Thứ sáu, 26/04/2024,


Nguyễn Đình Tú viết về chiến tranh biên giới phía Bắc (25/07/2014) 

- Vì sao anh chọn đề tài chiến tranh biên giới phía Bắc làm nội dung cho tác phẩm của mình?

- Tôi có 20 năm cầm bút, đã ra nhiều tập truyện ngắn, sáu cuốn tiểu thuyết, các trang viết phản ánh những vùng đề tài khác nhau. Với một nhà văn phải luôn đi tìm đề tài mới, tôi chọn chiến tranh. Tôi là nhà văn quân đội, bởi thế không thể không quan tâm tới chiến tranh và người lính. Tôi đi công tác nhiều, có khi đi cùng các nhà văn Lê Lựu, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, chứng kiến họ rớt nước mắt trên nghĩa trang liệt sĩ - nơi đồng đội nằm xuống. Thế hệ trước đã vào trận như thế. Thế hệ mình may mắn không gặp chiến tranh nhưng cũng cần phải hiểu về nó.

Hai cuộc chiến chống Pháp, Mỹ của dân tộc đã có nhiều người viết, có thành tựu, nên tôi chọn cuộc chiến ít người biết, và cuộc chiến gần với mình hơn. Trước đó tôi đã chạm tới đề tài này trong Hoang tâm - viết về chiến tranh biên giới Tây Nam. Những con người trải qua cuộc chiến biên giới còn nhiều, ký ức của họ vẫn còn tươi mới. Nghe họ kể về những gì đã trải qua cũng là một nguồn tư liệu phong phú cho mình khai thác, ngụp lặn.

Cuộc chiến này ám ảnh tôi từ lâu rồi, vấn đề là khi nào đủ độ chín để viết thôi. Tôi luôn bị thôi thúc bởi ý nghĩ: "Phải viết về cuộc chiến biên giới phía Bắc".


body-NDT-1-3000-1406110640.jpg

Nhà văn Nguyễn Đình Tú.


- Vậy các nhân vật trong "Xác phàm" có nguyên mẫu hay hoàn toàn hư cấu?

- Các nhân vật đều hư cấu, nhưng tôi nhặt nhạnh chất liệu, các câu chuyện đâu đó ngoài đời sống.

Khi xây dựng truyện, tôi tính mình phải chọn một thời điểm nhưng nói được diện mạo chung. Trong thực tế, cuộc chiến đó có nhiều hướng: Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn... nhưng tôi chọn hướng Lạng Sơn, chọn pháo đài Đồng Đăng, sử dụng pháo đài ấy như một không gian nghệ thuật gửi gắm nhiều điều trong đó.

Để xây dựng diện mạo cho cuộc chiến, tôi bắt đầu dựng các nhân vật - là những lực lượng tham chiến.

- Anh có chủ đích gì khi không đặt tên cho nhân vật, địa danh mà chỉ gọi bằng những từ như "Bố anh", "Bố em", "cô mặc áo thiên thanh", "cu lỏi", "pháo đài", "thị xã vùng biên", "bọn Khợ"?

- Các nhân vật, địa danh không cần có tên nhưng đủ sức gọi ra, là kiểu nhân vật điển hình. Trong truyện, tôi chọn nhân vật tiêu biểu đại diện cho các lực lượng tham gia cuộc chiến. Thứ nhất là bộ đội chủ lực, công an vũ trang (bộ đội biên phòng), lực lượng tự vệ (thể hiện qua nhân vật cô bán hàng thương nghiệp gọi là "cô mặc áo thiên thanh"), dân quân (nhân vật trưởng bản Hoàng A Hạng). Cuộc chiến ấy cũng rất thảm khốc qua sự kiện chạy loạn của người dân. Vì thế tôi lấy hình ảnh mẹ con người Hà Nội lên khu mỏ vùng biên giới thăm bố. Cu lỏi may mắn thoát chết, quay lại pháo đài theo lý tưởng: "nếu chết thì hãy để mũi tên bắn trước ngực"...

Những nhân vật ấy không hẹn mà cùng tụ lại trong pháo đài, đánh nhau trong 17 ngày đêm. Họ sống hay chết, linh hồn họ giờ ở đâu, vùi xác trong mảnh đất nào... dần dần các lớp tiểu thuyết sẽ bóc ra.


body-Xac-pham-7579-1406110640.jpg

Bìa tiểu thuyết "Xác phàm".


- Để viết một tiểu thuyết có nhiều yếu tố, dáng dấp của những chuyện từng xảy ra trong lịch sử, anh phải tìm hiểu những nguồn tư liệu nào?

- Tôi tìm đọc sách về chiến tranh biên giới, nhưng có rất ít tài liệu về sự kiện này. Tôi có đọc cuốn của một người Mỹ viết, nhưng ở góc độ lịch sử về tương quan lực lượng, tình hình quân sự chiến trường hai bên lúc bấy giờ. Về mặt thực tế, tôi đã đi lại hướng đường biên từ vùng Đông Bắc, Tây Bắc nhiều lần, tiếp xúc với nhiều người và có những quan sát nhất định.

Sau khi viết xong, tôi quyết định quay lại tuyến đường biên giới một lần nữa để cảm nhận vùng núi rừng; đó là cách kiểm tra lại những cái mình viết ra có đúng hay không, có gì trật không... Sau chuyến đi tôi thấy yên tâm về những gì mình viết, dù đó là tác phẩm hư cấu.

- Lý do nào khiến anh đưa chi tiết chuyển đổi giới tính vào trong một tác phẩm nói về chiến tranh?

- Chọn mở đầu bằng một ca chuyển giới ở Thái Lan, tôi muốn tạo ra nhân vật đặc biệt - một người phi giới tính. Nơi xác phàm ấy trú ngụ nhiều linh hồn. Thời gian anh ta chuyển giới cũng là thời gian các linh hồn kể chuyện, tái hiện cuộc chiến diễn ra trong vòng 17 ngày đêm. Trong các tác phẩm của mình, tôi thường đưa yếu tố hiện thực vào, vì thế các vấn đề về chuyển giới, hay những chi tiết như ăn dương vật sau khi phẫu thuật trong sách cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

- Anh chọn đưa yếu tố đương đại đó vào như một cách viết để gây sự tò mò với người đọc?

- Nếu kể một cuộc chiến mà cứ theo trật tự tuyến tính quân ta dàn trận thế nào, quân địch suy tính ra sao, hôm nay bao nhiêu thương vong, tổn thất, ngày mai ai thắng thì đó là cách làm truyền thống.

Tôi là người quan tâm tới thi pháp tiểu thuyết. Vì thế, tôi chọn thủ pháp diễn tiến hiện tại trộn lẫn với hồi cố. Đề tài chiến tranh không phải là quá "hot", nên phải chọn một cách kể hấp dẫn.

 

- Nhà phê bình Trịnh Sơn: Xác phàm của Nguyễn Đình Tú là một cuốn tiểu thuyết phân vùng. Không đơn thuần phân chia theo địa lý, mà được cắt sâu bằng lưỡi dao của thời gian, tâm linh, lịch sử, giới tính và tâm hồn... Vượt khỏi địa hạt thế mạnh là hiện thực, văn Nguyễn Đình Tú trong Xác phàm thiên về cảm luận và bay bổng lâng lâng giữa đường biên tam giác lãng mạn - tượng trưng - huyền ảo.

- Nhà phê bình Bùi Việt Thắng: Với Xác phàm, tác giả có vẻ như đã làm chủ được cái khả năng "thông linh" các hình thức thể hiện nghệ thuật đời sống của tiểu thuyết hiện đại... Đi vào thế giới tâm linh con người, như cách Nguyễn Đình Tú thực hiện bằng tiểu thuyết, theo tôi, là một cuộc thám hiểm, nên phải chấp nhận mạo hiểm. Nhưng sự phiêu lưu, mạo hiểm bao giờ cũng gây men hứng thú, thậm chí trở thành "hưng cảm" trong hành xử của con người. Tôi nghĩ, nếu nói về cảm hứng chủ đạo xui khiến sự viết của ngòi bút tác giả, trong trường hợp này, chính là một năng lượng "hưng cảm". Tác giả đã truyền cái chất men say nồng ấy sang nhân vật cho đến tận "chân tơ kẽ tóc", không trừ ai...

- Nhà văn Đào Bá Đoàn: Xác phàm - tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Đình Tú - thực ra là một dòng sông ký ức cuộn chảy của dân tộc Việt - ấy là cuộc chiến vệ quốc; sự khốc hại của chiến tranh; cái nhân văn trong cảnh ngộ đó; những đớn đau mất mát của thân phận đàn bà; sự "lệch chuẩn" trong hoàn thiện nhân cách trẻ em - những cơn buồn và những vẻ đẹp hoang đường như một mê sảng của thế giới tiếp tục còn bị đẩy sâu vào vùng tăm tối - đường còn lắm mê loạn, cái đẹp còn còn bị dìm, bị tàn hại bởi bao tảng đá hộc; khát vọng nhân văn còn vời vợi và bản thân nó vẫn gây khát..


Theo VNexpress

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: