Thứ bảy, 28/12/2024,


Đọc tập thơ Cúi chiều nhặt sóng của Nguyễn Thanh Hải (21/03/2014) 

 ĐỌC TẬP THƠ CÚI CHIỀU NHẶT SÓNG CỦA NGUYỄN THANH HẢI

(Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2013)
Nguyễn Văn Hòa
Nguyễn Thanh Hải là một trong số những gương mặt thơ trẻ xuất hiện trên thi đàn nước nhà những năm gần đây. Cái tên Nguyễn Thanh Hải được những người yêu thích văn chương biết đến bởi sự góp mặt của anh ở các tuyển thơ với những bài thơ da diết, đau đáu nỗi niềm. Anh cũng được bạn đọc cả nước biết đến với vai trò là Biên tập viên trang lucbat.com- phụ trách khu vực …


Nhà thơ Thanh Hải

Khi nói đến lực lượng sáng tác thơ trẻ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhà thơ Phan Hoàng nhận định: “Theo dõi thơ trẻ những năm đầu thế kỷ XXI, tôi thật vui mừng khi thấy một lớp nhà thơ mới đã xuất hiện và đang góp phần làm thay đổi diện mạo thơ Đồng bằng sông Cửu Long. Họ có tri thức, niềm đam mê, bản lĩnh sáng tạo, biết tìm tòi học hỏi cái mới để làm giàu có hơn cho đời sống thi ca miệt vườn. Cùng với Nguyễn Đăng Khương, Vương Huy, Quân Tấn, Trương Trọng Nghĩa, Võ Mạnh Hảo, Huỳnh Thuý Kiều, Vũ Thiên Kiều, Nguyễn Đức Phú Thọ, Trần Huy Minh Phương, Vũ Tuấn, Vĩnh Thông,… Nguyễn Thanh Hải đang cất lên tiếng nói nhiều hy vọng của vùng đất thơ vốn “mê cải lương hơn vua mê cung nữ” này”.
Cúi chiều nhặt sóng là tập thơ đầu tay của Nguyễn Thanh Hải sau bao nỗ lực, cố gắng, tìm tòi. Tập thơ với dung lượng không lớn (32 bài) nhưng cũng đủ cho thấy đây là một người làm thơ có nhiều triển vọng ở Tiền Giang.
Đọc Cúi chiều nhặt sóng người đọc có cảm giác là Nguyễn Thanh Hải đang miên man trở về với những ký ức, kỷ niệm một thời và cả những nỗi canh cánh, suy tư trước cuộc sống và tình yêu. Để rồi bất chợt hình như người đọc cũng nhận ra những nỗi niềm đồng cảm, những trạng thái cảm xúc, những nỗi buồn không tên lan tỏa trong tâm hồn mình.
Thơ Nguyễn Thanh Hải đậm chất trữ tình, bộc lộ tình yêu quê hương, yêu sự sống, sự đau đáu, ray rứt trước những điều đã và đang xảy ra. Chữ nghĩa Nguyễn Thanh Hải dùng có sự đẽo gọt, cẩn thận, chỉn chu chứng tỏ anh rất có ý thức trong lao động nghệ thuật. 
Bìa tập thơ "Cúi chiều nhặt sóng" do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2013
 

Trong Cúi chiều nhặt sóng, không khó để người đọc tìm ra những câu thơ hay, những hình ảnh đẹp, những từ ngữ được anh sử dụng khéo léo và có giá trị. Chẳng hạn như các hình ảnh, từ ngữ, câu thơ như: chiều buồn xanh lên lá; tay mẹ nắm gầy ngọn nắng; con đường trổ niềm vui năm mới; chiều rơi trên nền lá vàng; châu chấu nhuộm xanh tà áo lúa xuân thì; gom cuối năm về giặt giũ nỗi buồn thả sông trôi; biêng biếc qua sông mây cúi chiều nhặt sóng/ bông súng đìa xưa rụng trắng bữa cơm chiều… Đó là những câu thơ, hình ảnh thơ giàu sức gợi tạo nên những liên tưởng thú vị và bất ngờ.
Những vần thơ vừa da diết, vừa sâu lắng nhưng cũng đau đáu nỗi niềm, mang hơi thở của cuộc sống và cả những suy tư, trăn trở trước cuộc đời:
con mương xưa khóc sướt cầu dừa
áo bà ba trượt chân qua miền ký ức 
cá thòi lòi ngơ ngác hỏi sông có nhớ dòng nước ngược
cánh đồng trưa thèm một tiếng chim gù 

(Cổ tích làng)

những chiếc lá buông đời xuống cỏ
rỏ đau khô giọt hồng cầu 
em có là lá mùa thu trong chiều chạng vạng 
cho ta còn một vé chuyến hoàng hôn
(Dự cảm)
Buồn và cô đơn không phải là tâm trạng của riêng ai, có lẽ đó là định mệnh tiền kiếp của con người. Với Nguyễn Thanh Hải nó như một sự ám ảnh:
thời gian giâm màu xanh lên nhớ/ giâm lên vết xưa/ giâm lên phiếm đợi/ tôi đổ buồn vào vui/ tôi đổ vui vào buồn/ uống gật gà nhiều năm rồi qua nhau như thế
(Những mùa rêu thức)
Vì vậy, đọc thơ Nguyễn Thanh Hải, người đọc chắc chắn sẽ nhận thấy một điều rằng đó là tiếng thơ gắn với tâm trạng buồn, tiếng thơ trữ tình sâu lắng, gợi lên cho người đọc những nỗi niềm hoài niệm nhớ thương.
ai bỏ lại cuộc đời ngày sau! 
hoa thiếu phụ vườn thiếu phụ và hoàng hôn thiếu phụ 
sao không chờ nhau một kiếp 
sao không đợi nhau một đời 
lúc gió mưa buồn ai vá lặn vết thương…
(Cỏ vô thường ngó xuống những ngón tay)
ai bắn vào trời cọng u du tuổi thơ còn đau vết sẹo/ để sau mùa riêng tiếng mẹ thở dài/ để khói trắng đêm cha dằn cơn ho mất ngủ/ để trang sách niềm tin anh lén giấu/ để lỡ mùa chị mượn chữ nghèo tiếc rẻ thời gian/ để trái tim ước ao ngày cũ 
(Phía mùa cam bạc lá)
Nguyễn Thanh Hải ý thức sâu sắc rằng đời như là một cuộc đi:
Không thể giữ tháng giêng cho người
chiều buồn xanh lên lá
(Sầu đâu đắng)
Mảnh ký ức nhổ neo chòng chành phía dòng sông úp mặt/ con gọng vó dang tay ôm hoài niệm lớn ròng…/ tháng năm cạn và em, con sáo cũ về đồng/ lạc đêm con đom đóm bay tìm lối thề đã mất
(Khúc khích ô rô)

Hay nỗi lo âu trước quy luật nghiệt ngã của đời người:
rồi một ngày… / mẹ về xa vô biên/ mùa cò trắng không kịp về gieo bụm đất/ ngày rớt buồn/ nỗi buồn tím bầm khế trổ một bông
(Khế trổ một bông)
Trong bài Ám ảnh bọ, nhà thơ lại đau đáu: 
Thời gian câm lên nỗi buồn phía mẹ/ rồi mai thức giấc tôi sẽ cắt nỗi buồn di cư khỏi khu vườn mà lâu nay chúng cứ làm ổ dửng dưng nhảy nhót trên đầu những ám ảnh lời rích ra lũ bọ.
Niềm vui, nỗi buồn trong thơ Nguyễn Thanh Hải đó là niềm vui, nỗi buồn lặng lẽ chứ không phải dữ dội, ồn ào, nổi đình nổi đám.
Những suy tư, trăn trở, chiêm nghiệm của anh trước bao điều trong cuộc sống và tình yêu. Đó có thể là hình ảnh của những giấc mơ, con kiến nhỏ, con dế , gã bọ ngựa, dòng dọc kêu, dừa nước oằn xanh, bãi bần mắc cạn, con mèo ngoan, con cò trắng, con én cõng mùa xuân, cánh đồng mẹ, dòng sông xanh, cây ớt xanh, giọt sương rơi, một cơn gió thoảng, người đi bỏ dỡ đò chiều, đêm hoang… Chính những hình ảnh ấy cũng gợi lên trong lòng người đọc bao nhiêu suy ngẫm về cuộc sống và niềm tin trước cuộc đời này.
Thơ Thanh Hải sử dụng nhiều từ ngữ thể hiện cảm xúc: vui, buồn, buồn thiu, thương nhớ, rưng rưng, nấc nghẹn… Những bài thơ này có sự đan xen giữa tâm trạng nhân vật trữ tình với việc miêu tả cảnh sắc thiên nhiên. Dù có nói tản mạn bất cứ điều gì thơ Thanh Hải vẫn ám ảnh nỗi nhớ thương da diết về tình bạn, tình yêu, tình cảm với quê hương, với người thân, với cả những gì gần gũi thân thiết nhất.
Trùng dương xa! ai cột nổi gió trời? 
ban mai rửa mặt ngày tươi trẻ 
mở cửa sông trải lòng đất mẹ
đợi em về 
ru vở diễn bình minh…
Môi trường làm việc và bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông nước như là dòng sữa ngọt ngào xuyên thấm vào từng hơi thở, vào máu thịt và nuôi dưỡng nên một hồn thơ Nguyễn Thanh Hải. Trong thơ anh, bóng dáng con người, quê hương xứ sở luôn được hiện diện.
Cái hay của thơ Nguyễn Thanh Hải là anh đã biết đánh thức hồn quê- vùng đồng bằng sông nước Cửu Long của mình trong cõi sâu của vô thức qua những hình ảnh quen thuộc, bình dị của cuộc sống. Những hình ảnh đó được chuyên chở qua một hệ thống từ ngữ mang tính vùng miền. Nói như nhà phê bình Inrasara: “Đậm nổi nhất ở thơ Nguyễn Thanh Hải chính là không khí đồng bằng Tây Nam Bộ. Ở đó dày đặc hạn từ mang tính vùng miền khiến người đọc như chìm ngập trong khí quyển thơ khác lạ”.
Nhà thơ luôn cố gắng để tạo cho mình một thế giới giá trị thẩm mỹ để nhận thức về sự sống, lẽ sống và cuộc đời.
Lời thơ Nguyễn Thanh Hải như lời thì thầm bên tai người đọc về những mơ ước và cả những hình ảnh quen thuộc của cuộc sống đời thường: 
tôi muốn thả máy bay giấy lên trời/ bay cao/ bay xa/ tiếng cười lũ trẻ (Chong chóng còn xanh)
tuổi thơ chùa làng chuông mõ hát ru/ bữa cơm công quả ngày rằm ai quen ai lạ?/ cổ tích nghĩa nhân bà gieo vào cây mong ngày thấy quả/ úp mặt vào sông nghe đất khóc vùi 
(Cổ tích làng)
càng cua nhón xanh hiên nhà mộc mạc tay bà hái gió chiều/ nước mắm chấm rau ớt cay dầm dề mắt mẹ/ lăn lóc nắng dọn bữa cơm đồng bằng ngày lũ cạn/ rơm rạ cũ khét rộp phồng mùi cá lóc nướng trui
(Chuyện mùa giêng)
Cái tôi trong thơ Nguyễn Thanh Hải là cái tôi hướng nội, suy tư về tình yêu và bản chất của sự sống:
thả khát xanh lên chín nhánh cao vời/ ma trận cuộc đời nghìn trùng nỗi đau ẩn số/ hạt nhớ hạt thương tạc tóc anh màu sương tịnh độ/ giọt khuya quyện đằm rưng chiếc lá hình môi… (Dạ khúc)
Lũ tò vò linh thiêng như nhà ngoại cảm/ khai quật lũ sâu/ siêng năng ôm đất toan tính/ chúng đắp mộ hay đắp nhà?/ lũ sâu chết… có phần hay bạc phước
(Tản mạn trưa)
Chuyến thời gian mặc cả tháng ngày/ ta nợ nần con đường làng rách nắng/ và lời thề cỏ may không lành lặn/ Tháng năm lỗi lầm trả góp/ buồn vui thối lại nợ nần/ … thấm đẫm chiều nay lũ sâu rầy nằm im mưa sám hối/ Ta quảy gió/ hú tuổi thơ về vuốt mặt cánh đồng/ hoàng hôn bình yên nhắm mắt… 
(Vuốt mặt cánh đồng)
Thời gian tuyến tính và thời gian tâm trạng đan xen trong thơ Nguyễn Thanh Hải: ngày, tháng, năm, ngàn năm, ngày xưa, tháng ba, buổi bình minh, hoàng hôn, chiều, đêm, một kiếp người, mùa rêu thức, mùa giêng, mùa hoa sâm đất, mùa cam bạc lá, mùa phiêu bạt… Đây cũng là một trong những thế mạnh của thơ Nguyễn Thanh Hải trong việc bày tỏ tình cảm, cảm xúc một cách thành thật tận cùng.
Thơ Nguyễn Thanh Hải dễ đi vào lòng nguời đọc. Nội dung thơ không mới nhưng mới ở chỗ là anh khéo dùng từ để tạo ra những hình ảnh thơ, câu thơ đẹp. Bằng sự lao động nghệ thuật nghiêm túc và niềm đam mê sáng tạo, người đọc có quyền tin tưởng và hy vọng trong tương lai thơ Nguyễn Thanh Hải sẽ có nhiều bài thơ hay, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc./.

Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Văn Hòa
Giáo viên Trường phổ thông cấp 2-3 Xuân Phước, 
huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên
Email: nguyenvanhoa.phuyen@gmail.com
Điện thoại: 0984.833.247

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: