Những người trẻ viết về chiến tranh vốn không nhiều. Bởi đó là một đề tài quen mà lại rất khó viết. Vậy mà giữa dòng chảy xô bồ của cuộc sống hiện đại vẫn có một nhà thơ trẻ đang đi ngược xu thế để tìm về với Trường Sơn một thủa .
Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần… Có một nhà văn nổi tiếng của Nga đã viết như vậy. Nhưng với rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt những ai từng sống và chiến đấu ở cái thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược chưa bao giờ im ắng. Lịch sử như một dòng chảy vĩnh hằng, nhưng những dư âm đọng lại về Trường Sơn sẽ không bao giờ bị cuốn trôi đi mất. Quá khứ đau thương mà oanh liệt sẽ không bao giờ thôi thét gào trong tâm tưởng của rất nhiều thế hệ người Việt Nam.
Ở sân thơ trẻ của Ngày thơ Việt Nam 2014, có một gương mặt thơ làm tôi chú ý đặc biệt. Đó là nhà thơ trẻ Nguyễn Thế Kiên – Nam Định. Ấn tượng của tôi về anh không chỉ là những dòng lục bát mềm mượt như nhung mà bộn bề thế sự và xoáy sâu vào tận tâm khảm, không chỉ là cái chất quê cứ tưng tửng mà sâu xa kiểu như “Trời thì lúc thấp lúc cao/Chỉ riêng hạt gạo thời nào cũng trong” (Chuyện với cánh đồng). Ở Nguyễn Thế Kiên, điều đọng lại ở tôi là nỗi đau đáu khi anh ngược dòng thời gian để trở về với những người lính Trường Sơn: “Hố bom cỏ kín miệng rồi/Còn in dáng đứng một thời cha anh/Tóc thì trắng, cỏ thì xanh/Khóc bao nhiêu đủ để lành hôm nay?” (Nước mắt cỏ).
Đã có không biết bao nhiêu thế hệ nhà thơ viết về Trường Sơn, trong đó không ít người đã tạo dựng được dấu ấn đậm nét. Nhưng cái tài tình của nhà thơ trẻ Nguyễn Thế Kiên là anh vẫn tìm được một con đường đi riêng, không đụng với ai khi đề cập về mảng đề tài này. Có cảm giác như khi nghĩ và viết về người lính Trường Sơn, Nguyễn Thế Kiên cũng hóa thân thành người trong cuộc. Thế nên, các bài thơ cứ lần lượt ra đời, tự nhiên mà dung dị - như là một gạch nối giữa ngày xưa với ngày nay: “Lối này dẫn tháng năm qua/Bước chân nâng phía trời xa sáng rồi/Ba lô căng những bồi hồi/Nghe hơi thở đá rung lời Trường Sơn” (Dấu cũ); hay: “Mượn màu xanh bốn ngàn năm/Niềm tin hối hả giữa thăm thẳm rừng/Cỏ cây ngày cũ rưng rưng/Che anh qua những bập bùng đạn bom!” (Cỏ cây ngày cũ).
Những câu thơ Nguyễn Thế Kiên viết về Trường Sơn, về quá khứ đau thương của cuộc chiến tranh khốc liệt xen giữa những lát cắt của cuộc sống hiện đại cứ day dứt, ám ảnh tôi bằng những hình ảnh thơ rất độc và lạ, nó đi sâu vào nỗi đau của thân phận những người đã trải qua cuộc chiến, cũng là nỗi đau của cả một dân tộc để mà thủ thỉ sẻ chia: “Chiến trường xanh cỏ đã lâu/Mà xương cốt gửi về đâu hỡi trời/Nghẹn ngào từ tuổi hai mươi/Anh yên phận, để giữa đời một em... Xuân về, riêng lạnh lối quen/Ba mươi Tết chạm nhá nhem nụ cười/Nén hương đỏ đến rợn người/Nghĩa trang ba chấm mồ côi lập lòe." (Nghĩa trang cuối chiều Ba mươi Tết).
Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên bên bàn làm việc
Tôi vẫn nhớ có lần trong lúc trà dư tửu hậu, Nguyễn Thế Kiên đã nói những lời rút ruột: “Mình như là người đang mắc nợ với Trường Sơn vậy!”. Càng về sau, tôi càng thấy là anh nói đúng. Tôi được biết ngay từ năm 2010, anh đã tự tay tuyển chọn bài vở và bỏ kinh phí để in cả một tập thơ dày có nhan đề “Trường Sơn một thưở”. Ở đó, Nguyễn Thế Kiên không chỉ tập hợp những bài thơ hay viết về đề tài Trường Sơn từ trước đến giờ, mà còn rất trân trọng nhiều bài viết dẫu không chuyên, nhưng nặng lòng với Trường Sơn của những người lính đã từng đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt. Nguyễn Thế Kiên tâm sự, anh coi đó là nén tâm nhang để tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống để tạo nên vóc dáng non sông – Trường Sơn huyền thoại: “Như đất nước dáng nằm nghiêng phía biển/Trận đánh qua rồi còn lại bóng hình anh/Tôi nâng mở những ngày xưa còn, mất.../Chạm mốc ngàn năm, trăng Hà Nội đương rằm” (Dáng non sông).
Là một người trẻ nặng lòng với quá khứ, với những cuộc chiến tranh liên miên suốt chiều dài hơn bốn nghìn năm lịch sử của dân
tộc, Nguyễn Thế Kiên dĩ nhiên không chỉ viết về Trường Sơn. Anh còn có sự cảm thông và chia sẻ với những người lính đã tham gia cuộc chiến tranh giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pôlpốt-Yêngsary (1979-1989) khi tự bỏ tiền túi cho xuất bản cuốn sách “Dưới tượng đài quân tình nguyện” vừa được Nhà xuất bản Văn hóa thông tin xuất bản và phát hành đầu năm 2014. Hay mới đây, khi cả nước hướng đến kỷ niệm 35 năm chiến tranh biên giới Việt-Trung, Nguyễn Thế Kiên cũng đã dốc lòng bằng những câu thơ đọc mà thấy chạm đến tận cùng nơi sâu thẳm trái tim: “Rập rình suốt bốn ngàn năm/Bao nhiêu nước mắt từ thăm thẳm về/Kìa trên nấm cỏ xanh rì/Nén tâm, nhang đỏ thầm thì... tháng hai...” (Nói với em trước ngày 17 tháng 2).
Thiết nghĩ, chiến tranh vốn luôn là một đề tài không bao giờ cũ đối với những người cầm bút. Nhưng với những cây bút trẻ thì viết về đề tài này lại là thách thức không nhỏ. Rất đáng mừng là trong dòng cuộn chảy của sự đổi mới và nền kinh tế thị trường, vẫn có những tấm lòng day dứt tìm về với các đề tài xung quanh cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc như nhà thơ trẻ Nguyễn Thế Kiên. Thành công của Nguyễn Thế Kiên khi viết về Trường Sơn bên cạnh cái duyên thơ trời cho, chủ yếu nằm ở cái tâm và sự thành kính dành cho lớp cha anh đã sống, chiến đấu và hy sinh cho đất nước được thống nhất, độc lập: “Chị đi năm ấy bao nhiêu tuổi?/Cây cỏ đại ngàn đâu đã quên/Trường Sơn Tây đá cũng mềm/Từ vòng eo ấy mà nên bây giờ” (Sinh sôi); hoặc: “Chênh vênh phía Trường Sơn Tây/Mùa khô hương tóc còn say đại ngàn/Đá trần trụi giữa miên man/Tạc nên hình bóng giang san một thời” (Bóng cũ). Và chính yếu tố đó đã giúp thơ anh không bị trượt đi trong trí nhớ người đọc.
Hà Nội, Tháng 03 - 2014
Nhà báo Đức Huy