Thứ năm, 25/04/2024,


Chuyện Nhà thơ Tạ Vũ cho bạn vé tàu về quê (13/01/2009) 

 

Hồn nhiên đến mức không thể từ chối “lời mời” khoáng đạt đó. Chẳng đi đâu xa, vài bước chân ra khỏi báo Văn Nghệ đã có một quán bia hơi rồi. Ba chúng tôi và Tạ Vũ hôm đó say một bữa túy lúy. Say đến tận bây giờ vì sự hồn nhiên đáng yêu của một nhà thơ vốn làm thợ sơn vôi. Nhưng nhớ nhất là câu: “Vé tàu đi Thái Nguyên một đồng hai một vé phải không. Đây cho chúng mày mỗi đứa một vé…”.

 

Hôm đó trời rét lắm, chẳng biết hứng thú gì mà chúng tôi: Trịnh Thanh Sơn, Chu Hồng Hải và Nguyễn Đức Thiện kéo nhau ra tàu đi Hà Nội.

Chỉ có một cái cớ nhỏ: Tôi có cái truyện ngắn BÁC GOÒNG in trên báo Văn Nghệ. Sơn và Hải rủ tôi đi lấy nhuận bút. Thực ra cần gì phải đi. Báo gửi nhuận bút theo đường bưu điện, ra nhận, chẳng mất xu nào cả. Nhưng hứng chí, thì đi. Vét trong túi được ba đồng sáu (tiền lúc bấy giờ) mua vé tàu, còn thừa được năm hào, mua một ấm chè bỏ túi làm “lộ phí”.

Nửa đêm, đến ga Hàng Cỏ. Ba thằng lơ ngơ chưa biết ghé đâu. Chu Hồng Hải chợt reo lên: Đến nhà Tạ Vũ. Chu Hồng Hải lúc đó đã có chút tên nhưng xét về tuổi tác anh chỉ là đàn em của tôi và Sơn. Anh đi học bồi dưỡng viết văn ở Quảng Bá quen thân với khá nhiều anh em văn chương trong nước.

Chúng tôi cuốc bộ từ ga Hàng Cỏ về đến nhà anh Tạ Vũ thì đã gần sáng. Gõ cửa…

Tiếng Tạ Vũ: “Đứa nào thế?”. “Dạ em, Chu Hồng Hải ở Thái Nguyên đây. Mở cửa đi anh, rét lắm rồi”.

Tạ Vũ mở cửa. Trên người anh khoác một tấm chăn chiên. Anh thận trọng đặt lên bếp dầu một ấm nước nhỏ. Nước sôi, anh mới hỏi: “Chúng mày từ Thái Nguyên xuống thì chè đâu. Mà sao đông thế? Những đứa nào thế này?”.

Hải mau mắn móc từ trong túi quần ra gói chè năm hào và giới thiệu chúng tôi. Tạ Vũ gật gù: “Rồi, tao biết hết rồi. Thằng Sơn “CÚC BÁCH NHẬT”(1), thằng Thiện BÁC GOÒNG(2), tao mới đọc đây. Thế là quen tất”.

Ấm chè được mang ra. Chị Điều vợ anh thấy ồn ào cũng lồm cồm bò dậy. Nhà anh chật ních. Những ba thằng đến quấy thì ai mà còn ngủ được. Nhấp một ngụm chè, anh bắt đầu vào chuyện mà chẳng cần hỏi chúng tôi đi đâu, làm gì. Mà chuyện cũng chẳng nhiều, anh đọc thơ. Những bài thơ lổn nhổn không khí công trường nơi anh đã từng làm việc.

Anh bỗng cao hứng: “Các cậu nên nhớ, chúng ta là á thánh, biết không? Tức là trên người một chút, dưới thánh một chút biết chưa? Thì chúng ta biết làm thơ còn nhiều người không làm được, nhưng cả đời ta chỉ đứng dưới mặt đất không bay lên được, ôi dài dòng quá. Mà các cậu có việc gì ở Hà Nội không? Đến báo Văn Nghệ hả? Được, mai sẽ lấy xe đạp của chị Điều các cậu, xe của cái Trang, xe của tớ nữa, đèo các cậu đi”.

Phải năn nỉ mãi anh mới đồng ý để chúng tôi cuốc bộ ra phố Bạch Mai đón tàu điện. Anh lại đọc thơ. Nhưng anh bỗng ngưng lại chỉ chị Điều: “Các cậu phải biết, không có bà này tớ không biết làm sao mà làm thơ được nữa. Suốt ngày bà ấy ngồi cuốn thuốc lá mà nuôi tớ làm thơ, nuôi con đi học. Lương tớ, thợ sơn vôi, mấy đồng?”.

Anh bảo, phải gọi anh là thợ sơn vôi cho nó oách, còn nói thợ quét vôi thì chả ra làm sao cả (!). Chị Điều ngước nhìn chồng vẻ thách thức: “Anh tưởng chỉ anh biết làm thơ thôi hả?”.

Nghe thế, Tạ Vũ rên rẩm: “Thôi mà em ơi, nhà mình một anh làm thơ đã nghèo rồi, em mà làm thơ nữa thì nghèo chết đó”. Anh nói thế vì lúc đó chị Nguyễn Thị Điều, vợ anh không chỉ đã có thơ in chung với chồng mà còn có cả một tập thơ riêng nữa.

Sáng ra, chẳng ngủ được tiếng nào, chúng tôi lên tàu điện ghé lên báo Văn Nghệ. Không dè, anh Tạ Vũ đã lên đó rồi. Tôi vào làm thủ tục nhận nhuận bút, hình như nhuận bút lúc đó là tám đồng hay mươi đồng gì đó cho một truyện ngắn.

Vừa bước chân ra Tạ Vũ đã kéo chúng tôi lại: “Nhận nhuận bút rồi hả. Đưa tớ quản lý cho. Hà Nội kẻ cắp nhiều lắm, hớ hênh nó lấy hết, không có tiền mà về Thái Nguyên đâu”.

Tôi cười, đưa hết cho anh. Có giữ thì lát nữa cũng làm một trận nhậu là hết chứ gì. Vừa cầm tiền trên tay, Tạ Vũ vừa nói: “Vé tàu Hà Nội - Thái Nguyên một đồng hai một đứa phải không. Đây cho chúng mày mỗi đứa một vé tàu. Còn lại đi uống bia”.

Anh hồn nhiên đến mức không thể từ chối “lời mời” khoáng đạt đó. Chẳng đi đâu xa, vài bước chân ra khỏi báo Văn Nghệ đã có một quán bia hơi rồi. Ba chúng tôi và Tạ Vũ hôm đó say một bữa túy lúy. Say đến tận bây giờ vì sự hồn nhiên đáng yêu của một nhà thơ vốn làm thợ sơn vôi. Nhưng nhớ nhất là câu: “Vé tàu đi Thái Nguyên một đồng hai một vé phải không. Đây cho chúng mày mỗi đứa một vé…”.

Hôm đi dự Đại hội nhà văn lần thứ 7, anh đến tìm tôi đúng ngày liên hoan bế mạc. Anh em gặp nhau mừng tíu tít. Hơn 70 tuổi rồi anh uống vẫn như ngày xưa, say tít như ngày xưa và cười vui như ngày xưa. Tất cả làm cho tôi nhớ đến một đêm rét căm căm 30 năm về trước.

 

(1) Tên một truyện ngắn của Trịnh Thanh Sơn

(2) Tên một truyện ngắn của Nguyễn Đức Thiện.

 

Nguyễn Đức Thiện

(Nguồn: Tiền Phong)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: