Thứ bảy, 28/12/2024,


Phát hiện một Họa sĩ gần 80 tuổi với hàng trăm tác phẩm vô giá (18/02/2014) 

Nhà xuất bản CAND vừa ấn hành cuốn sách tranh khổ lớn mang tên “Khoảnh khắc chiến trường”, do Nhà thơ Đặng Vương Hưng trực tiếp tổ chức bản thảo và giới thiệu. Đây có thể là một trong những phát hiện lớn nhất của Mỹ thuật Việt Nam trong năm 2014. “Khoảnh khắc chiến trường giới thiệu gần 400 tác phẩm tranh cổ động, ký họa chân dung và tranh phong cảnh của Đại tá CAND Lương Mạnh Tâm, nguyên cán bộ An ninh Trung ương Cục Miền Nam...

LBVN xin giới thiệu đôi nét về phát hiện mới nêu trên.

 

Từ trái qua: Nhà thơ Đặng Vương Hưng và Đại tá, Họa sĩ Lương Mạnh Tâm

 

Nằm ẩn mình trên một con phố nhỏ, đường Lê Đại Hành nối dài (nhiều người vẫn quen gọi là “Ngõ Vân Hồ 2”) bên cạnh Trường Tiểu học Tây Sơn, thuộc quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, số 59 là ngôi nhà cũ kỹ, kiêm quán cơm bình dân. Chủ nhà là một đôi vợ chồng già, đều là Công an hưu trí, đã sống ở đây tới hơn nửa thế kỷ. Hàng xóm rất ít người biết ông Lương Mạnh Tâm nguyên là Trưởng phòng Cảnh sát Khu vực và Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, thuộc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an; nguyên cán bộ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Từng nhiều năm sống và chiến đấu tại chiến trường, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ gian khổ và ác liệt nhất; từng vinh dự được tham gia xây dựng tờ “Tin An ninh nhân dân giải phóng miền Nam” (1970 - 1971). Càng ít người biết ông Lương Mạnh Tâm còn là một Họa sĩ chiến trường, đã vẽ hàng ngàn bức ký họa...

Hé lộ đôi nét về một Họa sĩ già còn ẩn danh

Ông Lương Mạnh Tâm sinh năm 1937 tại Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, trong một gia đình có cha làm công nhân thợ máy cần cù còn mẹ tần tảo với những gánh hàng xén bán ở chợ sớm tối. Nghĩa là cậu bé Tâm không phải là người được sinh ra và nuôi dưỡng trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cũng như bao đứa trẻ thời đó, tuổi thơ của cậu bé in hằn ký ức về những tháng ngày chiến tranh ác liệt. Năm lên 8 tuổi (1945), Lương Mạnh Tâm cùng gia đình tản cư lên huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Và đây chính là nơi đã cho cậu bé mối duyên gặp gỡ với những người thầy dạy vẽ theo kiểu “truyền nghề” để bắt đầu kết thân với hội họa.

Đam mê với bút chì và giấy vẽ từ thuở ấy, nhưng điều kiện chiến tranh khốc liệt không cho phép Lương Mạnh Tâm đi học trường mỹ thuật. Năm 1953, chàng thanh niên ấy đã theo tiếng gọi của non sông lên đường nhập ngũ đánh giặc với tình yêu Tổ quốc sâu đậm, rồi sau này được chuyển ngành sang lực lượng Công an, được điều động đi “Bê”...

Những năm tháng chiến trường miềm Nam gian khổ ác liệt là thế, mà Lương Mạnh Tâm vẫn miệt mài đam mê vẽ ký họa. Số tranh ông vẽ cũng phải đến hàng ngàn bức lớn nhỏ, nhưng hiện tại chỉ còn giữ được khoảng hơn 400 bức. Ngắm nhìn “gia tài” những bức tranh ký họa còn được lưu giữ đến ngày nay của ông thì chắc hẳn ai cũng sẽ trầm trồ thán phục. Những hình ảnh sống động, chân thực về cuộc sống, con người trong thời chiến được thể hiện qua từng nét vẽ tài hoa, gợi lên cho người xem về vẻ đẹp bình dị, hồn hậu trong tâm hồn của người Chiến sỹ và Nghệ sỹ; đó là những sự kiện, nhân chứng tiêu biểu của một thời hào hùng.

Trong thời gian ông công tác tại Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Lương Mạnh Tâm còn được tham gia xây dựng Tờ Tin “An ninh giải phóng miền Nam Việt Nam” mà người phụ trách là đồng chí Tám Đào, dưới sự chỉ đạo của Đồng chí Hải An – Phụ trách Ban Tuyên huấn. Dưới mưa bom, bão đạn, không ngại khó khăn, ông cùng động đội đã ngày đêm cập nhật tin tức, viết, vẽ rồi in bằng phương pháp thủ công. Điều đặc biệt là ông chính là người vẽ toàn bộ hình ảnh minh họa cho tờ tin đó.

Người cựu chiến binh đã nhớ lại và kể: “Thời đó, làm gì có máy in như bây giờ, bản in bằng tay rất thô sơ, nên ảnh chụp không thể in lên trang báo được, vì vậy bắt buộc phải tự vẽ rồi in ra. Tờ tin phát hành được 15 số trong vòng hai năm, những bức tranh của tờ tin đều do tôi vẽ hết. Khi được vẽ tranh để tuyên truyền, cổ động cho từng hoạt động, chiến công của lực lượng An ninh miền Nam thì tự mình đã thấy rất tự hào rồi. Nên mình phải vẽ làm sao để truyền tải hết được nội dung và tinh thần để cổ vũ chiến đấu cho toàn lực lượng mới là điều quan trọng”. 

Gia tài bị “ngủ quên” được phát hiện và “đánh thức” thế nào?

Năm 1970, Lương Mạnh Tâm được điều động công tác ở nhiều nơi như: Khu căn cứ Tây Ninh (vẫn thuộc Ban An ninh Trung ương Cục), Campuchia, Ban Liên lạc giao liên Z28 Bình Phước, Sài Gòn… Đến năm 1976, ông được chuyển về công tác tại Cục Cảnh sát Quản lý hành chính, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho đến khi nghỉ hưu...

Gần 400 tác phẩm hội họa do Đại tá Lương Mạnh Tâm mang từ chiến trường ra vẫn được ông cẩn trọng giữ gìn trên nóc tủ. Chúng sẽ “mãi mãi ngủ yên”, nếu như không có Cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền Kỷ vật lịch sử công an nhân dân”. Lúc đầu, ông Tâm chỉ có ý định ủng hộ Ban tổ chức Cuộc vận động một số bức ảnh mà ông chụp tại chiến trường, được coi là các kỷ vật lịch sử Công an. Khi các nhân viên của Bảo tàng Công an đến nhà tiếp nhận, họ phát hiện ra chiếc giá vẽ mang từ chiến trường ra và người họa sĩ già cũng đồng ý hiến tặng luôn. Có giá vẽ thì tất nhiên là phải có tranh... như chợt nhớ ra và Đại tá Lương Mạnh Tâm bảo: “Còn mấy trăm bức tranh cũ nữa, vẽ lâu lắm rồi, nhiều bức đã rách nát, tôi đang để trên nóc tủ ấy, chẳng biết Ban tổ chức có cần không?”.

Các nhân viên Bảo tàng Công an xem qua và xin được tiếp nhận luôn.

Nhưng có lẽ số phận của những tác phẩm hội họa của Lương Mạnh Tâm sẽ dừng lại là “Kỷ vật bảo tàng”, nếu không được phát hiện giá trị nghệ thuật, “đánh thức và thổi hồn” cho chúng “sống lại” thông qua những trang sách ảnh và bình luận của báo giới...

Vào một ngày đẹp trời cuối năm 2013, thông qua họa sĩ Nghiêm Xuân Thành, chúng tôi đã mời một nghệ nhân chụp ảnh nổi tiếng của làng Ngũ Xã đến Bảo tàng CAND... Ông mang theo một chiếc máy kỹ thuật số nhà nghề. Với sự trợ giúp của hai thạc sĩ văn chương, đồng thời cũng là biên tập viên của cuốn sách: Đinh Đức Long và Nguyễn Thy Huyền, người nghệ nhân đã mất hàng chục giờ đồng hồ để chụp hơn 400 file ảnh mầu, chất lượng cao...

Đại tá Lương Mạnh Tâm xứng đáng được tôn vinh là một họa sĩ chiến trường!

Lần đầu tiên tiếp xúc với những tác phẩm của Đại tá Lương Mạnh Tâm, dù không am hiểu nhiều về hội họa, nhưng linh cảm nghề nghiệp mách bảo rằng chúng tôi đang không chỉ làm một cuốn sách ảnh và tranh thông thường. Cần phải cố gắng thể hiện một điều gì đó lớn hơn, bằng kinh nghiệm truyền thông, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Tôi thấy cần thiết phải có một bài viết đề dẫn cho tác giả và tác phẩm để định hướng dư luận. Đặc biệt, là cần phải tìm cách khẳng định tư cách Họa sĩ cho Đại tá Lương Mạnh Tâm. Phần khai thác thu thập tư liệu cho bài đề dẫn, tôi đã nhờ bạn Trần Thị Ánh Điệp, người cộng tác với tôi như một Trợ lý báo chí. Còn phần khẳng định tư cách Họa sĩ, không còn cách nào hơn là chúng tôi tìm đến Hội Mỹ thuật Việt Nam...

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật sau khi xem những tác phẩm của Đại tá Lương Mạnh Tâm, đã rất ngạc nhiên và khẳng định: Những người làm nghề ở Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ sự trân trọng những bức vẽ có trong cuốn sách này... Hoạ sĩ là danh xưng của những người có khả năng và trực tiếp sáng tác các tác phẩm hội hoạ. Trong thực tế, các cuộc Kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, có nhiều người chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một hoạ sĩ, bởi còn khát vọng chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước, nhưng với tài hoa của sẵn có, với nhiệt huyết sáng tạo hội hoạ để lại cho đời. Tự minh chứng bằng những tác phẩm đã một cách tự nhiên thành họa sĩ và ông Lương Mạnh Tâm là một người như thế. Tác phẩm của ông xứng đáng được lưu giữ, khiến không chỉ chúng ta hôm nay, mà các thế hệ sau cũng phải cảm phục khi xem chúng.

 

Hà Nội, Xuân Giáp Ngọ - 2014

 ĐẶNG VƯƠNG HƯNG
                                

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: