Thứ năm, 09/05/2024,


Chùm thơ và chùm ảnh mới nhất về Trường Sa (15/05/2014) 

Trong những ngày đầu tháng 5-2014, vấn đề chủ quyền biển đảo đang nóng lên từng giờ, vì việc Trung Quốc gây hấn, ngang ngược đưa trái phép dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam… Với sự giới thiệu của Ủy Ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao, Nhà văn Đặng Vương Hưng đã vinh dự được tham gia Đoàn công tác số 10 của Quân chủng Hải quân và có mặt tại quần đảo Trường Sa đầy nắng gió…

Kết thúc chuyến công tác, với tư cách là một cựu chiến binh, Đại tá Nhà văn Đặng Vương Hưng đã chính thức đề xuất việc tổ chức Cuộc vận động xây dựng Tượng đài Chiến thắng Bạch Đằng, cùng đền thờ các Vua Hùng và các vị Thánh Bất Tử tại đảo Trường Sa Lớn; đồng thời, tổ chức cuộc sưu tầm và xuất bản bộ sách tư liệu “Thư tình lính biển”, để chào mừng kỷ niệm 60 năm Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 – 7/5/2015).

Cùng hàng triệu trái tim yêu nước của người Việt trên khắp thế giới đang đoàn kết một lòng hướng về Biển Đông dậy sóng, mỗi tác giả, bạn đọc của Lục Bát Việt Nam hãy bằng khả năng của mình, góp thêm một tiếng lòng về tình yêu Tổ quốc!

Xin được gửi tới bạn đọc một chùm thơ và chùm ảnh mới nhất về Trường Sa.

 

 

 

LỤC BÁT ĐẢO CHÌM

 

Cô Lin, Đá Lớn, Đá Tây…

Những bàn tay lính đã xây đảo rồi

Đang nổi lên giữa biển khơi

Trên mênh mông nước, dưới trời đầy sao

 

Giữa muôn ngọn sóng dâng trào

Bãi san hô cũng xôn xao tiếng cười

Xây bằng ý chí con người

Xây bằng nỗi nhớ đầy vơi đất liền…

 

Một ngày đảo Đá có tên

Là ngày Tổ quốc vững bền từ đây

Hoa thành quả, hạt thành cây

Cùng nhau góp đất đảo này hóa xanh

 

Rồi mai cây trái ngọt lành

Liệu còn ai nhớ các anh một thời?

Lính xây đảo giữa biển khơi…

 

 

KHÔNG EM

 

Không em đêm thật là dài

Nằm nghe sóng biển vỗ hoài đảo xa

Cồn cào hơn nỗi nhớ nhà

Tàu lênh đênh giữa bao la biển trời

 

Chòng chành thơ ngả nghiêng bơi

Trái tim cập bến, cuộc đời nhổ neo

Dường như giữa biển sóng reo

Đảo chìm, đảo nổi cũng theo dáng người

 

Ôi Trường Sa đã bao đời

Tâm hồn lính đảo say lời biển xanh

Không em đêm nhớ đã đành

Xa em ngày tháng hoá thành ước mơ.

 

 

LỄ THẢ HOA Ở BIỂN ĐÔNG (*)

 

Này vòng hoa trắng tinh khôi

Này bông hoa cúc còn tươi nắng vàng

Tâm nhang kính cẩn xếp hàng

Xin biển xanh hãy nhẹ nhàng nhận cho

 

Nơi đây đảo rất xa bờ

Những hồn lính biển bây giờ ở đâu?

Hải âu bay, sóng bạc đầu

Cuối trời quê mẹ trắng mầu mây giăng

 

Trời cao ơi! Có nghe chăng?
Biển sâu ơi! Hãy nhớ rằng đảo xa

Những linh hồn lính Gạc Ma

Ngàn năm hát mãi bài ca biển trời…

 

Đặng Vương Hưng

 

            _____________

(*) Trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, do sự xâm lấn của Trung Quốc và cả sự hung hãn của bão tố biển cả, hàng trăm cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hi sinh, hoặc bị thương, tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1... Sau này, các đoàn công tác từ đất liền ra thăm và làm việc tại Trường Sa và thềm lục địa, khi đi qua vùng biển các khu vực đó, thường neo tàu dừng lại, làm lễ thả hoa xuống biển, để tưởng nhớ hương hồn các anh hùng liệt sĩ...

 

 

Mời bấm vào đây để xem clip "Lễ thả hoa ở Biển Đông". Bạn có thể liên hệ với Nhạc sĩ Trịnh Thùy Mỹ (ĐT: 0906 373 470), hoặc Nhà thơ Đặng Vương Hưng (ĐT: 093340 6868) để nhận bản MP3 phối nhạc nền và có thể tự hát, dàn dựng lại ca khúc này có hiệu quả tốt hơn.

 

CHÙM ẢNH NHỎ KỶ NIỆM VỚI TRƯỜNG SA

 

Khi chúng tôi có mặt tại Tân Cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) những chiếc tàu vận tải hiện đại của Quân chủng Hải quân đã xếp hàng chờ sẵn…

 

Mọi người háo hức tìm danh sách họ tên mình và sơ đồ phòng ngủ trên tàu

 

 

 

CCB Đinh Văn Sơn, Trưởng đoàn công tác được lên tàu trước và các thủy thủ đón tiếp theo nghi lễ của Hải quân

 

HQ-561 là loại tàu vận tải đa năng kiêm Quân y, do Việt Nam tự đóng, mới được hạ thủy 2 năm, nên khá hiện đại. Đây cũng chính là con tàu đã thay mặt Hải quân Việt Nam tham dự diễn tập KOMODO - 2014 tại Indonesia. Nhà thơ Đặng Vương Hưng được bố trí cùng phòng với Nhà báo Đặng Quốc Trung - Tổng biên tập Tạp chí Hữu Nghị

 

Sau gần 50 tiếng liên tục chạy trên biển, HQ-561 đã dừng lại và thả neo. Những chiếc xuồng máy được thả xuống biển

 

Một chiến sĩ Hải quân làm hoa tiêu cho xuồng cập bến và toàn cảnh đảo chìm Đá Lớn...

 

 

Các nhà báo thường được ưu tiên lên trước để tác nghiệp, sau đó mới đến xuồng lãnh đạo đoàn công tác và chở quà cho bộ đội trên đảo

 

Ai cũng háo hức chụp những bức ảnh kỷ niệm đầu tiên với một chiến sĩ Hải quân đứng gác

 

Biển Trường Sa thật nhiều cá, mỗi tối, các chiến sĩ tổ phục vụ chỉ cần buông câu khỏang một tiếng là có cả một tạ cá tươi được kéo từ biển lên để bổ sung nguồn thực phẩm cho bộ đội (trong ảnh: con cá màu vàng này nặng tới gần chục cân)

 

Bữa ăn trên tàu có đủ các món, tiêu chuẩn đi biển mỗi ngày ăn tới 4 bữa chính và phụ

 

 

Khác với đảo chìm chỉ có đá và bê tông, đảo nổi có rất nhiều cây xanh

 

 

Cạnh ngôi chùa ở đảo Nam Yết là một di tích cột mốc chủ quyền có từ năm 1956, nội dung dòng chữ khắc chìm ghi rõ: "Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy. Phải bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này, ngày 27 tháng 8 năm 1956, dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam".

 

Đội văn nghệ xung kích của đoàn công tác say sưa biểu diễn cùng các chiến sĩ trẻ

 

 

Đây là một cây bàng vuông cổ thụ của quần đảo Trường Sa

 

Thật thú vị khi trong một tủ sách ở đảo Trường Sa, tác giả được gặp lại những đứa con tinh thần

 

Kỷ niệm với các sĩ quan Vùng 4 Hải quân

 

Từ đảo Cô Lin, có thể nhìn thấy  đảo Gạc Ma - Nơi quân Trung Quốc đã xâm lấn và chiếm đóng trái phép từ năm 1988

 

Biển Trường Sa có nhiều nơi sâu tới vài ngàn mét, nước trong xanh như đặc sánh

 

Xúc động nhất là khi tàu dừng lại ở vùng biển có cụm đảo Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao và khu vực Nhà giàn DK1 để làm Lễ tưởng niệm và Lễ thả hoa xuống Biển Đông, ghi nhớ công lao của các Anh hùng liệt sĩ đã hi hinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

 

 

Tại các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Trường Sa Lớn... các đoàn công tác thường được tham dự Lễ Chào cờ và diễu binh

 

Bà con nhân dân đảo Trường Sa Lớn đón chào khách tới thăm

 

Chùm ảnh: Lê Thế Toàn – Thanh Luân – Quang Thắng

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần Hồng Dung - hanoihongdung@gmail.com - 0903421719 - 64 Ngô Quyền  (Ngày 23/05/2014 9:11:49)

Sống trong cuộc đời, mỗi người làm được một việc có ích đã là tốt, nhiều người bằng tâm huyết-sức lực - trí tuệ - ý tưởng....của mình đã mang đến cho cộng đồng những "kỷ vật" vô cùng quý giá , trong đó có Nhà thơ Đặng Vương Hưng. Anh đã viết, đã làm, đã đi & đã đưa đến cho chúng ta thật nhiều những điều mới lạ !
Mỗi lần nhìn những tấm hình về Trường Sa , lại nghẹn ngào xúc động ! vẫn ước có dịp được ra đó với Chiến sỹ ngoan cường - dũng cảm của chúng ta !
Cám ơn ĐVH đã giúp chúng ta những tư liệu & những ý tưởng vô cùng quý giá !
Rất trân trọng ,
Hồng Dung

  Trần Thị Thanh Liêm - thanhliemdainam@yahoo.com - 0987641698 - Ngành tiếng Trung Đại học Đại Nam 56 Vũ Trọng Phụng Hà Nội   (Ngày 17/05/2014 11:24:25)

"...Trời cao ơi! Có nghe chăng?
Biển sâu ơi! Hãy nhớ rằng đảo xa
Những linh hồn lính Gạc Ma
Ngàn năm hát mãi bài ca biển trời…"
Cảm ơn nhà thơ Đặng Vương Hưng tuy rất bận rộn đã cố gắng có chuyến thăm Trường Sa, làm thơ, viết văn, mở rộng phong trào ủng hộ,... cùng chia sẻ với những người lính Đảo QĐNDVN những gian nan và bao hiểm nguy, hy sinh mất mát,... để giữ gìn Biển đảo thân yêu!
Trân trọng!
Trần Thị Thanh Liêm

Các bài khác: