Chủ nhật, 22/12/2024,


Người đàn bà đuổi theo vầng trăng (Truyện ngắn) (14/03/2014) 



            Nắng đổ hối hả lên chóp tháp Hải Đăng, phủ vàng mái nhà lô xô cao thấp phía dưới chân đồi, len lỏi qua kẽ lá, làm cho buổi chiều khô cứng, hầm hập và Thư muốn phát sốt. Thư đưa chiếc máy ảnh hờ hững chụp vài cảnh vật phía xa. Thư như trôi đi trong không gian đầy ắp kỷ niệm. Ký ức tưởng ngủ yên bỗng ào ạt cuồn cuộn quay về. Như con sóng dưới kia làm chòng chành chiếc thuyền chài ai neo bên bến. Thư nhớ lắm ngày xưa.


           Nhà Thư nằm vắt vẻo ngay khúc quanh lối mòn trên sườn đồi, dẫn đến đỉnh núi có ngọn Hải đăng. Ngôi nhà bé tẹo mà chứa những bốn người và một cái quầy tạp hóa. Đêm. Cả nhà nằm sắp hàng ngủ trên một chiếc chiếu cũ mèm, trải lên nền nhà. Sáng. Mẹ dẹp nó để có chỗ đi lại và bày cái bàn ăn nhỏ. Vách nhà sau là sườn núi. Ba đã ra sức đục đẽo một khoảng bằng phẳng, đủ để mẹ kê bếp lò nấu ăn. Khói bếp chen qua kẽ vách bay lên bầu trời thoáng đãng. Một ít khói bếp lì lợm bám riết vách bếp, nhuộm đen một góc. Mỗi khi trời mưa, nước từ trên núi tràn xuống, dội lên mái nhà những tiếng rền ầm ĩ và cuốn trôi khói bếp dọc vách bếp xuống nền nhà nhớp nháp, bẩn thỉu. Lúc ấy, hàng hóa của mẹ ẩm mốc vì hơi nước. Mọi thứ trở nên ủ dột. Những cái bao bì ny lông phai màu. Còn đường đậu, muối…như có ai rưới vào đấy một lớp nước mỏng mảnh, biến chúng thành nỗi khổ cơm áo của mẹ.


           Tuổi thơ Thư quẩn quanh trong không gian chật hẹp nhưng mênh mông tình yêu thương của ba mẹ. Những ngày sống tưởng là khắc khoải vì cái ăn, cái mặc, chỗ ở nhưng là khoảng đời đẹp nhất của Thư. Những buổi đến trường phải leo dốc rồi tụt dốc với cái bụng rổng nhưng hoa lá ven sườn đồi như thức ăn nuôi Thư chóng lớn. Chúng thổi vào hồn Thư cảm xúc dạt dào, nỗi vui thuần khiết, để lại trong trái tim bé nhỏ đầy ắp kỷ niệm và bây giờ đã trở thành tài sản quí báu vô cùng.


           Mọi thứ kết thúc chóng vánh, tàn nhẫn khi Thư mười ba tuổi. Một chiếc xe khách đã tông vào em trai Thư khi nó đứng sát bên lề nhà. Thằng bé không kịp kêu lên tiếng nào. Thân thể lập tức bị biến dạng thành hình người không có bề dầy. Mẹ gào lên thảm thiết, đánh rơi mớ hàng hóa đang bán xuống nền nhà. Những hạt đậu xanh tung tóe, vương vải tựa như hy vọng của cuộc sống bị ném tan tác. Hạnh phúc biến khỏi ngôi nhà từ đó. Ba Thư không còn là người đàn ông hiền lành, cần cù, chăm chỉ làm việc, vun vén cuộc sống gia đình. Thời gian của ba bấy giờ dành cho việc la cà ở quán rượu. Ba chỉ trở về khi đêm gần tàn, người ướp nồng nặc hơi men. Ba đánh thức nỗi đau bằng giọng lè nhè cay độc “Con đàn bà thối tha! Có đứa con trai mà giữ cũng không xong, để nó chết thảm như thế. Đồ thối tha!...” Hoặc là :”Mụ vợ chết tiệt! Cút khỏi mắt tao, đồ ăn hại”. Ba cũng không buông tha Thư:” Đồ vô dụng! Cút hết! Cút hết!...’ Trăm ngàn câu khác nữa ba phun ra như nọc độc ám ảnh, giết chết dần mòn người đàn bà bất hạnh.


           Đêm đêm, nằm ôm Thư trong lòng, nước mắt mẹ tuôn ướt đầm một mảng tóc Thư, rỏ xuống môi mặn đắng như nước biển ngày trở gió. Mẹ rót vào tai Thư lời thở than đều đều như cầu kinh xám hối:” Lỗi tại mẹ tất cả. Nếu mẹ cương quyết khuyên ba con di dời nhà về khu tái định cư khi chính quyền họp dân yêu cầu giải tỏa khu vực này để làm cho con đường trở nên thông thoáng và tránh nguy hiểm cho người dân. Lỗi tại mẹ! Mẹ không chịu khuyên ba con rằng dù tiền đền bù chưa thỏa đáng nhưng về chỗ ở mới đất rộng hơn và chắc chắn em con không chết thảm. Con ơi! Mẹ nhu nhược quá! Tất cả lỗi tại mẹ!” Thư sụt sùi khóc theo nhưng lúc ấy chưa hiểu hết những điều mẹ nói. Phải mất một thời gian dài Thư mới nhận ra cuộc sống có quá nhiều điều cay nghiệt khôn lường.


           Nhưng rồi mẹ Thư cũng chấm dứt nỗi đau của mình trong cơn mê sảng. Đêm đó, trăng tròn vành vạnh, nằm vắt vẻo bên ngọn Hải Đăng tỏa ánh sáng vàng ẽo lên cây cỏ, dát một lớp bạc long lánh lên mặt biển nhấp nhô con sóng nhỏ. Trăng cứ trôi chập chờn. Mẹ cứ đuổi theo vầng trăng thu. Hai bàn tay mẹ đưa ra phía trước, mái tóc búi gọn bị gió hất tung, bay dạt tơi tả sau lưng. Mẹ ngữa mặt hứng lấy dòng sáng huyền hoặc. Ánh trăng dịu dàng cuộn lấy mẹ bằng một làn sáng mỏng mảnh. Bộ đồ bạc màu bỗng chốc lấp lánh như dệt bằng tơ vàng rực rỡ. Mẹ đẹp tuyệt! Thư buột miệng kêu lên. Mẹ không nghe thấy. Bà cứ đuổi theo vầng trăng đến sát mí nước. Trăng tinh nghịch nhích ra xa. Mẹ lấn tới, lấn tới. Nước biển cũng không chịu thua, dâng lên ngang cườm chân mẹ, cao dần lên gối rồi đến tận cổ. Thư hải hùng gào thét :”Mẹ ơi! Quay lại đi mẹ! Mẹ ơi….!”Nhưng mẹ Thư không còn nghe thấy gì nữa. Hình ảnh cuối cùng mãi mãi dày xéo Thư là mái tóc mẹ trôi nhấp nhô giữa hai bàn tay ngữa ra, từ từ chìm dần giữa đại dương bao la, vô tận.


           Sau cái chết của mẹ, ba Thư bỏ đi biệt xứ. Bà ngoại và dì Út từ thành phố Hồ Chí Minh ra thu xếp mọi việc rồi mang Thư theo. Thư được ở trong căn phòng trên tầng hai của mẹ ngày xưa. Bà ngoại bảo mọi thứ vẫn còn y nguyên như trước khi mẹ bỏ nhà theo ba. Chiếc tủ gỗ đầy ắp những bộ đồ đẹp của mẹ thuở đó, giờ sực nức mùi long não. Ngoại vẫn giữ chúng với hy vọng mẹ sẽ quay về khi cuộc sống quá quẩn bách. Những quyển sách xỉn màu đứng lặng lẽ trên chiếc kệ nâu đã phủ mờ mờ một lớp bụi thời gian. Trên chiếc bàn học, một tấm lịch bé xíu có in hình mười hai con giáp cách điệu cũng đã úa màu. Cái lọ hoa rổng. Cạnh đó là tấm ảnh của mẹ đang ôm cặp, mẹ đẹp như một thiên thần áo trắng. Vật làm Thư chú ý nhất là cây đàn guitar treo trên tường. Nó nằm bất động lâu lắm rồi. Vẻ hờn tủi lộ trên những sợi dây đàn. Khi Thư rụt rè bấm nhẹ lên đó. Một âm thanh trầm đục, ngắn ngủn vang lên, xoáy vào lòng Thư và ngoại nỗi đau rất lạ. Bà không đứng vững nữa, phải ngồi xuống chiếc giường xinh xinh, ôm lấy mặt. Còn Thư, Thư đến bên cửa sổ nhìn xuống con đường nhộn nhịp dưới kia mong bắt gặp một tiếng cười để làm giảm đi nỗi buồn canh cánh lòng Thư.


           Bấy giờ, ngoại và Thư căm giận ba lắm. Ngoại bảo rằng ba đã quên mẹ từng là một tiểu thư danh giá, đã từng là một tay đàn nữ nổi tiếng của trường Đại học. Mẹ xinh đẹp, tài năng. Có biết bao người si mê mẹ. Vậy mà mẹ chọn một gã sinh viên nghèo kiết xác, mồ côi cha mẹ. Ba đã phải bỏ học giữa chừng vì không đủ tiền đóng học phí. Không có tiền để thuê một chỗ trọ cố định, phải trọ nhờ những người bạn cùng khoá. Ba phải làm đủ thứ nghề để có cơm ăn áo mặc.


           Vậy mà mẹ yêu ba! Mẹ rời bỏ tổ ấm của mình để đi xây một cái tổ trên sườn núi. Cái tổ chênh vênh như cái tổ chim. Gió bão cuộc đời đã vùi dập không thương tiếc. Để bây giờ Thư đau đáu nhớ thương một thời tuổi nhỏ bên mẹ. Dù ngoại và dì Út hết mực yêu thương Thư nhưng Thư vẫn có cảm giác mình đang lớn dần trong một cái lồng son rực rỡ, được bao bọc bằng phương tiện xa hoa. Thư tốt nghiệp Đại học Ngân hàng, có việc làm ổn định. Vậy mà Thư vẫn thèm lắm một ngày được nằm gối đầu lên tay mẹ, úp mặt vào ngực mẹ để tìm lại chút bình yên tuổi nhỏ. Hôm nay, ngày giỗ mẹ, Thư và dì Út về thăm chốn cũ. Mọi thứ đã đổi thay. Ngôi nhà xưa không còn dấu tích như thể chưa từng có trên cõi đời này. Thư buồn lắm! Hai dì cháu trở về khách sạn. Trong lúc dì Út say ngủ, Thư đi ra bờ biển, chỗ có cây cờ đen. Nơi mà ngày xưa tóc mẹ trôi bồng bềnh giữa đôi bàn tay ngữa lên cầu xin tình yêu và hạnh phúc.


           Đêm nay, biển cũng tràn ngập ánh trăng thu như ngày mẹ rượt đuổi vầng trăng ra phía khơi xa. Chỗ có cây cờ đen phấp phới, nước xoáy như có ai cầm cái dầm khuấy nước cuộn thành vòng xoắn. Bọt biển tung trắng xoá. Cây cờ đen lạnh lùng bay phần phật như lưỡi hái tử thần ẩn sâu đâu đó, báo trước sự chết chóc rình rập. Vậy mà ngày đó mẹ thản nhiên lao ra, mang theo tình yêu hoà vào biển, trải rộng khắp nơi. Thư khom người vốc một bụm nước đưa lên môi. Vị mặn tê đầu lưỡi. Có phải nước mắt mẹ đã làm cho nước biển ra nông nổi ? Thư nhớ đến Lam, người Thư yêu say đắm. Anh đã giúp Thư hiểu vì sao mẹ đuổi theo hạnh phúc, dù tình yêu chông chênh, dễ vỡ như những quả bóng bay. Và, trong tình yêu, vật chất mãi mãi chẳng có giá trị gì hết! Bởi Thư cũng yêu một người nghèo. Sẵn sàng rời bỏ cái lồng son rực rỡ để đuổi theo tình yêu. Thư cũng sẵn sàng sống đời khốn khó và sẵn sàng đuổi theo vầng trăng như mẹ, nếu tình yêu tan vỡ.


….”Cháu à! Chỗ nầy nguy hiểm lắm! Đêm đã khuya. Con gái ở chỗ vắng không tiện đâu. Về đi cháu!”. Thư giật mình quay lại. Một người đàn ông tóc hoa râm, mặc bộ đồng phục người cứu hộ đã đứng cạnh Thư tự lúc nào. Khuôn mặt rất quen! Chính là ba! Vẻ già nua hằn rõ trên những nếp nhăn chằng chịt ở vầng trán, đuôi mắt và đôi môi khô héo. Đôi môi ngày xưa tuôn ra những mũi tên tẩm độc giết chết tình yêu và làm Thư mồ côi mẹ. Nhưng nhìn bộ đồ đồng phục của người cứu hộ khoác trên người ba làm tim Thư nhói buốt. Thư chợt hiểu vì sao ba mặc nó và đêm đêm đi dọc bờ biển để canh giữ sự sống, tình yêu và hạnh phúc của bất kì ai đến với biển. Bao nhiêu căm giận bỗng chốc vỡ tan như bọt biển. Thư ngã vào vòng tay mở rộng của người cứu hộ , thầm thì:”Ba ơi!”.


Trên cao, vầng trăng ngẩn ngơ nhìn biển đêm hiền hòa lặng sóng.

 


NGUYỄN THỊ MÂY

 

 

 

 

 

 



Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: