Tôi sinh ra và lớn lên như bao đứa bé khác. Bất hạnh thay khi tôi tròn một tuổi cơn sốt quái ác đã làm tôi liệt một chân bên trái bị teo cơ. Bằng sự kiên nhẫn, tôi tập cho mình những bước đi chậm chạp. Ngày ngày nhìn mọi người được đi lại bình thường, được chạy xe máy, xe đạp, tôi khát khao và mơ ước mình có đôi chân lành lặn để mỗi lúc chiều về hay tối đến tôi thả bộ ra công viên. Bao nhiêu mặc cảm, bao nhiêu oán than luôn canh cánh trong lòng tôi qua nhiều năm tháng. Cứ nhìn cô gái nào tuổi khoảng bằng tôi, có bạn trai chở trên xe, mặt áp sát vào lưng của chàng trai đó, tôi tưởng tượng là mình. Tôi tìm thấy được hạnh phúc trong sự khao khát ấy. Mãi đến năm tôi ba mươi tuổi, có người em họ nó nhìn tôi và bảo “ Chị hai nè, nhìn chị đẹp gái đó. Trông giống như nữ nghệ sĩ Phượng Liên để em làm mai chị cho anh bạn của em nha! Anh này ngày xưa đi lính nhảy dù, phong độ lắm, anh ấy tên Năm”. Tôi nhoẻn miệng cười và trả lời “ Thôi em ơi! Tật nguyền ai ngó tới mà mai mối hả em?” Cô em thứ ba nghe chuyên như vậy vọt miệng bảo “ Thì chị cứ để cậu nó làm mai đi, hôm nào cậu mời anh ấy về nhà chơi, coi thế nào, biết đâu có nợ, có duyên hai người thành chồng vợ thì sao”.
Sự đời quả không thể ngờ nổi. Một buổi chiều, tôi và cô em gái thứ ba đang ngồi trước cửa nhà cho mát, cậu em họ từ trên xe lam bước xuống, đi cạnh một anh dáng vẻ trông cũng bảnh bao, phong độ. Nhìn vào tôi đoán ngay anh chàng hôm nọ, cậu em đã nói lúc trước. Đầu tiên, tôi nhìn anh ấy mỉm cười và gật đầu chào. Anh ấy nhìn tôi, đáp lễ lại giống như vậy. Bên ngoài tôi thật bình tĩnh, nhưng trong lòng tôi đánh lôtô. Tôi ngồi trên ghế dựa, chân phải tôi tréo qua chân trái, không ai có thể nghĩ tôi tật một chân. Cảm giác của tôi lúc ấy, không muốn đứng lên khỏi ghế mà ngược lại tôi chỉ muốn dính chặt vào hơn nữa. Theo phép lịch sự em gái của tôi đỡ tôi đứng lên, tôi bước vào nhà bằng đôi chân khập khễnh ấy. Toàn thân tôi như nóng ran lên. Một cảm giác thật khó chịu. Tôi không biết dùng ngôn từ nào diễn tả tâm trạng mình lúc ấy. Đi sau lưng tôi là anh ấy, chính anh ấy cầm giùm tôi cái ghế lúc nãy tôi ngồi. Bước vô cửa chính để vào nhà, tôi cố lấy hết sức can đảm nói với anh ấy “Dạ em xin phép mời anh ngồi” Anh ấy gật đầu rồi bảo “Cám ơn cô nhiều nha!”. Cậu em tôi chạy ra quán mua thuốc lá vừa bước vào nhà. Cậu vừa cười, vừa nói “ Dạ em xin giới thiệu với chị Hai, đây là anh Năm, hôm nọ em nói đó” quay sang anh ấy cậu em tôi bảo “Dạ còn đây là chị Hai em nói với anh rồi”. Lại một lần nữa chúng tôi nhìn nhau bằng một nụ cười rất thân thiện cứ như là đã biết và hiểu nhau từ lâu lắm.
Lúc tôi và anh thân nhau anh ngỏ lời yêu tôi. Tôi hỏi anh một câu “Trên đời này, đầy rẫy những cô gái nguyên vẹn, sao anh không đến với họ?”. Anh gõ đầu tôi cười rồi nói”. Em ngốc lắm đó! Em cho anh bằng tất cả tình cảm chân thành, với trái tim vẫn còn nguyên vẹn. Anh trân trọng, và yêu thương em suốt cuộc đời…”
Đúng là duyên tiền định. Bắt đầu từ buổi chiều ngày ấy, anh thường xuyên đến nhà thăm tôi mặc dù quê anh ở mãi Bà Rịa. Nửa năm sau, tôi và anh ấy thật sự yêu thương nhau. Tất cả họ hàng nội ngoại, chị em nhà tôi ai cũng vui mừng cho tôi. Anh ấy lớn hơn tôi năm tuổi. Anh còn mẹ già và hai cô em gái ở dưới quê. Má anh cứ giục anh cưới vợ để bà có cháu nội ẵm bồng. Có lần giỗ ba anh, anh ngỏ ý mời tôi về quê, trước để ăn đám giỗ, sau cho má anh xem mặt nhưng tôi chối từ, tôi không dám đối diện với sự thật. Tôi lo sợ sự thật phũ phàng, má anh nhìn thấy tôi một con người không lành lặn, lời ra tiếng vào, những yêu thương giữa tôi và anh chắt chiu, giữ gìn suốt một trăm tám mươi ngày ấy sẽ về đâu? Viễn ảnh ngày mai đen tối biết chừng nào nếu cuộc sống này thiếu vắng bóng hình của anh. Ba má tôi thấy vậy, không muốn thiên hạ dèm pha, đàm tiếu nên gặp anh ba tôi bảo “ Nếu cậu thật sự thương con gái tôi, về nhà nói với mẹ cậu lên gặp tôi, nói chuyên để hai đứa thành vợ chồng, tránh sự dòm ngó của dư luận” . Anh cúi đầu trước mặt ba tôi và đáp “Dạ thưa bác, cháu sẽ đưa má cháu lên gặp bác một ngày thật gần đây”. Đúng như lời anh ấy hứa. Tuần lễ sau đó, má anh cùng người cậu ruột lên nói chuyện với ba má tôi.
Đám cưới tôi được tổ chức tại nhà. Nói là đám cưới, chứ thật ra buổi ra mắt hai họ, cho chúng tôi có quyền được sống chung như vợ với chồng thôi. Ngày ấy tôi rất vui, và ngược lại rất buồn. Vui vì tôi đã từng khao khát có một ai đó mang đến hạnh phúc thật sự cho tôi, buồn vì ngày mai sẽ ra sao. Bổn phận làm vợ, làm mẹ như bao người phụ nữ lành lặn khác, liệu tôi có chu toàn hay không?. Một năm sau đó, tôi mang thai. Tôi không sanh bình thường như người khác. Đúng chín tháng , tôi đưa vào phòng mổ. Cuối cùng tôi có một đứa con trai thật kháu khỉnh. Trước khi tôi đi sinh con. Anh lo lắng, và săn sóc cho tôi thật chu đáo.
Sống bên anh mười năm. Anh bắt đầu thay đổi. Thường hay nhậu nhẹt, về đến nhà say xỉn. Nói năng lung tung, xúc phạm tới gia đình tôi. Nhiều lúc quá say, không làm chủ lý trí, một vài lần anh lần đánh tôi. Tôi tức quá, đòi ly dị thì anh xin lỗi và hứa sửa sai. Tôi bỏ qua cho anh nhưng vẫn còn tức giận. Để trút cơn giận ấy, tôi mang ra kể hết cho mấy em tôi nghe. Cậu em út nóng tính, đòi gặp anh ấy thôn tính. Tôi sợ cậu ấy làm thiệt, lại nói nhỏ mấy câu “ Anh ấy lỡ lần mà, không tái phạm nữa đâu, em đừng để bụng”. Em thương tôi nên cũng bỏ qua cho. Tôi thấy yên tâm và hạnh phúc lắm.
Ngày ngày, anh chạy xe ôm về nuôi hai mẹ con tôi. Nhiều lúc trong mâm cơm, tôi nhìn anh thấy xót xa lòng. Phải chi tôi không tàn tật, tôi đi làm phụ cho anh đở biết bao nhiêu. Ở đất Sài Gòn, không nghề nghiệp sống vào chiếc xe Honđa cũ mèm, chạy cà rịch cà tang khách đi xe cũng kén. Gía như chiếc xe coi được mắt một chút, có lẽ khách đi nhiều. Tiền kiếm được hơn. Có một hôm, anh ấy về nhà mặt buồn thiu, nói với tôi “ Bà đầm của anh ơi! Nay chịu khó ăn cơm với trứng kho nha! Lúc sáng có cô đến định nhờ anh chở qua Bình Tân, không hiểu sao cô ấy nhìn nhìn chiếc xe, rồi bỏ đi tìm xe khác. Có lẽ nó chê xe mình xấu xí không đi xấu mở hàng, nên chẳng có tiền mua thức ăn cho hai mẹ con” Anh ấy vừa nói dứt câu, tôi thấy cổ họng mình có gì nghèn nghẹn. Phải chăng niềm đau, và nỗi xót xa hiện diện trong tôi. Tôi khuyên anh “Không sao đâu anh. Có bữa này, bữa khác chứ anh. Em mong ước sao cho gia đình mình luôn khỏe mạnh, và anh đừng bao giờ mượn hơi men về la lối em. Như vậy em thấy hạnh phúc rồi”.
Có một ai đó, gặp chuyện đau lòng thường nói đến hai tiếng “Thời gian”. Thời gian là liều thuốc nhiệm mầu sẽ xoa dịu mọi nỗi đau nhưng chính hai tiếng thời gian ấy làm cho người ta, sức khỏe ngày một suy giảm, để lại bệnh tật, ốm đau. Ngày nọ, chạy xe xong về đến nhà anh bảo với tôi “Hôm nay anh mệt lắm”. Tôi nấu cháo cho anh. Khi cháo chín tôi múc cho anh chén để trên bàn. Anh quơ tay ngay chén cháo, đổ đầy bàn. Tôi sợ quá lại ngồi cạnh anh rồi hỏi “ Anh sao vậy?” Anh trả lời “ Bà đầm ơi! mắt của anh tự nhiên mờ hẳn, chỉ thấy lờ mờ”. Tôi thật sự lo, cố trấn an anh ấy một câu “ Không sao đâu anh, có lẽ người anh nóng quá, nên vậy thôi!”. Nói xong tôi chạy ra nhà sau. Mặt cho nước mắt tuôn trào. Trời ơi! Sao hoàn cảnh của tôi cay nghiệt quá vậy. Trời trừng phạt tôi một chân rồi sao lại lấy đi đôi mắt của chồng tôi. Rồi hai mẹ con tôi sống ra sao đây. Con trai tôi, hiểu mẹ nên bảo “ Mẹ ơi! Con nghỉ học, kiếm gì làm về nuôi mẹ” Tôi bảo “ Con mới học lớp chín mà, con còn nhỏ lắm, không ai cho làm gì đâu”.Sau khi biết được chuyện của tôi, chín đứa em, năm trai, bốn gái thay nhau lo cho hai mẹ con tôi. Con tôi vẫn tiếp tục học. Riêng anh, sau khi biết mình mang bệnh, sự mặc cảm của anh, càng làm cho anh nóng tính hơn. Tôi cố nhịn nhục và chịu đựng. Tới lúc tôi săn sóc lại anh đút cơm, bón sữa. Tình nghĩa vợ chồng trong cảnh ốm đau săn sóc cho nhau. Ôi! Thật là quý hóa. Thời gian sau anh qua đời ở tuổi sáu mươi.
Con trai tôi đã bước sang tuổi hai mươi lăm. Vì công việc nên thỉnh thoảng hai, ba tuần mới về thăm mẹ. Ngôi nhà nhỏ năm xưa càng trở nên vắng lạnh hơn. Nhiều đêm nằm một mình nhớ lại chuyện ngày xưa tôi thấy căn nhà nhỏ bỗng trở thành mênh mông, vô tận.
Trong hơi gió của mùa đông, mang theo chút ấm áp của mùa xuân. Tết sắp về. Mọi người nô nức thi nhau sắm sửa. Con trai tôi về đưa mẹ dạo quanh đường phố trên chiếc xe lăn. Ngang qua con đường quen thuộc ngày ấy anh đổ những giọt mồ hôi thấm đẩm trên cả hai vai, kiếm tiền nuôi hai mẹ con tôi.
Những ngày lễ tết, đám giỗ các em tôi về thăm tôi đầy đủ. Nhìn các em trai, em gái của tôi có cặp, có đôi tôi thật tủi thân vì phận mình côi cút nhưng hạnh phúc đang tràn ngập lòng tôi chính bằng hạnh phúc của các em tôi.
Bùi Đức Ánh