện, nghi ngờ vợ. Người vợ đâm khó xử, lao vào bếp lửa tự vẫn.

     Người chồng cũ nặng tình, nhảy vào lửa chết theo. Người chồng mới ân hận, cũng đâm đầu vào lửa nốt!

     Trời thấy ba người đều có nghĩa nên phong cho họ làm 'Vua bếp'. Từ tích đó mới có tục thờ cúng 'Táo quân' và trong dân gian có câu:

 

 'Thế gian một vợ một chồng

Không như vua bếp hai ông một bà'

 

     Hay có tích Táo Quân được truyền khẩu như sau:


     Ngày xưa có hai vợ chồng nghèo khó, nhưng họ sống với nhau rất hoà thuận, hạnh phúc. Anh chồng tên là Trọng Cao và vợ là Thị Nhi. Hiềm một nỗi lấy nhau đã lâu vẫn không có con, nên cả hai đều lấy làm buồn phiền và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những chuyện lục đục! Một lần, trong khi lời qua tiếng lại, Trọng Cao trót lỡ tay đánh vợ ! Giận chồng, Thị Nhi bỏ nhà ra đi và trong khi lưu lạc nơi đất khách quê người, Thị Nhi đã gặp chàng thợ săn Phạm Lang. Thông cảm hoàn cảnh của nhau, hai người yêu thương rồi thành vợ thành chồng.

 

     Sau khi Thị Nhi bỏ đi, Trọng Cao rất hối hận. Bán hết gia tư, điền sản lấy tiền làm lộ phí đi tìm vợ. Đến rất nhiều nơi, tìm hỏi rất nhiều người, cho đến khi tiền lưng đã cạn, phải lần hồi bằng nghề hành khất mà vẫn không thấy tăm hơi Thị Nhi đâu cả. Cho đến một lần, Trọng Cao vào một nhà nọ xin ăn, không ngờ người mang cơm ra cho lại là Thị Nhi. Hai vợ chồng đang mừng mừng tủi tủi nhận nhau thì chàng thợ săn Phạm Lang về. Sợ chồng sau hiểu lầm, Thị Nhi bảo Trọng Cao trốn vào đống rơm. Khi Thị Nhi đi chợ, Phạm Lang ở nhà do không biết Trọng Cao ẩn nấp trong đống rơm nên đã vô tình đốt cả đống rơm để quay thịt rừng. Khi Thị Nhi về thấy vậy mới lao vào cứu Trọng Cao, còn Phạm Lang thấy vậy lại lao vào cứu Thị Nhi, cuối cùng cả 3 chết cháy trong đống rơm. Ba con người trước khi chết còn nắm chặt tay nhau. Cảm động trước cái chết của 3 người, Ngọc Hoàng mới phong cho họ chức Táo quân, và phân chia mỗi người một việc.

- Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp.
- Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà.
- Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom việc sản xuất.

     III. Các lễ vật cúng Táo quân

 

     Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, cho nên được gọi là Vua Bếp. Hàng năm, ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Đế (hay Ông Trời), nên có nơi gọi ngày này là Tết ông Công. Vị Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp 'phù trợ' cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể. Lễ vật cúng Táo quân gồm có: mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ ông và một mũ bà. Mũ dành cho các Táo ông thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những giây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.


Cá chép và mũ cánh chuồn


     Những đồ 'vàng mã' này (mũ, áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt sau lễ cúng ông Táo cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo Công.

     Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc. Gà này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.

     Ngoài ra, để các Táo ông, Táo bà có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý 'cá hóa long' nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được 'phóng sinh' (thả ra ao, hồ hay ra sông sau khi cúng).

     Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.

     Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...v...v) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc..v...v..) để tiễn Táo quân.

 

     Truyền thuyết Táo quân bắt nguồn từ Trung Hoa, đã được 'Việt Nam hóa' với nhiều tình tiết khác nhau nhưng các tích đều nói lên 'tình nghĩa yêu thương' của  người vợ với hai người chồng cũ và mới. Chính vì những mối ân tình đó mà ba người quyên sinh vì nhau. Thượng đế cảm thông mối tình sâu nghĩa đậm này nên đã quy cho ba người về ở cùng một gia đình... Bài vị thờ vua Bếp thường được ghi vắn tắt là 'Định Phúc táo Quân' nghĩa là thần định mọi sự hạnh phúc.

Thục Anh(Tổng hợp)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: