Thứ sáu, 27/12/2024,


Sách về Hoàng Sa, Trường Sa có sức hút đặc biệt với độc giả (14/08/2014) 

Biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần máu thịt của Tổ quốc, nơi mà triệu triệu trái tim người Việt luôn hướng về, đặc biệt trong thời gian vừa qua khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Văn học - nghệ thuật, một trong những mặt trận trong cuộc đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cũng thể hiện thành công vai trò, nhiệm vụ của mình.

Có thể nói rằng, sách, ảnh về Biển Đông ngày càng phong phú về thể loại, đa dạng về nội dung, phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin của độc giả. Nếu như trước đây, thị trường sách dường như không thể hiện đúng mức độ cần thiết của việc truyền đạt kiến thức, phát huy lòng tự hào về biển đảo với độc giả, thì trong những ngày qua, những cuốn sách viết về Hoàng Sa, Trường Sa đang đến gần hơn với bạn đọc, đặc biệt là độc giả trẻ tuổi như tầng lớp sinh viên, trí thức.


Những cuốn sách về Hoàng Sa, Trường Sa thu hút độc giả


Đi dọc khu phố Đinh Lễ, Tràng Tiền (Hà Nội), được coi là địa điểm quen thuộc của những “con mọt” sách, không khó để tìm và chọn cho mình một cuốn sách có về Biển Đông phù hợp.

Một nhân viên bán hàng tại nhà sách Lâm – số 3 Đinh Lễ cho biết, trong mấy tuần gần đây, những cuốn sách mới về Hoàng Sa, Trường Sa liên tục được hiệu sách này nhập về và bày bán. Những cuốn sách này có nội dung và phạm vi kiến thức khác nhau như “Hoàng Sa, Trường Sa trong Thư tịch cổ” hay “Cuộc chiến huyền thoại trên đảo Gạc Ma”. Trong số đó, được bạn đọc quan tâm và chọn mua nhiều nhất là cuốn “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.

Được biết, “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” là tập hợp một số bài nghiên cứu, bài báo và những tư liệu mới của các nhà sử học và các nhà nghiên cứu, chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xét về mặt lịch sử và luật pháp quốc tế. Cuốn sách cũng đề cập tới bối cảnh của cuộc tranh chấp hiện nay đối với hai quần đảo này nói riêng và Biển Đông nói chung, cũng như những ý kiến về một giải pháp cho cuộc tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.

Còn theo chủ hiệu sách Ngân Nga, trong những ngày gần đây thì các cuốn như: “Có một con đường mòn trên Biển Đông” (Nguyên Ngọc, NXB Trẻ), “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” (Trần Công Trục – NXB thông tin và truyền thông), được bán ra với số lượng lớn và luôn trong tình trạng… cháy hàng.

“Ngày còn trong quân ngũ, tôi từng đọc một số tài liệu về lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam, nhưng vấn đề Biển Đông thì vẫn chưa được nêu ra. Trong thời gian Trung Quốc có những hành động khiêu khích tại vùng biển Việt Nam thì tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về chủ quyền biển đảo qua một số sách báo, tư liệu ở đây” - một khách hàng đang chọn mua sách cho biết.



Bìa cuốn sách "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam"


Tại Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội và nhiều hội trợ triển lãm khác, những sản phẩm văn hóa quảng bá về biển đảo Việt Nam cũng được trưng bày, giới thiệu nhiều hơn trước. Đồng thời, nhằm đáp ứng thị hiếu của độc giả ở mọi lứa tuổi thì các loại sách cũng phong phú hơn trước rất nhiều, bao gồm những bài nghiên cứu khoa học, những tư liệu lịch sử…dành cho bạn đọc đã có những vốn hiểu biết nhất định.

Với tầng lớp thanh niên, thiếu nhi, thông tin về biển đảo lại dễ dàng được giới thiệu qua nhiều thể loại như: Thơ, truyện ngắn, truyện tranh, truyện cổ tích, thần thoại… Sự thay đổi lớn trong việc thể hiện thông tin đã đưa bạn đọc đến gần hơn trong việc tìm hiểu về Biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa.

“Tôi cho rằng đọc sách về biển đảo Việt Nam là việc làm cần thiết và ý nghĩa. Đọc sách để nâng cao nhận thức, để hiểu một cách đầy đủ và sâu sắc hơn về biển, đảo quê hương, để biết những chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước ta, qua đó góp phần nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc” - Hằng Hà, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Mặt khác, không thể phủ nhận vai trò của các cơ quan chức năng, những nhà xuất bản, nhà văn, nhà thơ, họ đã góp phần trong việc định hướng văn hóa, nhận thức cũng như thị hiếu của độc giả, đặc biệt là những người trẻ tuổi.

Nói về sức hút của sách về Biển đảo đối với độc giả trong thời gian gần đây, PGS.TS, nhà phê bình văn học Đào Duy Hiệp cho rằng: “Sách đến với độc giả do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tiếp cận đối tượng, quảng cáo, tìm hiểu thị hiếu đối tượng”.

Có thể nói, chính nhu cầu tìm hiểu, sự quan tâm đối với vận mệnh Tổ quốc đã đưa độc giả đến gần hơn với những tác phẩm về Hoàng Sa, Trường Sa, dù là một tác phẩm văn học hay là những tư liệu lịch sử, nghiên cứu khoa học./.

 

Theo VOV

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: