LBVN: Bạn đọc trẻ thời @ còn ít biết rằng ở Miền Tây có một người đàn bà lam lũ, từng ngồi bán từng chai xăng lẻ ven lề đường bụi bặm, kiếm mấy đồng lời nhỏ nhoi, nuôi đàn con năm đứa… Nhưng chị còn là một nhà văn với gần 40 cuốn sách. Vừa viết văn vừa làm thơ, cuộc đời chị bao nghiệt ngã, chìm nổi như số phận của những nhân vật trong tác phẩm chị viết ra. Người đàn bà ấy, chính là Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Huệ. Chị vừa được mời tham gia BBT website lucbat.vn, để thêm người “gác cửa” cho các chuyên mục “Sự kiện nhân vật” và “Lục Bát Quán”…
Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Huệ trong lễ trao thưởng một cuộc thi của Báo Tuổi trẻ
Cái mộng văn chương của chị lúc bấy giờ giống như một chút lãng mạn của đứa con gái mới lớn. Rời bệnh viện, xa mùi thuốc men, chết chóc chị lại tấp vào cái mùi bụi bậm, oi nồng của những chai xăng lẻ ven đường. Không chừng chị sẽ quên đi chuyện viết lách, mà lam lũ với cơm, áo, gạo, tiền… nếu không có thằng bé "con lai" hàng xóm, nhân vật chính trong truyện ngắn "Phù sa trên tóc bạch kim" - tác phẩm đã dẫn đường cho chị mon men đến với văn đàn.
Năm 1990, tại Cần Thơ có một cuộc thi sáng tác "Bút ký - Truyện ngắn" do Báo Hậu Giang và Hội Văn nghệ địa phương phối hợp tổ chức. Một số tác giả đoạt giải trong cuộc thi đó hiện đang là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như: Mường Mán, Dạ Ngân… Tuy nhiên, có một điều đặc biệt hơn mà tôi muốn đề cập trong bài bút ký này. Đó là, người đoạt giải cao nhất về thể loại truyện ngắn (giải ba - Cuộc thi không có giải nhất, giải nhì) lại là một người hết sức "bình thường". Một người đàn bà lam lũ, ngồi bán từng chai xăng lẻ ven lề đường bụi bặm, kiếm mấy đồng lời nhỏ nhoi nuôi đàn con năm đứa.
Sau cuộc thi một thời gian, tác giả Phạm Huy Kỳ trong bài: "Carolina- một nhà văn nữ danh tiếng rất giàu và thất học" (đăng trên Báo Đồng Nai số 33, phát hành tháng 6/1992) đã có một sự liên hệ khá thú vị: "Năm 1991, tại Việt Nam, một bà bán xăng lẻ ở lề đường, lúc chưa có khách thì kê xấp giấy học trò lên cục đá, cục gạch để… sáng tác. Văn bà rất hay, rất hiện đại và bà đoạt giải thưởng văn học nghệ thuật của một tỉnh thuộc miền Nam Việt Nam…".
Cần Thơ, những năm 80 của thế kỷ trước. Trong nhà vĩnh biệt của bệnh viện tỉnh, xác một người đàn ông vô thừa nhận đang được chuẩn bị khâm liệm để mang đi hỏa thiêu. Chị hộ lý có trách nhiệm làm công việc cuối cùng này hết ra rồi lại vào, cứ tần ngần, do dự. Không phải chị sợ, bởi công việc này chị đã làm nhiều lần. Cái làm chị bần thần nghĩ ngợi chính là bộ quần áo còn khá tươm tất của người chết. Bộ đồ ấy nếu giặt sạch sẽ, mang ra chợ trời có thể đổi được vài ký gạo, làm đầy những cái bụng rỗng của đám con ở nhà dăm ba bữa (chị sợ lắm cái cảm giác trơn tuột, mất hút khi đưa tay khua khoắng thùng đựng gạo trống không! Tai hại thay, cảm giác ấy luôn xuất hiện thường trực trong chị).
Nước mắt lưng tròng, chị run rẩy đốt mấy nén nhang sì sụp khấn vái vong linh người chết: "Ông sống khôn thác thiêng xin tha thứ cho tôi, tha thứ cho một người mẹ vì sự đói no của con mình mà phạm tội".
Chị vội vội vàng vàng lấy bộ đồ của bệnh viện thay cho người chết, rồi cuống quýt nhét bộ đồ lạnh ngắt ấy vào túi đệm. Không phải chị sợ một người nào đó nhìn thấy vì cửa nhà xác luôn đóng kín, mà chị sợ chính chị, sợ rằng mình không đủ can đảm làm tới cùng một công việc mà lương tâm chị không cho phép, Sau này, và sẽ đến cuối cuộc đời, mỗi khi thắp nhang chị lại lấy thêm một nén, chẳng biết có làm ấm thêm chút nào linh hồn người bất hạnh ấy hay không?! Nhưng mỗi nén nhang ấy ít ra cũng làm dịu đi nỗi cồn cào, bứt rứt trong sâu thẳm tâm can chị.
Sẽ là khập khiễng nếu ai đó một lần ngồi tỉ mẩn so sánh nỗi đau của người này với người khác, cho dù hai giọt nước mắt đều rơi ra từ khóe mắt của phận đàn bà. Song mỗi lần nhớ lại chuyện người hộ lý năm ấy - tác giả Nguyễn Thị Thanh Huệ bây giờ - kể lại cho mình nghe, tôi lại nhớ tới hình ảnh "mổ bụng tự xử" của các võ sĩ đạo Nhật Bản. Phải chăng chị cũng muốn nhắn nhủ với tôi, với cuộc đời rằng: "Đấy! Cuộc đời tôi đấy. Hãy nhìn vào mà phán xét, mà bình phẩm đừng bỏ quên một thứ gì…"
Chôn nhau, cắt rốn vùng cù lao Ông Chưởng miệt Chợ Mới, An Giang, khi chị chào đời (1938) bối cảnh đất nước hết sức rối ren. Hoàn cảnh xã hội đã vậy, nhà lại chẳng khá giả gì nên chuyện học hành của chị cũng không ít trắc trở. Hết ghé trường này lại dạt sang trường khác. Vì vậy, mãi đến năm 1963, khi đã ngoài 20 tuổi, chị mới cầm được mảnh bằng tốt nghiệp Trung học Đệ nhất cấp lúc bấy giờ.
Với những người an phận, mảnh bằng có được ấy đủ sức kiếm một chân gõ đầu trẻ ở quê nhà, rồi có chồng, sinh con… nhưng chị đã không muốn như thế. Rời An Giang lên Sài Gòn, chị xin vào làm thư ký cho Nha Y tế công cộng. Để rồi nàng thư ký và anh nhà báo phải lòng nhau! Chị đã gặp anh, cả hai dắt tay nhau bước đi trên cuộc hành trình ít ngọt ngào, mà lại quá nhiều đắng cay và nước mắt.
Sau ngày miền Nam giải phóng, hai vợ chồng dắt díu nhau về Cần Thơ. Đã từng "chạy nhật trình" rồi thông dịch viên, chồng chị chuyển sang nghề sửa xe, rồi chạy xe lôi, chẳng dính dáng gì tới chữ nghĩa. Phần chị, một chân hộ lý quét dọn tại bệnh viện tỉnh, tối về tha thêm tủ thuốc lá đầu ngõ.
Hơn 10 năm trời làm hộ lý, chị đã bao lần chuẩn bị tươm tất cho người chết, dù có thân nhân bên cạnh hay chỉ là cái xác vô thừa nhận. Vậy mà, khi khóc anh, chị đã đau đớn biết bao nhiêu khi phải tiễn anh đi bằng bộ đồ "chật chội" của đứa con trai! Năm 1987 anh mất thì một năm sau chị cũng rời bệnh viện, bởi với số lương hộ lý ít ỏi thời kỳ ấy không thể nào làm no lòng đến sáu miệng ăn.
Sau này, mỗi lần nhớ lại quãng thời gian làm hộ lý, chị nghiệm ra rằng chính giai đoạn này đã "tạo ra" chị - "người đàn bà viết tiểu thuyết" như cách gọi của tôi. Có phải là may mắn hay không? Tôi không biết! Nhưng chính những ngày thay ga, trải nệm cho bệnh nhân, đã tạo cho chị cơ hội quen biết một vài người đang theo đuổi nghề văn chương lúc bấy giờ. Một nhà văn nữ, hiện đang rất nổi tiếng, lúc bấy giờ chỉ là cô kỹ sư nông nghiệp mới ra trường, có dăm ba truyện ngắn đăng báo đã là người chia sẻ với chị chút kinh nghiệm non nớt, khi chị viết truyện ngắn đầu tay "Gấu nhỏ" trong nhiều đêm ngơi việc, giữa cái thanh vắng đầy bất trắc của bệnh viện.
Tuy nhiên, cái mộng văn chương của chị lúc bấy giờ giống như một chút lãng mạn của đứa con gái mới lớn. Rời bệnh viện, xa mùi thuốc men, chết chóc chị lại tấp vào cái mùi bụi bậm, oi nồng của những chai xăng lẻ ven đường. Không chừng chị sẽ quên đi chuyện viết lách, mà lam lũ với cơm, áo, gạo, tiền… nếu không có thằng bé "con lai" hàng xóm, nhân vật chính trong truyện ngắn "Phù sa trên tóc bạch kim" - tác phẩm đã dẫn đường cho chị mon men đến với văn đàn.
Quay lại thời điểm những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, tình hình xuất bản các văn hóa phẩm không trăm hoa đua nở như hiện nay. Trên kệ các nhà sách hầu hết là những tác phẩm văn học dịch từ các nước xã hội chủ nghĩa. Văn học trong nước lèo tèo dăm quyển tiểu thuyết chiến tranh, đôi ba bộ kiếm hiệp in lại của thời chưa giải phóng. Nhu cầu cần phải có "một cái gì mềm mại, lãng mạn" là thật. Nó giúp người ta tạm quên đi bao khó khăn của đời sống. Một số người nhạy cảm trong chuyện kiếm tiền xuất hiện mà người ta gọi là "đầu nậu" sách. Và chị - Người đàn bà viết tiểu thuyết - nhà văn lề đường xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn lúc bấy giờ, là đích đến của những người "nhạy cảm" này.
Sau khi nhận giải truyện ngắn do Báo Hậu Giang trao, chị rời bộ cánh của bà bán xăng lẻ ven đường mà khoác vào mình chiếc áo "danh giá" của người cầm bút (lúc này chị đã được kết nạp Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang). Có thể lúc bấy giờ, trong suy nghĩ của mình, với chị cái danh vị nhà văn không quan trọng bằng việc có tiền nuôi con mà không phải vất vả nắng mưa như cả quãng đời đã qua.
Hai năm trời viết thuê theo yêu cầu của người làm sách tại TP. Hồ Chí Minh, rồi sau đó là 30 bộ tiểu thuyết ra đời trong khoảng thời gian chưa đầy 10 năm (2 bộ "Tiếng khóc chim Đỗ Quyên" và "Con Tử Quy lạc loài" do NXB Văn Nghệ TP. HCM ấn hành; số còn lại hầu hết đều của NXB Đà Nẵng), mỗi bộ 2 quyển, trên dưới 400 trang sách. Số tiền "nhuận bút" 3 triệu đồng mỗi bộ ấy mang lại cho chị một mái nhà khang trang; là năm đứa con, mỗi đứa một nghề tự kiếm sống; là dựng vợ, gả chồng; là cháu nội, cháu ngoại tíu tít quanh bà. Gần đây nhất, năm 2003, chị đã tái bản 4 trong số 30 bộ tiểu thuyết của mình. Riêng năm 2006, ở cái tuổi 68, "gần đất xa trời" chị lại tiếp tục sáng tác (cũng là những câu chuyện tình) và đã cho ra mắt truyện dài có tên "Mình thôi mãi xa".
Có người khắt khe nhận định văn của chị thuộc dạng "Áo bà ba xương sa xương sáo". Cũng phải thôi! "nhà văn lề đường" tất phải viết cho người bán bưng đọc! Nhưng, khoan hãy bàn đến chuyện học thuật! Khoan hãy định danh, định tánh là nhà văn hay chỉ là một kẻ viết lách kiếm tiền (có ai viết văn mà không muốn có tiền từ những trang viết của mình?!). Trong hoàn cảnh của chị lúc bấy giờ, tôi biết chị không thể nào ngồi đó trau chuốt từng câu chữ để có một tác phẩm hoàn toàn ưng ý, trước sự thúc bách của cái cảm giác đói no, không phải của chị (bởi chị đã quen chịu đựng) mà là của những đứa con tội nghiệp. Chị chấp nhận điều đó cho một mục đích khác thiêng liêng (ít ra là đối với một người mẹ - tôi nghĩ vậy), hơn là đôi lời khen chê sáo rỗng. Với chị, cái thiết thực nhất là cơm no áo ấm, là con cái phương trưởng, là niềm vui chia sẻ với bạn bè văn nghệ một bài thơ, đoạn văn vừa viết xong… đã là quá hạnh phúc rồi. Đâu cần phải là "nhà văn lớn" mới hởi lòng, hởi dạ!
Cách đây không lâu (khoảng cuối năm 2005), Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ đã giới thiệu chị trong mục: "Nhân vật buổi sáng" với những lời lẻ trân trọng, như một cách ghi nhận những đóng góp của chị cho cuộc đời. Gần đây nhất chị đã nhận được một trong mười giải đồng hạng do Báo Tuổi trẻ trao trong cuộc thi "Những câu chuyện làm thay đổi cuộc đời tôi" năm 2007.
Khi tôi chuẩn bị đặt dấu chấm hết cho bài bút ký này cũng là lúc chị cầm trên tay ấn phẩm mang tên Nguyễn Thị Thanh Huệ chưa ráo mực. Một tuyển tập văn - thơ do NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành, có cái tên thật lạ "Chim Đỗ Quyên khóc hát".
Phải chăng, chị cũng là một loài chim hoài niệm dĩ vãng đang cất tiếng hót hân hoan trong nước mắt?!
Theo Nguyễn Trung Nguyên (CAND)
Dưới đây là một số tư liệu, chúng tôi sưu tầm được từ trang Văn tuyển về Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Huệ: