Thứ sáu, 27/12/2024,


ĐỀ CỬ CÁC TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM VÀO CHUNG KHẢO CUỘC THI LỤC BÁT TỔ QUỐC VÀ ĐẠO PHÁP LẦN THỨ 2 (03/08/2014) 
Như đã thông báo về việc chuẩn bị Sơ kết lần thứ Hai Cuộc thi sáng tác Thơ Lục Bát mang tên Tổ quốc và Đạo pháp (2012 – 2018); Ban Tổ chức đã mời các Nhà thơ: Đỗ Trọng Khơi, Chử Thu Hằng, Trương Nam Chi, Nguyễn Thanh Hải, do Nhà thơ Đinh Thường, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Hải Phòng, làm Trưởng ban, đọc Sơ khảo cuộc thi nêu trên; mỗi thành viên được quyền độc lập giới thiệu 05 tác giả xuất sắc nhất vào Chung khảo năm 2014; công việc Sơ khảo đã được hoàn thành trước ngày 30/7/2014.
Đã có 21 tác giả được đề cử của các thành viên Sơ khảo (chúng tôi thống kê thứ tự theo các chùm thơ đã được giới thiệu trong năm). Để khuyến khích tác giả mới, theo sự thống nhất của Ban Tổ chức cuộc thi: Không đưa những tác giả đã được giải cao trong Sơ kết lần Một vào Chung khảo năm nay; tuy nhiên, chúng tôi vẫn công bố danh sách 2 tác giả Nguyễn Ngọc Hưng và Đỗ Bá Cung, để tính điểm cho việc xét giải Kim Cương vào dịp Tổng kết cuộc thi năm 2018.
Dưới đây là danh sách các tác giả và tác phẩm được đề cử vào Chung khảo năm Giáp Ngọ - 2014. Kính mong các tác giả và bạn đọc cùng tham gia giám khảo, bình chọn và đánh giá thêm; phát hiện các trường hợp “phạm quy” (nếu có), xong trước ngày 10/8/2014.
Chúng tôi sẽ công bố Danh sách các Nhà thơ được mời tham gia Chung khảo lần thứ 2 của Cuộc thi nói trên trong thời gian sớm nhất.
 
Trao thưởng Giải Lục Bát Trăng Bạc cho các tác giả năm Quý Tỵ - 2013 (ảnh Tư liệu)


1- Tác giả Trương Minh Phố (chùm 50)
Tổ 3 Phường Trung Sơn ,Thị xã Tam Điệp, Tỉnh Ninh Bình.
ĐT: 0913292802; Email:truongminhphoKS2@ymail.com
 
NGHIÊNG MÌNH XUỐNG VỚI CỎ LAU

Nghiêng mình xuống với cỏ lau
Nghe trong sâu lắng nỗi đau bời bời
Chiến tranh ngày ấy xa rồi
Cầm lời hò hẹn tìm người ngày xưa.
 
Qua rồi mấy chục mùa mưa
Mà nghe nước cuốn như vừa mới đây
Giờ người là gió là mây
Là cỏ, là đất, là cây Cổ thành.
 
Chiều buông chút nắng mong manh
Trầm hương một nén tâm thành thắp lên
Nương theo những sợi khói mềm
Lắng trong gió nhẹ bước quen người về.
 
Hồn còn đau đáu lời thề
Vầng trăng, bến nước, đường quê đợi chờ…
Cổ thành sương khói như mơ
Tóc chinh phụ đổ trắng bờ hoa lau.
 
 
2- Tác giả Đặng Văn Toàn (chùm 51)
Kỳ Trọng, Đông Hà, Đông Hưng, Thái Bình
Điện thoại: 01683823033

ĐI

Từ ngày ta có tấm thân
Ta mang đi khắp nẻo gần chốn xa
Gặp sông, sông chảy hiền hòa
Gặp người, người rạng rỡ qua tháng ngày.
 
Này trưa hè trắng dải mây
Này đàn chim mải miết bay sang mùa
Ta là của nắng của mưa
Của thương và mến. Ta chưa là gì.
 
Thấy trời thấy đất thì đi
Đi cho đến nghĩa đến nghì trước sau
Cho tường nguồn ngọn nông sâu
Gian nan chẳng ngại, khổ đau chẳng nề.
 
Đi cho tận nỗi đam mê
Cho thắm cho thiết mà về xinh tươi
Đi cho hết nhẽ con người
Nữa mai có lạc cuối trời cũng cam!
 
NGƯỜI ƠI
 
Sống xong rồi sẽ đi đâu?
Trăm phương nghìn lối ai cầu mà chi?
 
Sống xong rồi sẽ làm gì?
Thì ai đã biết chi chi đâu mà?
 
Thế xong rồi có còn ta
Hay thành gợn gió, thành ma dưới mồ?
 
Ơ kìa sao quá âu lo
Những thăm thẳm với mịt mờ không đâu.
 
Mai sau là của mai sau
Dài lâu là của dài lâu muôn đời...
 
Người ơi trân trọng lấy người
Đến bao giờ sống xong rồi hãy hay!
 
LỜI  THANH MINH CHO MỘT MỐI TÌNH
 
Chẳng duyên cũng gọi là duyên
Một đêm vườn chuối xui nên vợ chồng
Đêm ấy trăng sáng rất trong
Chứng cho đôi lứa đem lòng đến nhau.
 
Chuyện đời ai dễ biết đâu
Dây gầu - đáy giếng nông sâu thế nào
Kể gì miệng thế thấp cao
Thị Nở vẫn với Chí Phèo sóng đôi.
 
Tháng năm in bóng hai người
Dìu nhau đi giữa tiếng cười nhân gian
Từ hôm ra khỏi cổng làng
Váy thâm xòe giữa muôn hàng váy hoa.
 
Mối tình không cửa không nhà
Cứ hồn nhiên rẽ lối qua dại khờ
Lon ton bước cộc bước hờ
Thiên hạ khối kẻ đến giờ còn ghen.


3- Tác giả Nguyễn Bá Hòa (chùm 54)
Địa chỉ: Trường Đại học Quảng Nam
Số 102 Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
ĐT:0914041783; Email: xbahoa@yahoo.com


HOA BẤT TỬ
 
Đã từng nghe kể chuyện xưa
Mười cô con gái mới vừa đôi mươi
Mùa xuân chớm nụ hoa cười
Mùa hương sắc tỏa một thời đau thương.
 
Tuổi xanh khuất lấp chiến trường
Tóc xanh rụng mỗi cung đường tình yêu
Thời thiếu nữ ước mơ nhiều
Đạn bom vùi dập bao điều riêng tư.
 
Về Đồng Lộc một chiều thu
Dịu dàng nắng lụa mây ru gió ngàn
Nghe câu hát nhớ miên man
“Đi mô rồi cũng...” ngỡ ngàng bước chân.
 
 
Đất thiêng tụ mấy ngàn năm
Mười ngôi mộ nhỏ quây quần bên nhau
Lược gương e ấp gối đầu
Mượt mà tóc chảy một màu hư không.
 
Các chị ơi! Những linh hồn
Đóa hoa bất tử giữa lòng quê hương
Kính dâng người những yêu thương
Câu thơ tưởng niệm vô thường hóa sinh...

ĐÊM HUYỀN DIỆU
 
Sau hàng cau một mái chùa
Câu kinh an niệm mới vừa bung hoa
 
Hương tam bảo mãi ngân nga
Tiếng chuông siêu độ sáng lòa thềm không
 
Đêm giác ngộ xuyến xao lòng
Hồn du tử mãi phiêu bồng cõi thiêng
 
Hương quê quyện với hương thiền
Trăng lên thắp lễ khơi huyền diệu đêm.
 
 
4- Tác giả Duyên An (chùm 56)
Tên thật: Thái Văn Lợi
Ấp Hưng Hoà, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang
ĐT: 0916 713 618; Email: ngoaio54@gmail.com
 
ĐỜI CHA
Tinh sương vội vã ra đồng
Nắng mai rẽ quạt trăng lồng bóng mây
Dấu chân lấp dưới vạt cày
Con trâu đỏng đảnh, cha gầy guộc theo.
 
Giữa trưa thừa cái nắng nghèo
Cơm khô cá mục bèo nhèo nhúm rau
Mặt trời lên đỉnh đầu cao
Cha thiu nửa giấc chìm vào nửa mơ.
 
Chiều nghiêng ráng đỏ bãi bờ
Con thơ đợi ngõ, vợ chờ sân trong
Trần vai trĩu cái lưng còng
Cha ôm đứa cả, mẹ bồng thằng hai.
 
Đêm nằm thao thức canh dài
Nghĩ suy toan tính bữa mai ruộng nào
Cuối trời băng một vì sao
Cha nhăn vầng trán thì thào tiếng khuya.
 
Ngày ngày đất nọ đồng kia
Đêm đêm cộng cộng chia chia công làm
Áo chua bạc thếch màu chàm
Nhìn con thơ dại đành cam cái đời.
 
 
5- Tác giả Nguyễn Phi Diếu, 85 tuổi (chùm 57)
Địa chỉ: 286/17 Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu
ĐT: 064.3818.817; Email: phidieuvungtau@yahoo.com.vn


 TỪ BI BÁC ÁI

Giờ con còn bé thơ ngây
Mai sau con lớn đó đây thuộc làu
Con đi khắp cả địa cầu
Vòng quanh bốn bể, năm châu chân trời...
 
Hiểu cho rõ hết lòng người
Biết cho tường tận sự đời trắng đen
Sao người đố kỵ bon chen
Hại nhau chém giết gây nên hận thù.
 
Có trí tuệ, vụng đường tu
Nên lòng độc địa dập trù hại nhau
Thua súc vật, thua cỏ rau
Thua đàn gia súc, thua đau gia cầm...
 
Đêm đêm dưới ánh trăng rằm
Chấp tay xin nguyện chị Hằng sáng soi
Sinh  người hiền thuở trong nôi
Đến khi tóc bạc, da mồi chớ quên.
 
Bỏ xỏ lá, bỏ xỏ xiên
Hiền từ như các vị tiên trên trời
Con đi, đi khắp muôn nơi
Cầu cho nhân loại kiếp người thương nhau.
 
Không bệnh tật, chẳng ốm đau
Từ bi bác ái trước sau thuận hòa
Bốn phương dù khác màu da
Nghĩa tình sâu nặng đậm đà anh em.
 
NỢ
 
Tâm về với cõi tâm linh
Hồn về với cõi tử sinh niết bàn
Xác còn để lại nhân gian
Gói trong lòng đất chứa chan nổi chìm.
 
Bao nhiêu được mất quá trình
Trả cho đời cả... đi mình tay không!
Nợ còn nặng kiếp chưa xong
Nợ cha, nợ mẹ, nợ ông, nợ bà...
 
Nợ trời, nợ đất bao la...
Nợ cơm áo, nợ đôi ta trọn đời
Hãy xin hẹn kiếp luân hồi
Làm thân trâu, ngựa  đền bồi cho cam.
 
Chấp tay quỳ dưới Niết Bàn
Nợ trần con sẽ xin hoàn kiếp sau.
 
ĐÊM TRƯỜNG
 
Ước gì về lại quê xưa
Đói cơm, thiếu áo nhưng thừa tình thương
Lắng nghe tiếng vạc đẫm sương
Đau từng bắp thịt, khớp xương rã rời.
 
Không quê sao lớn thành người
Chôn nhau, cắt rốn đời đời nhớ thương
Bấy giờ sống cảnh tha hương
Nỗi lòng chan chứa đêm trường vạc kêu.
 
SOI
Soi gương cảm thấy mình già
Soi vào em cảm thấy là thanh niên
Soi vào cha mẹ Tổ Tiên
Tưởng mình như tuổi thiếu niên nhi đồng.
 
Soi vào đỉnh núi, nguồn sông
Thấy mình trong bộc con Rồng cháu Tiên
Tuổi đà bát thập ngũ niên
Càng soi càng thấy đẹp duyên bên bà.
 
TRỜI- PHẬT

Đi chùa lễ Phật, cầu kinh
Phật đâu? Phật ở tâm linh lòng người
Thắp hương cầu nguyện khấn trời
Trời đâu?Trời ở lòng người mà ra.
 
Phật Trời bao lả bao la
Ở nơi cao thẳm sâu xa cõi trần
Trời cao, cao ngất mười tầng
Mà gần, gần lắm rất gần bên ta.
 
Có tâm thì Phật hợp hòa
Không tâm, không đức quỷ ma dẫn đường
Chắp tay bái lạy thập phương
Tu nhân, tích đức - Cát Tường thảnh thơi.
 
Chính là Phật, chính là trời.
Phật Trời là ở tâm người từ bi.
 
6- Tác giả Phạm Minh Trâm (chùm 58)
Xã Chương Dương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình
ĐT: 0987.818.836; Email: ngoctram1508@gmail.com
 
HỎI THÔNG
 
Bình minh vừa rạng chân trời
Biển khơi lóng lánh gương ngời sắc xuân
giã từ hương sắc rượu cần
Đèo cao, dốc thẳm vang ngân nhạc xòe...
 
Về thăm biển một vùng quê
Bập bềnh sóng vỗ, bùa mê thị thành
Đồng Châu như một bức tranh
Dòng trong, dòng đục mong manh phận người
 
Ở đây, lắm chuyện đau đời
Mà sao thông vẫn hát lời ngàn năm.
 
THÔI THÌ

Thôi thì trời cứ sáng đi
Nằm mà không ngủ, nằm chi bực mình
Lạ thay thế thái nhân tình
Cứ lay đến thức, mặc mình cứ ru.
 
 
7- Tác giả Hậu Cốc Ngang (chùm 59)
Tên thật: Nguyễn Đức Hậu
ĐT: 0993355449; Email: nguyenhaucocngang@gmail.com
146/5 Kha Vạn Cân, Khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh,
quận Thủ Đức, T.P Hồ Chí Minh.


HAI CON CÙ

Thuở chăn trâu vẫn chơi chung
Mày giờ lạnh lẽo núi rừng cỏ cây
 
Nhớ mày gọi với lên mây
Xuống cùng hứng hạt mưa gầy mái gianh
 
Chúng mình níu cỏ mà xanh
Lớn cùng cây lúa, vại sành, rạ rơm
 
Cùng vui với cá trong nơm
Với cua bờ ruộng, đó đơm tép đồng
 
Thế mà mây gió mênh mông
Mày đi bành biệt mãi không thấy về
 
Bỏ khăng lăn lóc mặt đê
Bỏ con cù ném tái tê vào chiều
 
Tao giờ nước lọ cơm niêu
Vẫn chờ mày chạy sang kêu đánh cù
 
Con quay, con bổ… tít mù
Thắng thua… cũng chẳng biết bù cho ai?
 
Mày nằm giữ tuổi trẻ trai
Tao đầu bạc trắng giữ hai con cù!
 
 
 
MẸ TÔI CON GÁI ĐỒNG CHIÊM
 
Mẹ tôi con gái đồng chiêm
Dáng nghiêng đòn gánh móng liền lệch vai
 
Mạ lo sương muối ngắn dài
Đồng còn trắng nỗi giêng hai cơ hàn
 
Lưng chưa ngả, đêm đã tàn
Vốc ngày lên, khó nhọc tràn kẽ tay
 
Mùa đi theo nước vơi đầy
Vẹo lưng bạc ánh trăng gầy ngoài sân
 
Đất thương gót nẻ chai sần
Màu theo mẹ, níu cổ chân óng vàng
 
Chiêm mùa cháy ruột cháy gan
Lúa chưa bén rễ, rét khan buốt trời
 
Đêm tháng năm, ngày tháng mười
Lúa mong được ấm hơi người mà xanh!
 
Mẹ tôi cười nụ hiền lành:
Đổi bao nước mắt mới thành nhà nông.
 
 
NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ GÁNH BIỂN
 
Chân trần lầm lụi lội sương
Phận người gánh biển dọc đường mưu sinh
 
Một vai bầm, gánh nỗi mình
Còn vai kia gánh bình minh vào bờ
Biển xanh thăm thẳm đợi chờ
Ghe chồng con họ dật dờ nơi đâu?
 
Đêm bì bõm gánh nông sâu
Áo cơm đè xuống nỗi đau nổi chìm
Bể đời tăm cá bóng chim
Đầy vơi gồng gánh nén kìm khát khao
 
Cát cồn buốt ngọn gió bào
Bước trồi bước sụt vọng vào giá đông
Cá tôm theo nước lớn ròng
Đàn bà xứ biển còn đong biển đầy.
 
 
8- Tác giả Đỗ Bá Cung (chùm 61)
Vân Tra, An Đồng, An Dương, Hải Phòng
Điện thoại: 0989401370

LỜI BÁT NHANG
 
Cũng là đất sét cả thôi
Người ta tượng Phật tôi đời bát nhang
Thôi thì cũng bệ cũng ban
Được lên ngồi cạnh Niết Bàn linh thiêng.
 
Tôi không là Phật, là Tiên
Chỉ là một đấng tôi hiền trần gian
Biết bao nhiêu chuyện Niết Bàn
Tỏ tường những nỗi thế gian khóc cười.
 
Lời tâu nghe đã nhiều rồi
Trời thì vẫn nhận, đời thì còn đau
Lòng tôi hương cắm nát nhàu
Tàn tro rơi bạc trắng đầu nhân gian.
 
VƯỢT ĐÈO

Nhấp nhô đầu súng chạm mây
Đường ra mặt trận Sa Thầy cheo leo
Nhạc rừng hòa tiếng suối reo
Đoàn quân hối hả vượt đèo đêm nay.
 
Bàn chân người lính qua đây
Đá mòn vẹt dưới gót giày quân đi
Mênh mang đồi núi diệu kỳ
Đẹp như một áng cổ thi giao hòa.
 
Áo choàng ướt vạt sương sa
Vui buồn người lính xa nhà mẹ ơi!
Đỉnh cao con đã đến rồi
Thu vào tầm mắt bồi hồi nước non.
 
Bước chân theo vết đá mòn
Vết nào là vết cha con vượt đèo?
 
 
9- Tác giả Lê Hòa (chùm 62)
Tên thật: Lê Văn Hòa
Số nhà 10/5 đường Ba Tháng Tư,  Tp. Đà Lạt, Lâm Đồng
ĐT: 091.66.949.86; Email: lehoa.hoivanhoc@gmail.com
 
MƠ THU
 
Tôi vừa thế chấp giấc mơ
Ra đường mua góc trời khô để ngồi
Bên kia rụng một ánh trời
Ngôi sao vụt sáng rồi rơi khẽ khàng
 
Bỏ nhà chim sẻ đi hoang
Tha mưa xây tổ bên hàng cây khô
Áng mây tu trước cổng chùa
Lời kinh bay trắng tự mùa xanh xưa
 
Tôi về bán đứt giấc mơ
Lên rừng hỏi nắng để mua lá vàng
Nằm nghe dáo dác mùa sang
Gọi xông xênh gió thênh thang tuổi ngày
 
 
 
10- Tác giả Vương Hồng Trường (chùm 63)
Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh
ĐT: 0915 185 692; Email: hongtruongvuong@gmail.com
 
ĐỘC THOẠI
(Tặng Đại tá Nguyễn Văn Tính)
 
Một chén rượu
một chén tình
Một mình mình biết
một mình mình say
 
Nén nhang cháy đỏ trên tay
Va ly hài cốt của mày tao ôm
Chúng mình một thuở Trường Sơn
Vô tư đâu tính thiệt hơn như giờ
 
Ba mươi năm
thoắt không ngờ
Nắm xương mày vẫn gửi nhờ phương xa
Hôm nay đưa bạn về nhà
Nào! Xin uống cạn như là ngày xưa
 
Một thời bom đạn nắng mưa
Chợt nghe gió hú
Như vừa... hôm qua.
 
Tàu S4, 20/12/2002
 
 
TÌM BẠN
 
Hồn chuông cầu nối âm dương
Nén nhang tâm phúc gió vương chiều buồn
Mười ngàn liệt sĩ Trường Sơn
Trùng trùng bia mộ trống trơn tên người.
 
Lắng đau ngửa mặt cầu trời
Mây tràn mộ gió bạn tôi nơi nào?
Mắt nhòe bước thấp bước cao
Lửa nhang khóc bạn cháy vào lòng tôi.
 
Nghĩa trang Trường Sơn, 2012
 
 
11- Tác giả Nguyễn Minh Khiêm (chùm 65)
Khu 2. Thị trấn Quán Lào, Yên Định, Thanh Hóa
 

MƯỜI MÓNG CHÂN MẸ
 
Chẳng còn sức bước ra dồng
Mười móng chân mẹ cái bong, cái nhàu
Dở nghệ, dở gạch, dở nâu
Không nhận ra nổi cái màu tuổi thơ!
 
Hệt như cày cuốc lên bờ
Sứt mẻ mà chẳng bao giờ kêu rên.
Cháu con về chúc Tuổi Tiên
Bánh quà cứ để một bên bần thần.
 
Đi đâu vẫn cứ chân trần
Mười ngón chân bấm lõm gần, lõm xa.
Cái thời chưa biết mình già
Tít mù việc nước việc nhà trần lưng.
 
Mắt thì nửa chợp trên rừng
Nửa chợp dưới bể, nửa lưng chừng trời.
Nón mê quên tuổi mình rơi
Bã trầu ném đất không lời tiễn đưa!
 
Chỉ còn một cục ngày xưa
Chắc như thỏi mực con chưa biết mài!
Chẳng hoa văn, chẳng tượng đài
Dáng rơm dáng rạ mủi ngoài tụng ca!
 
Con đi mấy chục năm xa
Mười móng chân mẹ mở ra hồn làng.
 
MẮT BÃO
 
Tả tơi lá
tả tơi cây
Tả tơi tóc
một dáng gầy
tả tơi!
Lũ gào
bão táp
mẹ bơi!
Nước mắt làm mảng
mồ hôi làm thuyền.
Củ khoai
kéo cái nghèo lên
Nón mê
kéo sự bình yên trở về.
Dô huầy!
vượt móng chân khê!
Dô khoan!
vượt sợi tóc bê bết bùn!
Cánh đồng
neo
lưỡi cuốc quằn
Nụ cười
neo
sự nhọc nhằn
trên môi.
Tuổi xuân
Rơi!
Hạnh phúc
Rơi!
Mãi trong mắt bão
mẹ tôi
giữ làng.
 
 
LẦN TRÀNG HẠT
 
Lần tràng hạt lúc giao thừa
Bao nhiêu hạt nắng hạt mưa hiện về
Hạt thì tỉnh, hạt thì mê
Hạt gối núi lửa, hạt kê sóng lừng.
 
Hạt là muối, hạt là gừng
Hạt là chỉ thắm, hạt thừng chăn trâu
Hạt chìm nghỉm dưới bể sâu
Hạt ngang dọc vút giữa bầu trời xanh.
 
Hạt làm cám cũng không thành
Hạt thiên hạ đứng nghiêng mình nam mô
Hạt trong cám dỗ hư vô
Hạt ngoài lạc lối tiền đồ phù du.
 
Mùa xuân lần tới mùa thu
Lần qua giá buốt sương mù mùa đông
Lần từ ngọn gió hư không
Lần sang mống cụt cầu vồng đỏ đen.
 
Dưới hàm sư tử ngồi thiền
Bình yên ngọn cỏ giữa miền bão lay
Vỡ ba trăm sáu lăm ngày
Nến hương trước mẹ một giây xin lành!

N.M.K
 
12- Tác giả Huy Trụ (chùm 67 và 86)
Thành phố Thanh Hóa – tỉnh Thanh Hóa
ĐT: 0913568936; Email: huytru49@gmail.com
 
 
MỘT LẦN YÊN TỬ
 
Nửa đời, mới đến được đây
Nhón chân, thả xuống đất này chung chiêng
Chùa Đồng, chắc phải chùa thiêng
Núi cao mấy, cũng cố lên một lần…
 
 
Kìa cây đại bảy trăm năm
Lá như con mắt xa xăm ngoái nhìn
Cõi người, gần với cõi tiên
Để vua Trần rủ bỏ áo xiêm, ngai vàng...
 
''Nam mô'' đời ngắn tày gang
Mà sao tục lệ, trái ngang thì dài
Của thiền chắp lại đôi tay
Phút thanh thản tựa khói mây bềnh bồng
 
Lạy ngang, lạy dọc chùa Đồng
Từ trời tôi lại xuống cùng nhân gian
Khối tình ngậm mãi chưa tan
Thôi về nối lại cung đàn, tìm nhau...
 
 
CHÙA GIÁNG TRONG TÔI
(Kính tặng Sư Hòa chủ trì chùa Giáng)
 
 
Tôi về Chùa Giáng(1) dâng hương
Thỉnh hồi chuông vọng chặng đường xa quê
Mười năm chưa một lần về
Sao rời, vật đổi bộn bề riêng chung
 
Mái chùa trần mặc, rêu phong
Tiếng kinh, tiếng kệ, tiếng lòng… chúng sinh
Đa nhân, đa nghĩa, đa tình
Thả mình cửa trước, buộc mình cửa sau
 
Ai nghèo khó, ai sang giàu
Người hiền, kẻ ác cúi đầu: “Nam mô”
“Sắc, không” có tự bao giờ
Vượt lên số phận, cập bờ nghĩa nhân
 
Cửa chùa mở tự lòng dân
Chân tu độ lượng, lỗi lầm khoan dung
Bôn ba một thuở lẩy lừng
Giờ về đứng dưới cửu trùng: “Nam mô”…
 
______
(1) Chùa Giáng: Một ngôi chùa đẹp ở thị trấn huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
 
 
13- Tác giả Nguyễn Ngọc Đạt (chùm 70)
Địa chỉ: Số nhà 187 Hùng Vương, T.P Nam Định
Điện thoại: 0913290601
 
 
DẶN CON
 
Lớn lên từ cánh đồng gầy
Bát lưng khoai độn vơi đầy lo toan
Đường cha những bước gian nan
Thêm cây gió chắn dăng ngang dòng đời
Tay cầm lái sắp vượt khơi
Chuyển dòng gió cả: Dốc đời lửa chan…
 
Trăm cái mất một cái còn
Sóng lòng nén xuống níu buồn vào thơ
Cốc này uống nỗi âu lo
Cốc này ai hiểu ai cho là gàn…
Đường chiều mầu ấm vàng hơn
Hết mưa là nắng… nắng còn rát cơn?
 
Vơi đầy bầu bạn sắt son
Vì con cha bước mỏi mòn tháng năm
Trong đêm sáng ánh trăng rằm
Hai sương một nắng chắt bằng nghĩ suy
Vui từng mỗi bước con đi
Biết yêu mưa nắng biết vì… đường xanh...
 
Chắt trong sương tiếng chuông lành
Thảo thơm là gốc sinh thành đường hoa!
 
CHỢ CẦU MAY
 
Người người đi chợ cầu may
Hương lòng tôi thắp xin Thầy chữ Nhân
Xin Từ Bi một chữ Tâm
Thảo thơm trang trải nhớ phần cỏ cây…
 
Rượu không uống trời đất quay
Yêu nhau chen tuột tất dày… chân không
Sóng xô như thể nhập đồng
Chơi vơi mắt ướt má hồng níu tay…
 
Nét chau mắt Phật… vơi đầy
Ông Phúc - Lộc - Thọ cười ngày cười đêm
Chọn hàng dấu ánh nhìn…quen
Môi hoa như đã lần nhen lửa lòng…
 
Dòng người chơi chợ càng đông
Tuột tay vợ lạc giữa dòng sông nghiêng
Không đi sao biết chợ Viềng
Yêu quê chen chợ thiêng liêng tự lòng…
 
Chợ chiều lắng sóng lòng sông
Nhìn ra thấy vợ chân không mà tình
Cười khen tượng: Phật - Phúc xinh
Xe lăn chào chủ lòng mình sóng chao...
 
Lúa xuân hoà nhịp ngân cao
Tiếng chuông tịnh độ trang vào thinh không!...
 
 
14- Tác giả Đồng Thị Chúc (chùm 70)
371/9 Kim Mã, 56 TT Đường Sắt, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội
ĐT: 0912224057; Email: chucdt11@gmail.com

 
NHẸ
 
Mặc người ham chữ Bả Vinh
Riêng ai vẫn giữ chữ Tình trắng trong

Kiếp người sắc sắc không không
Xuôi tay nhắm mắt bềnh bồng hư vô
 
Chẳng lo cất chẳng lo cho
Nhẹ bay theo gió nhẹ đò theo sông.
 
 
LÀNG ƠI!
 (Kính tặng Làng Châu - Làng tôi)
 
Nửa đời bươn trải nơi nơi
Về tìm lấy chút thảnh thơi với Làng
Run run chân bước khẽ khàng
Con tim đập giữa muôn vàn nhớ mong
 
Nơi xa xôi vẫn ngóng trông
Vẫn xin Làng mở rộng lòng đón đưa…
Giờ dừng chân ở ngõ xưa
Lũy tre xanh ngắt như vừa đi đâu.
Vũng sâu trước có Quán Cầu(1)
Làng thường dâng cháo chia sầu chúng sinh.
Xưa kia Làng dựng mái Đình
Sao không thấy nữa hay dinh nơi nào?
 
Một mình bước thấp bước cao
Rẽ sang lối giữa hướng vào gốc đa
Lẽ nào mình mắt bị hoa?
Rõ ràng trước có cây đa chỗ này
 
Cạnh đây là chiếc cổng xây
Nhặt viên gạch vỡ lòng day dứt lòng
Nặng nề quay gót đi vòng
Giếng Thần(2) xem nước còn trong không nào?
 
Quanh bờ cỏ dại thấp cao
Soi không thấy bóng, lòng sao rối bời…
Rưng rưng tôi gọi giữa trời
Làng ơi! Thuở tuổi chín mười giờ đâu?!
 
Đ.T.C
_____
(1) Một địa danh của Làng Châu
(2) Tên giếng của Làng Châu
 
 
15- Tác giả Nguyễn Khánh Toàn (chùm 79 và 86)
ĐT: 0904691793; Địa chỉ: Hoàn Kiếm, Hà Nội


ĐÊM BÃI RÁC NAM SƠN
 
Nam Sơn
lầm lũi trong đêm
Chị nhặt bóng rác
nhặt lên bóng mình
Cuối đường rẽ nẻo mưu sinh
Rác gom lắng lại chút tình người chăng?
Xé lòng than với vầng trăng
Nghìn năm rác chịu cảnh quăng bụi bờ?
Đớn đau hồn, xác lấm dơ
Đắng lòng ôm tủi chơ vơ... giữa đồng!
Xót xa thân chị ế chồng
Rác vào cửa trước, duyên vòng bỏ đi.
Dây oan buộc áo xuân thì
Không mưa cũng ướt cả khi cháy trời...
Long đong rác gánh nỗi đời
Chuông chùa buông giữa chính nơi mình nằm.
Nam mô… nhặt mảnh trăng rằm
Chị chia cùng rác tháng năm cơ hàn.
Gánh đêm sương muối vừa tan
Chỉ còn cánh vạc bay ngang chưa về...
 
GÓT SEN NỞ TRẮNG DỊU DÀNG
 
Phải đâu
Em nói lời thương
Mà câu ví dặm, vấn vương người về?
Không dưng
thương một miền quê
Sông La ai chở lời thề quá giang?
 
Chiều Đồng Lộc cánh bướm vàng
Đậu vào nỗi nhớ...
dạ càng ngẩn ngơ
Mười em gái, bao ước mơ
Thành huyền thoại...
đứt tiếng tơ...
gẫy đàn...
 
Xé lòng gương lược thở than
Thân vùi dưới cỏ chưa tan máu đào
Trời xanh
gom lá nghiêng chao
Rưng rưng bóng mát ngả vào tóc xanh
 
Sương gom giọt nước dụm dành
Tưới hoa trắng mộ kết thành sắc mây
Tuổi trăng xót dấu tay gầy
Nối cung đường giữa đạn cày bom rơi...

Khói nhang quặn nẻo đường đời
Anh cầu đất ấm mãi nơi em nằm
Về nguồn đau tháng buốt năm
Hơi bom thổi khét, vũng đầm chưa tan...

Gót sen
nở trắng dịu dàng
Hương gieo dậy đất, mùa vàng đầy quê
"Nẻo trăng lên, cõi trăng về"
Dấu chân em
đất bốn bề bật xanh...
 
 
KHÚC RUỘT VÀ MIỀN NHỚ THƯƠNG
 
Ơi Trường Sa! Ơi Hoàng Sa!
Dấu xưa hồn cốt ông cha đắp bồi
Máu đào trộn sóng trùng khơi
Ngàn năm đá vẫn nảy chồi biếc xanh...
 
Đảo giăng nên lũy nên thành
Gọi triền gió lộng mát quanh tán bàng
Hải âu chuốt sợi nắng vàng
Bên người xây tổ dựng làng sinh sôi...
 
Hoa phong ba nở trắng trời
Trắng vuông đất khóc bao đời đi qua
Biển nhớ quê, đảo nhớ nhà
Bến chiều thương bóng mẹ già ngóng trông...
 
Nhà giàn đứng chắn bão giông
Sao vàng giữa áng mây hồng tung bay
Hóa người cây mọc nghìn tay
Cùng người giữ mảnh đất này bình yên...
 
 
16- Tác giả Nguyễn Ngọc Hưng (chùm 80)
Đội 10, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi
ĐT: 055.3861.312; Email: nguyenngochung204@gmail.com
 
 
MÙA VU LAN NHỚ MẸ
 
Vì con mẹ chẳng ngại gì
Nhục hình cũng chịu tru di cũng đành
Sẵn sàng phạm tội sát sanh
Miễn con được sống an lành ấm no
 
Cơm vài hột nước lưng mo
Quần xăn áo xắn lội mò quanh năm
Cho con rạng rỡ trăng rằm
Quản gì lặng lẽ tối tăm vạc cò
 
Kể chi mạnh yếu trâu bò
Một thân một bóng phải gò lưng thôi
Đội trời mưa gió nắng nôi
Bạc đầu thương trẻ cút côi vẫn cày
 
Suốt đời tay miệng miệng tay
Làm sao tránh khỏi va này đụng kia
Vì con đau ốm trật trìa
Hổ hùm cũng gật sâu sia cũng ừ
 
Việc chi mẹ cũng không từ
Miễn là con được an cư lạc phần
Đâu ngờ “thiên địa bất nhân”(*)
Bão qua giông lại quấy quần “chó rơm”
 
Rã rời rơi rớt ngọt thơm
Đắng cay sót sợi vắt chờm đi đâu
Tử quan mẹ dốc ngược đầu
Dương trần con lửng hố sâu treo mình
 
Lên không tận cổng thiên đình
Xuống nào đến được u minh âm tào
Mỏi tìm chỉ gặp chiêm bao
Mẹ ơi, tháng Bảy nghẹn ngào Vu Lan
 
Van trời lạy đất mênh mang
Thắp hương ngơ ngác tro tàn khói bay
Ước chi dù chỉ một ngày
Cho con vì mẹ gánh thay tội tình!
 
CỎ
 
Hoang là bởi chẳng ai chăm
Dại là vô thức cỏ găm tứ bề
Mặc bao nắng dãi mưa dề
Lặng im đón nhận chẳng hề kêu ca
 
Thuận thời nảy nụ đơm hoa
Gặp khi khắt nghiệt lá hòa đất nâu
Liềm lia cổ hái phạt đầu
Cỏ càng nhẫn nhục vá khâu tinh thần
 
Không phân giày phú gót bần
Hết lòng cỏ nguyện đỡ nâng bước người
Đã cùng trải héo qua tươi
Lẽ đâu nương một xéo mười hả chân?
 
Sang hèn cũng một hóa thân
Thấp cao phận số cũng cần cảm thông
Đã sinh nhằm cõi bụi hồng
Chắc gì ai lấm ai không hỡi người
 
Ưa thì vun thắm bón tươi
Ghét thì một bới hai bươi chẳng chừa
Trên không dối dưới chẳng lừa
Nỡ sao người giẫm đạp bừa lên tôi
 
Rịt ràng đan kết nhau thôi
Cỏ vun đồng dọc cỏ bồi bãi ngang
Dù khi xanh mởn úa vàng
Choàng tay ôm trọn mênh mang đất trời
 
 
17- Tác giả Lam Bình (chùm 84)
Tên thật: Hoàng Thị Mỹ Bình
Địa chỉ: An Hòa, Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội
ĐT: 01202031444; Email: lambinhhoang03@gmail.com

 
CẢM MÙA
 
Ơn mưa thấm ướt giêng, hai
Mùa về bung đóa mây cài tóc xanh
Ơn tia nắng ủ mộng lành
Gió về tạ khúc mong manh xuân thì
Ơn Đời trao nét từ bi
Ta về phác họa nhu mì tháng năm!

Ẩn trong một dáng Phật nằm
An nhiên trăng tỏa thuở rằm nguyên sơ
Ẩn trong côi cút, bơ vơ
Tương giao tri ngộ đã chờ đợi duyên
Ẩn trong tĩnh mặc giấc Thiền
Vọng vang tiếng gọi tự miền vị lai!
 
Mưa là mây buổi sơ khai
Gió là nắng ủ ngày dài thành men
Xác thân vùi dưới đất đen
Hồn nương kinh kệ, hóa sen Niết bàn
Trầm luân rớt nhịp tuần hoàn
Sen về ngủ vũng trần gian, lặng thầm!

Và trong muôn hạt từ tâm
Ô kìa!
Mùa đã trổ mầm
Hồi sinh…
 

PHẬT TÂM
 
Đốt nhang ba nén tìm Thiền
Hóa vàng nghìn dặm gửi miền hoang liêu
Tro tơi tả, khói vẹo xiêu
Rưng rưng một sợi, trăm chiều tơ vương

Loanh quanh khắp cõi vô thường
Gập ghềnh, trơn trượt nẻo đường điêu linh
Lối nào thoát khỏi Vô minh?
Thương thay! Thế thái nhân tình long đong!
 
Lặng chưa? Chuông hỏi nâu sồng
Tịnh chưa? Mõ gõ nhói lòng tì kheo
Thưa, còn bao kiếp gieo neo
Tham, sân bịt mắt, đói nghèo bủa vây

Bão trời tốc mái, bật cây
Cuồng quay bão giá, lắt lay chợ đời
Tính toan trong những cuộc chơi
Nhân tâm rụng cuống, đánh rơi mất mình…
 
Phật không bỏ mặc chúng sinh
Pháp không suông tụng kệ kinh, lánh thời
Tăng không an lạc, thảnh thơi
Khi còn nghe thấu những lời trần ai

Còn xa xót kiếp lạc loài
Còn đau đáu với mệt nhoài lầm than…
Mõ, chuông thỉnh vọng Niết bàn
Cà sa nhập thế, nhân gian độ trì!
 
Thưa rằng, ấy đóa diệu vi
Bồ đề tâm tỏa… từ khi Phật cười!
 

CHIỀU DU CƯ
 
Mặt trời ngã xuống nôi chiều
Hoàng hôn úa, rụng, cánh diều mồ côi
Gió ran rát, bỏng lưng đồi
Sim mua lúp xúp đứng ngồi ngác ngơ
 
Bóng ngày thất thểu, vật vờ
Tiếng người thắc thỏm khát chờ hạt mưa
Du cư, lang bạt từ xưa
Đói cơm, thiếu chữ nên thừa bấp bênh
 
Nước khan, đời vẫn nổi nênh
Phận người neo với lênh đênh phận mùa
Trông Trời, Trời lại hay đùa
Nay cho lúa trổ, mai lùa thóc đi
 
Du cư, lạc ngàn thiên di
Vẹo xiêu xê dịch đến khi kiệt rừng?
Bao giờ thôi kiếp cầm chừng
Mùa no ấm hát lời mừng an cư?
 
… Trái chiều chín nẫu ưu tư
Mắt chiều xa ngái… buồn như mắt người!
 
 
18- Tác giả Dương Phượng Toại (chùm 89)
Cẩm La,Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh
ĐT: 0982 367 982; Email: duongphuongtoai@gmail.com
 
CON XIN ĐỀN LẠI CHỖ NẰM THÁNG BA
 
Làng quê cơm tấm ổ rơm
Lửa hồng bếp mẹ tỏa thơm cánh đồng
Sớm hôm thấp thỏm gánh gồng
Thương con mẹ chở dòng sông về nhà.
 
Chống sào dài dặc tháng ba
Mẹ gom cả ánh chiều tà xuống phơi
Nén đêm quá nửa cuộc đời
Tóc sương đội một vòm trời đầy sao.
 
Cho con tắm dưới mưa rào
Hồn quê gió nội lặn vào ngọn măng
Ngày mai lên tuổi trăng rằm
Con xin đền lại chỗ nằm tháng Ba!
 
KHÚC CUỐI HOA SEN
 
Đời ta một kẻ lữ hành
Theo trăng đếm giọt trên cành thời gian
Trước sen buông cánh nhẹ nhàng
Lòng dưng giác ngộ dưới làn lá reo.
 
Bao nhiêu trôi dạt phận bèo
Hương sen gột lại trong veo mặt hồ
Bồng bềnh đôi mái chèo xô
Con thuyền quá vãng cập bờ nhân gian.
 
Nhất tâm một khóe nhị vàng
Từ bi ngọn gió thả ngàn câu kinh
Trắng ngần một đóa vô minh
Đêm thu trọn nét đồng trinh úa mềm!
 
Ngấn vàng đọng lại một đêm
Tàn đi là để thơm miền cỏ hoa
Lời thề giấu kín năm xa
Còn hương áo cũ xông qua cuộc đời.
 
Cánh sen rụng xuống góc trời
Mà hồn sen đẫm muôn lời thi ca!
 
THỊ NỞ
 
Cởi ra cũng một bầu trời
Chẳng qua che dưới nụ cười, áo xiêm
Chỉ vì đen đúa đồng chiêm
Thói đời thiên lệch bỏ quên góc làng.
 
May sao đêm ấy trăng vàng
Chí say cởi yếm ngỡ ngàng gặp tiên
Bờ sông, lá chuối che nghiêng
Quả tim run rấy nhịp chiêng hội chùa…
 
Tình yêu thật chẳng bán mua
Vầng trăng như thể mới vừa mọc lên
Cuộc tình chỉ thoáng một đêm
Bỗng thành cổ tích tươi miền nhân gian!
 
Đời thường, thừa kẻ giàu sang
Vẻ hoa tròn vạnh, trong tan nhị lòng
Thị đây trọn vẹn đường cong
Nhũ hoa trăng rót đôi vòng lả lơi.
 
Mới hay ác ở miệng người
Thịt da vẫn thế mà lời phân chia
Vầng trăng chợt lộ thế kia
Chỉ riêng Chí nhặt được về nhân gian?
 

19- Tác giả Phạm Trung Dũng (chùm 89)
 BT1, số 1, Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội
ĐT: 0913238655; Email: phamtrungdung50@gmail.com
 

CỐC VỠ

Bất ngờ cốc vỡ làm đôi
Bàn tay buốt, giọt máu rơi xuống thềm
Bao điều chôn chặt ngỡ  quên
Vết thương lại vỡ, ruột mềm lại đau.
 
Tưởng rằng sóng lặng đáy sâu
Nồi da kia đã phủ màu cỏ xanh
Tưởng rằng trái đã ngọt lành
Mà trong sỏi đá, mảnh sành, mảnh chai.
 
Thương người gầy guộc hai vai
Còng lưng cõng chiếc Quan tài thời gian.
 

NGẮM MƯA

Chợt ngồi lặng ngắm mưa rơi
Hạt vui tí tách tiếng cười giòn tan
Hạt buồn phận mỏng đa đoan
Hoá thành bong bóng vỡ tan dưới trời
 
Hạt sầu nước mắt lạnh rơi
Chanh chua chuối chát nỗi đời xót xa
Hạt giận trí cạn, mắt loà
Khùng điên trút nước nát hoa, ngập đường
 
Li ti bụi phấn hạt thương
Hôn nhè nhẹ lá hoá sương đầu cành
Hạt yêu khoan nhặt chậm, nhanh
Sợi tình bảy sắc long lanh giữa trời . . .
 
Mưa rơi . . . muôn nẻo . . . mưa rơi
Trong mưa nghe tiếng khóc cười nhân gian.
 

BUỒN

Buồn như bãi rác giữa trưa
Như mùa mất trắng, như chưa từng buồn
Đêm đi lạc lối mưa tuôn
Nghe cơn lũ réo đầu nguồn xót thương.
 
Buồn như thân gái dặm trường
Mắt sưng chồng đánh, thịt xương nát  bầm
Trẻ em cha ruột hiếp dâm
Người khôn bán rẻ lương tâm vì tiền.
 
Buồn như chưa nhớ đã quên
Câu thơ chết giữa hai miền lạ quen
Mồ ai đỏ mắt lửa đèn
Gọi hồn nhập xác trăm đêm thắp đầy.
 
Buồn như trò phản lại thầy
Chợ đời thật giả béo gầy cò quay
Tôi cầm hạnh phúc trong tay
Lội sông đánh mất một ngày chiều Đông.
 
 
20- Tác giả Nguyễn An (chùm 92)
Địa chỉ: 12 Cảng Mới, TP Hạ Long, Quảng Ninh
ĐT: 0913263039; Email: anhalong12@yahoo.com.vn


THƯ TRƯỜNG SA

Chuyền tay nhau bức thư anh
Từ Trường Sa, nhớ màu xanh quê nhà
Máu thiêng đỏ sóng Trường Sa
Thấm vào cát trắng nở hoa thắm màu

Bữa cơm lính đảo thiếu rau
Chắt chiu nước ngọt, chia nhau nghĩa tình
Giữ vùng biển đảo an bình
Đất ông cha, dẫu hi sinh, chẳng sờn

Biển Đông lớp lớp sóng cồn
Quê nhà tiếp sức cho tròn chí trai
Thư anh vội chẳng viết dài
Vừng dương lên, ánh ban mai rực hồng.
 
 
ĐỢI XUÂN

Đầu cành trái táo đã vàng
Cây khô tích nhựa đợi mang Xuân về…
Đông tàn… mưa lạnh tái tê
Gió lùa hun hút, lê thê gọi buồn

Nảy mầm nụ nhức cành non? 
Đời người ngắn…
Thoắt trẻ con, thoắt già
Đêm dài trằn trọc mình ta
Ngọn đèn lụi bấc, dế già kêu sương
 
Một thời ngang dọc thương trường
Còn chi nuối tiếc chặng đường đã qua? 
Chợt nghe văng vẳng tiếng gà
Nàng Xuân đã ghé thăm nhà
Lại xuân.
 
 
NHẮN EM

Em về… giờ chắc đã xa?
Bâng quơ tôi hỏi chiều tà mây bay
Lặng thầm siết chặt vòng tay
Nhớ nhung tô đậm nét mày, khóe môi

Sông mây lờ lững nhẹ trôi
Yêu thương… Ai nỡ chia phôi chúng mình
Mong manh là sợi tơ tình
Buộc bao đảo đá tròng trành… ngẩn ngơ…

Con tim lỗi nhịp dại khờ
Em mang đi… Đến bao giờ trả tôi?
 
 
GỬI THEO EM

Em đi… Bỏ lại tiếng cười
Hương như còn thoảng, tưởng người chưa xa
Từ đây đến đấy mấy ga
Mấy sông, mấy núi, mấy phà? Để anh…

Qua bao thác? Vượt bao ghềnh?
Cánh thơ anh chắp cho tình anh qua
Quê anh đẹp bốn mùa hoa
Lòng anh mát ngọt như là giếng khơi
 
Bao giờ em lại về chơi
Đắm mình với biển với trời Hạ Long?
Xin làm con sóng bềnh bồng
Dìu nhau về thuở môi hồng tóc xanh...

 
21- Tác giả Đinh Thị Hường (chùm 93)
Công ty cổ phần Tin học Thăng Long - Hà Nội.
ĐT: 01666168042; Email: ngocdiep1956@gmail.com
 
 
MÀU TA

Quê xa mấy độ xuân rồi
Người xưa không cũ trong tôi bóng hình
Cây đa bóng đổ trời xanh
Con đường vắng, bước chân thành cô đơn
 
Mưu sinh nặng nhọc cõi trần
Màu ta bạc thếch in hằn thời gian
Mất còn ghềnh thác đa đoan
Phận danh gửi gió mây tàn bến mơ
 
Chiều buông nghiêng bóng sương mờ
Mưa như thoáng bụi vương bờ mi sương
Mấy mươi năm mấy đoạn trường
Màu ta ơi, rũ bụi đường sáng lên.
 
ĐÊM XUÂN

Liềm trăng vương vãi cuối chiều
Hay thuyền ai khỏa nhẹ chèo vào đêm

Gió xuân hây hẩy trước hiên
Sóng mây gờn gợn trăng lên tần ngần

Em vừa ra ngóng ngoài sân
Thuyền trăng nghiêng ngả, hồn xuân xiêu mùa!
 
NGỜ…

Đời ơi sao lắm chữ ngờ
Tơ nhện giăng vướng lòng thừa nỗi đau

Ngày xanh đã lỡ nhịp cầu
Ngẩn ngơ ngơ ngẩn ôm sầu mang mang

Ngây thơ mang nặng đa đoan
Tình mù dâng hiến. Đời toan cạn tình.

Chân trời xa quá - quá xanh
Cò về chỗ đậu, đất thành vực sâu!
 
THU ĐI

Em đi rớt lại mùa xa
Tiếng mưa lộp độp nắng nhòa nhớ nhung
Trời neo mây ở lưng chừng
Xanh rêu lối ngõ cầu vồng bắc qua
 
Bây giờ ngơ ngẩn mình ta
Kiễng chân níu gió trượt qua bên trời
Hết cơn mưa, hết sụt sùi
Cơn ta trở lạnh, bùi ngùi nắng hao...
 
 
Ban Sơ khảo Cuộc thi
Tổ quốc và Đạo pháp
Giáp Ngọ - 2014

 
_______________________________________________
 
DANH SÁCH CHUNG KHẢO SƠ KẾT LẦN 2
CUỘC THI LỤC BÁT "TỔ QUỐC VÀ ĐẠO PHÁP"

1- Nhà thơ Vương Trọng (Trưởng ban);
2- Nhà thơ Lê Đình Cánh;
3- Nhà thơ Trần Nhương (Báo Người cao tuổi);
4- Nhà phê bình Chu Thị Thơm (Báo Giáo dục & Thời đại);
5- Nhà thơ Đặng Vương Hưng. 
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Thành Tài - doigiohu0986@yahoo.com - 0983789146 - 21 Đại Lộ Lê Lợi Thanh Hóa  (Ngày 22/08/2014 22:28:07)

CẢM NHẬN VỀ BÀI "MƠ THU" CỦA TÁC GIẢ LÊ HÒA
Theo lời kêu gọi của bạn Thanh Phương (Đà Lạt), tôi xin mạo muội cắt nghĩa đôi lời ngắn gọn (theo cảm nhận riêng) về bài thơ "Mơ thu" của tác giả Lê Hòa để quý bạn hiểu:
Đầu tiên, khi mới đọc lướt qua bài thơ này tôi cũng có cảm giác như bạn: hơi khó hiểu. Nhưng càng đọc, càng ngẫm ngợi về từng câu, chữ và đi sâu tìm hiểm về thi pháp trong bài này thì càng thấy thích và ngấm.
Về nội dung:
Thoạt nhìn tưởng chừng như bài thơ khá vu vơ, nói về chuyện mơ về một thu đơn thuần nào đó. Nhưng quả nhiên thi ca từ xưa đến nay vẫn luôn tuân theo một quy luật: ý tại ngôn ngoại. “Mơ thu” cũng không nằm ngoài quy luật đó: Chuyện “thế chấp giấc mơ”, chuyện “bán đứt giấc mơ” chỉ là cái cớ để khắc họa một tâm sự ẩn sâu của nhân vật trữ tình trong tác phẩm: Mở đầu bài thơ là hình ảnh của một nhân vật tôi trữ tình đang bơ vơ đi tìm sự thơi thảnh, an lành ở trong một khung trời ngột ngạt ở thành phố: “Ra đường mua góc trời khô để ngồi”. Ngồi và ngẫm ngợi đến cái được mất của kiếp nhân sinh: “Bên kia rụng một ánh trời/ Ngôi sao vụt sáng rồi rơi khẽ khàng….”. Nếu cứ chìm đắm trong những suy tư ấy có thể tác giả sẽ rơi vào bế tắc và ngột ngạt. Nhưng may thay, chú “chim sẻ tha mưa xây tổ bên hàng cây khô” cùng áng mây trắng và tiếng kinh kệ đã mở ra một lối thoát cho nhân vật trữ tình để kịp thời giải quyết những bế tắc đó. Lời thơ mở ra một khung cảnh trầm mặc, đậm chất Thiền, đẹp như một bức tranh thủy mặc:
“Áng mây tu trước cổng chùa
Lời kinh bay trắng tự mùa xanh xưa”
Không khí chùa chiền và tiếng Kinh Phật cùng hòa nhịp với thiên nhiên gợi nên một không gian mở để cứu giúp những thân phận.
Nhân vật trữ tình đã có một quyết định táo bạo:
“Tôi về bán đứt giấc mơ
Lên rừng hỏi nắng để mua lá vàng
Nằm nghe dáo dác mùa sang
Gọi xông xênh gió thênh thang tuổi ngày.”
Không “bán đứt” cái giấc mơ kia như cái suy từ dằng dặc của kiếp nhân sinh sao được? Khi mùa thu đẹp đến nhường kia! Lời thơ mở ra một khung cảnh mênh mang đến vô tận với cặp từ láy”dáo dác”, “xông xênh”: Con người đã mở lòng ra trước thiên nhiên và hòa mình vào thiên nhiên để có được sự an nhiên trong tâm hồn.
Như vậy chính thiên nhiên và không khí Thiền đã cứu rồi kiếp nhân sinh của nhân vật tôi trong bài thơ….
Về thi pháp:
Đây là một bài thơ siêu cấu tứ: tác giả khéo léo dẫn dắt vấn đề một cách vu vơ và thơ nhất có thể. Nhưng vẫn giữ được tứ của bài thơ rất chặt. Hình ảnh giấc mơ xuyên suốt bài thơ chính là sợi chỉ đỏ xâu chuỗi hết những hình ảnh, ngôn từ tưởng như rất bình dị kia để chuyển tải một thông điệp khó. Đó có thể nói là cách thể hiện mới của tác giả…
Xưa nay người ta vẫn nói lục bát dễ làm nhưng khó hay. Quả vậy, với thể lục bát nếu làm không khéo, sẽ dễ rơi vào cảnh xếp chữ, hiệp vần nên bài. Nhưng ở “Mơ Thu” ta thấy đây rõ ràng là một bài lục bát rất nhuyễn, nhưng ngôn từ vẫn mới, ngôn từ xúc tích, ngắn gọn nhưng vẫn đa nghĩa tạo nên dư âm sâu sắc trong lòng độc giả. Hơn nữa cách gieo vẫn, ngắt nhịp, láy từ cũng rất tinh tế và hiện đại, phù hợp với giọng điệu mới của cuộc sống hiện đại ngày nay.
Có thể nói “Mơ thu” là một tiếng chim lạ và hay trong một dàn đồng ca lục bát.
Thân ái!
Thành Tài

  Phạm Minh Trâm - ngoctram1508@ gmail.com - 0987.818.836 - Chương Dương Đông Hung Thái Bình  (Ngày 22/08/2014 18:53:53)

Đây là lân thứ hai sơ kết cuộc thi thơ Đạo Pháp và Tâm Linh,viết bằng thể thơ Lục bát.Điều ấy, thể hiện công chúng yêu thơ rất yêu thể thơ này , và như thế cũng đủ để thành lập Hội thơ lục bát và vinh danh thơ lục bát là Quốc thi.Số đông bạn yêu thơ mong đợi điều đó.Trình độ thẩm thơ có hạn tôi đồng ý với ý kiến của Trưởng ban sơ khảo là năm nay không có nhiều bài hay.Tôi lại thêm , năm nay lại nhiều tác giả phạm qui cố ý. Phạm qui vô ý thì ít hơn.Lại có các nhà thơ cũng phạm qui.
Từ thực trên, xin mạnh dạn góp vài ý kiến sau:
1. Thời gian nộp bài : hết tháng 6 năm đó.Sang tháng 7 để dành năm sau.
2. Các bài đã tham gia các cuộc thi dù có giải hay không không được dự thi.Chủ yếu là các giả tự giác là chính.
3,Các bài đã xuất bản ở các nhà xuất bản , các báo chí trung ương, các ngành , các địa phương không được dự thi .
Riêng tôi đề nghị các ấn phẩm xuất bản từ tháng 1 đến tháng 6 năm đó có thể cho dự thi trong trường hợp bài đó mới sáng tác trong thời gian đó. Vì thơ hay hiếm lắm , bỏ thì phí quá. Và trong thời gian mấy năm nay , người in thơ đều tự bỏ tiền túi ra in.
4. Công khai số điện thoại của Ban chung khảo để công chúng đóng góp ý kiến cho rộng rãi.
5. Nên chăng, có tặng phẩm cho các tập thơ viết bằng thể lục
bát xuất bản trong thời gian từ tháng 7 năm trước đến tháng 6 năm nay để góp phần vinh danh thơ lục bát .
Kính chúc các bạn yêu thơ Lục bát sức khỏe, hạnh phúc và có thơ hay để dự thi cho vui.
Kính thư
PHẠM MINH TRÂM

  Nguyên Hùng - Chưa có - 01658 515 458 - Thái Bình  (Ngày 21/08/2014 10:00:34)

Kính gửi Ban tổ chức và Ban Chung khảo Cuộc thi Tổ quốc Đạo pháp giáp ngọ - 2014.
Chúng tôi là một số tác giả và bạn đọc ở Thái Bình
Qua đọc thông tin đề cử, chúng tôi thấy chùm bài của tác giả Đặng Văn Toàn có nhiều bài hay. Nhưng tác giả này đã "phạm quy". Cụ thể là bài "Lời thanh minh cho một mối tình" viêt về Chí Phèo - Thị Nở đã đăng ở báo địa phương rồi.
Kính đề nghi Ban Chung khảo xem xét để đảm bảo tính trung thực và công minh của cuộc thi Thơ về Đạo Phật
Trân trọng
Thay mặt nhóm tác giả và bạn đọc
Nguyên Hùng

  Thanh Phương - phuninhthon.phuong4@gmail.com - 01992965076 - Đà Lạt  (Ngày 19/08/2014 23:40:06)

Ý KIẾN TRÁI CHIỀU :

MƠ THU

Tôi vừa thế chấp giấc mơ
Ra đường mua góc trời khô để ngồi
Bên kia rụng một ánh trời
Ngôi sao vụt sáng rồi rơi khẽ khàng

Bỏ nhà chim sẻ đi hoang
Tha mưa xây tổ bên hàng cây khô
Áng mây tu trước cổng chùa
Lời kinh bay trắng tự mùa xanh xưa

Tôi về bán đứt giấc mơ
Lên rừng hỏi nắng để mua lá vàng
Nằm nghe dáo dác mùa sang
Gọi xông xênh gió thênh thang tuổi ngày

Thật sự đọc bài thơ trên cố nghĩ cũng không tỏ tường THÔNG ĐIỆP gửi tới độc giả là gì ?
Lại còn lạc vận tới hai lần ( khô-chùa; mơ-mua ). Bài này lại được Phong Nguyện ( Hà Nội ) đánh giá cao ( Ở cửa sổ phản hồi).
” Đây là bài có cấu tự lạ, ngôn ngữ mới với sự tìm tòi thể nghiệm mới của tác giả để phát huy tối đa lợi thế của thể thơ lục bát. Tinh thần Phật Pháp thấm nhuần trong từng câu chữ nhưng không bị khô khan, cứng nhắc, giáo điều “

” Rất mong có lời bình thấu đáo, chỉ giáo cụ thể cho người đọc thấm nhuần “ Tâm phục, khẩu phục”nội dung và nghệ thuật của MƠ THU.

TRÂN TRỌNG CẢM ƠN VÀ CHỜ ĐỢI Ý KIẾN CỦA MỌI NGƯỜI


 

  Hà Phiên - haphien@gmail.com - 0123488138 - Hà Nội  (Ngày 12/08/2014 17:46:51)

Tôi đã đọc qua ý kiến của nhiều bạn nói về cách ghép vần trong thơ lục bát. Tôi đồng ý với bạn Bình Thanh với những ví dụ nêu ra. Điều đó nói lên rằng trong thơ lục bát việc khớp vần là rất quan trọng. Nhưng ghép vần có hai loại:
- một là "vần chính" ví dụ: "đầu" và "câu"
Rút trâm sẵn giắt mái đầu
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
-hai là "vần thông" ví dụ "dâu" và "đau"
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Thêm ví dụ khác: Vần chính "trong" và "lòng"
Sinh rằng: "Gió mát trăng trong
Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam"
Vần thông: "vòng" và "thông"
Lần theo núi giả đi vòng
Cuối đường dường có nẻo thông mới rào
Hoặc: "anh" và "inh"
Nền phú hậu, bậc tài danh
Văn chương nết đất, thông minh tính trời
Những ví dụ trên đều trích từ tác phẩm "Truyện Kiều" của Đại thi hào dân tộc Nguyến Du. Theo tôi những "vần thông" nào mà Cụ Nguyễn Du sử dụng trong Truyện Kiều là chúng ta có thể theo Cụ để dùng được.
Tất nhiên những trường hợp ghép vần quá khập khễnh thì không thể chấp nhận, ví dụ:
Tiếng còi ca vọng đêm khuya
Xe, người tấp nập vào ca tan tầm
(Thơ phong trào)
Còn đối với những bài thơ được trao giải thì việc ghép vần phải nghiêm túc (cả vần chính và vần thông). Một bài thơ nếu có lỗi ghép vần khập khiễng thì dù nội dung có tốt thế nào cũng không thể chấp nhận!

  Bình Thanh - binhthanhnd@gmail.com - 01238476960 - Nam Định  (Ngày 11/08/2014 18:23:36)

Bình Thanh đã đọc 21 bài ban sơ khảo tuyển chọn vào danh sách chung khảo,lại được biết danh sách những nhà thơ nhà lý luận phê bình
chấm chung khảo và cách làm của BTC Bình Thanh thấy rất yên tâm:Vì hội
đồng chung khảo là những người giỏi, trong sáng làm thơ Lục Bát rất hay
Lại được đọc các bài cảm nhận của các thi hữu rất bổ ích nhất là sự
hiểu biết và tìm tòi của bạn Minh Hồng.
Bình Thanh xin được trao đổi đôi điều:Trong đoạn đầu truyện Kiều ĐTH Nguyễn Du Viết:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét (nhau)
Trải qua một cuộc bể (Dâu)
Những điều trông thấy mà (đau) đớn lòng
Lạ gì bỉ sắc tư (phong)
Trời xanh quen thói má (hồng) đánh ghen
Cảo thơm lần dở trước (đèn)
Phong tình cổ lục còn (truyền) sử (xanh)
Rằng năm Gia Tĩnh Triều (Minh)
Bài thơ được giải cao nhất trong cuộc thi thơ LB Ngàn Năm Thương Nhớ
Chợ Đêm Long Biên
ở khổ thứ tư
Mồ hôi,sương muối ố hoen
Buốt lưng cửu vạn đã quen với (nghề)
Đồng công năm bảy sẻ (chia)
Nẻo cơm quán trọ,nẻo (về)nuôi con
Định luật tương đối:
Nước thì chảy xuôi-Nhưng giữa dòng bên bồi bên lở chắc chẳng bao giờ không tương đối
Trong Thơ thiết nghĩ giống như một đứa cháu ngoan tình cảm giành cho bà nội bà ngoại!(hay vần họ nội-họ ngoại)
Còn gieo vần như cành gẫy,cua ngoặt thì không còn là Lục bát nữa.
Nhưng cũng có một bài gieo vần được giải cao(Lời hát xẩm mù)
Thương người xẩm ghẹo lời (yêu)
Chán người câu hát lang (thang)cho người
Xin lỗi tác giả và BTC vì tôi chỉ muốn nêu ví dụ thôikhông có ý gì khác
* Phạm quy:Nếu là bài đăng Dự Thi trước sau đó một hai tháng tác giả in sách thì theo tôi vẫn được xét (vì trong quy định không rõ)
Viết được bài thơ Lục Bát hay thật quý tôi trân trọng BTC nhưng càng trân trọng tác giả!
Bình Thanh

  Nguyễn Phi Diếu  - phidieuvungtau@yahoo.com.vn - 064.3818.817 - 286/17 Lê Hồng Phong TP Vũng Tàu   (Ngày 10/08/2014 17:53:41)

THƯ CẢM ƠN
Kính gủi ban biên tập cuộc thi thơ Lục Bát Tổ Quốc và Đạo Pháp
Tôi Nguyễn Phi Diếu (86 Tuổi, trú tại 286/17 Lê Hồng Phong TP Vũng Tàu
ĐT: 064.3818.817
Hôm qua, ngày 9-8-2014 Mở mạng xem thấy thông báo trên Lục Bát Tôi được vào chung khảo 5 bài. Ôi vui mừng quá. Dù được giải hay không, nhưng tuổi già mà được Ban Giám khảo chiếu cố thật vô cùng cảm kích. Con cháu về chúc ông chật nhà. Không biết lấy gì đền đáp công ơn trời bể của Ban giám khảo.Tôi viết mấy lời tỏ lòng biết ơn sâu sắc về Ban.
Lòng hưng phấn lên cao. Tôi sẽ quyết tâm cố gắng sống và viết bài cho cuộc thi đến ngày tổng kết đợt thi Tổ Quốc và Đạo Pháp.năm 2018.
Kính chào và cảm ơn quý Ban
Nguyễn Phi Diếu

  Trần Trọng Chu - trongchubd@gmail.com - 0643510500 - 6/9a Nguyễn Du P1 TP Vũng Tàu  (Ngày 09/08/2014 16:26:25)

Kính gửi ban biên tập tôi Trần Trọng Chu đã đọc tất cả thơ thi Tổ Quốc và Đạo Pháp. Thấy bài nào cũng hay đáng học tập cả trong đó có 5 bài của cụ Nguyễn Phi Diếu 85 tuổi già rồi mà vẫn có tâm hồn của thời tuổi trẻ nhất là bài từ bi bác ái, bài nợ, bài soi, bài trời phật đã thu hút tâm hồn người đọc cảm ơn tác giả đã cho tôi học tập được nhiều cách làm thơ

  Phong Nguyện - bluemissing@gmail.com - 0912765561 - Hà Nội  (Ngày 08/08/2014 23:02:15)

Đọc chùm thơ vào chung khảo, tôi thực sự ấn tượng với bài "Mơ thu" của tác giả Lê Hòa. Đây là bài có cấu tự lạ, ngôn ngữ mới với sự tìm tòi thể nghiệm mới của tác giả để phát huy tối đa lợi thế của thể thơ lục bát. Tinh thần Phật Pháp thấm nhuần trong từng câu chữ nhưng không bị khô khan, cứng nhắc, giáo điều. Xin chúc mừng tác giả! Có nhiều bài của các tác giả khác cũng khá hay nhưng lại phạm quy nên không muốn bàn thêm.
 

  Nguyễn Văn Thi - saylucbat@yahoo.com - Chưa có - Hà Tĩnh  (Ngày 08/08/2014 10:48:58)

Kính gửi Ban Tổ chức và Ban Giám khảo cuộc thi Tổ quốc Đạo pháp!

Tôi đánh giá cao cách làm dũng cảm và minh bạch của BTC khi cho công bố danh sách Đề cử Tác giả - Tác phẩm để bạn đọc cùng "Giám khảo".
Trong khi rất nhiều cuộc thi khác bị mang tiếng "lùm xùm" trong khâu giám khảo, thi với cách làm này, chắc chắn cuộc thi của Lục Bát VN sẽ nhận được sự đồng thuận cao của bạn đọc và dư luận.
Tôi rát thú vị khi đọc các ý kiến phản hồi, đặc biệt là ý kiến của tác giả Nguyễn Thị Minh Hồng. Tuy nhiên tôi chi đồng ý với bạn Minh Hồng một nửa. Cụ thể là:


1- Đề nghị BTC và Chung khảo xem xét vấn đề các Tác giả "phạm quy". Nếu xác minh đúng như bạn Minh Hồng đã nêu, thì nên cân nhắc loại bớt danh sách đã đề cử.

2- Với những tác phẩm và tác giả mắc "lỗi vần", theo tôi, chúng ta không nên quá khắt khe, cứng nhắc. Bởi trong thực tế, nhiều bài thơ lục bát hay về chủ đề, cấu tứ, được công chúng chấp nhận đã vượt lên cả "vần luật" của thơ 6/8... Xin được chứng minh bằng dẫn lại bài viết của tác giả Hoàng Kim Ngọc, đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội)"Thơ Lục Bát của Nguyễn Du và Nguyễn Duy có sai vần luật không?":

“…Người ta khen Nguyễn Du thì khen viết hay nhưng khen về vần luật lục bát của Nguyễn Du thì cần xem lại! Toàn bộ Truyện Kiều, hơn một nửa sai thi pháp (vì gieo trật luật và cưỡng vận). Trần Đăng Khoa trong “Chân dung và đối thoại” trên web site (annonnymous. Online) cho rằng “Sau kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, những tưởng lục bát đã khép lại, không ai còn dám bén mảng đến chân cái toà lâu đài châu ngọc mà nội thất toàn gấm thêu ấy nữa. Nhưng đâu có phải. Nó còn mở bao nhiêu cánh cửa, hướng ra cõi vô biên. Lục bát còn thử thách bút lực các thi sĩ. Nói một cách thông thái như nhà văn Nguyễn Tuân: Anh là nhà thơ Việt Nam ư? Vậy anh hãy chiềng cho tôi mấy câu lục bát của anh, tôi sẽ nói ngay anh là hạng thi sĩ thế nào?” Lời sư tổ cao ngạo phát khiếp! Hãy xem Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều của mình gieo vận trong đoạn lấy đại này nha (chưa nói đến luật):

Nghe chàng nói đã hết điều
Hai thân thì cũng quyết theo một bài
Hết lời không nhẽ chối lời
Cuối đầu nàng những ngắn dài thở than
Nhà vừa mở tiệc đoàn viên
Hoa soi ngọn đuốc, hồng chen bức là.


Người ta nói “ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép người”. Văn là người. Thơ là bộ phận của Văn nên nó cũng có tư cách của một con người. Làm sao mà thoải mái cho những cặp từ sau đây mà đồng âm: điều - theo/ bài - lời/ lời – dài/ than - viên/ viên - chen? Hoạ chăng nói chại theo tiếng Quảng? vời - ngời/ nang - nhoàng, điều - thiều/ bài – lài/ lời – dời/ viên – chiên… còn gì là thơ! Không biết sư ông Nguyễn Tuân cho Nguyễn Du là loại thi sĩ nào đây?

Tiếp đến Phạm Quốc Ca… ca  “Nhà thơ tài hoa bậc nhất ở thể lục bát trong thời đương đại là Nguyễn Duy” (Mấy nhận xét về thể thơ trữ tình Việt Nam sau 1975 -2000, Văn học Việt Nam sau 1975, Nxb.GD 2006) nghe mà … thất kinh! Nói hay không bằng một thấy! Thử đọc lại bài “Tre Việt Nam” được dùng trong giảng dạy, một bài thơ ý mới và tu từ nhân hoá nhưng thi pháp 6 – 8 thì cưỡng vận sai gần hết bài. Chưa nói tới luật, chỉ nói tới cách gieo vần, Nguyễn Duy nhà ta đã gieo vần như mẹ Cám trộn thóc với đậu mà bắt Tấm nhặt vậy: Này nha (Trích nguyên văn trong trang thơ Nguyễn Duy, annonymous. onlin.fr, trừ màu mè là của người viết):

Mỡ màu ít chất dồn lâu hoá nhiều Rễ siêng không ngại đất nghèo Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh Tre kia không ngại khuất mình bóng râm Bão bùng thân bọc lấy thân Tay vin tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre chẳng ở riêng Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho con
Loài tre đâu chịu mọc cong Có manh áo cộc tre nhường cho măng
Măng non là búp măng non Đã mang dáng thẳng, thân tròn của tre Năm qua đi, tháng qua đi
Nhìn màu sắc tô đậm (cưỡng vận) của người viết bài này, nào ai có thể cho đây là bài thơ đúng luật 6/8? (…)"

Vì dụ thì "zậy", nhưng thực tế, ai dám nói thơ Lục bát của Nguyển Du và Nguyễn Duy là dở? Là không hay?

Vậy nên, chuyện "vần luật" của Lục bát là cả một câu chuyện dài dài, cẩn trọng khi phán xử và kết luận.

  Nguyễn Thị Minh Hồng - nthiminhhong@yahoo.com.vn - 0982105015 - Hà Nội  (Ngày 08/08/2014 9:48:39)

1/ NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHẠM QUY NÊN LOẠI KHỎI DANH SÁCH SƠ KHẢO:

Căn cứ vào thể lệ: Bài dự thi được viết bằng tiếng Việt, dưới dạng Thơ Lục Bát, chưa công bố trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng (kể cả trên mạng internet). Thì có các bài thơ sau bị vi phạm:

1.NGHIÊNG MÌNH XUỐNG VỚI CỎ LAU (của tác giả Trương Minh Phố): Chùm dự thi số 50 đăng trên lucbatvn ngày 25/7/2013. Trước đó đã xuất hiện trên trang vanthoviet.com ngày 05/04/2011 . Đây là đường dẫn để BGK xem xét: http://vanthoviet.com/news/n/494/439/nghieng-minh-xuong-voi-co-lau-truong-minh-pho.html?l=vn

2. LỜI BÁT NHANG (của tác giả Đỗ Bá Cung): Chùm thơ dự thi số 61 đăng lucbatvn ngày 21/10/2013. Trước đã xuất hiện trên Câu lạc bộ thơ lục bát Hải Phòng ngày 6/2/2013 : http://www.vnweblogs.com/post/28361/403263

3. MẮT BÃO (tác giả Nguyễn Minh Khiêm): Chùm thơ dự thi 65 đăng trên lucbatvn ngày 22/11/2013. Trước đó đã xuất hiện trong chùm thơ “Xin mẹ để lần sau” trên trang VanDanViet. Net ngày 7/3/2013: http://vandanvn.net/vi/news/Thu-vien-tho-Truong-ca/Chum-tho-Xin-Me-de-lan-sau-cua-Nguyen-Minh-Khiem-1279/

4. LẦN TRÀNG HẠT (tác giả Nguyễn Minh Khiêm): Chùm thơ dự thi 65 đăng trên lucbatvn ngày 22/11/2013. Cũng đã đăng trên trang phongdiep.net : http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=17231

5. MỘT LẦN YÊN TỬ (tác giả Huy Trụ): Chùm thơ dự thi số 87 trên lucbatvn ngày 24/5/2014. Trước đó đã đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội số 783 (10/2013): http://vannghequandoi.com.vn/802/news-detail/820070/vnqd-so-moi/tap-chi-van-nghe-quan-doi-so-783-cuoi-thang-10-2013-.html

6. CON XIN ĐẾN LẠI CHỖ NẰM THÁNG BA (tác giả Dương Phượng Toại): Chùm thơ dự thi số 89 đăng trên lucbatvn ngày 21/6/2014. Trước đó đã xuất hiện trên Báo Quảng Ninh ngày 16/3/2014: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201403/luc-bat-thang-ba-2224308/index.htm

7. THỊ NỞ (tác giả Dương Phượng Toại): Cũng trong chùm thơ dự thi số 89 ngày 21/6/2014. Trước đó đã đăng trên trang trannhuong.com ngày 13/1/2014: http://trannhuong.com/tin-tuc-17145/thi-no.vhtm

8.ĐÊM XUÂN (tác giả Đinh Thị Hường): Chùm thơ dự thi số 93 đăng lucbatvn ngày 15/7/2014. Trước đó đã xuất hiện trên trang trannhuong.com ngày 8/1/2013: http://trannhuong.com/tin-tuc-14743/chum-tho-dinh-thi-huong.vhtm

9,10.Hai bài thơ MÀU TA, THU ĐI (tác giả Đinh Thị Hương): Cũng chùm thơ dự thi số 93 đăng ngày 15/7/2014. Tuy nhiên hai bài thơ này đã được in trong tập thơ “Người thứ ba” của tác giả Đinh Thị Hường.

11.CỐC VỠ (tác giả Phạm Trung Dũng): Chùm dự thi số 89 đăng ngày 21/6/2014. Trước đó đã có trên trang blog của tác giả vào ngày 21/3/2014: http://phamtrungdung.blogtiengviet.net/2014/03/21/thai_car_c_varn,

12. NGẮM MƯA (tác giả Phạm Trung Dũng): Chùm dự thi số 89 đăng ngày 21/6/2014. Trước đó đã có trên trang blog của tác giả vào ngày ngày 12/3/2014 http://phamtrungdung.blogtiengviet.net/2014/03/12/thai_ngaorm_mama

13.BUỒN (tác giả Phạm Trung Dũng): Chùm dự thi số 89 đăng ngày 21/6/2014. Trước đó rất lâu đã được in trong chuyên mục Lục bát mỗi ngày (ngày 26/9/2013): http://lucbat.com/news.php?id=12809 .

Trên đây là một số trường hợp phạm quy chúng tôi phát hiện ra, mong BGK xem xét. Tuy nhiên chúng tôi cũng xin đưa ra một ý kiến để xem xét bổ sung vào thể lệ thi những năm sau, tránh thiệt thòi cho các tác giả là: Những bài thơ đã được đăng trên báo, tạp chí (kể cả báo điện tử), các diễn đàn, hoặc đã xuất bản trong các tuyển tập thì dứt khoát không được tham dự. Còn những bài đã đăng, nhưng đăng trên các blog cá nhân thì có thể xem xét cho phép vì thường là người làm thơ chúng tôi sau khi viết được một bài thì có nhu cầu chia sẻ với bạn bè trên blog cá nhân.

II/ MỘT SÔ BÀI THƠ MẮC LỖI SƠ ĐẲNG TRONG THƠ LỤC BÁT LÀ KHÔNG CHUẨN VẦN

Đọc các bài thơ lọt vào sơ khảo kể cả những những trường hợp phạm quy rất đáng tiếc, chúng tôi thấy các bài thơ đều rất hay về nội dung, phản ảnh được đúng đề tài của cuộc thi.

Nhưng còn về hình thức thể hiện thì nghĩ rằng nếu đã là thi thơ lục bát tức là tôn vinh cái hay, cái đẹp và chuẩn mực của thể thơ này. Thể thơ lục bát dễ thuộc, dễ nhớ dễ làm nhưng chính cái khó là ở chỗ phải tuân thủ niêm luật chặt chẽ. Tạm không nhắc đến một số bài bị lỗi luật bằng trắc, nhưng đã là thơ lục bát thì Vần (vần chân câu 6 sang vần lưng câu 8, vần chân câu 8 sang vần chân câu 6 tiếp theo…) là yêu cầu tối quan trọng. Một bài thơ lục bát hay, ít nhất phải là bài thơ chuẩn vần, sau đó mới nói đến các cái khác. Trong số các bài thơ lọt vào sơ khảo, những bài sau đây đã bị rơi vào trường hợp lỗi vần, bao gồm cả lỗi rất nặng là lạc vận (vần khác hẳn nhau), ép vận (vần chỉ na ná nhau) và đến trùng lặp từ, vần... Cụ thể là các bài sau đây:

1/ Quê xa mấy độ xuân rồi
Người xưa không cũ trong tôi bóng [hình]
Cây đa bóng đổ trời [xanh]
Con đường vắng, bước chân thành cô [đơn]
Mưu sinh nặng nhọc cõi [trần]
Màu ta bạc thếch in [hằn] thời gian
(Màu ta - tác giả Đinh Thị Hường)

2/ Liềm trăng vương vãi cuối [chiều]
Hay thuyền ai khỏa nhẹ [chèo] vào [đêm]
Gió xuân hây hẩy trước [hiên]
Sóng mây gờn gợn trăng [lên] tần ngần
(Đêm xuân - Đinh Thị Hường)

3/ Đời ơi sao lắm chữ [ngờ]
Tơ nhện giăng vướng lòng [thừa] nỗi đau
Ngày xanh đã lỡ nhịp cầu
Ngẩn ngơ ngơ ngẩn ôm sầu mang [mang]
Ngây thơ mang nặng đa [đoan]
Tình mù dâng hiến. Đời toan cạn [tình]
Chân trời xa quá - quá [xanh]
Cò về chỗ đậu, đất thành vực sâu!
(Ngờ - tác giả Đinh Thị Hường)

4/ Trời neo mây ở lưng [chừng]
Xanh rêu lối ngõ cầu [vồng] bắc qua
Bây giờ ngơ ngẩn mình ta
Kiễng chân níu gió trượt qua bên [trời]
Hết cơn mưa, hết sụt [sùi]
(Thu đi - tác giả Đinh Thị Hường)

Trong cả mấy bài thơ ngắn mà liên tiếp lỗi như thế, làm giảm nhiều cái hay của bài thơ.

5/ Đất thiêng tụ mấy ngàn [năm]
Mười ngôi mộ nhỏ quây [quần] bên nhau
Lược gương e ấp gối đầu
Mượt mà tóc chảy một màu hư [không]
Các chị ơi! Những linh [hồn]
Đóa hoa bất tử giữa [lòng] quê hương
(Hoa bất tử - tác giả Nguyễn Bá Hòa)

6/ Đêm đêm dưới ánh trăng [rằm]
Chấp tay xin nguyện chị [Hằng] sáng soi
(Từ bi bác ái - tác giả Nguyễn Phi Diếu)

7/ Xác còn để lại nhân gian
Gói trong lòng đất chứa chan nổi [chìm]
Bao nhiêu được mất quá [trình]
(Nợ - tác giả Nguyễn Phi Diếu)

8/ Thuở chăn trâu vẫn chơi [chung]
Mày giờ lạnh lẽo núi [rừng] cỏ cây”
(Hai con cù - tác giả Hậu Cốc Ngang)

9/ Mẹ tôi con gái đồng [chiêm]
Dáng nghiêng đòn gánh móng [liền] lệch vai
(Mẹ tôi con gái đồng chiêm - tác giả Hậu Cốc Ngang)

10/Lời tâu nghe đã nhiều [rồi]
Trời thì vẫn nhận, [đời] thì còn đau”
(Lời bát nhang - tác giả Đỗ Bá Cung)

11/ Bỏ nhà chim sẻ đi hoang
Tha mưa xây tổ bên hàng cây [khô]
Áng mây tu trước cổng [chùa]
Lời kinh bay trắng tự mùa xanh [xưa]
Tôi về bán đứt giấc [mơ]
Lên rừng hỏi nắng để [mua] lá vàng”
(Mơ thu - tác giả Lê Hòa)

12/ Nén nhang cháy đỏ trên tay
Va ly hài cốt của mày tao [ôm]
Chúng mình một thuở Trường [Sơn]
Vô tư đâu tính thiệt hơn như giờ
Ba mươi năm thoắt không ngờ
Nắm xương mày vẫn gửi nhờ phương [xa]
Hôm nay đưa bạn về [quê]
Nào! xin uống cạn chén thề ngày [xưa]
Một thời đẹp một thời [xa]
(Độc thoại - tác gỉa Vương Hồng Trường)
*Ngoài ra, bài thơ còn mắc lỗi lặp vần, lặp từ ( “xa”)

13/ Hồn chuông cầu nối âm dương
Nén nhang tâm phúc gió vương chiều [buồn]
Mười ngàn liệt sĩ Trường [Sơn]
(Tìm bạn - tác giả Vương Hồng Trường)

14/ Dô huầy! Vượt móng chân khê
Dô khoan! Vượt sợi tóc bê bết [bùn]
Cánh đồng neo lưỡi cuốc [quằn]
(Mắt bão – tác giả Nguyễn Minh Khiêm)

15/ Hạt làm cám cũng không [thành]
Hạt thiên hạ đứng nghiêng [mình] nam mô
(Lần tràng hạt - Tác giả Nguyễn Minh Khiêm)

16/ Chùa Đồng, chắc phải chùa [thiêng]
Núi cao mấy, cũng cố [lên] một [lần]
Kìa cây đại bảy trăm [năm]
Lá như con mắt xa xăm ngoái [nhìn]
Cõi người, gần với cõi [tiên]
Để vua Trần rủ bỏ áo xiêm, ngai vàng...
(Một lần Yên Tử - tác giả Huy Trụ)
*Câu “Để vua Trần rũ bỏ áo xiêm, ngai vàng” có 9 chữ???

17/ Mười năm chưa một lần về
Sao rời, vật đổi bộn bề riêng [chung]
Mái chùa trần mặc, rêu [phong]”
(Chùa Giáng trong tôi - tác giả Huy Trụ)

18/ Trăm cái mất một cái [còn]
Sóng lòng nén xuống níu [buồn] vào [thơ]
Cốc này uống nỗi âu [lo]
Cốc này ai hiểu ai cho là [gàn]
Đường chiều mầu ấm vàng [hơn]
Hết mưa là nắng… nắng [còn] rát cơn
Vơi đầy bầu bạn sắt son
Vì con cha bước mỏi mòn tháng năm
Trong đêm sáng ánh trăng [rằm]
Hai sương một nắng chắt [bằng] nghĩ suy
(Dặn con - tác giả Nguyễn Ngọc Đạt)

19/ Người người đi chợ cầu may
Hương lòng tôi thắp xin Thầy chữ [Nhân]
Xin Từ Bi một chữ [Tâm]
……
Nét chau mắt Phật… vơi đầy
Ông Phúc - Lộc - Thọ cười ngày cười [đêm]
Chọn hàng dấu ánh nhìn [quen]
(Chợ cầu may - tác giả Nguyễn Ngọc Đạt)

20/ Rẽ sang lối giữa hướng vào gốc [đa]
Lẽ nào mình mắt bị hoa?
Rõ ràng trước có cây [đa] chỗ này
(Làng tôi - tác giả Đồng Thị Chúc,bị lặp từ “đa”)

21/ Ơi Trường Sa! Ơi Hoàng Sa
Dấu xưa hồn cốt ông cha đắp [bồi]
Máu đào trộn sóng trùng [khơi]
(Khúc ruột và miền nhớ thương - tác giả Nguyễn Khánh Toàn)

22/ Cho con tắm dưới mưa rào
Hồn quê gió nội lặn vào ngọn [măng]
Ngày mai lên tuổi trăng [rằm]
(Con xin đền lại chỗ nằm tháng ba - tác giả Dương Phượng Toại)

23/ Ngấn vàng đọng lại một [đêm]
Tàn đi là để thơm [miền] cỏ hoa
(Khúc cuối hoa sen - tác giả Dương Phượng Toại)

24/ Cuộc tình chỉ thoáng một [đêm]
Bỗng thành cổ tích tươi [miền] [nhân gian]

Vầng trăng chợt lộ thế [kia]
Chỉ riêng Chí nhặt được [về] [nhân gian]
(Thị Nở - tác giả Dương Phương Toại, bị lạc vận và lặp từ “nhân gian”)

25/Buồn như chưa nhớ đã [quên]
Câu thơ chết giữa hai [miền] lạ quen
Mồ ai đỏ mắt lửa [đèn]
Gọi hồn nhập xác trăm [đêm] thắp đầy.
(Buồn - tác giả Phạm Trung Dũng)

26/ Đông tàn mưa lạnh tái tê
Gió lùa hun hút, lê thê gọi [buồn]
Nảy mầm nụ nhức cành [non]
(Đợi xuân - tác giả Nguyễn An)

27/ Mong manh là sợi tơ [tình]
Buộc bao đảo đá tròng [trành]… ngẩn ngơ…
(Nhắn em - tác giả Nguyễn An)

28/ Từ đây đến đấy mấy ga
Mấy sông, mấy núi, mấy phà? Để [anh]
Qua bao thác? Vượt bao [ghềnh]
Cánh thơ anh chắp cho [tình] anh qua
(Gửi theo em - tác giả Nguyễn An)

29/ Thôi thì trời cứ sáng đi
Nằm mà không ngủ, nằm chi bực [mình]
Lạ thay thế thái nhân tình
Cứ lay đến thức, mặc [mình] cứ ru
(Thôi thì - tác giả Phạm Minh Trâm, mắc lỗi lặp vần, trùng từ “mình”)

Những lỗi khuyết điểm trên tuy chỉ bé như hạt sạn nhưng cũng làm người đọc thấy kém hay đi khá nhiều. Mong rằng ở những cuộc thi tiếp theo, các tác giả cần chú trọng hơn nữa những yêu cầu tối thiểu của thể thơ truyền thống này.

Chúc cuộc thi thơ Tổ quốc và Đạo pháp thành công tốt đẹp và lựa chọn được những bài thơ xuất sắc .

Trân trọng
Quách Trường Định

2/ Nguyễn Thị Minh Hồng:
Kính gửi BGK cuộc thi thơ TQVĐP!
Sau khi đọc hết các tác phẩm theo danh sách trên và bài Đôi điều nhận xét về bài dự thi vòng 2 của anh Đinh Thường, tôi chờ sự phản hồi. Nay, rất may có bạn yêu thơ: Huỳnh Văn Hứa và Quách Trường Định đã gửi lời góp ý tâm huyết tới BGK.

Ý kiến của tôi trùng với ý kiến bạn Quách Trường Định: LỖI NIÊM VẦN mắc rải rác ở các bài của nhiều tác giả ở vòng 2 là rất nhiều. Tôi không ghi lại nữa. Có lỗi không thể chấp nhận: VD: " Mong manh là sợi tơ tình
Buộc bao đảo đá tròng trành… ngẩn ngơ…( Nhắn em - Nguyễn An )
tình - trành - lục bát chấp nhận ư?
Hay: " Qua bao thác? Vượt bao ghềnh?
Cánh thơ anh chắp cho tình anh qua" ( Gửi theo em - Nguyễn An )
ghềnh - tình? - có thể cho là vần ư?. Còn nhiều lắm, bạn Quách Trường Định đã dẫn chứng.

Có bài có sự so sánh chưa đẹp: " Buồn như bãi rác giữa trua " ( Phạm Trung Dũng )...Tôi còn nhớ, khi viết về Từ Hy Thái Hậu, tác giả ( tôi quên tên ) viết: " ...chỉ có tâm hồn cao thượng mới cảm thấy cô đơn sâu sắc...". Câu thơ buồn này mất thẩm mỹ và phản cảm. Có thể, cảm thụ thơ mỗi người khác nhau, phụ thuộc năng khiếu đọc và viết, mong tác giả thông cảm và bỏ qua.

Nếu gạt ra những bài phạm luật ( đã đăng hay đã xuất bản, đã công khai trên internet trước khi gửi dự thi ) và phạm niêm vần nhiều ( chưa đạt tiêu chí về nghệ thuật dẫn đến chưa dạt tiêu chí nội dung, BGK nên chăng cân nhắc kỹ vòng Chung khảo?

Thơ lục bát được tôn vinh sẽ là những bài thơ hay, đẹp cả về nội dung và nghệ thuật: cảm xúc, tư tưởng, hình tượng thơ, hình ảnh, ngôn từ, niêm vần, nhạc điệu v.v...hàm chứa chức năng của thi ca: chân - thiện - mỹ.
Tôi tin BGK cùng bạn đọc sẽ " đãi cát tìm vàng " để cuộc thi vô tư chọn những bài xứng đáng được tôn vinh.
Chúc vòng 2 của cuộc thi để lại nhiều ấn tượng, và bài học tốt đẹp!

Trân trọng cám ơn BGK đã lắng nghe và thấu hiểu...vì sự tôn vinh thơ lục bát!

Nguyễn Thị Minh Hồng

  Nguyễn Ngọc Dũng - thutan21@yahoo.com.vn - 0929205295 -  Thị Trấn Ia kha Huyện Iagrai- Gia Lai  (Ngày 05/08/2014 20:49:19)

Tình cờ tôi biết được cuộc thi LỤC BÁT TỔ QUỐC VÀ ĐẠO PHÁP LẦN THỨ 2. Là Là một người yêu thơ nên tối say mê đọc hết các tác phẩm của các tác giả lọt vào vòng sơ khảo.
Mỗi người mỗi vẻ, ai cũng viết rất hay rất tốt, nhưng ấn tượng nhất với tôi là Tác giả Lam Bình chùm thơ lục bát số 84.
Với ngòi bút linh hoạt, ảo diệu, ở hai bài đầu(CẢM MÙA, PHẬT TÂM) chị đã dẫn dắt người đọc đến những góc sâu tâm hồn với những triết lí sâu sắc của Đạo Phật. Tôi tâm đắc nhất bài thứ 3 (CHIỀU DU CƯ)
Bằng ngòi bút đầy trắc ẩn, Lam Bình đã vẽ nên một bức tranh khiến độc giả phải xúc động về số phận của những người còn đang sống cảnh du canh du cư.
Ngay ở khổ thơ đầu:

"Mặt trời ngã xuống nôi chiều
Hoàng hôn úa, rụng, cánh diều mồ côi
Gió ran rát, bỏng lưng đồi
Sim mua lúp xúp đứng ngồi ngác ngơ..."
Tôi đã hình dung ra ngay một vùng đồi đất khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, những đứa trẻ nhem nhuốc, đứng ngồi không người chăm sóc trong cái nắng, gió "ran rát"
Ba khổ thơ tiếp theo, bằng những hình ảnh đối lập tác giả trăn trở xót xa về cuộc sống và tương lai mờ mịt của kiếp Du Cư:

"Bóng ngày thất thểu, vật vờ
Tiếng người thắc thỏm khát chờ hạt mưa
Du cư, lang bạt từ xưa
Đói cơm, thiếu chữ nên thừa bấp bênh

Nước khan, đời vẫn nổi nênh
Phận người neo với lênh đênh phận mùa
Trông Trời, Trời lại hay đùa
Nay cho lúa trổ, mai lùa thóc đi

Du cư, lạc ngàn thiên di
Vẹo xiêu xê dịch đến khi kiệt rừng?
Bao giờ thôi kiếp cầm chừng
Mùa no ấm hát lời mừng an cư?..."
Trong cuộc sống khá đầy đủ về vật chất ngày nay ở các thành thị,hỏi mấy ai có được sự cảm thông, cái nhìn nhân văn với những đồng bào còn sống du canh du cư như vậy?

Hai câu kết là những giọt nước mắt xót thương:

"… Trái chiều chín nẫu ưu tư
Mắt chiều xa ngái… buồn như mắt người!"
Một nỗi buồn sâu lắng, một dấu chấm than đầy xót xa, một câu hỏi lớn đến toàn xã hội
Đọc xong bài thơ Ta nhận thấy ở chị một tâm hồn giàu nhân ái, một ngòi bút tài tình và một nhân sinh quan sâu sắc.
Cảm ơn Lam Bình!

Gia Lai 05/08/2014
Nguyễn Ngọc Dũng

  Vũ Trọng Thái - vutrongthaihp@gmail.com - 0976816789 / 0912.68 - Số 29 Máy Tơ, Ngô Quyền, TP Hải Phòng  (Ngày 05/08/2014 16:00:31)


Ám ảnh với CHIỀU DU CƯ của tác giả Lam Bình (Hoàng Thị Mỹ Bình)

CHIỀU DU CƯ

Mặt trời ngã xuống nôi chiều
Hoàng hôn úa, rụng, cánh diều mồ côi
Gió ran rát, bỏng lưng đồi
Sim mua lúp xúp đứng ngồi ngác ngơ

Bóng ngày thất thểu, vật vờ
Tiếng người thắc thỏm khát chờ hạt mưa
Du cư, lang bạt từ xưa
Đói cơm, thiếu chữ nên thừa bấp bênh

Nước khan, đời vẫn nổi nênh
Phận người neo với lênh đênh phận mùa
Trông Trời, Trời lại hay đùa
Nay cho lúa trổ, mai lùa thóc đi

Du cư, lạc ngàn thiên di
Vẹo xiêu xê dịch đến khi kiệt rừng?
Bao giờ thôi kiếp cầm chừng
Mùa no ấm hát lời mừng an cư?

… Trái chiều chín nẫu ưu tư
Mắt chiều xa ngái… buồn như mắt người!
LAM BÌNH

Buổi chiều vốn là hình ảnh quen thuộc trong thơ ca, đặc biệt là thơ về đề tài nông thôn với tiếng chào hỏi râm ran của những bác thợ cầy sau một ngày làm việc, tiếng sáo mục đồng trên lưng trâu no tròn căng bụng, tiếng trẻ nô đùa trên bến sông dưới ánh hoàng hôn nhẹ buông hay dải khói lam chiều vấn vương bản nhỏ … Và sự yên ả, thanh bình là cảm xúc chủ đạo của những bức tranh quê ấy.
Nhưng “Chiều du cư” của Lam Bình lại rất khác và cảm xúc của tôi đọng lại sau khi đọc bài thơ chỉ có thể nói bằng hai từ “ám ảnh”, bắt đầu từ ngay cái tên của nó. Không phải là sự định vị không gian như một “chiều quê”, “chiều làng” quen thuộc…, cũng không đặt cụ thể trong khoảng thời gian thông thường giống với những “chiều thu”, “chiều hè” hay “chiều xuân” nào đó. “Chiều du cư” bắt đầu tạo nên một sự không ổn định mơ hồ về cả không gian và thời gian, như hình ảnh dự báo mở đầu cho một cuốn phim tư liệu sống động về cuộc sống gieo neo, nay đây mai đó của những thân phận đói nghèo, có lẽ là ở một vùng đất hoang sơ với những tộc người thiểu số.
Sau nét vẽ chỉ thoáng qua đã ẩn chứa nhiều ám gợi đó, hình ảnh “Mặt trời ngã xuống nôi chiều/Hoàng hôn úa, rụng, cánh diều mồ côi” tiếp tục mang đến rất nhiều liên tưởng qua cách dùng từ độc đáo của tác giả. Bằng các động từ “ngã”, “úa”, “rụng”, thiên nhiên - buổi chiều được nhân cách hóa như một thân phận người có hình hài, có hồn vía rất sống động, nhưng là sự sống động trong khung cảnh hoang liêu và dự báo nhiều nỗi buồn.
Mặc dù, trong toàn bài thơ không hề trực tiếp nhắc đến cảm xúc của tác giả, nhưng nỗi buồn đau đáu dường như đã toát ra từ con mắt quan sát tinh tế với rất nhiều chi tiết tưởng như miêu tả khách quan nhưng lại có rất nhiều sức gợi tiếp theo:
Gió ran rát, bỏng lưng đồi
Sim mua lúp xúp đứng ngồi ngác ngơ
Bóng ngày thất thểu, vật vờ
Tiếng người thắc thỏm khát chờ hạt mưa
Bằng thứ ngôn ngữ đậm tính hội họa, giàu sức gợi mở và liên tưởng, bức tranh thiên nhiên tiếp tục hiện ra và sự xuất hiện của con người không làm bớt đi sự buồn thảm, thê lương mà dường như càng tăng thêm một bậc. Và cái chủ thể “du cư” đậm tính dự báo hiện ra lần nữa ở đây, trong khổ thơ mang tính khái quát cao:
Du cư, lang bạt từ xưa
Đói cơm, thiếu chữ nên thừa bấp bênh
Nước khan, đời vẫn nổi nênh
Phận người neo với lênh đênh phận mùa
Tôi đặc biệt thích khổ thơ này. Dường như toàn cảnh cuộc sống của người dân thiểu số vùng đồi núi được gói gọn lại chỉ bằng 4 câu thơ xuất thần, với những hình ảnh đối lập đặt cạnh sát cạnh nhau. Đó là một cuộc sống lang thang, nay đây mai đó mà hành trang là cái đói, cái nghèo, cái dốt triền miên, là dịch bệnh và hủ tục như một lời nguyền treo lơ lửng trên đầu. Đó là một sự phụ thuộc vào thiên nhiên, vốn là đặc điểm của cuộc sống du canh du cư, mà ác nghiệt thay, thiên nhiên lại quá khắc nghiệt và cũng chấp chới, chênh vênh. Bài thơ nói về vùng cao, mà đọc khổ thơ này tôi lại liên tưởng đến một con thuyền rách nát, lênh đênh giữa vùng nước hoang sơ nhưng chất chứa bao sóng ngầm bên dưới. Thiên nhiên và con người bấu víu, chằng néo vào nhau để tồn tại, một sự tồn tại đầy bấp bênh, bất trắc.
Sự không ổn định tiếp tục được đẩy lên bằng hai câu thơ tiếp theo, mới nghe thì nhẹ nhàng như một lời kể thực tế:
Trông Trời, Trời lại hay đùa
Nay cho lúa trổ, mai lùa thóc đi
Tập tính của người nông dân, dù là ở vùng cao hay đồng bằng, miền biển cũng đều là “Trông trời, trông đất, trông mây”. Nhưng với những thân phận du canh du cư trong bài thơ này, thì cái mong ngóng ấy dường như có những lúc trở nên tuyệt vọng trước sự đỏng đảnh, trái tính trái nết của thiên nhiên, và trở thành một sự cam chịu, an phận trước một đối tượng siêu nhiên là Giàng (Trời). Hình ảnh “Nay cho lúa trổ, mai lùa thóc đi” là một chi tiết đắt, một lần nữa tạo nên sự liên tưởng đến chuỗi thời vụ long đong, bất ổn từ lúc chọc lỗ gieo hạt, mong chờ đợi cây lúa lên nhánh, trổ đòng và rồi có thể mất trắng sau một mùa nắng nung khô hạn. Tác giả sử dụng phép đối trong câu thơ “Nay cho lúa trổ, mai lùa thóc đi” rất hay và độc đáo. Cuộc mưu sinh vất vưởng và phụ thuộc một lần nữa hiện lên thật xót xa.
Ở phần đầu bài thơ, tuy tác giả ẩn mình nhưng tôi vẫn cảm nhận rất rõ sự cảm thông và tấm lòng trắc ẩn của người viết thông qua những nét khắc họa tinh tế và sinh động toàn cảnh cuộc sống của những thân phận du cư, thông qua một buổi chiều (và có lẽ khái niệm “chiều” cũng chỉ là một đại diện ước lệ). Thái độ ấy, đôi mắt nhân hậu ấy ở phần cuối bài thơ đã hiện lên rõ nét hơn, tuy người viết vẫn không hề trực tiếp thốt lên rằng “Tôi buồn” hay “tôi cảm thấy”… như một cách thông thường:
Du cư, lạc ngàn thiên di
Vẹo xiêu xê dịch đến khi kiệt rừng?
Bao giờ thôi kiếp cầm chừng
Mùa no ấm hát lời mừng an cư?
Chỉ bằng vào hai câu hỏi tu từ, một vấn đề lớn hơn đã được đặt ra, không chỉ gói gọn trong khuôn khổ của một buổi chiều, hay một nhóm người cá thể nào đó nữa. Xã hội ngày một đi lên, cùng với những chính sách của Nhà nước và tình cảm, tấm lòng của đồng bào miền xuôi, cuộc sống của người dân tộc thiểu số đã ngày một được cải thiện hơn. Nhưng rõ ràng là trong thực tế, những cảnh đời thiếu thốn đủ thứ, bấp bênh mọi bề của người dân miền núi, vùng cao vẫn là một nỗi đau hiện diện từng ngày, từng giờ. Đặc biệt là số phận của một số ít những tộc người vẫn còn tồn tại tập tục lạc hậu du canh, du cư, bên cạnh những vấn đề nổi cộm về an sinh, dân trí còn kéo theo những hệ lụy như tình trạng góp phần làm kiệt quệ tài nguyên rừng. Những câu hỏi để ngỏ, mở ra bao điều xót xa không chỉ của cá nhân một người. Sự ngậm ngùi, cảm thương lắng đọng lại trong hai câu kết, nặng trĩu ưu tư trong đôi mắt nhân gian đầy những nỗi ám ảnh đã đẩy lên tận cùng:
… Trái chiều chín nẫu ưu tư
Mắt chiều xa ngái… buồn như mắt người!
Thành công của bài thơ “Chiều du cư”, theo tôi trước hết là ở đề tài. Đi vào khai thác mảng đời sống xã hội, nhưng trong vô số những vấn đề rộng lớn và quen thuộc, tác giả Lam Bình đã “nhặt” ra một mảnh nhỏ những thân phận gieo neo nơi một vùng đất cằn khô quanh năm nắng hạn, với tập tục du canh du cư còn tồn tại, mà giữa bộn bề cuộc sống với biết bao những biến động thăng trầm, những thân phận ấy có thể đã nhiều lúc bị lãng quên, hay nép vào một nơi khuất nẻo.
Nhưng cái hay nhất của bài thơ lại là ở cách thể hiện đậm tính nghệ thuật. Chưa phải là người đọc và viết nhiều, nhưng theo nhìn nhận chủ quan của mình, tôi thấy làm thơ về đề tài xã hội tưởng dễ mà khó. Và điểm dễ thấy nhất, cũng là cái khó nhất mà một số bài thơ về đề tài này hay gặp phải, là sự bộc lộ chủ thể thơ một cách quá thật thà, đơn giản mà xao nhãng đi yếu tố nghệ thuật. Ở “Chiều du cư”, tôi thấy tác giả đã xử lý điều này khá nhuần nhuyễn. Vẫn là một vấn đề xã hội cụ thể, lại rất nhỏ bé và không mấy quen thuộc, tưởng như khó thể hiện, nhưng qua những câu thơ mềm mại, uyển chuyển, nó đã đến với tôi - nhẹ nhàng mà thấm thía như một thông điệp nhân văn sâu sắc. Vẫn là thể thơ lục bát truyền thống, nhưng sự dụng công trong sáng tác của tác giả, thể hiện ở vốn từ ngữ độc đáo và những hình ảnh thơ mới lạ, mang lại nhiều liên tưởng đã khiến cho “Chiều du cư” không lẫn với nhiều bài thơ khác. Để rồi từ sự dẫn dụ của ngôn ngữ có sức rung cảm lay động ấy, có một cuộc sống rất khác với những gì tôi quen thuộc đã đi vào ngõ ngách tâm hồn tôi, và ở lại như một sự ám ảnh khôn nguôi!

12h45, ngày 05/8/2014
Vũ Trọng Thái

  Nguyễn Tiến Bình - tienbinh_nguyen@yahoo.com.vn - 01686711077 - Hà Nội  (Ngày 05/08/2014 0:23:28)


CẢM TÁC
Hai mốt Tác giả,là nhiều
Đọc sáng, rồi lại đọc chiều hôm nay
Cố tìm, thấy mấy câu hay
Mừng cho vài bạn là tay thơ cừ!

Các bài khác: