Giữa xô bồ náo nhiệt của cuộc sống hiện đại, giữa những cách tân, phá cách của thơ tự do, tâm thức tôi lại muốn hướng về cội để được bình yên trong những vần thơ lục bát. Từ nhỏ tôi đã được nghe những lời ru:
Cánh cò bay lả bay la
bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng
hay:
Cái cò lặn lội bờ sông
gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non
và nhiều những câu hát ru khác đằm thắm, mộc mạc mà chân thành và giản dị như chính những người cất lên tiếng hát đó…
Tôi đi tìm mình, tìm lại đồng quê, tìm lại cánh cò… trong thơ lục bát. Bình yên như tự bao đời, thơ lục bát đã đi vào lòng người một cách tự nhiên. Người Việt mấy ai không thuộc lấy một vài câu lục bát, phải chăng thơ lục bát chính là tâm hồn của người Việt, đi đâu xa rồi cũng quay về…
Tôi bắt gặp tuổi thơ tôi trong bài thơ “ Chăn trâu đốt lửa” của Đồng Đức Bốn - người được coi là vị cứu tinh của thơ lục bát:
Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro
Những câu thơ giản dị, giản dị như chính hồn quê Việt. Như có mà lại như không, nó tự đi vào lòng người như một tâm thức hướng về nguồn cội. Tôi nhận ra làng tôi trong những vần thơ đó. Trong cuộc sống ồn ào, đôi khi bắt gặp một câu thơ lục bát, nghe một khúc ca dao, ta chợt lắng lòng, suy ngẫm nhiều hơn về cuộc đời này, suy nghĩ về những cái còn, mất :
Sáng nay vác cuốc ra đồng
Nhận ra mình giữa nơi không có mình
(Đặng Vương Hưng)
Âm điệu lục bát dẫn ta đi sâu vào chính tâm hồn mình, chiêm nghiệm về chính mình:
Một đời tìm kiếm đẩu đâu
Về làng lại thấy con trâu, cái cày
Rạ rơm vẫn rạ rơm này
Đêm đông đốt lửa khói bay ấm trời...
(Đặng Vương Hưng)
Bao nhiêu là thứ bùa mê
Cũng không bằng được nhà quê của mình
(Đồng Đức Bốn)
Thơ lục bát với tôi cũng là một thứ bùa mê không dứt ra được, đó là tâm thức về cội của tôi…
Thục Anh (Sưu tầm)