Thứ bảy, 27/04/2024,


Nghệ sĩ piano Bích Trà: Kể chuyện từ những chuyến đi (05/01/2009) 

Nghệ sĩ piano Bích Trà đang học tập và biểu diễn âm nhạc tại London, Anh. Năm 2008, Bích Trà đã được mời tham gia một số chương trình biểu diễn âm nhạc tại Việt Nam và một số quốc gia. Qua email cuối năm, Bích Trà bày tỏ vài cảm nhận từ những chuyến đi.

 

PV: Sau chương trình Giai điệu Mùa thu 2008 diễn ra tại TPHCM, Bích Trà cũng đã có chuyến đi biểu diễn cùng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM ở Nhật?

 

Nghệ sĩ piano Bích Trà: Vâng, đó là chuyến đi vào đầu tháng 10-2008. Lần đầu tiên Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM đã tham gia Tuần dàn nhạc giao hưởng châu Á 2008 (Asia Orchestra Week) cùng với đoàn Trung Quốc, Hàn Quốc. Chương trình đoàn Việt Nam biểu diễn gồm giao hưởng Ký ức Đồng khởi (Võ Đăng Tín), Concerto số 2 cho piano và dàn nhạc (Rachmaninov), giao hưởng số 2 (Brahms); chỉ huy dàn nhạc là NSƯT Trần Vương Thạch…

Thú thật, với cảm giác đại diện Việt Nam đến Nhật tham dự một liên hoan âm nhạc hàn lâm có dàn nhạc các nước châu Á tham gia, cộng thêm biết khán giả Nhật là lớp công chúng khá “uyên thâm” về nhạc cổ điển, chúng tôi hơi hồi hộp. Thế nhưng, đêm biểu diễn ở Phòng hòa nhạc Nhà hát Tokyo Opera City tên tuổi, với cách thiết kế âm thanh tuyệt hảo, làm chúng tôi thật ấn tượng. Khán phòng đông chật người cùng những tràng vỗ tay nồng nhiệt sau buổi diễn khiến ai cũng cảm thấy vui và cảm động…

 

- Báo chí trong, ngoài nước trong thời gian gần đây đã đưa thông tin về chuyến biểu diễn Bích Trà ở thủ đô Washington, D.C ( Mỹ), ý nghĩa chuyến biểu diễn này có khác so với ở Tokyo?

 

- Dạ, có khác đôi chút. Trung tâm Kennedy là một trong những trung tâm văn hóa lớn, nổi tiếng của nước Mỹ và cũng là nơi quảng bá nghệ thuật đến công chúng một cách phi lợi nhuận. Các chương trình biểu diễn âm nhạc còn được phát trực tiếp và lưu lại trên mạng internet. Đầu tháng 12-2008, phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Trung tâm Kennedy đã mời Bích Trà sang biểu diễn ở Millennium Stage một số tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng: Sergei Prokofiev, Nicolas Metdner và Leo Ornstein. Ý nghĩa chính của chương trình biểu diễn lần này là nhằm giới thiệu các tác phẩm của cố nhạc sĩ Leo Ornstein. Ông là một nhà soạn nhạc khá đặc biệt của Mỹ trong thế kỷ 20. Từng cảm xúc khi trình diễn bản nhạc bị lãng quên của Joseph Joachim Raff trong chương trình Giai điệu Mùa thu 2008 ở Việt Nam, vì vậy dường như Bích Trà dễ cảm hứng khi trình diễn nhạc Ornstein…

 

              

                    Nghệ sĩ  Bích Trà trong một chương trình biểu diễn

 

- Ấn tượng của Bích Trà như thế nào qua chuyến đi biểu diễn ở Mỹ?

 

- Bích Trà thật may mắn khi được sứ quán Việt Nam ủng hộ nhiệt tình. Sự tiếp đón chu đáo của sứ quán thật ấm lòng. Bất ngờ nhất, nơi xứ lạ quê người, Bích Trà đã gặp được gia đình chị Xuân tận tình giúp đỡ. Ở đây, Bích Trà vừa được tập đàn vừa được chị Xuân chiêu đãi món phở ngon. Điều đáng nói, lần đầu tiên đi biểu diễn ở nước ngoài, Bích Trà được nhiều khán giả Việt Nam tham dự ủng hộ, thật cảm động. Khán giả Mỹ cũng cổ vũ nồng nhiệt và lời nhận xét, đánh giá tốt của ông Matt Kattenburg, người điều hành Trung tâm Kennedy, về đêm biểu diễn cũng là sự khích lệ lớn đối với Bích Trà.

Sau buổi biểu diễn ở Trung tâm Kennedy, Bích Trà còn được mời bay sang San Francisco để làm việc với gia đình nhạc sĩ Leo Ornstein. Đây cũng là cơ hội để nghệ sĩ biểu diễn nghiên cứu thêm về cuộc đời và các tác phẩm khác của Leo Ornstein. Con trai của cố nhạc sĩ là ông Severo Ornstein, cùng vợ là bà Laura Gould, đều là hai nhà khoa học tên tuổi của Mỹ. Họ bày tỏ rằng rất vui mừng khi gặp gỡ một nghệ sĩ piano Việt Nam thực sự quan tâm và nghiên cứu dự án làm sống lại các tác phẩm lãng quên của một nhà soạn nhạc người Mỹ. Ở San Francisco, người ta cũng tổ chức một chương trình âm nhạc Ornstein nhỏ hơn và Bích Trà đã biểu diễn để đáp lại tấm lòng mến mộ của khán giả.

 

- Một năm với nhiều chuyến đi biểu diễn khá thú vị, Bích Trà có dự định gì cho năm 2009?

 

- Mỗi cuộc biểu diễn đều giúp cho mình thêm kinh nghiệm. Đồng thời đó cũng là cơ hội được học hỏi, mở rộng tầm nhìn từ các môi trường và học hỏi nhiều điều lạ từ những người mới gặp. Ví dụ, chuyến sang Mỹ, Bích Trà mới thấy con chim ruồi (humming bird) thật ngộ nghĩnh; hoặc nhận được mặt chữ Akkadian, một thứ tiếng cổ của vùng Trung Cận Đông không còn được sử dụng. Bích Trà biết được điều này là nhờ sự chỉ bảo của bà Laura Gould, một người thật uyên bác về ngôn ngữ cổ này.

Về dự định trong năm 2009, tất nhiên, đi xa ai cũng nhớ nhà, bởi vậy, có thể Bích Trà sẽ chuẩn bị một dự án hoạt động âm nhạc của mình ở Việt Nam thường xuyên hơn trong thời gian tới.

 

- Chúc Bích Trà nhiều sức khỏe và tiếp tục thành công trên con đường nghệ thuật.

 

Kim Ửng

(Báo SGGP)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: