Thứ sáu, 27/12/2024,


Tôi, Em và mùa Xuân (Bùi Đức Ánh) (31/12/2013) 

 

Thúy hiện ra trước mắt tôi lạ lẫm, đáng yêu hơn bao giờ hết.
Nàng bẽn lẽn cười. Hai bàn tay giấu dưới tà áo dài lụa mới. Có phải người ta đã lấy chút ráng đỏ trời chiều hòa với mây bạc dệt thành sắc áo cho nàng. Thúy bừng sáng giữa gian phòng đầy hoa trái mùa xuân.
Tôi vẫn cảm thấy choáng váng, hụt hơi khi nàng nắm lấy tay tôi dẫn đi như một đứa trẻ tới trước bộ sa lông:
- Nhìn em kỳ vậy? Ngồi xuống đây nè, Ông tướng!
Tôi rút mùi xoa lau trán. Chưa kịp tĩnh hồn thì bé Thy, em Thuý chạy ào tới, vòng tay, khom người:
- Năm mới, em chúc anh Huy sống lâu trăm tuổi.
Hôm nay, bé Thy cũng diện bộ đầm trắng mới toanh. Chiếc nơ đỏ rực trên tóc bé to gần bằng cái đầu khiến cho Thy trở nên buồn cười hơn là xinh xắn. Tôi đùa:
- Không dám sống tới trăm tuổi đâu! Lúc đó lưng anh còng, lụm cụm lắm!
Cô bé chu cặp môi thoa son đỏ choét:
- Vậy Thy chúc anh sang năm mới có vợ, chịu không?
Tôi cười:
- Như ý rồi! Anh chúc bé mau lớn, học giỏi!
Tôi quay sang Thúy khi bé Thy chạy ra sân:
- Chúc Thúy trẻ đẹp mãi và mau có chồng.
Thúy đỏ mặt giãy nảy:
- Quỷ sứ! Chọc em hoài. Ăn mứt đi anh. Đừng nói nữa cho em nhờ.
Tôi nếm cọng mứt dừa Thúy đưa. Vị ngọt thấm vào đầu lưỡi. Ngon ghê! Có công lao của tôi nữa đó. Trong cái hộp có bảy ngăn thì đã có sáu ngăn đựng những loại mứt tôi có góp sức hoàn thành.
Vào những ngày giáp tết, vừa thấy tôi vác mặt tới nhà, Thúy đã reo lên:
- Hên quá! Anh tới rồi! Anh mau vào gọt khế giúp em nè!
Tôi chưa kịp phản đối thì Thúy đã tươi cười đưa chiếc khăn tẩm mước nóng cho tôi lau mặt, em ân cần mời:
- Uống tách cà phê sữa cho khỏe đã nha anh!
Rồi Thúy bỏ mặt tôi với rỗ khế đầy có ngọn.
Lần khác, Thúy dịu dàng giải thích:
- Anh thích ăn dưa hành lắm phải không? Em có mua ba ký lô để đãi anh đó.
Giọng nàng ngọt như đường bảo sao tôi không ngồi mấy tiếng đồng hồ đổ mồi hôi, rơi nước mắt với…mấy củ hành tím. Tôi thắc mắc:
- Hình như củ hành loại nầy…nhỏ quá! Làm lâu thấy mồ!
Nàng nguýt tôi một cái dài thượt:
- Không biết gì hết hà! Củ nhỏ mới mau chua, mau thấm chứ anh.
Thoáng thấy tôi đưa cánh tay áo lên quệt …nước mắt, nàng tủm tỉm cười duyên, đến ngồi sát bên, khen lấy khen để:
- Anh tài quá! Mới đó mà gần xong …phân nửa rồi. Hình như chuyện nữ công gia chánh anh giỏi hơn em nhiều. Để khi nào nhà em có việc, em nhờ anh tới làm giúp nha.
Nghe xong tôi vừa hãnh diện vừa thấy đời mình …u tối đến nơi. Suýt chút nữa đánh rơi cặp kính cận vì hoảng vía. Tôi im lặng chờ dịp để …vù về cho êm.
Tôi quyết định trốn biệt ở nhà cho hết thời gian nghỉ tết. Quên chuyện cơ quan, quên những bận rộn thường ngày để hưởng trọn mấy ngày cuối đông nhàn nhã. Nhưng nỗi nhớ về em cứ làm cho tôi đứng ngồi không yên. Mở sách ra đọc thì thấy ánh mắt tinh nghịch của Thúy hiện lên trang giấy. Tôi chẳng đọc được chữ nào. Tôi ra sau vườn mắc võng ngủ trưa. Tiếng gió lay động lá cây, tiếng chim hót ríu rít trên cao làm tôi nhớ giọng cười khúc khích của nàng. Nhớ hai lúm đồng tiền hào phóng phô bày trên gò má mịn màng của Thúy. Chịu hết nổi. Tôi cuốn võng vào nhà lấy xe đạp để…vác mặt tới nhà nàng.
Đúng như tôi đã đoán. Thúy đang tất bật với nồi niêu xoong chảo. Vừa thấy tôi, nàng mừng quýnh, cười tươi như hoa hồng buổi sớm:
- Anh tài ghê! Biết em chuẩn bị làm mứt dừa nên tới giúp em phải không?
Tôi bấm bụng gật đầu:
- Hỗm rày Thúy không có làm mứt sao?
- Không, em nghỉ mệt. Bữa nay mới tiếp tục. Hai mươi chín tết rồi. Mau ghê héng anh.
Nàng phân công tôi cạy cơm dừa. Không biết ông trời cắc cớ chi mà tạo ra miếng cơm dừa dầy quá cỡ. Cạy mãi vẫn trơ trơ. Đã vậy, Thúy còn bảo:
- Cạy nhè nhẹ nha anh. Mạnh tay quá vỡ vụn hết thì em không bào được cọng dừa dài. Sẽ không đẹp.
Chẳng biết người thông thái nào đã nghĩ ra cách làm mứt dừa? Phải chi để cơm dừa dùng trong công nghiệp như làm xà bông, ép dầu…thì đỡ cho tôi biết mấy. Khi mấy miếng cơm dừa bị nạy văng ra khỏi cái gáo, nàng bảo:
- Anh nằm võng nghỉ mệt chút đi anh.
Thúy nhóm bếp. Nhà nàng có bếp gas, có bếp điện kể cả bếp từ…Nhưng mẹ nàng vẫn tạo thêm một cái chái bếp củi phía sau để nấu nướng vào những ngày cuối tuần hay giỗ tết. Thúy cũng thích dùng cái bếp nầy, dù nó tạo nên rất nhiều khói làm nàng chảy cả nước mắt khi nhóm lửa. Nàng bảo rằng nàng thích nhìn ánh lửa bập bùng, thích tiếng củi nổ tí tách như một loại âm thanh độc đáo, reo vui. Thúy lại thích mùi thơm hăng hăng hắt ra từ bếp lửa. Nó gợi cho nàng liên tưởng đến một làng quê xa xôi mà nàng từng đến đó trong một lần dự trại sáng tác. Ở đó có những đống lửa lộ thiên mà nàng đã nhiệt tình nhảy vòng quanh cùng với bạn bè và dân trong bản. Đó là kỷ niệm tuyệt vời nhất mà nàng từng có. Nàng còn bảo tôi rằng có những loại thịt được hun khói và treo lủng lẳng trên giá nhìn ớn vậy mà khi thành thức ăn lại rất ngon và lạ miệng vô cùng. Nàng yêu cuộc sống hoang dã và sự chân chất của nhưng người nàng được gặp. Họ đã cho nàng thật nhiều cảm xúc để hình thành những tác phẩm hay.
Chắc nàng không biết được rằng tôi cũng yêu những cái bếp thô sơ như thế. Bởi chúng gợi cho tôi nhớ về bà, về mẹ. Hình như cuộc đời của họ gắn liền với cái bếp. Và cũng chính nơi đó, mẹ đã ấp ủ yêu thương gia đình trong từng bát canh, ơ cá kho khô. Những ngày tết, nơi đó sực nức mùi thơm của thức ăn và ấm áp vô cùng. Vì vậy, mỗi khi gió chướng hây hẩy tràn về, tôi đau đáu nhớ quê hương, nhớ mẹ và gian bếp dậy mùi thân thuộc. Có lẽ vì vậy mà tôi thường tìm đến nhà Thúy, bởi ít có nơi nào giữa chốn phồn hoa mà có một gian bếp đầy kỷ niệm, một nửa như rất lạ, một nửa lại rất quen.
Thúy quay sang tôi, mỉm cười lỏn lẻn:
- Anh ơi, em quên mua va –ni rồi. Quán chị ba gần đây có bán.chụp lửa giùm em nha. Em chạy đi mua nha.
Tôi đến bên bếp. Ngọn lửa âu yếm ôm lấy…cái chảo to tướng. Đường sôi lọc bọc trong đó. Mấy cọng dừa oằn oại, mềm nhũn nằm mẹp xuống như mết mỏi. Nóng ơi là nóng! Nực ơi là nực! Mồ hôi tuôn ra như muốn cuốn trôi cặp kính xuống khỏi cái sóng mũi không lấy gì làm cao và thanh tú của tôi. Lùi ra xa, tôi cởi áo ngoài rồi đút hết năm cây củi vô lò. Xong, tôi lên võng nằm đòng đưa cho khỏe. Thúy vừa về tới. Nàng la hoảng lên:
- Ối trời! Tưởng cháy nhà! Sên mứt không dược để lửa phừng phừng kiểu này đâu. Lửa to khét hết à nha. Chỉ cần riu riu thôi cho đường thấm vào dừa mới ngon.
Bây giờ tôi mới biết nhớ công ơn những người..làm mứt bán cho mình ăn. Nhớ ơn mẹ đã làm nhiều món ngon, bánh lạ cho tôi dùng suốt quảng đời thơ ấu. Cực kinh khủng! Lửa riu riu vậy là tới khuya mới xong. Chúa ơi! Thời gian cháy đi dưới chảo mứt dừa của Thúy. Thảo nào, Bác Minh ba Thúy thường bảo:
- Bác không thích ngọt, không ưa chua. Có thì ăn, chứ không thích…làm.
Tôi hí hửng nói theo:
- Dạ con cũng vậy ạ!
Giờ nầy chắc ba mẹ của Thúy đang ngồi ở quán cà phê sách. Họ tình tứ như một cặp tình nhân mới lớn. Cách sống của ba mẹ Thúy rất nghệ sĩ. Ngoài giờ làm việc, họ thường đèo nhau đến quán cà phê sách quen thuộc. Mỗi người chọn một quyển rồi ngồi bên nhau vừa nhâm nhi cà phê vừa đọc sách. Họ cho phép hai con gái được sống theo ý thích miễn biết điểm dừng, không sa đà. Bé Thy còn bé nhưng cũng có thói quen dễ thương là hay cùng nhóm tuổi teen đi ăn kem, ăn quà vặt. Bé thích dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Chỉ có Thúy là mê vào bếp sau những giờ mày mò trên bàn phím máy tính. Đôi khi tôi tự hỏi, ngoài sáng tác và làm bếp ra, chẳng biết nàng có dành chút thời gian nào để nhớ thương tôi không? Chắc có lẽ có vì mối lần thấy tôi, nàng luôn reo lên. Tôi cảm thấy lòng lâng lâng khi nhìn ngọn lửa riu riu, ấm áp.

- Ngày tết anh kiêng nói à?
Tôi giật mình mỉm cười với Thúy:
- Sao em bảo anh im lặng cho em nhờ. Hai bác đâu em?
- Ba mẹ em đi chơi rồi.
Tôi hỏi một câu dở òm:
- Sao Thúy không đi theo?
- Dạ, em chờ anh tới cùng đi cho vui.
Tôi cảm động cầm lấy tay Thúy:
- Ước gì hai đứa mình cũng được như ba mẹ hả Thúy.
Hai gò má Thúy hồng lên như hoa đào ngoài ngõ. Thúy rút tay về. Tôi chợt bâng khuâng như có ai hát vang trên bầu trời ngập hương hoa ngày tết. Những giai điệu tuyệt vời! Xa xa. Tôi vội nói những lời mà bấy lâu nay giấu kín tận đáy lòng:
- Anh yêu em biết bao!

 


BÙI ĐỨC ÁNH
(Hội nhà văn TP. HCM)

ĐT: 0913.894.048

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: