Thứ sáu, 20/09/2024,


Người đòi lại tên cho nhà thơ trào phúng xuất sắc Tú Quỳ (30/12/2013) 

Đến nay, cái tên Tú Quỳ - nhà thơ trào phúng xuất sắc của tỉnh Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn không còn xa lạ với mọi người. Để có điều đó, có công lao to lớn của một nhà nghiên cứu văn học nghiệp dư.
Năm 2011, HĐND TP Đà Nẵng đã ra nghị quyết đặt tên đường mang tên nhà thơ trào phúng Tú Quỳ để ghi nhận tài năng của ông.

Ông Trương Duy Hy với tác phẩm biên khảo của mình
về nhà thơ trào phúng Tú Quỳ. Ảnh: LÊ PHI
Ông Trương Duy Hy kể: “Khi nghe tin tên Tú Quỳ được đặt cho một con đường tại Đà Nẵng, tôi thực sự xúc động. Như vậy, cả đời đi tìm và lấy lại danh tiếng cho cụ Tú Quỳ của tôi đã hoàn thành phần nào nhiệm vụ”.
Gần 40 năm sưu tầm
ÔngTrương Duy Hy nay đã 79 tuổi, trú 155 Đống Đa, TP Đà Nẵng. Ông Hy kể lúc còn nhỏ thường phải đứng hầu quạt cho các cụ đồ nho đến nhà mình ở làng Minh Hương (nay ở Hội An) đàm đạo văn chương. Trong các cuộc luận bàn văn chương ấy, cái tên Tú Quỳ được nhắc đến nhiều nhất với tất cả sự nể trọng.
Nhưng từ ngày còn bé đến khi về quê dạy trẻ thì cái tên Tú Quỳ cứ ám ảnh, thôi thúc ông biên khảo cho bằng được các sáng tác của nhà thơ trào phúng đất “Ngũ Phụng Tề Phi” này. “Lúc còn trên ghế nhà trường, chúng tôi chỉ được học thơ văn miền Bắc hoặc miền Nam. Tôi nghĩ mãi, chẳng lẽ miền Trung không có lấy một ông nhà thơ, nhà văn nào tài giỏi ngoài vài bài của cụ Phan Châu Trinh. Cá tính Quảng Nam trỗi dậy, tôi sực nhớ lại thơ văn của Tú Quỳ. Hồi tôi còn nhỏ, ai cũng đọc thơ ông ấy sao không ai giảng dạy, sao tên tuổi ông ấy không được công nhận. Từ đó, tôi quyết định giành cả đời mình đi tìm và trả lại tên tuổi cho Tú Quỳ” - ông Hy tâm sự.
Theo ông Hy, Tú Quỳ tên thật là Huỳnh Quỳ (1828-1926), sinh ra và lớn lên tại làng Giảng Hòa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Trong nhà cả ba thế hệ đều đỗ tú tài nên người ta gọi ông là Tú Quỳ. Tuy được triều đình Huế trọng dụng làm quan nhưng ông từ chối. Suốt đời Tú Quỳ phiêu du khắp các tỉnh miền Trung. Đi đến đâu ông dựng trường dạy học và làm thơ trào phúng ở đó. Thơ ca Tú Quỳ ở Quảng Nam thì không ai không thuộc một đôi bài. Có vậy, đến tuổi cửu tuần (90 tuổi - PV), vua Khải Định ban cho ông hàm “Hàn Lâm Đãi Chiếu” vì nể trọng tài năng. Nhưng do thời gian nên văn thơ trào phúng của Tú Quỳ mai một và tam sao thất bản.
Để tìm thơ văn Tú Quỳ, ông Hy đã ít nhất ba lần suýt chết vì bom đạn. Có lúc tư liệu bị mất, ông phải mò mẫm tìm kiếm lại từ đầu. Trước giải phóng, với tập bản thảo lần thứ 8 về Tú Quỳ, ông Hy được mời tới Viện ĐH Cộng đồng Quảng Đà thuyết trình trước hàng trăm học sinh, sinh viên và nhà nghiên cứu. Sau đó, ông tiếp tục đưa thơ văn Tú Quỳ đến với Hội An thuyết giảng trước nhà văn Phan Khôi, Phạm Phú Hưu, Hồ Ngận... và đông đảo tri thức Quảng Nam. Đi tới đâu cuộc thuyết trình về thơ văn trào phúng của Tú Quỳ được tán thưởng tới đó.
“Sau gần 40 năm sưu tầm, tìm kiếm và đã có bản thảo nhưng phải đến năm 1993 cuốn sách về nhà thơ trào phúng độc đáo nhất của Quảng Nam - Tú Quỳ mới ra đời. Đó là cả một quãng đường dài. Nếu tôi không bền gan thì chúng ta đã để quên lãng một nhân tài của đất Quảng!” - ông Hy tâm sự.
Thêm một cái tên cho văn học
Sách về Tú Quỳ ra đời đã làm dậy sóng một thời gian dài với nhiều ý kiến khác nhau. Giới nghiên cứu văn học lo ngại về sự trung thực của những thông tin mà sách đưa ra. Bởi hầu hết các bài thơ của Tú Quỳ đều lưu truyền trong dân gian, người này truyền tụng người kia mà bút tích để lại rất ít ỏi. Cuối cùng, ông Hy vác sách ra Hà Nội bảo vệ ý kiến và đòi lại tên tuổi cho Tú Quỳ tại Viện Văn học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Một mình ông Hy “đối chọi” với 48 người là “cây đa, cây đề” trong giới nghiên cứu văn học Việt Nam (do GS Phong Lê, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam đứng đầu) để bảo vệ cuốn sách và tên tuổi nhà thơ trào phúng Tú Quỳ. Với những dẫn chứng thuyết phục, sự phân tích sắc sảo, khổ tâm nghiên cứu của ông, cái tên Tú Quỳ đã được công nhận và chính thức xuất hiện trên văn đàn Việt Nam. Cái tên Tú Quỳ đã được trả lại một cách vinh quang cho người Quảng Nam.
Không dừng lại đó, cuốn văn thơ Tú Quỳ của ông Hy biên khảo được khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng dùng cho sinh viên làm luận án tốt nghiệp. Ông Hy tâm sự: “Có thể nói tên tuổi và tài năng của cụ Tú Quỳ đã được trả lại đúng nghĩa. Bây giờ sinh viên văn chương khi nói đến thơ ca trào phúng Quảng Nam là nhắc tới Tú Quỳ”.
Theo ông Hy, văn thơ trào phúng của Tú Quỳ có thể kể đến với các bài tiêu biểu như Cồn con; Chó nhà giàu, Hát bội Quảng Nam, Dế dũi, Vịnh cây tre... Đặc biệt, bài Nước lụt của Tú Quỳ được rất nhiều người biết đến và được các nhà nghiên cứu, phê bình văn học đánh giá cao. Nội dung bài thơ như sau: “Mưa từng chặp gió từng hồi/ Bốn mặt non sông nước khỏa rồi/ Lũ kiến bất tài tha trứng chạy/ Chòm rong vô dụng kết bè trôi/Chít chiu rừng rậm chim kêu tổ/Lổm ngổm giường cao chó nhảy ngồi/ Nỡ để dân đen rày đói lạnh/ Nào ông Hạ Võ ở đâu rồi”.
Ông Hy đánh giá tài năng và thơ văn của Tú Quỳ không hề thua kém bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Phan Văn Trị, Cao Bá Quát, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Nhưng cái thua thiệt của Tú Quỳ ở chỗ giới nghiên cứu văn học không được tiếp cận thơ văn của ông đúng thời điểm. Hoàn cảnh lịch sử đã đẩy thơ ca trào phúng của Tú Quỳ rơi lạc vào dân gian.
Phần nói đầu của cuốn sách về Tú Quỳ, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân nhận xét: “Tôi biết ông Hy là một nhà sưu tầm nghiệp dư, tự nguyện đi tìm lại thơ văn của một bậc tiền nhân, có lẽ vì thương cho một di sản có thể bị mất đi mãi mãi. Công việc khôi phục tác phẩm Tú Quỳ của ông Hy tiến hành chủ yếu bằng con đường điền dã bởi hầu như không thể lục tìm trong các tàng thư. Hy vọng với việc tìm lại được di sản sáng tác của Tú Quỳ, giới nghiên cứu sẽ thấy rõ thêm trong bản đồ văn học cuối thế kỷ XIX một gương mặt làm phong phú thêm một mảng sáng tác lâu nay vẫn được mệnh danh là văn thơ trào phúng”.
Ông Trương Duy Hy từng tham gia kháng chiến chống Pháp tại huyện đội Quế Sơn (Quảng Nam) và làm thư ký đánh máy cho Tổ 2 Quân báo Quảng Nam - Đà Nẵng dưới thời ông Lê Văn Mân. Năm 1952, ông nhập học Trường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) sau ngày đỗ trung học ông vào Sài Gòn. Những năm 1957-1958, ông học Trường Petrus Ký và đỗ tú tài. Rời Trường ĐH Luật, ông cắp sách về Quảng Nam gõ đầu trẻ tại các trường trung học ở Duy Xuyên, Đại Lộc, Hội An. Sau đó, ông giáo làng Trương Duy Hy bị bắt đi lính dưới chế độ cũ.
Ông Trương Duy Hy còn là người viết nhiều sách biên khảo khác như Khoa bảng Quảng Nam; Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa; Danh xưng tôn quý của sĩ tử Quảng Nam dưới thời nho học; Lược sử làng Minh Hương; Đà Nẵng đất và người…
LÊ PHI
Nguồn: PLTP
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: