Thứ sáu, 26/04/2024,


Nhà văn Hồ Phương: Đời sống quân ngũ giúp tôi tiếp tục cầm bút (28/06/2014) 

 

Nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương


* Phóng viên: Cả cuộc đời gắn bó với quân ngũ, các tác phẩm của ông dù là tiểu thuyết hay truyện ngắn… cũng gắn liền với người lính. Phải chăng nếu không có chiến tranh thì không có nhà văn Hồ Phương?
* Nhà văn HỒ PHƯƠNG: Không, tôi không nghĩ vậy, tôi có thể vẫn là nhà văn nhưng có thể tôi sẽ viết theo trường phái khác chứ không chỉ những tác phẩm mang tính anh hùng ca. Nhưng chính chiến tranh góp phần thổi bùng đóm lửa văn chương trong tôi. Trong thời điểm ấy, người viết cũng có khuynh hướng sáng tác hòa chung với đất nước dân tộc và cũng vì thế mà tôi theo đuổi chủ nghĩa anh hùng ca. Có lẽ chính đời sống quân ngũ, môi trường văn chương quân đội ngót nghét 60 năm đã giúp tôi níu giữ được sự minh mẫn trước tuổi già. Gần đây, khác với quan niệm chỉ thiên về ca ngợi vẻ hoành tráng, đẹp đẽ, mọi thứ cởi mở hơn, quan niệm trong văn học cũng thoáng hơn trước. Đến tận lúc này, tôi vẫn yêu thích dòng chảy này và dường như tôi không viết được những điều đau khổ.
* Tới thời điểm này, nhiều người vẫn cho rằng truyện Cỏ non là viết về hình tượng Hồ Giáo?
* Truyện ngắn Cỏ non là một tác phẩm mang lại nhiều hiểu lầm nhất của tôi trong sự nghiệp cầm bút của mình. Tôi đi đâu, đến bất cứ trường học nào các thầy cô giáo đều xúm lại khen: Nhà văn Hồ Phương viết về anh hùng lao động Hồ Giáo thời kỳ đổi mới hay quá, tài quá. Những lời khen đó làm tôi bất ngờ đến sửng sốt. Tôi nhiều lần nói thẳng với họ rằng thực ra khi viết tác phẩm đó tôi chưa hề gặp và chưa từng nghe nói chuyện về anh Hồ Giáo song người ta lại bảo rằng tôi khiêm tốn.
* Vậy nhân vật Nhẫn chăn bò trong Cỏ non của ông là ai?
* Trong một lần đi thực tế viết về một đơn vị bộ đội đang thời điểm huấn luyện ở Ba Vì tôi có ngồi nghỉ một đồi cỏ tranh, chỗ đó bò rất nhiều. Đang ngồi nghỉ trốn nắng dưới gốc cây ven đường chợt nghe có tiếng người hô rất dứt khoát: Họ… Đứng lại! Đứng. Cái thằng kia, bố láo, vô kỷ luật, đứng lại. Bắn bỏ giờ, đứng lại. Cứ thế tiếng hô cứ lặp đi lặp lại. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ là mấy người trông bò đang nói chuyện với nhau nhưng nhìn quanh chả có ai khác, hóa ra anh ta đang nói chuyện với chính mấy con bò trên đồng cỏ. Anh chăn bò đó quần áo lấm lem, rách rưới, tơi tả… thế nhưng rất yêu đời. Cậu cứ mắng bò xơi xơi. Nhưng lạ thế chứ, lũ bò ấy cứ như hiểu được tiếng người vậy, con bò bị mắng té tát thế là cũng bỏ chỗ cỏ ấy đi ra chỗ khác. Có lẽ đã quen nhau quá - lúc đó tôi nghĩ vậy. Chi tiết ấy khiến tôi thích quá và tôi viết Cỏ non chính là từ những chất liệu ấy. Đó là một đơn vị chăn bò bình thường thôi. Gần đây tôi mới gặp anh Hồ Giáo.
* Trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên, sau hàng chục năm, ông vừa mới trở lại chiến trường năm xưa, cảm xúc của ông thế nào khi được trở về với nơi ấy?
* Cảnh quan thay đổi. Nhiều khách sạn, công trình dân sự, phố xá rộng mênh mông, vì thế những dấu ấn của chiến tranh trở nên nhỏ bé lại. Tôi cảm thấy vô cùng hụt hẫng vì mọi thứ không còn giống như ký ức của mình. Trước kia, đồi A1 trong ký ức của tôi khi đó, là một điểm nóng vô cùng ác liệt, nơi ấy, bao đồng đội đã chiến đấu anh dũng để giành giật từng thước đất. Những nơi xưa kia là đồi trọc với những họng súng đen ngòm nay cây cối mọc lên xanh tốt, dấu ấn của thời gian khó cũng không còn nhiều. Hụt hẫng nhưng cũng vui mừng vì sự sống đã nảy nở và phát triển nhanh chóng trên chính chiến trường bom đạn ngày xưa ấy.
* 60 năm đã trôi qua, nếu viết về Điện Biên thì ông sẽ viết về những kỷ niệm gì, về sự khốc liệt hay lạc quan?
* Sau 60 năm tôi vẫn tiếp tục viết, không phải chạy theo dòng sự kiện giống như báo chí mà bởi văn học là viết về những gì người ta tâm đắc nhất, hiểu biết nhất. Ngày nay người ta chạy theo viết về những câu chuyện tình ái, yêu hay không yêu, lừa nhưng không lừa… Nhưng với tôi, những chuyện về thời chiến tranh vẫn có thể viết tiếp được mà viết vẫn vô cùng rung động.
Đúng là ngày xưa, chúng tôi viết về những người anh hùng hơi tròn quá và nay nghĩ rằng mình phải sửa chữa lại để họ thật hơn. Trước đây mình thường chỉ ca ngợi điểm mạnh và xóa hết những điểm yếu, ở thời điểm đó, việc ấy là cần thiết song giờ đây ta có thể nhìn họ một cách toàn diện hơn. Ở những nhân vật anh hùng đó ta vẫn thấy có những điều ấu trĩ, họ lúng túng không biết nạp đạn ra sao, nhiều người không hề biết bắn… (vì lần đầu tiên được tiếp xúc với những vũ khí mới), nhưng họ là người rất dũng cảm. Tôi sẽ viết về những người anh hùng như chính họ có mà không hề tô vẽ. Điều này không đồng nghĩa với xu hướng phủ nhận hoàn toàn quá khứ như một số người hiện đang theo đuổi. Nhiều người phủ nhận hoàn toàn quá khứ khi cho rằng chiến thắng là do ăn may, làm ăn kinh doanh giỏi là do lừa đảo hay nghệ thuật chỉ toàn của dởm… Chúng tôi coi thường những cách nghĩ, cách viết như thế.
* Cảm ơn nhà văn!


Theo VNQĐ

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: