Thứ sáu, 27/12/2024,


Đôi điều về Vòng sơ khảo Cuộc thi sáng tác thơ Lục bát (04/08/2014) 

           Cuộc thi sáng tác thơ Lục bát với  chủ  đề “Tổ quốc và Đạo pháp” (2012 - 2018) do Website lucbat.vn phối hợp với một số cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức (dưới sự bảo trợ của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam) đã bước vào giai đoạn sơ kết lần thứ hai.

Nhà thơ Đinh Thường
Từ ngày 16/7/2013 đến ngày 15/7/2014, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được trên 2700 bài dự thi của gần 500 tác giả; trên 560 bài của 126 tác giả đã được lựa chọn giới thiệu trên Website lucbat.com qua 46 chùm thơ dự thi (từ chùm số 49 đến 94). Đây không chỉ là nỗ lực lớn của các tác giả tham gia dự thi mà còn là ý thức trách nhiệm cao của Ban Tổ chức “nhằm bảo tồn và phát huy sâu rộng thể thơ truyền thống của dân tộc”.
Rút kinh nghiệm từ Vòng sơ khảo lần thứ nhất (năm 2013), năm nay Ban Tổ chức đã sớm bổ sung, hoàn thiện quy chế Ban Giám khảo. Theo đó, mỗi uỷ viên Ban sơ khảo được quyền lựa chọn 05 tác giả có bài tham gia dự thi đạt chất lượng cao để giới thiệu cho Ban chung khảo chọn đề cử cho các giải Trăng Vàng, Trăng Bạc.
Có lẽ, do tình yêu và sự đồng nguyện của các tác giả đối với thể thơ này mà cuộc thi năm nay vẫn thu hút được khá đông các tác giả trong và ngoài nước tham gia; với nhiều thành phần, lứa tuổi; có người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Trương Minh Phố, Nguyễn Minh Khiêm, Nguyễn Ngọc Hưng, Huy Trụ…; nhiều người là hội viên các Hội VHNT các tỉnh thành… Một số tác giả năm trước có bài dự thi, năm nay lại tiếp tục gửi bài dự thi; đặc biệt cuộc thi năm nay xuất hiện khá nhiều gương mặt mới. Điều đó, phần nào cho thấy tính hấp dẫn của cuộc thi.
Mặc dù số lượng bài tham gia dự thi có giảm đi chút ít so với năm trước, nhưng chất lượng sáng tác của các tác giả có sự đồng đều hơn. Về mặt hình thức: Hiếm thấy, bài tham gia dự thi phạm quy hoặc mắc lỗi về niêm luật. Nhiều bài nhuần nhuyễn, chứng tỏ tác giả khá dụng công về thi pháp Lục bát. Về mặt nội dung, hầu hết các bài dự thi đã bám sát chủ đề “Tổ quốc và Đạo pháp” và đề cập tới nhiều vấn đề lớn của cuộc sống. Song trên hết cả vẫn là tình yêu quê hương, đất nước; tín ngưỡng Phật giáo và thân phận con người trước những biến động của đời sống xã hội...
Giữa hàng ngàn bài thơ như thế, việc chọn lựa ra những tác phẩm tiêu biểu thật không dễ gì cho các thành viên Ban sơ khảo. Tuy vậy với phương châm không bỏ sót bài thơ dự thi nào, bằng tinh thần trách nhiệm cao, Ban sơ khảo cũng đã lựa chọn được 21 tác giả tiêu biểu để giới thiệu cho Ban chung khảo.
Có thể lựa chọn của Ban sơ khảo chưa đáp ứng được mong muốn của mọi tác giả. Nhưng chúng tôi cho rằng sự lựa chọn ấy đã phản ánh được cái chung nhất của một trong những xu hướng mà những người làm thơ Lục bát thường làm là bày tỏ tình yêu đối với quê hương, đất nước. Về mảng đề tài này, được các tác giả đề cập dưới nhiều góc độ khác nhau. Song dù có thế nào đi chăng nữa thì những sáng tác của họ vẫn thể hiện rõ trách nhiệm công dân của người cầm bút.

Nhà giàn đứng chắn bão giông
Sao vàng giữa áng mây hồng tung bay
Hóa người cây mọc nghìn tay
Cùng người giữ mảnh đất này bình yên...

 
(Khúc ruột và miền nhớ thương - Nguyễn Khánh Toàn)

Hồn còn đau đáu lời thề
Vầng trăng, bến nước, đường quê đợi chờ…
Cổ thành sương khói như mơ
Tóc chinh phụ đổ trắng bờ hoa lau.

(Nghiêng mình xuống với cỏ lau - Trương Minh Phố)

Con quay, con bổ… tít mù
Thắng thua… cũng chẳng biết bù cho ai?
Mày nằm giữ tuổi trẻ trai
Tao đầu bạc trắng giữ hai con cù!

(Hai con cù - Hậu Cốc Ngang)
 

Lắng đau ngửa mặt cầu trời
Mây tràn mộ gió bạn tôi nơi nào?
Mắt nhòe bước thấp bước cao
Lửa nhang khóc bạn cháy vào lòng tôi.

 
(Tìm bạn - Vương Hồng Trường)
 
             Về đề tài Đạo pháp, khác với năm trước, rất ít bài tham gia dự thi sa đà vào kể lể công lao của Đức Phật hay cống hiến của các vị  chân tu (những điều mà hầu như ai cũng biết). Hầu hết các sáng tác đều bày tỏ tín ngưỡng một cách dung dị, chân thành.

Cửa chùa mở tự lòng dân
Chân tu độ lượng, lỗi lầm khoan dung
Bôn ba một thuở lẫy lừng
Giờ về đứng dưới cửu trùng: “Nam mô”…

(Chùa Giáng trong tôi - Huy Trụ)

Phật không bỏ mặc chúng sinh
Pháp không suông tụng kệ kinh, lánh thời
Tăng không an lạc, thảnh thơi
Khi còn nghe thấu những lời trần ai.

 
 (Phật tâm - Lam Bình)
 
Đêm giác ngộ xuyến xao lòng
Hồn du tử mãi phiêu bồng cõi thiêng
Hương quê quyện với hương thiền
Trăng lên thắp lễ khơi huyền diệu đêm.

(Đêm huyền diệu - Nguyễn Bá Hoà)
 
Có tâm thì Phật hợp hòa
Không tâm, không đức quỷ ma dẫn đường
Chắp tay bái lạy thập phương
Tu nhân, tích đức - Cát Tường thảnh thơi.
 
(Trời Phật - Nguyễn Phi Diếu)
 
             Nếu như mảng đề tài về quê hương, đất nước thể hiện trách nhiệm công dân của người cầm bút và mảng đề tài "Đạo pháp" là bày tỏ tín ngưỡng. Thì mảng đề tài về thân phận con người lại khắc hoạ chân dung những người lao động tảo tần. Họ là những người thân yêu ruột thịt; đôi khi là hàng xóm, láng giềng của tác giả.
 
Mắt thì nửa chợp trên rừng
Nửa chợp dưới bể, nửa lưng chừng trời.
Nón mê quên tuổi mình rơi
Bã trầu ném đất không lời tiễn đưa!

(Mười móng chân mẹ - Nguyễn Minh Khiêm)
 
  Ngày ngày đất nọ đồng kia
Đêm đêm cộng cộng chia chia công làm
Áo chua bạc thếch màu chàm
Nhìn con thơ dại đành cam cái đời.

(Đời cha - Duyên An)
 
Nam mô… nhặt mảnh trăng rằm
Chị chia cùng rác tháng năm cơ hàn.
Gánh đêm sương muối vừa tan
Chỉ còn cánh vạc bay ngang chưa về...

(Đêm bãi rác Nam Sơn - Nguyễn Khánh Toàn)
 
Một vai bầm, gánh nỗi mình
Còn vai kia gánh bình minh vào bờ
Biển xanh thăm thẳm đợi chờ
Ghe chồng con họ dật dờ nơi đâu?

(Những người đàn bà gánh biển - Hậu Cốc Ngang)
 

           Và đôi khi như là sự đan xen giữa các mảng đề tài:
Van trời lạy đất mênh mang
Thắp hương ngơ ngác tro tàn khói bay
Ước chi dù chỉ một ngày
Cho con vì mẹ gánh thay tội tình!
 
(Mùa vu lan nhớ mẹ - Nguyễn Ngọc Hưng)
 
Quanh bờ cỏ dại thấp cao
Soi không thấy bóng, lòng sao rối bời…
Rưng rưng tôi gọi giữa trời
Làng ơi! Thuở tuổi chín mười giờ đâu?!
 
(Làng ơi - Đồng Thị Chúc)
 
Buồn như trò phản lại thầy
Chợ đời thật giả béo gầy cò quay
Tôi cầm hạnh phúc trong tay
Lội sông đánh mất một ngày chiều Đông.

(Buồn - Phạm Trung Dũng)
  
Sẽ thật không công tâm nếu chỉ nói về cái hay, cái được. Chúng tôi lấy làm tiếc rằng: Đã sắp qua hai lần sơ kết vẫn chưa có nhiều những tứ thơ lạ, chưa có những tác giả thực sự xuất sắc. Thế mới biết việc tìm vàng vốn chẳng dễ gì!
Cũng như Vòng sơ khảo lần thứ nhất, chúng tôi vinh dự lãnh trách nhiệm “cầm cân nảy mực” trong Vòng sơ khảo năm nay. Mặc dù tất thảy đều cố gắng. Nhưng trình độ thẩm định có hạn, chắc chắn sự thiếu sót là không tránh khỏi.
Rất mong được bạn đọc bình phẩm, phản biện làm cho cái hay, cái đẹp của thơ Lục bát mãi mãi trường tồn.

Nhà thơ Đinh Thường
Điện thoại: 0912.242.998
Email: dinhthuongtho.hp@gmail.com
 
_____________________________________________
 
 
DANH SÁCH CHUNG KHẢO SƠ KẾT LẦN 2
CUỘC THI LỤC BÁT "TỔ QUỐC VÀ ĐẠO PHÁP"
 
1- Nhà thơ Vương Trọng (Trưởng ban);
2- Nhà thơ Lê Đình Cánh;
3- Nhà thơ Trần Nhương (Báo Người cao tuổi);
4- Nhà phê bình Chu Thị Thơm (Báo Giáo dục & Thời đại);
5- Nhà thơ Đặng Vương Hưng.
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: