Thứ sáu, 26/04/2024,


Phát hiện một Họa sĩ gần 80 tuổi với hàng trăm tác phẩm vô giá! (04/06/2014) 
Cuốn sách tranh khổ lớn “Khoảnh khắc chiến trường” do NXB CAND vừa ấn hành có thể là một trong những phát hiện lớn nhất của Mỹ thuật Việt Nam trong năm 2014. Đó là hơn 400 tác phẩm tranh cổ động, ký họa chân dung và tranh phong cảnh của Đại tá CAND Lương Mạnh Tâm, nguyên cán bộ An ninh Trung ương Cục Miền Nam...
Chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về phát hiện mới nêu trên qua bài viết đề dẫn tác giả và tác phẩm của Nhà thơ Đặng Vương Hưng.
 
Bìa tập sách "Khoảnh khắc chiến trường" do Nhà thơ Đặng Vương Hưng viết lời tựa
 
Hé lộ đôi nét về một Họa sĩ già còn ẩn danh
Ông Lương Mạnh Tâm sinh năm 1937 tại Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, trong một gia đình có cha làm công nhân thợ máy cần cù còn mẹ tần tảo với những gánh hàng xén bán ở chợ sớm tối. Nghĩa là cậu bé Tâm không phải là người được sinh ra và nuôi dưỡng trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cũng như bao đứa trẻ thời đó, tuổi thơ của cậu bé in hằn ký ức về những tháng ngày chiến tranh ác liệt. Năm lên 8 tuổi (1945), Lương Mạnh Tâm cùng gia đình tản cư lên huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Và đây chính là nơi đã cho cậu bé mối duyên gặp gỡ với những người thầy dạy vẽ để bắt đầu kết thân với “nghề” vẽ tranh.
Kể về thời gian đặc biệt ấy, giọng người cựu cán bộ Công an đã gần 80 tuổi bỗng trở nên hào hứng: “Khi tản cư từ Hải Phòng lên Thái Nguyên, tôi được học ở trường Hàn Thuyên (huyện Phú Bình), hồi đó tôi mới bắt đầu ê a học chữ. Rồi một lần, tình cờ gặp cụ giáo tên Châu, là người vẽ rất đẹp, nhìn tranh cụ vẽ tôi thích lắm, thế là xin cụ dạy vẽ cho. Sau đó, có thêm cụ giáo Tiện dạy nữa. Có thể nói, chính hai cụ là người đã truyền cảm hứng hội họa cho tôi.”
Đam mê với bút chì và giấy vẽ từ thuở ấy, nhưng điều kiện chiến tranh khốc liệt không cho phép Lương Mạnh Tâm đi học trường mỹ thuật. Năm 1953, chàng thanh niên ấy đã theo tiếng gọi của non sông lên đường nhập ngũ đánh giặc với tình yêu Tổ quốc sâu đậm, rồi sau này được chuyển ngành sang lực lượng Công an...
Nằm ẩn mình trên một con phố nhỏ, đường Lê Đại Hành nối dài (nhiều người vẫn quen gọi là “Ngõ Vân Hồ 2”) bên cạnh Trường Tiểu học Tây Sơn, thuộc quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, số 59 là ngôi nhà cũ kỹ, khiêm nhường của một đôi vợ chồng già, đều là Công an hưu trí, đã sống ở đây tới hơn nửa thế kỷ. Nhưng hàng xóm rất ít người biết ông Lương Mạnh Tâm nguyên là Trưởng phòng Cảnh sát Khu vực và Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, thuộc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an; nguyên cán bộ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Từng nhiều năm sống và chiến đấu tại chiến trường, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ gian khổ và ác liệt nhất; từng vinh dự được tham gia xây dựng tờ “Tin An ninh nhân dân giải phóng miền Nam” (1970 - 1971); với tư cách là một Họa sĩ chiến trường, ông Lương Mạnh Tâm đã vẽ hàng ngàn bức ký họa...
Trở thành họa sĩ do yêu cầu của... Cách mạng
Cuộc sống chiến đấu tất bật, bộn bề những tưởng niềm đam mê vẽ tranh bị vùi vào quên lãng thì trong thời gian công tác tại Hà Nội (khoảng năm 1966), ông đã may mắn được gặp Họa sỹ Vũ Văn Thu và được người Họa sỹ tài hoa này truyền dạy những kỹ năng vẽ tranh, đặc biệt là tranh ký họa. Ông có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về màu sắc, chất liệu, kỹ thuật và dần định hình phong cách của riêng mình. “Thời đó, công việc bận rộn và điều kiện chiến tranh nên rất khó khăn, vì vậy, tranh thủ thời gian rảnh là tôi lại tìm đến Họa sỹ Vũ Văn Thu để học vẽ. Có khi cả tháng mới được gặp và học cụ một lần nhưng với tôi đó chính là những khoảng thời gian hạnh phúc vì mình được cầm bút và thăng hoa trí tưởng tượng trên những trang giấy. Niềm yêu thích vẽ tranh càng ăn sâu vào trong máu của tôi hơn” – Ông nhớ lại và chia sẻ.
Những năm tháng chiến trường miềm Nam gian khổ ác liệt là thế, mà Lương Mạnh Tâm vẫn miệt mài đam mê vẽ ký họa. Số tranh ông vẽ cũng phải đến hàng ngàn bức lớn nhỏ, nhưng hiện tại chỉ còn giữ được khoảng hơn 400 bức. Ngắm nhìn “gia tài” những bức tranh ký họa còn được lưu giữ đến ngày nay của ông thì chắc hẳn ai cũng sẽ trầm trồ thán phục. Những hình ảnh sống động, chân thực về cuộc sống, con người trong thời chiến được thể hiện qua từng nét vẽ tài hoa, gợi lên cho người xem về vẻ đẹp bình dị, hồn hậu trong tâm hồn của người Chiến sỹ và Nghệ sỹ; đó là những sự kiện, nhân chứng tiêu biểu của một thời hào hùng, dưới góc nhìn của một cán bộ Công an nhân dân.
Kể về từng bức tranh, Lương Mạnh Tâm vẫn nhớ như in thời điểm và cảm hứng sáng tác, giọng của ông không giấu được niềm xúc động xen lẫn tự hào. Bởi đó là những tác phẩm chân thực nhất minh chứng cho một thời trận mạc máu lửa, oai hùng và cho cả trái tim sôi sục tuổi trẻ đầy phấn khích của ông. Hai bức tranh chân dung ký họa đầu tiên ông vẽ vào năm 1967, khi đó ông được điều động chi viện cho chiến trường B và công tác tại Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam với nhiệm vụ chính là làm công tác tuyên huấn. Sau trận đánh ác liệt Junction City, chị Hồng Thanh và anh Sơn (Tức Sơn Cụt) – cùng đơn vị với ông được phong danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” bởi có nhiều chiến công hiển hách. “Khi chứng kiến giây phút đồng đội của mình được nhận danh hiệu cao quý ấy, tôi cảm nhận trái tim của mình rất rạo rực và mong muốn ghi lại ngay hình ảnh này. Mặc dù, đích thân mình đã chụp ảnh rồi nhưng hình như mình thấy vẫn chưa thỏa mãn. Và ngay sau đó, tôi đã cầm bút vẽ rất nhanh chân dung của hai người  bằng tất cả tấm lòng cảm phục và sự mến mộ” –  Người họa sĩ già thổ lộ.
Trong nét vẽ có cả mồ hôi và máu xương đồng đội
Họa sĩ chiến trường Lương Mạnh Tâm quan niệm rằng: Vẽ không chỉ đơn thuần là một niềm đam mê mà đó còn là cách thức để ghi lại những kỷ vật, con người thời chiến. Từng bức tranh như từng dòng nhật ký sống động, chân thực và sắc nét, có bức thì ghi lại đêm hội diễn văn nghệ đầy say mê, bức thì mô tả cảnh đẹp của miền quê hồn hậu, bức thì thể hiện tinh thần chiến đấu đánh biệt kích của quân và dân ta… Để bây giờ ngắm lại, từng kỷ niệm ngày xưa ùa về và thổn thức, ông như vẫn đang cảm nhận từng giọt mồ hôi mặn chát, từng lời nói ấm áp của đồng đội, tiếng hát cao vút bay xa… hay cả những giọt nước mắt mất mắt đau thương... 
Trong thời gian ông công tác tại Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Lương Mạnh Tâm còn được tham gia xây dựng Tờ Tin “An ninh giải phóng miền Nam Việt Nam” mà người phụ trách là đồng chí Tám Đào, dưới sự chỉ đạo của Đồng chí Hải An – Phụ trách Ban Tuyên huấn. Dưới mưa bom, bão đạn, không ngại khó khăn, ông cùng động đội đã ngày đêm cập nhật tin tức, viết, vẽ rồi in bằng phương pháp thủ công. Điều đặc biệt là ông chính là người vẽ toàn bộ hình ảnh minh họa cho tờ tin đó.
Người cựu chiến binh đã nhớ lại và kể: “Thời đó, làm gì có máy in như bây giờ, bản in bằng tay rất thô sơ, nên ảnh chụp không thể in lên trang báo được, vì vậy bắt buộc phải tự vẽ rồi in ra. Tờ tin phát hành được 15 số trong vòng hai năm, những bức tranh của tờ tin đều do tôi vẽ hết. Khi được vẽ tranh để tuyên truyền, cổ động cho từng hoạt động, chiến công của lực lượng An ninh miền Nam thì tự mình đã thấy rất tự hào rồi. Nên mình phải vẽ làm sao để truyền tải hết được nội dung và tinh thần để cổ vũ chiến đấu cho toàn lực lượng mới là điều quan trọng” – Có lẽ vì “sứ mệnh” đầy tự hào ấy mà mỗi lần nhắc đến thời kỳ hoạt động tại chiến trường miền Nam, giọng nói của ông trở nên đầy say mê và hào sảng.
Gia tài là hàng trăm bức tranh vẽ ở chiến trường
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia tài của CCB Lương Mạnh Tâm mang về quê là chiếc ba lô với một số tư trang cũ, giá trị nhất là chiếc giá vẽ và hơn 400 tác phẩm hội họa do mình sáng tác trong thời gian ở chiến trường...
Năm 1970, Lương Mạnh Tâm được điều động công tác ở nhiều nơi như: Khu căn cứ Tây Ninh (vẫn thuộc Ban An ninh Trung ương Cục), Campuchia, Ban Liên lạc giao liên Z28 Bình Phước, Sài Gòn… Đến năm 1976, ông được chuyển về công tác tại Cục Cảnh sát Quản lý hành chính, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an. Đi nhiều nơi, được gặp gỡ nhiều người ông và biết đến nhiều cảnh đẹp, tranh vẽ của ông trong thời kỳ này chủ yếu diễn tả niềm vui chiến thắng và những nét đẹp của từng miền đất nơi ông đi qua.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người cựu sĩ quan Công an chuyên tâm vào công việc đơn vị và dành thời gian nghỉ ngơi chăm lo bù đắp cho gia đình. Hơn nữa, với người mang tâm thế của người lính trở về từ chiến trường ác liệt, thì những mảnh đời, những số phận, những chiến công vang dội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước mới chính là nguồn cảm hứng thôi thúc ông cầm bút và sáng tác.
Nếu đem ghép lại theo thời gian năm tháng, thì những tác phẩm của Lương Mạnh Tâm cũng gần như một cuốn nhật ký bằng tranh, phản ánh chân thật nhất mọi cung bậc cảm xúc của một người lính - nghệ sĩ sống, chiến đấu và sẵn sàng hi sinh vì một lý tưởng cao đẹp. Có lẽ tính chân thật, bình dị và cả tâm hồn của người nghệ sỹ làm nên nó đã khiến chúng ta thấy được sự gần gũi, thân thương và trở thành tài sản tinh thần vô giá cho hôm nay và mai sau.
Niềm vui đất nước thống nhất, được trở về nhà gặp lại những người thân yêu và thực hiện nhiệm vụ mới do cấp trên giao... đã khiến ông Lương Mạnh Tâm tạm gác lại đam mê hội họa. Hàng trăm tác phẩm được người họa sĩ già cất giữ trên nóc tủ tưởng chừng như đã “ngủ quên” gần 40 năm nay... Vậy chúng đã được phát hiện và “đánh thức” như thế nào?
Nhưng những tác phẩm hội họa kể trên sẽ “mãi mãi ngủ yên”, nếu như không có Cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền Kỷ vật lịch sử công an nhân dân”. Lúc đầu, Đại tá Lương Mạnh Tâm chỉ có ý định ủng hộ Ban tổ chức Cuộc vận động một số bức ảnh mà ông chụp tại chiến trường, được coi là các kỷ vật lịch sử Công an. Khi các nhân viên của Bảo tàng Công an đến nhà tiếp nhận, họ phát hiện ra chiếc giá vẽ mang từ chiến trường ra và người họa sĩ già cũng đồng ý hiến tặng luôn. Có giá vẽ thì tất nhiên là phải có tranh... như chợt nhớ ra và Đại tá Lương Mạnh Tâm bảo: “Còn mấy trăm bức tranh cũ nữa, vẽ lâu lắm rồi, nhiều bức đã rách nát, tôi đang để trên nóc tủ ấy, chẳng biết Ban tổ chức có cần không?”.
Các nhân viên Bảo tàng Công an xem qua và xin được tiếp nhận luôn.
Có lẽ số phận của những tác phẩm hội họa của Lương Mạnh Tâm sẽ dừng lại là “Kỷ vật bảo tàng” nếu không được những chuyên gia phát hiện, “đánh thức và thổi hồn” cho chúng “sống lại”...
 
Từ trái qua: Nhà thơ Đặng Vương Hưng và Họa sĩ Lương Mạnh Tâm
 
Việc phát hiện và “đánh thức” như thế nào?
Hơn 400 bức tranh còn lại, với Họa sĩ chiến trường Lương Mạnh Tâm, là cả phần đời tuổi trẻ đầy đam mê và nhiệt huyết của ông và thế hệ những cán bộ Công an tăng cường cho chiến trường miền Nam. Sau khi người cựu sĩ quan Công an đã quyết định hiến tặng toàn bộ số tranh ấy cho Ban Tổ chức Cuộc vận động Sưu tầm và Tuyên truyền lịch sử Công an nhân dân (2012 - 2015), để lưu giữ cho các thế hệ mai sau cùng thưởng thức.
Họa sĩ chiến trường Nguyễn Lương Tâm đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Người đảng viên 50 năm tuổi Đảng ấy tâm niệm: Những bức tranh là do ông vẽ nhưng những hình ảnh trong đó lại là một phần trong truyền thống lịch sử của lực lượng Công an và là hơi thở cuộc sống của cả dân tộc. Hơn nữa, ông cũng không có điều kiện bảo quản để có thể giữ gìn được toàn bộ những bức tranh đó còn nguyên vẹn, nên chỉ có mong muốn giản dị: Có thể đóng góp thêm cho kho tàng lịch sử Công an những hiện vật, bằng chứng cụ thể về các nhân vật, sự kiện lịch sử và góp phần để thế hệ trẻ ngày nay hiểu hơn về thời kỳ chiến đấu oai hùng của một thế hệ Công an nhân dân đã luôn “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Vào một ngày đẹp trời cuối năm 2013, thông qua họa sĩ Nghiêm Xuân Thành, chúng tôi đã mời một nghệ nhân chụp ảnh nổi tiếng của làng Lai Xá đến Bảo tàng CAND... Ông mang theo một chiếc máy kỹ thuật số nhà nghề. Với sự trợ giúp của hai thạc sĩ văn chương, đồng thời cũng là biên tập viên của cuốn sách: Đinh Đức Long và Nguyễn Thy Huyền, người nghệ nhân đã mất hàng chục giờ đồng hồ để chụp hơn 400 file ảnh mầu, chất lượng cao...
Lần đầu tiên tiếp xúc với những tác phẩm của Đại tá Lương Mạnh Tâm, dù không am hiểu nhiều về hội họa, nhưng linh cảm nghề nghiệp mách bảo rằng chúng tôi đang không chỉ làm một cuốn sách ảnh và tranh thông thường. Cần phải cố gắng thể hiện một điều gì đó lớn hơn, bằng kinh nghiệm truyền thông, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Tôi thấy cần thiết phải có một bài viết đề dẫn cho tác giả và tác phẩm để định hướng dư luận. Đặc biệt, là cần phải tìm cách khẳng định tư cách Họa sĩ cho Đại tá Lương Mạnh Tâm. Phần khai thác thu thập tư liệu cho bài đề dẫn, tôi đã nhờ bạn Ánh Điệp, người cộng tác với tôi như một Trợ lý báo chí. Còn phần khẳng định tư cách Họa sĩ, không còn cách nào hay hơn là chúng tôi tìm đến Hội Mỹ thuật Việt Nam...
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: Đại tá Lương Mạnh Tâm là một Họa sĩ!
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam sau khi xem những tác phẩm của Đại tá Lương Mạnh Tâm, đã rất ngạc nhiên và khẳng định:Những người làm nghề ở Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ sự trân trọng những bức vẽ có trong cuốn sách này. Bởi đây không chỉ là những bức tranh với màu sắc và vô vàn những cung bậc của cảm xúc; mà còn là lắng đọng cả phần đời tuổi trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết của Lương Mạnh Tâm và thế hệ những cán bộ Công an tăng cường cho chiến trường miền Nam - Đó thật sự là những tài sản tinh thần vô giá đáng trân trọng, ngưỡng mộ, cần được lưu giữ và bảo tồn.
Vậy làm cách nào để xác định tư cách Họa sĩ cho Đại tá Lương Mạnh Tâm? Chủ tịch Hội Mỹ thuật cho hay: Hoạ sĩ là danh xưng của những người có khả năng và trực tiếp sáng tác các tác phẩm hội hoạ. Trong thực tế, các cuộc Kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, có nhiều người chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một hoạ sĩ, bởi còn khát vọng chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước, nhưng với tài hoa của sẵn có, với nhiệt huyết sáng tạo hội hoạ để lại cho đời. Tự minh chứng bằng những tác phẩm đã một cách tự nhiên thành họa sĩ và ông Lương Mạnh Tâm là một người như thế. Tác phẩm của ông xứng đáng được lưu giữ, khiến không chỉ chúng ta hôm nay, mà các thế hệ sau cũng phải cảm phục khi xem chúng.
Và vì thế, dù chưa phải Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hoặc Hội viên Hội Văn học nghệ thuật của một địa phương nào, nhưng cá nhân tôi tin rằng: Đại tá Lương Mạnh Tâm thực sự là một Họa sĩ của chiến trường! Chắc chắn đã từ lâu, những đồng đội cùng chiến đấu với ông, nhân dân nơi ông từng chiến đấu, công tác - Những người có dịp thưởng thức hàng trăm tác phẩm hội họa độc đáo này, cũng đã tôn vinh Lương Mạnh Tâm danh xưng cao quý: Họa sĩ chiến trường!
Xét về chuyên môn và nghề nghiệp, Họa sĩ Trần Khánh Chương còn bày tỏ sự thán phục: “Dù không được học hành một cách bài bản ở trường mỹ thuật nhưng những nét vẽ của Lương Mạnh Tâm lại khá sắc sảo và chắc tay. Đặc biệt là ở mảng tranh ký hoạ chân dung, Lương Mạnh Tâm đã phác thảo nên những gương mặt rất sinh động, có hồn, gợi cảm và mềm mại. Nhìn qua bức vẽ chì ấy, tưởng như nó đơn giản nhưng cần sự quan sát tỉ mỉ và say nghề. Không phải cứ tranh vẽ đầy màu sắc sặc sỡ mới thu hút người xem mà chính ở những bức tranh vẽ bằng chì này lại có sự ma mị đầy huyền bí kì lạ... Điều đó đã khẳng định cái tài, cái nghiệp trong con người Họa sĩ - Chiến sĩ Lương Mạnh Tâm”.

Hà Nội, Giáp Ngọ - 2014
Nhà thơ ĐẶNG VƯƠNG HƯNG
                                

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần Thị Thanh Liêm - thanhliemdainam@yahoo.com - 0987641698 - Ngành tiếng Trung Đại học Đại Nam 56 Vũ Trọng Phụng Hà Nội  (Ngày 06/06/2014 3:20:40)

Cảm ơn HS Lương Mạnh Tâm, cảm ơn nhà văn Đặng Vương Hưng rất nhiều!
Trân trọng!
TTTL

Các bài khác: