Nhiều bạn đọc đã biết đến Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông không chỉ nổi tiếng trong việc chỉ huy đơn vị giải phóng vùng biển đảo cực Nam của Tổ quốc năm 1975; là người đã khởi xướng việc xây dựng các khu “Kinh tế Quốc phòng” làm điểm tựa vững chắc cho các vùng biên cương Đông Bắc nghèo khó và luôn bất ổn; một trong những người có công đầu trong việc tổ chức xây dựng và phòng thủ cho quần đảo Trường Sa từ 20 năm trước… mà lịch sử còn chọn ông là vị Đại tướng Bộ trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đặt chân tới Mỹ…
Vào những ngày Biển Đông dậy sóng và căng thẳng nhất của năm 2014, chúng tôi đã có may mắn được Đại tướng Phạm Văn Trà mời ăn tối và ngủ lại nhà ông một đêm để nghe bao chuyện tâm tình…
Đại tướng Phạm Văn Trà và Nhà văn Đặng Vương Hưng năm 2014
Cho đến thời điểm năm 2014 này, Đại tướng Phạm Văn Trà là một trong 12 quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam được phong cấp hàm sĩ quan cao nhất. Ông là một trong 2 Đại tướng hiếm hoi được trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và cũng là một trong số 9 Đại tướng đã được trao tặng Huân chương Sao vàng cao quý nhất của Nhà nước ta.
Phạm Văn Trà quê ở xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; sinh ngày 19 tháng 8 năm 1935. Nghĩa là, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo dân tộc ta Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 năm 1945, cậu bé Trà tròn 10 tuổi. Và tính theo “tuổi ta”, thì ngày 19 tháng 8 năm nay, Đại tướng Phạm Văn Trà tròn 80 tuổi và “thượng thọ bát tuần”!
Chàng trai Phạm Văn Trà nhập ngũ năm 1953, khi vừa tròn 18 tuổi. Con đường binh nghiệp không dễ dàng gì, khi phải phấn đấu trưởng thành từ anh lính Binh nhì cho tới Đại tướng. Ông từng trải qua những chiến trường ác liệt nhất, trực tiếp tham gia nhiều trận đánh đẫm máu và nhiều lần bị thương. Ông từng chịu ơn một người phụ nữ Nam Bộ đã cứu ông từ cõi chết trở về trong lòng địch. Năm 1975, ông dẫn đầu Tiểu đoàn đánh chiếm táo bạo và góp phần giải phóng toàn bộ vùng biển đảo cực Nam của Tổ quốc.
Phạm Văn Trà được thụ phong cấp hàm cao nhất của Quân đội ta năm 2003. Ông đảm nhiệm trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong 10 năm (1997 đến 2006). Đây là khoảng thời gian nền kinh tế nước nhà đã vượt qua thời kỳ bao cấp khó khăn để chuyển sang cơ chế thị trường, Quân đội ta bắt đầu từng bước xây dựng chính quy và hiện đại.
Có thể nói, Đại tướng Phạm Văn Trà là người có công đầu trong việc tổ chức xây dựng và phòng thủ cho quần đảo Trường Sa. Ngay sau khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu, phụ trách tác chiến, liên tục trong 3 năm liền (1994 – 1996) ông đã trực tiếp ra thị sát Trường Sa 3 lần. Mà lần nào Tướng Trà cũng đi lâu và đi kỹ, lặn lội đến từng đảo chìm đảo nổi, cùng ăn ngủ, cùng làm việc với cán bộ chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, chứ không phải chỉ đóng vai Thủ trưởng đến tham quan và long trọng vỗ tay biểu dương khen thưởng… Vị Đại tướng bồi hồi kể lại những kỷ niệm của 20 năm về trước.
Nên nhớ rằng thời đó, Trung Quốc vừa xâm chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam, gần một trăm chiến sĩ ta đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh. Tình hình còn rất căng thẳng và nguy hiểm. Điều kiện sinh hoạt, chiến đấu, phương tiện của bộ đội cũng rất khó khăn thiếu thốn. Đặc biệt là, các đảo chìm còn rất sơ sài, chủ yếu chỉ thấy đá, cát và san hô giữa mênh mông sóng biển. Nơi ấy, con người phải trần trụi bốn mùa. Những người lính suốt ngày đêm chống chọi với gió, nắng mưa và cả bão tố. Với trọng trách của mình, Tướng Phạm Văn Trà đã chỉ đạo quyết liệt việc làm xanh hóa đảo xa. Nhờ vậy, mỗi năm các tàu của ta đã vận chuyển trung bình khoảng 5.000 tấn đất màu mỡ tốt, để phát cho anh em trồng rau trên đảo chìm và trồng cây trên đảo nổi. Những công trình của Tướng Trà làm từ năm ấy đã phát huy tác dụng tích cực cho tới hôm nay, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tướng Trà cũng luôn suy nghĩ, trăn trở tìm mọi cách để nâng cao sức mạnh chiến đấu và năng lực phòng thủ cho bộ đội. Ông trực tiếp chỉ đạo việc quy hoạch, xây dựng hệ thống công sự trận địa có chiều sâu, liên hoàn và vững chắc,... Không chỉ khu vực quần đảo Trường Sa, mà các đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý vùng biển Tây Nam Tổ quốc cũng được ông đặc biệt quan tâm... liên tục được bổ sung, hoàn thiện. Ông đã tổ chức lực lượng phòng thủ, tuần tra, duy trì tàu trực chiến để phát hiện, xua đuổi tàu nước ngoài xâm nhập trái phép; kết hợp các hoạt động kinh tế và dịch vụ trên biển. Nhờ sự ủng hộ quyết liệt và cụ thể của Tướng Trà, năm 1998, Lực lượng Cảnh sát biển thuộc Bộ tư lệnh Hải quân ra đời, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tham gia bảo vệ biển đảo hôm nay.
Vào những ngày giữa năm 2014, khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người viết bài này đã có may mắn được tham gia cùng đoàn Nhà văn Quân đội đi thực tế tại tỉnh Bắc Ninh, theo lời mời của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quế Võ. Chúng tôi vinh dự được Đại tướng Phạm Văn Trà mời ăn tối và ngủ lại nhà ông một đêm. Theo đề nghị của mấy anh em Nhà văn, vị Tướng già đã xúc động kể lại những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông: Từ chuyện ông bị thương thời đánh Mỹ, tới chuyện đơn vị ông bị hàng chục tiểu đoàn Pol Pot bao vây… Tháng 5 năm 1975, khi các binh đoàn thần tốc giải phóng Sài Gòn, thì ông được lệnh cơ động từ Vĩnh Long ra Phú Quốc đánh đuổi quân Pol Pot bất ngờ xâm lược các đảo Hòn Ông, Hòn Bà… Dù lực lượng ít, hỏa lực không mạnh bằng quân Pol Pot... nhưng nhờ sự gan dạ, táo bạo… bộ đội ta vẫn giải phóng toàn bộ các đảo ở vùng biển cực Nam của Tổ quốc.
Đoàn Nhà văn Quân đội báo cáo kết quả chuyến đi thực tế tại Quế Võ với Đại tướng Phạm Văn Trà
Về đối ngoại, chuyện đáng nhớ nhất của Đại tướng Phạm Văn Trà là chuyến thăm Mỹ năm 2003. Đây là chuyến thăm lịch sử 28 năm sau chiến tranh, Đại tướng Phạm Văn Trà khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam lần đầu tiên tới Washington DC… Sau 15 năm bình thường hóa quan hệ song phương Mỹ - Việt (1995), quan hệ quốc phòng giữa hai nước đã và đang phát triển từng bước. Năm 2000, phía Mỹ có hai chuyến thăm cấp cao đến Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen (tháng 3) và Tổng thống Bill Clinton (tháng 11). Trong cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Phạm Văn Trà với ông Cohen tại Hà Nội, phía Mỹ khi đó mong chờ chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam sẽ mở đường cho chuyến thăm của lãnh đạo Nhà nước Việt Nam đầu tiên đến Mỹ. Và như lịch sử đã sắp đặt, Đại tướng Phạm Văn Trà trở thành “Sứ giả của Hòa bình”. Chuyến đi ấy đã thành công tốt đẹp, dư luận cả thế giới hoan nghênh…
"Giờ là lúc phải đoàn kết, tỉnh táo, chăm lo phát triển kinh tế, lo cho dân là điều quan trọng nhất. Dân có giàu thì nước mới mạnh, bờ có mạnh thì biển mới có chỗ dựa và mới tiến xa ra biển được" – Đại tướng Phạm Văn Trà đã nhiều lần nói với phóng viên báo chí như thế.
Những năm gần đây, dù tuổi đã cao, nhưng vị Đại tướng dạn dày trận mạc bom đạn, vẫn hăng hái đi khắp mọi miền đất nước, để vận động công đức xây chùa và làm từ thiện. Thậm chí, ngay sau khi chuyến bay MH370 của Malaysia bị mất tích, ông đã lên trực thăng tham gia chỉ đạo tìm kiếm ở vùng biển Tây Nam.
Sau bữa cơn thân mật lại nhà riêng của Đại tướng ở làng Phù Lãng, mấy anh em Nhà văn đã vinh dự được ngồi uống trà và hầu chuyện ông rất khuya. Với tư cách là một Nhà văn cựu chiến binh, tác giả ý tưởng và người khởi xướng Đề án “Tự hào Việt Nam” (tổ chức cuộc vận động xây Tượng đài Hải đăng Chiến thắng Bạch Đằng, Đền thờ các Vua Hùng và các vị thánh Bất tử cho biển đảo), tôi đã báo cáo và xin ý kiến Đại tướng. Ông đã hoan nghênh và khuyên chúng tôi không nên chỉ làm ở Trường Sa, mà phải làm cả ở đảo Phú Quốc, bởi “Trường Sa diện tích nhỏ lắm, vận chuyển đi lại rất khó khăn, mà Phú Quốc rộng lớn, tha hồ xây dựng”.
Nhân lễ “thượng thọ bát tuần” của Đại tướng Phạm Văn Trà, xin kính chúc ông thêm mạnh khỏe, thêm nhiều cống hiến cho Quân đội và Nhân dân! Quê hương Kinh Bắc luôn tự hào vì có ông!
Tháng 8 năm 2014
Nhà văn Đặng Vương Hưng