Thứ sáu, 19/04/2024,


Nhà thơ Tân Linh: Bảy ngày đêm và một ngàn câu thơ trên giường bệnh (19/06/2014) 

Nhà thơ Tân Linh tên thật là Phạm Quang Tính, quê quán: Thôn Tân Trại thượng, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Anh đã có những năm tháng đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, đã từng làm nhiều nghề khác nhau trước khi trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Hiện nay anh sống và viết tại Hà Nội, làm việc tại báo Văn Hóa – Bộ VHTT&DL; hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Tân Linh miệt mài viết từ những năm 1970, với nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, bút ký chân dung… Trong 2 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, anh đã liên tiếp cho ra đời 3 tập sách.

Sáng ngày 18-6-2014, tại phòng họp nhỏ của Trung tâm triển lãm Vân Hồ (Hà Nội) rất đông văn nghệ sĩ và báo chí thủ đô đã có mặt để chứng kiến một sự kiện cảm động: Lễ ra mắt tập sách thứ ba của nhà báo, nhà thơ Tân Linh: Trường ca “Hiền Lương bảy nhịp”. Điều đặc biệt là anh đã viết trường ca gần một ngàn câu thơ này trong 7 ngày đêm trên giường bệnh, khi vừa qua phẫu thuật. Trong cuộc chiến sinh tử với số phận, Tân Linh đã nhờ có thơ, dựa vào thơ mà vững vàng hơn. Ai gặp anh cũng ngạc nhiên khi thấy nụ cười trên môi và tóc đã bắt đầu mọc trở lại. Dường như sự kỳ diệu trong cuộc sống với nhà thơ Tân Linh mới chỉ bắt đầu...

Lục Bát Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tâm sự “Tôi viết trường ca Hiền Lương bảy nhịp” của tác giả Tân Linh, đồng thời, giới thiệu một chùm thơ Lục Bát của anh.

 

 

Nhà thơ Tân Linh tâm sự trong buổi giới thiệu "Hiền Lương bảy nhịp"

...Tôi sinh ra cạnh dòng Bến Hải, bên cầu Hiền Lương. Tuổi thơ tôi ám ảnh nỗi đau chia cắt, khi mỗi ngày lễ Tết, người hai bờ về đầu cầu ngóng sang nhau vẫy tay sang nhau và có người gào khóc vì nhớ thương... Trải nghiệm của tôi đầu đời là tôi muốn chạy lên cầu, dẫm đạp lên hàng ván thông và nhìn tận mặt các viên cảnh sát bờ Nam. Rồi chiến tranh bùng lan rộng. Đến lượt chúng tôi vô chiến trường và hôm nay khi đất nước kỷ niệm 60 năm ngày Hiệp nghị Genève chia cắt đát nước làm đôi miền và cũng là ngày bắt đầu cho một cuộc trường chinh dằng dặc hai mươi mốt năm cả đất nước đứng lên làm cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại giải phóng miền Nam, Thống nhất Tổ quốc tôi may mắn sòn sống sót trở về, để được viết gần nghìn câu thơ về Hiền Lương thân yêu. 

Khởi đầu câu chuyện viết Trường ca là cuộc gặp với anh Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Hôm ấy tôi hồn nhiên đến phòng anh Hữu Thỉnh với cái đầu trọc lóc để "tuyến bố" với anh là tôi sẽ viết một trường ca về Hiền Lương nhân 60 năm đất nước chia cắt (1954 - 2014). Anh Thỉnh bước ra hỏi han một hồi, rồi khi biết tôi đang trọng bệnh, anh ôm lấy đầu tôi: "Tội nghiệp chú em. Thương quá". Rồi ghé mắt: "Nhưng mũi cao thế kia, mắt sáng, tai to thế kia, chưa chết được đâu". Trong câu chuyện khi tôi ngỏ ý muôn viết trường ca về Hiền Lương, anh Hữu Thỉnh ồ lên vui sướng: "Viết đi, ý tưởng hay lắm, lịch sử và ý nghĩa lắm...". Vậy là tôi về nung nấu viết một cái gì về Hiền Lương…

Nhưng rồi căn bệnh K quái ác chạy lên não, tôi phải sang bệnh viện Bạch Mai xạ phẫu. Bác sĩ bảo mổ xong có thể có biến chứng, có người bị liệt, có người bị đơ.... dù xác suất thấp. Mổ xong, thấy đầu chưa... có vấn đề gì tôi nghĩ ngay đến chuyện viết trường ca, sợ biến chứng hoặc làm sao đó, hoặc bị... đơ như cảnh báo coi như... hết chuyện. Vậy là với một tập giấy lịch cũ, một cây bút bi, tôi nằm viết trên giường bệnh viện. Gần nghìn câu thơ về Hiền Lương ra đời... Ký ức ùa về, trong vài đêm đã có gần ngàn câu thơ được viết ra.

Sáu mươi năm rồi, hình ảnh cây cầu và dòng sông chia cắt cứ ảm ảnh tôi như vậy. Ngày ấy mỗi lần lễ ngày Tết tôi lên cầu Hiền Lương để xem bà con đôi bờ về bên sông làm cuộc "sum họp" tưởng tượng qua mắt nhìn xa xăm. Những cái loa phóng thanh cực đại phát “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Tình trong lá thiếp”, và sau đó là “Xa Khơi”... Những câu hát xoáy vào lòng đứa trẻ như tôi nỗi niềm Nam Bắc chia lìa khát khao sum họp. Và cột cờ Hiền Lương cao ngất phần phật tung bay lá cờ đỏ sao vàng rộng hàng trăm mét vuông gợi niềm kiêu hãnh tự hào để bà con bên bờ Nam hướng lòng mình về Bắc mà tin tưởng ngày thống nhất non sông... 

 Lúc đầu tập thơ có gần 1000 câu. Nhưng sau đó đọc đi đọc lại, tôi thấy chán cả... câu chữ mình. Nhà báo - nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa - TBT tạp chí Văn hiến Việt Nam nhận biên tập và in giúp. Lúc gọi vô cho "Vua trường ca" Thanh Thảo ở Quảng Ngãi, anh Thảo nhận lời viết giới thiệu. Nhưng anh Thanh Thảo không chỉ viết tựa cho sách mà còn biên tập hộ tôi. Anh lại còn ra Hà Nội lo tiền in giúp tôi nữa. Thật hiếm có một người có tấm lòng rộng mở với đàn em và tận tuỵ với chữ nghĩa, văn chương như vậy.

Vậy là tập thơ nhỏ này có những nhà thơ lớn khích lệ, giúp đỡ, ủng hộ. Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Thanh Thảo đều là lớp đàn anh của tôi. Âu là nhờ duyên Phật. Hữu Thỉnh quê Bắc, còn Thanh Thảo người miền Nam tập kết  và cả hai anh đã từng là những người lính vệ quốc như thơ Thanh Thảo từng viết: Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình /Tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc" (Những người đi tới biển - Thanh Thảo). Còn Hữu Thỉnh luôn thao thức: Trời ơi nếu kẻ thù chiếm được/ Chỉ một gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằn/ Tổ quốc sẽ ra sao, Tổ quốc? (Đường tới thành phố).

 Họ là người trong cuộc, từng ra trận, từng đi qua cuộc chiến lâu dài ấy và bằng trải nghiệm cá nhân, các anh đã viết và đã thành danh trên thi đàn. Anh Hữu Thỉnh và Thanh Thảo đều có những trường ca rất hay về thời đại, về đất nước... Học cách các anh, tôi liều thử sức mình viết bằng tâm can câu chuyện về đất nước một thời oanh liệt nhưng đau thương ấy trên dòng sông và cây cầu lịch sử...   

 

 

Từ trái qua: Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (tác giả của những ca khúc nổi tiếng: "Xa khơi", "Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó"...), Nhà thơ Đặng Vương Hưng và Nhà thơ Vương Trọng tại buổi giới thiệu Trường ca "Hiền Lường bảy nhịp" của Tân Linh

 

Lão nghệ sĩ Văn Hanh (88 tuổi, nguyên ca sĩ của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam) người đầu tiên thể hiện ca khúc nổi tiếng "Câu hò bên bờ Hiền Lương" của Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tiết lộ nhiều chi tiết cảm động về ca khúc này trong buổi ra mắt Trường ca "Hiền Lương bảy nhịp"

 

NHỚ ÔNG GIÀ NAM BỘ

(Kính tặng nhà văn Sơn Nam)


Nhớ người gom chuyện miệt vườn

Gom hồn quê tự bưng biền, cô thôn

Một đời nặng nợ áo cơm

Mà như hảo hớn mà luôn bông đùa

 

Ông là người của ngàn xưa

Xa sông rạch - gặp nắng mưa thị thành

Đời như một chấm lục bình

Nhớ miền cố thổ nặng tình phương nam

 

Cửu Long nắng gió ngút ngàn

Ông là tượng đá Phù Nam trầm buồn

Bỗng như giọt nước lìa nguồn

Nghe hơi vọng cổ vít hồn cố nhân...

 
 

BÙI GIÁNG

 

Một trần ai giữa trần gian

Yêu tràn nước mắt cười tan nỗi người

Tóc râu cỏ rác tơi bời

Phiêu diêu bước hẫng qua đời phù du

Nỗi niềm nào cũng thành thơ

Khóc cười nhân thế bây giờ Rong rêu

 
 

TRƯỚC NGỒI ĐỀN TÌNH YÊU

 

Chuyện ngày xưa có hai người

Vượt lên ngang trái cuộc đời, vì nhau

Tình yêu có lỗi gì đâu

Mà sao nhân loại khổ đau thật nhiều

 

Trước ngôi đền thờ Tình Yêu

Nhân gian đến lễ bao nhiêu năm rồi.

Người ta khấn vái hai Ngài

Cho tôi vái cả... những người đang yêu

 

Rồi tôi xin... mỗi một điều

Người tôi yêu, bỗng một chiều...gọi tôi

Chuyện tình xưa, hoá đền đài

Tôi nay lạc ở bên ngoài cõi thiêng

 

Ghi ở đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung

Tân Linh

 

                                     

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: