Từ ngày dời nhà lên thành phố, Tết năm nào mẹ con tôi cũng chộn rộn, gian nan vì mấy chậu mai.
Năm 2000, dưới quê mới lên Sài Gòn, chưa trồng đuợc cây mai nào mà tết nhứt đã tới nơi. Sáng 29 tết, thằng con chạy u ra chợ hoa mua mấy nhánh mai về chưng. Nó hí hởn cầm cành mai trên tay, khoe:
- Coi nè mẹ! Nụ đầy cành, cánh mới he hé như vầy là kịp mùng một đó.
Tôi nhìn mai, cười bảo:
- Coi cũng được. Tạm vậy đi. Năm tới mẹ mua cây mai lớn chưng cho đàng hoàng với người ta.
Thằng con lúi húi hơ “đít” cành mai cho nó được tươi lâu (người bán chỉ cách như vậy) rồi thận trọng bỏ vào bình hoa đặt trên bàn thờ. Nó ngắm qua ngắm lại, sửa tới sửa lui hồi lâu mới vừa ý .
Trưa 30, dọn cơm lên bàn thờ rước ông bà. Chợt giật mình nhìn cành mai trong bình. Trời đất! Cành hoa héo rũ, những nụ hoa gục đầu xuống như đang giận dỗi ai, nhiều nụ hoa rơi rụng xuống bàn thờ như lá mùa thu.
Chết rồi! Không được rồi. Mai héo úa như vầy là xui xẻo suốt năm chớ chẳng chơi. Tôi gọi điện kêu con trai báo cáo tình hình cho nó hay và dặn nó coi trên đường còn ai bán mai không nhưng nó nói giờ này người ta về lo rước ông bà, có ai bán đâu, tôi biểu mua vạn thọ chưng đỡ nhưng nó nói vạn thọ cũng hết.
Vậy là đành rồi, phải biết trước như vầy mua hờ một bịch mai giả dán cành mai giấy chưng tạm. Thế là đành bỏ nhánh mai, bàn thờ ông bà trống không, coi lạnh tanh lạnh tẻo, buồn hết biết.
Năm sau, để tránh tình trạng cũ, hai mẹ con ra chợ hoa thật sớm để mua chậu mai cho “ra trò”. Ngắm nghía hết cả chợ cho đã mắt rồi trả giá, chợ đang ở thời kỳ mới nhóm nên giá còn treo trên trời. Chậu mai cao chừng 1m, hoa lác đác mấy nụ mà hét giá nghe ớn lạnh “400.000đ”, nhưng lựa hoài cũng không có cây nào rẽ hơn mà còn xấu hơn cây này nên đành ôm chậu mai về nhà.
Đặt cây mai ngoài hiên, hai mẹ con tưới ngày tưới đêm cho nụ kịp nở ngày mùng Một. Nhưng cây dường như chỉ tốt lá mà không có hoa. Mấy nụ hoa nhỏ xíu bằng đầu cây tăm cứ đứng chựng cở đó mà không thấy lớn, tưới gì tưới nó vẫn giữ nguyên “size” như vậy. Tôi sốt ruột bảo thằng con “Cây nầy hình như mai đực con à”. Thằng con nhìn tới nhìn lui, nhận xét “Mẹ làm như đu đủ, có cây đực cây cái, mai chỉ có một lọai thôi. Tại mình mua cây rẽ nên nó èo uột như vậy chớ mua loại một triệu trở lên thì ngon lành, tiền nào của nấy mẹ ơi”. “Xí! Thứ mai nầy hồi đó ở dưới quê tao xin thiếu cha gì, họ còn nan nỉ bứng đi cho trống đất. Lên tới trên nầy, nó “chảnh” thấy ghê luôn. Mai mốt về quê, tao bứng một cây ngon lành trồng cho “biết tay”. Thằng con gãi gãi đầu “Ở đây mà bì dưới quê sao được, ở dưới đất rộng, trồng cây gì cũng ngon lành. Chà… chà… bây giờ làm sao đây? Chắc phải mua bông mai giả gắn cho chắc ăn mẹ ơi”. Tôi nói nước đôi: “Mua thì mua chớ bông hoa lẹt đẹt kiểu này mà chưng cái nỗi gì. Con mua mai giả, ngày 30 gắn lên cho xong”.
Nhà văn Kim Quyên
Ngày mùng Một tết, nhà chưng cây mai thiệt mà bông thì giả, bạn bè tới nhìn, có người phát hiện, kêu “Trời đất, sao thiệt giả lẫn lộn vầy nè” Tôi cười giã lã “Thì chuyện đời, thiệt giả khó phân biệt là chuyện thường ngày ở huyện, có gì lạ mà ngạc nhiên” “Trời ơi! Tới hoa mà cũng như vầy nữa sao, chịu gì nổi” Tôi lại nỡ nụ cười cầu tài “Người giả cũng là chuyện thường, nói gì hoa”
Nói vậy chớ Tết nhứt nhờ có cây mai mang lại hương sắc vui tươi và điềm may mắn tốt lành cho một năm mà không ra trò trống gì hết coi sao được. Bạn bè tới ngắm nhìn, người phê một câu nghe “quê” dễ sợ. Tôi về quê, quyết tâm tìm cho ra cây mai lai tạo giống mới, nhiều bông, nhiều cánh, hương sắc đậm đà, lọai mai “cao cấp” đàng hoàng chớ không chưng lọai “ bát nháo” nữa, mất thể diện quá.
Cây mai cao 1,5m, cành lá xum xuê trông thật mát mắt. Thằng con vô phân hữu cơ và phân chuồng, tôi có nhiệm vụ tưới tăng đều đặn, cây mai lớn nhanh, mơn mởn như cô gái đang tuổi dậy thì. Năm nay thì tha hồ mà chưng mai, cây mai đẹp, sang cũng làm tăng lên giá trị của ngôi nhà lắm lắm.
Gió chướng rao rao se lạnh báo hiệu mùa Xuân sắp sang, tôi càng cần mẫn tưới mai, hôm nào quên để gốc khô đất là thấy xốn xang trong người. Cây mai nầy chẵng những là loại mai quí mà lại là của người bạn thân dưới quê tặng, nên ngoài vẻ đẹp của mai còn là tình nghĩa bạn bè chí cốt bấy lâu nên mẹ con tôi rất qúi mến nó.
Một buổi sáng tháng 11 âm lịch, đứng ngắm nghía cây mai trước khi tưới bỗng phát hiện những nụ mai nho nhỏ đã đơm đầy cành. Trời ơi! “Ra” sớm kiểu này là chết luôn, tới mùng Một chỉ còn trơ cành chớ hoa đâu mà chưn. Nhìn những nụ hoa chi chít mà tay chân tôi bủn rủn, bời rời. “Mai ơi là mai, sao tui khổ với mai như thế này”, tôi kêu lên trong cổ họng nghèn nghẹn như có ai chẹn cục đá vô đó.
Tôi cầm cái bình xịt đi vô nhà, từ nay không tưới tắm gì nữa. Ngẫm nghĩ một hồi mới sực nhớ ra, chắc tại hai mẹ con cưng kiu nó quá, bón phân tưới nước liên tục, nên sung quá nó mới ra cớ sự như vậy. Thế mới biết, chuyện đời thật khó khăn trăm bề. Thương, ghét phải đúng chỗ, đúng nơi, hành xử trật một ly đi một đàng. Mai trồng dưới đất, là loại cây không cần tưới nước gì cả, chỉ khi muốn thúc cho bông mau nở thì mới tưới thường. Chuyện này tôi vẫn biết nhưng ở thành phố, mai lúc nào cũng ở trong chậu, không tưới, thấy đất khô chịu không nổi nên phá lệ.
“Vậy là cái số của mẹ phải chưng mai giả rồi”, thằng con nhìn tôi cười thương hại “ Mà hỏng có mai thì chưng vạn thọ, hoa hồng hay hoa cúc cũng được, có gì đâu” Tôi buồn rầu bảo “ Nói như con vậy thì còn gì là hoa nữa, mỗi loại hoa có ý nghĩa và thời kỳ riêng, không có mai thì không có màu sắc, ý nghĩa của Tết, chớ ngày thường chưn hoa gì không được, hoa dại cũng có vẻ đẹp của nó kia mà”
Thằng con làm thinh, nó không muốn cải lý dông dài với tôi, lẵng lặng đi soạn cái bịch hoa mai giả để sẳn, an ủi “ Mai giả cũng đẹp lắm rồi, năm sau đừng tưới nó nữa là êm chớ có gì đâu, đừng quan trọng hóa vấn đề làm mất vui mẹ ơi. Vài bữa mai nở, coi như mình ăn tết sớm vậy chớ gì”
Thằng con vô tư hồn nhiên không khác gì cây mai, nó đâu biết người già thường hay để ý từng việc nhỏ nhặt chi li, những điều tưởng như không có gì quan trọng nhưng đối với họ là cả một niềm vui, nỗi buồn, là tình là nghĩa mà chỉ có người già với nhau mới hiểu thấu được.
Xuân Giáp Ngọ 2014
Kim Quyên