Thứ sáu, 26/04/2024,


Công bố nhiều tư liệu mới về Hoàng Hoa Thám (08/02/2014) 

“Hoàng Hoa Thám (1836 - 1913)” - Chuyên khảo mới nhất của Tiến sĩ sử học Khổng Đức Thiêm. Công trình gồm 13 chương, nội dung đã được Hội đồng Khoa học nghiệm thu sách đánh giá là: “Tập đại thành về người anh hùng Hoàng Hoa Thám; là sự kế thừa và tổng kết toàn bộ thành tựu nghiên cứu của giới nghiên cứu lịch sử từ trước tới nay, trong và ngoài nước về một vĩ nhân lịch sử”...

 

 Hoàng Hoa Thám không chỉ đóng vai trò quan trọng về thời gian lịch sử (những năm bản lề của thế kỷ 19 - 20) mà còn là gạch nối quan trọng giữa 2 khuynh hướng cứu nước – theo hệ tư tưởng phong kiến (Phong trào Cần Vương) và theo hệ tư tưởng tư sản (Phong trào Duy tân). Giới sử học khắp trong Nam ngoài Bắc cũng như bản thân tác giả đã để ra nhiều năm nghiên cứu về Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế, nhưng không ít vấn đề cốt lõi rất cần có lời giải đáp thấu đáo về thời điểm sinh thành và yên nghỉ, quê hương bản quán và họ hàng gốc gác, sự nghiệp và tiểu sử song thân... của người anh hùng dân tộc vẫn còn bỏ ngỏ.

Nhờ nhiều phát hiện mới về văn bản học, TS. Khổng Đức Thiêm đã hoàn thành việc biên soạn “Hoàng Hoa Thám (1836 - 1913)” vào giữa năm 2013. Công trình được nghiệm thu bởi Hội đồng Khoa học thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam với 7 thành viên do Giáo sư Phan Huy Lê đứng đầu; Giáo sư Đinh Xuân Lâm và Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Xanh phản biện, Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành. Cuốn sách Hoàng Hoa Thám (1836 - 1913) được biên soạn sau những công trình có cùng nội dung được công bố trong Địa chí Hà Bắc (1982), Khởi nghĩa Yên Thế (1984), Lịch sử Hà Bắc (1986), Khởi nghĩa Yên Thế (1997), Địa chí Bắc Giang (2005)... Sách có độ dày 740 trang, khổ 16 x 24cm, bao gồm 12 chương nội dung cùng nhiều phụ bản về tư liệu thành văn, sơ đồ và ảnh. Tác phẩm ra mắt vào đầu tháng 2-2014, nhân kỷ niệm lần thứ 130 ngày khởi nghĩa Yên Thế bùng nổ.

TS. Khổng Đức Thiêm cho biết: So với những công trình của ông và của giới nghiên cứu sử học về cùng đề tài này, Hoàng Hoa Thám (1836 - 1913) có những đóng góp mới về khoa học như sau:

- Khẳng định chính thức thời điểm Hoàng Hoa Thám ra đời là năm 1836, gốc họ Đoàn, quê quán Dị Chế (Tiên Lữ, Hưng Yên).

- Sự nghiệp đấu tranh chống ách thống trị phong kiến tàn bạo của phụ thân Hoàng Hoa Thám trong vai trò Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Dị Chế (Hưng Yên) kéo dài từ đầu năm 1829 đến tháng 9-1836.

- Những kết quả mới nhất về thời kỳ trưởng thành của Hoàng Hoa Thám từ 1854-1885 (tham gia khởi nghĩa Cai Vàng, khởi nghĩa Đại Trận, chống Thanh phỉ, xây dựng làng chiến đấu ở Yên Thế, chiến đấu chống Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ 2 trong đội quân của Lãnh binh Trần Xuân Soạn và Cai Kinh).

- Việc Hoàng Hoa Thám hưởng ứng chiếu Cần vương, ra mắt Phan Đình Phùng và thời điểm tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Lương Văn Nắm lãnh đạo.

- Thời điểm Lương Văn Nắm bị sát hại và Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của khởi nghĩa Yên Thế.

- Những hiểu biết mới về Đội Văn và những ngày chiến đấu của ông trên chiến trường Yên Thế.

- Vai trò của Bá Phức và thực chất của sự trá hàng của ông.

- Kỳ Đồng và phong trào di dân lập đồn điền ở Yên Thế cùng sự hỗ trợ của phong trào đối với nghĩa quân Yên Thế.

- Về nội dung các cuộc tiếp xúc giữa Hoàng Hoa Thám với Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu qua những tài liệu mới tìm thấy.

- Sự hỗ trợ của Hoàng Hoa Thám trên đất Yên Thế với phong trào chống Thanh do Tôn Trung Sơn lãnh đạo.

- Thực chất về vai trò chỉ đạo trực tiếp của Hoàng Hoa Thám trong cuộc Khởi nghĩa Hà Thành tháng 6-1908.

- Những đánh giá từ phía nhà cầm quyền Pháp về vai trò tích cực của Lê Hoan đối với Hoàng Hoa Thám và kiến giải mới về nhân vật này qua những tài liệu thu thập được từ Pháp.

- Những lý giải xung quanh thời điểm Hoàng Hoa Thám yên nghỉ.

- Khẳng định tính chất giải phóng dân tộc của phong trào Yên Thế thời kỳ Hoàng Hoa Thám lãnh đạo.

Nhân dịp ra mắt cuốn sách “Hoàng Hoa Thám (1836 – 1913)”, Nhà xuất bản Tri thức và Trung tâm Văn hóa Pháp có tổ chức buổi hội thảo giới thiệu sách vào hồi 14 giờ – 16 giờ, thứ Ba, ngày 11/02/2014; tại Hội trường L’espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.  Với sự tham gia của diễn giả Khổng Đức Thiêm, Tiến sỹ sử học, nghiên cứu viên cao cấp Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh. Và dẫn chương trình là Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam và là Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay.

Nếu bạn quan tâm, có thể liên hệ với TS. Khổng Đức Thiêm - Nhà riêng: 11, A21, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội; Điện thoại: (04) 38364769 - 01253 730 607; hoặc email: thiemkd@gmail.com để biết thêm thông tin chi tiết.

Đặng Vương Hưng

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: