Thứ bảy, 27/04/2024,


Nỗi truân chuyên của bài thơ về những người mẹ liệt sĩ (28/07/2014) 

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở Điện Bàn lặng lẽ ngồi bên mâm cơm với 9 bát, 9 đôi đũa và thắp 9 nén nhang thầm gọi vong linh của 9 người con trở về trong mỗi bữa ăn…

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở Điện Bàn lặng lẽ ngồi bên mâm cơm với 9 bát, 9 đôi đũa và thắp 9 nén nhang thầm gọi vong linh của 9 người con trở về trong mỗi bữa ăn…

 

Được bạn đọc yêu thơ tại Đà Nẵng mệnh danh là nhà thơ viết và nói hay nhất về đề tài phụ nữ, đã bao lần Đông Trình đứng trên bục diễn thuyết thu hút hàng trăm, ngàn khán giả và không ít lần chính anh cũng nghẹn ngào khi nói về những mất mát, hi sinh của những người mẹ, người vợ khi chiến tranh đã đi qua.

Vậy mà giờ đây, khi đọc lại “Mẹ và lửa”, chất giọng của anh vẫn cứ “lửa” như ngày nào.

Nhà thơ Đông Trình kể: Tháng 3/1984, Đoàn đại biểu Quốc hội về thăm Quảng Nam - Đà Nẵng. Cùng đi có nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Vũ Đình Liên, đồng chí Nghiêm Chưởng Châu (Phó Chủ tịch TP Hà Nội).

Tôi được Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cử dẫn đường cho Đoàn đi thăm một số nơi. Chúng tôi về Điện Thọ (Điện Bàn) để tham quan một mô hình về xây dựng Nhà Tình nghĩa.

Quảng Nam là địa phương đầu tiên có sáng kiến quan tâm đến các bà mẹ có chồng con hi sinh trong chiến tranh, không còn nơi nương tựa dù lúc bấy giờ chưa có danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Nhưng khi chúng tôi đến nơi, hai dãy nhà dành cho trên một chục người mẹ trống vắng đến lạnh lùng. Các mẹ đã bỏ đi gần hết. Chỉ có khoảng vài ba mẹ thờ thẫn đi lại như xác không hồn, không thể tiếp cận được.

Những người đi trong đoàn dường như ai nấy cũng cùng chung một cảm giác về sự trống trải như thế. Nhà thơ Chế Lan Viên bảo: “Ạnh Đông Trình viết một bài đi, có tứ rồi đấy ”. Tôi nói: “Anh viết chuyên nghiệp hơn tôi”.

Chế Lan Viên lại bảo: “Trong trường hợp này thì bất cứ người làm thơ nào đó cũng có thể viết được. Anh viết có khi còn hay hơn tôi”. Thế là trở về nhà, tôi đã viết một mạch bài "Mẹ và lửa”.

Bài thơ như một thước phim quay chậm. Khổ mở đầu giới thiệu về ngôi nhà tình nghĩa và hoàn cảnh của những con người trong ngôi nhà đó:

Ngôi nhà khang trang dựng bên ủy ban

 

Nơi nuôi dưỡng những người không nơi nương tựa

 

Có những bà mẹ chín mười lần sinh nở

Sau chiến tranh bỗng thành độc thân

Không giải thích, ai cũng biết những bà mẹ “ độc thân”sau chín mười lần sinh nở ấy là những người mẹ đã hiến dâng con minh cho Tổ quốc.

Họ xứng đáng để được nuôi dưỡng, chăm sóc về mọi mặt, từ chỗ ở, miếng cơm, manh áo đến những nhu cầu thiết yếu về sinh hoạt đời thường. Và đây là những điều nhà thơ chứng kiến:

Bếp tập thể lo chung bữa ăn

 

Điếu thuốc, miếng trầu đều có người lo tất

 

Áo quần thay ra có người đi giặt

Nghĩa là ở đây các mẹ chẳng phải làm gì

Được nghỉ ngơi, nhàn nhã vốn là mơ ước, là cái đích hướng tới của không ít bậc cao niên. Hẳn các mẹ phải vui lắm! Lời trần thuật của nhà thơ tưởng như khách quan.

Nhưng không, các từ ngữ “lo tất”, “nghĩa là”, “chẳng phải làm gì” là sự chuẩn bị cho sự bộc lộ trạng thái tình cảm không thể nén nổi trước “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”:

Thế nhưng dần dần các mẹ bỏ ra đi

 

Đi về đâu không ai hiểu được

 

Có mẹ thẫn thờ ngồi ngoài trường học

 

Vào mỗi chiều hôm như ngóng đợi ai về

 

Có mẹ dật dờ men theo lũy tre

 

Mắt nhìn ngu ngơ đếm cành đếm lá

 

Bỗng ngồi sụp xuống bên mô đất lở

 

Nơi trước kia là miệng một căn hầm

 

Có mẹ lang thang ra phía bờ sông

 

Ngày nào cũng chỉ ngồi nhìn dòng nước chảy

 

Có một con thuyền trôi theo hướng ấy

 

Qua rồi…- Chiến tranh!

 

Khi trở về có mẹ quơ theo ít cây cành

 

Vào phòng riêng, tự tay mình nhóm lửa

 

Chẳng nấu nướng gì đâu-trầm ngâm, tư lự

Lẩm nhẩm gọi tên người và nước mắt dào ra

Từng câu, chữ tái hiện lại hình ảnh của những người mẹ mất con sau chiến tranh như chắt ra từ gan ruột của nhà thơ; như thể chính nhà thơ đang bộc lộ nỗi đau mất mát của chính mình.

Mà cũng thật khó tách bạch đâu là nỗi đau của nhân vật, đâu là nỗi đau của người kể chuyện, khi bất chợt xen giữa những dòng tự sự là tiếng thở dài cảm thán: “ Qua rồi…-Chiến tranh!”.

Tứ thơ đạt tới độ cao trào khi để cho người ngoài cuộc xuất hiện:

Người phục vụ bất thần đi qua

Cô còn quá trẻ-không thể nào hiểu được

 

Tại sao nơi đây-vào buổi chiều-người già hay khóc

 

Có bếp chung rồi sao còn nhóm lửa riêng?

 

Này các mẹ ơi, các mẹ đừng quên

 

Đây là dưỡng đường, đây là nhà tập thể

 

Không nên nhóm bếp riêng như thế

 

Tắt ngay đi! –đồng chí chủ nhiệm sắp vào

 

Đồng chí chủ nhiệm tay bưng một hộp trầu

 

Đã têm sẵn-đưa ra mời từng cụ

 

Nhưng lạy trời, chẳng có ai thích thú

Vì mẹ nào cũng muốn có những gói trầu riêng…

Điều đáng quan tâm ở những tình tiết thơ nói trên lại không phải là người phục vụ hay đồng chí chủ nhiệm mà là ở câu hỏi:“ Tại sao nơi đây-vào buổi chiều–người già hay khóc/ Có bếp chung rồi sao còn nhóm lửa riêng?”.

Dường như toàn bộ bút lực của bài thơ tập trung vào câu hỏi tu từ này để chủ đề “Mẹ và Lửa” bộc lộ. Bếp lửa chung phải chăng không đủ để làm ấm lại những tâm hồn quá băng giá vì sự cô đơn trong mỏi mòn đợi trông vô vọng những người thân yêu, những đứa con ruột thịt ra đi không trở lại?

Người đọc chắc chắn không chờ câu trả lời, còn nhà thơ tiếp tục tận dụng khả năng “ý tại ngôn ngoại” của thơ ca đích thực:

Ở đây trầu không chỉ để ăn

 

mà để têm

 

Đồng chí chủ nhiệm không hiểu ra điều ấy

 

Nhìn các mẹ têm trầu, ta mới thấy

 

Mắt xa xăm và tay xếp lá thời gian…

 

Khổ thơ kết thúc tưởng như khép lại ý tưởng, song, lại tiếp tục xoáy vào lòng người câu hỏi và sự tự vấn của lương tâm:

 

Tôi về đây trong đoàn người tham quan

 

Ngôi nhà…

 

Không còn ai ở nữa!

 

Các mẹ đã về đâu? –Chỉ trừ ngọn lửa

Chúng ta không biết cách trả lời!

Khi đọc đến đây, nhà thơ không nén nổi suy nghĩ chủ quan của mình: Mỗi bà mẹ có một đời sống nội tâm, một nỗi niềm trắc ẩn riêng.

Mẹ thắp lửa ở một góc riêng trong phòng tối có thể để lặng lẽ hình dung từng gương mặt đứa con thân yêu của mình, sống với từng kỷ niệm. Không thể “xã hội hóa” những bà mẹ đó được!

Bài thơ hay, chân thực đến nao lòng như thế nhưng đã không được xuôi buồm thuận gió ở thời điểm mới “trình làng”.

Nhà thơ Đông Trình cho biết: Sau khi bài thơ phát trên đài phát thanh của tỉnh và in ra đã bị xếp vào dạng “phản động” vì phủ nhận thành tựu của tỉnh.

Tôi bị phê phán ghê lắm, có vị lãnh đạo đặt câu hỏi: Không hiểu sao ông Đông Trình lại có trong Hội đồng Nhân dân? Quảng Nam lưu tâm tới các mẹ như thế mà ông lại viết như vậy!

Một thời gian sau, tôi ra Hà Nội, gặp nhà báo Trần Phương Trà lúc bấy giờ phụ trách biên tập thơ, truyện của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đưa bài thơ “Mẹ và lửa” và được đọc bài thơ trực tiếp trên Đài. Dư luận tại Quảng Nam - Đà Nẵng lại tiếng ra, tiếng vào.

Tôi nhớ mãi bác sĩ Đinh Tiến Liệu ở Bệnh viện C Đà Nẵng gặp tôi bày tỏ: “Bài thơ quá xuất sắc. Tôi nghe đài vội ghi lại song không kịp. Câu hỏi đặt ra chắc chắn tương lai sẽ trả lời chứ không phải là anh…”. Vài ba lần, BS Đinh Tiến Liệu hỏi xin tôi bài thơ đó. Rất tiếc tôi đã in xong tập thơ, chưa kịp gửi biếu ông, thì ông đã qua đời…”.

Bài thơ ra đời cách đây gần 30 năm mà như còn vẹn nguyên tính thời sự của nó. Đọc lại, trong tôi hiện lên hình ảnh của chuyến đi Điện Bàn (nơi có nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhất nước) để tìm tư liệu viết phóng sự vào năm 2009.

Tôi đã gặp khá nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và những ngôi nhà tình nghĩa mà ngoài đời thực. Khi ấy, tôi cũng từng thốt lên câu “Có lửa không mẹ ơi!”. Và, tôi lại cảm ơn Nhà thơ “Mẹ và lửa” của Quảng Nam. - Đà Nẵng.

Và tôi nghĩ, không có tượng đài người mẹ nào vĩ đại hơn, bền vững hơn tượng đài người mẹ trong mỗi trái tim!


Theo GD - TĐ

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: