Tết Lào Bunpimay diễn ra từ 13 đến 15/4 hằng năm, khi thời tiết dễ chịu, bầu trời trong sáng, các dòng sông lớn dồi dào nước tượng trưng cho một năm mới nhiều lộc. Đây là Tết theo Phật lịch vì ở Lào, đạo Phật từ lâu đã trở thành quốc đạo. Lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Bunpimay cũng là dịp để nuôi dưỡng và hun đúc nghệ thuật của dân tộc Lào.
Vào dịp Tết Bunpimay, Đại sứ quán Lào tại Hà Nội thường tổ chức chiêu đãi, mời các quan chức chính phủ và các CCB đã chiến đấu tại Lào. Đây là lần thứ 3 tôi được Đại sứ quán Lào mời dự Tết Bunpimay ở Hà Nội. Bắt đầu từ một chuyến đi cùng hội Cựu chiến binh Tây Tiến lên biên giới Việt Lào bốc mộ hai liệt sĩ hi sinh cách đây hơn 60 năm, tôi đã có một số bài viết về Cựu chiến binh, về bản Lao Khô và biên soạn tập Bút ký – Tư liệu “Nhớ một thuở Viêng Chăn” dày 350 trang về cuộc chiến đấu của Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào giai đoạn 1945 – 1954. Tập Bút ký – Tư liệu này được các CCB mua khá nhiều, được Trung đoàn 83 Hải quân hai lần Anh hùng mua làm tư liệu lịch sử của Trung đoàn và được Đại sứ quán Lào rất quan tâm, dự định dịch sang tiếng Lào. Trên cơ sở các tài liệu này, Nhà văn Phạm Quang Đẩu đã đến gặp các nhân vật, thu thập thêm tài liệu để viết một cuốn tiểu thuyết.
Tết Bunpimay là dịp để các bạn Lào thêm một lần bày tỏ lòng biết ơn và tình đoàn kết với Việt Nam như câu thơ của Bác Hồ: “Việt Lào hai nước chúng ta, tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”. Đây cũng là dịp để các CCB đã từng chiến đấu tại Lào gặp nhau, ôn lại một thời gian khổ và hào hùng. Trong cuộc gặp gỡ, các CCB hay cùng nhau đọc lại bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng để tưởng nhớ các bạn không về.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Thành kính nhìn những mái đầu bạc trắng, những tấm huân chương đỏ rực màu máu các CCB mang trên ngực, chợt rưng rưng buồn khi thấy mỗi năm lại vắng đi những gương mặt quen. Hỏi thăm người này người khác, đều vì sức khỏe không thể đến. Con gái út nhà thơ Quang Dũng, chị Bùi Phương Thảo, hiện nay là Hội phó Hội liên lạc CCB Tây Tiến cho biết bây giờ Hội chỉ còn lại chừng 60 cụ, mà cụ nào cũng đang ở lứa tuổi 80, 90. Một thế hệ những chiến binh dũng cảm, làm nên lịch sử oanh liệt của dân tộc sắp ra đi...
Chỉ còn lại mãi mãi truyền thống cách mạng chói ngời cho thế hệ trẻ, còn lại mãi mãi tình hữu nghị thủy chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc Việt - Lào.