Ngày 1-1-2009, làng báo Việt Nam chính thức chào tạm biệt bốn vị Tổng Biên tập trứ danh: Nguyễn Công Khế - Báo Thanh Niên, Lê Hoàng – Báo Tuổi Trẻ, Nam Đồng – Báo Pháp Luật TPHCM và Nguyễn Minh Hiền – Báo Doanh Nhân Sài Gòn. Có người nghỉ hưu để hưởng cuộc sống thanh nhàn, có người chuyển công tác để tiếp tục cống hiến ở vị trí khác. Bằng thiện chí của một vạn bối và bằng suy tư của một bạn đọc, tôi viết đôi dòng tri ân họ.
LỜI THƯA:
Từ một cậu học trò tỉnh lẻ vào Sài Gòn bươn bả lập nghiệp, hơn mười năm qua được làng báo nuôi cơm, tôi luôn ấp ủ viết một cuốn sách về những nhà báo tôi đã gặp gỡ, đã cộng tác, đã tin cậy, đã yêu mến… Sau tác phẩm “Bốn mươi năm nói láo” của Vũ Bằng, đời sống báo chí Việt Nam vẫn chưa được nhận diện và ghi chép một cách thỏa đáng. Thảng hoặc trong hồi ký của nhà phê bình Thiếu Sơn hay nhà văn Tô Hoài chỉ có vài ba trang ngắn ngủn đề cập đến những người làm báo. Phải chăng chúng ta đã quen với chuyện nhà báo viết về người khác, mà quên rằng nhà báo cũng là mẫu nhân vật cần được viết? Mỗi người luôn ẩn giấu một bí số cuộc đời, mỗi nhà báo có phải ẩn giấu thêm bí số của thời đại họ đã sống nữa. Đôi lúc, ngổn ngang với niềm vui bất chợt hay nỗi buồn chưng hửng khi tác nghiệp báo chí, nửa đêm tôi cứ muốn ngồi bật dậy nắn nót viết về những nhà báo quen biết đã thành công hay đã thất bại ra sao, để bản thân tiếp tục trân trọng cái nghề nhọc nhằn này. Thế nhưng, công việc thường nhật cứ xô đẩy khiến tôi chưa bao giờ được bình tâm ngồi xuống thực hiện dự định ấy.
Ngày đầu tiên của năm mới 2009, báo chí chính thức đưa tin bốn vị Tổng Biên tập rời nhiệm sở, tôi tự nhiên thấy nhói lên một chút bùi ngùi. Nhà báo Nguyễn Công Khế không được tái bổ nhiệm chức vụ đứng đầu báo Thanh Niên, nhà báo Lê Hoàng cũng không được tái bổ nhiệm vị trí lãnh đạo báo Tuổi Trẻ. Còn nhà báo Nam Đồng rời khỏi chiếc ghế Tổng Biên tập báo Pháp Luật TPHCM để nghỉ hưu, và nhà báo Nguyễn Minh Hiền cũng trao con dấu Tổng Biên tập báo Doanh Nhân Sài Gòn cho người kế nhiệm. Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng trong một ngày phải tạm biệt bốn vị Tổng Biên tập trứ danh, trong lòng tôi cứ rối bời cảm giác nuối tiếc và buồn thương.
Bây giờ giáp mặt ngoài đường, chắc chắn có người trong bốn vị Tổng Biên tập vừa mãn nhiệm có thể không nhận ra tôi. Bởi lẽ, trong những dịp tình cờ hội ngộ, tôi chỉ lặng lẽ quan sát họ như một đồng nghiệp vô danh. Nhờ góc khuất riêng tư, tôi hiểu họ theo cách của tôi. Tôi hiểu họ không phải qua tòa soạn của họ tiện nghi như thế nào, thu nhập hàng tháng của họ nhiều ít như thế nào, mà qua chính công việc của họ, qua chính tờ báo mà họ giữ vai trò quyết định cao nhất!
1.
Nhà báo Nguyễn Công Khế là gương mặt nổi bật trong bốn Tổng Biên tập kể trên. Và ông cũng là người giữ chức Tổng Biên tập lâu nhất so với ba vị kia. Nhà báo Nguyễn Công Khế vóc dáng đường bệ và có vẻ hào hoa nữa. Tôi đã từng đến nhiều cuộc hội họp hay buổi giao lưu, và được chứng kiến khẩu khí chất ngất của ông. Nguyễn Công Khế nói về đoàn thể rất sôi nổi, Nguyễn Công Khế nói về bóng đá cũng rất sôi nổi, và Nguyễn Công Khế nói về người đẹp càng sôi nổi hơn. Những ai quan tâm đến truyền thông Việt Nam thì hầu như đều biết tên tuổi Nguyễn Công Khế. Xung quanh ông có rất nhiều thị phi, có thị phi do ông gây ra, và có thị phi do người ta đồn thổi. Không sao cả, đó là sự rắc rối bình thường của một nhân vật nổi tiếng.
Sự thành đạt của nhà báo Nguyễn Công Khế có lẽ sẽ là một ẩn số cho những người viết sử về ngành truyền thông Việt Nam những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Tôi đã dò hỏi nhiều người công tác ở báo Phụ Nữ Việt Nam suốt giai đoạn ông Nguyễn Công Khế làm phóng viên tại đây, và không ai chứng minh được tuổi trẻ Nguyễn Công Khế có ưu điểm gì đáng ngạc nhiên. Thế nhưng, từ khi theo ông Huỳnh Tấn Mẫm sang gầy dựng báo Thanh Niên thì tinh hoa Nguyễn Công Khế phát tiết. Chỉ hơn 20 năm, một hình ảnh báo Thanh Niên sừng sững đã trực tiếp khẳng định đóng góp không nhỏ của nhà báo Nguyễn Công Khế đối với tiến trình phát triển báo chí nước ta. Không thể phủ nhận, ông Nguyễn Công Khế có ba đặc tính của một lãnh đạo báo chí thời đổi mới và hội nhập: quảng giao, nhạy bén và đột phá. Bên cạnh cái tài quản lý và tổ chức, nhà báo Nguyễn Công Khế vẫn không muốn rời xa ngòi bút. Ông tranh thủ mọi khoảnh khắc rãnh rỗi để hăng say viết những bài in ngay trang nhất tờ báo do mình làm Tổng Biên tập. Bài viết của nhà báo Nguyễn Công Khế thường hấp dẫn ở những chi tiết như ăn cơm với Ủy viên Bộ Chính trị hay hé lộ mối quan hệ thân mật với quan chức các ngành, các địa phương. Nhà báo Nguyễn Công Khế từng tự tin cho in cuốn “Gõ cửa đêm giao thừa thế kỷ” tập hợp các bài báo, dày 368 trang. Nếu danh phận nhà báo Nguyễn Công Khế chót vót như ngọn núi, thì những bài báo ký tên Nguyễn Công Khế đa phần gần như những mô đất mấp mé nửa cao nửa thấp. Tôi nghĩ, khi đứng lên những mô đất thì người ta dễ dàng thấy được chóp núi. Giá như không có những mô đất, thì chóp núi Nguyễn Công Khế sẽ vươn vào mây trắng, mờ ảo hơn, huyền diệu hơn, kỳ vĩ hơn. So với những nhà báo cùng thế hệ như Lưu Trọng Văn hay Huỳnh Dũng Nhân thì tài viết lách của Nguyễn Công Khế chưa thể vượt trội, nhưng sự nghiệp của ông khi rời khỏi vị trí Tổng Biên tập là để lại cho báo Thanh Niên một cơ ngơi đồ sộ và một thương hiệu nhất đẳng trong làng truyền thông Việt Nam hôm nay!
2.
Cái dạo ông Lê Hoàng làm giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, tôi cứ ngỡ đơn vị mà ông đang lãnh đạo chỉ có hai nhà báo là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan chuyên viết trào phúng bằng bút danh Hoàng Thiếu Phủ và nhà thơ Phạm Sỹ Sáu nguyên phóng viên báo Quân khu 7. Và tôi cũng không ngờ có ngày phải gọi ông Lê Hoàng với danh xưng nhà báo. Bởi lẽ, ông Lê Hoàng có phong thái của một người làm quan, lúc nào cũng nhã nhặn, lúc nào cũng chừng mực, lúc nào cũng khéo léo. Mỗi lần nhìn thấy Lê Hoàng mập mạp da thịt đỏ au, gặp ai cũng nói cười hoan hỉ, gặp ai cũng thăm hỏi nhiệt tình, tôi bỗng mường tượng một tình cảnh: khi đi qua cầu thang hẹp nào đó, bất kể kẻ ngược chiều là ai, thì Lê Hoàng vẫn sẵn sàng thót bụng lại, nép vai lại, vén mình lại để nhường đường với khóe miệng cầu tài và ánh mắt cầu an. Thú thật, vì kính nhi viễn chi với ông Lê Hoàng, có lần tôi đã nghĩ, sống ở đời mà không ai nỡ ghét và không nỡ ghét ai thì cũng chán nhỉ?
Lúc nghe tin ông Lê Hoàng nhận quyết định sang làm Tổng Biên tập thay cho nhà báo Lê Văn Nuôi, thú thật tôi cũng hơi ái ngại dùm ông. Nhân sự của báo Tuổi Trẻ như Huỳnh Sơn Phước, Nguyễn Trọng Chức, Lê Văn Nghĩa, Bùi Thanh, Lưu Đình Triều, Đặng Dũng, Thu An có phải những tay vừa đâu, một người vốn quen từ tốn với trang sách như Lê Hoàng dễ gì điều hành được họ. Vậy mà, tôi đã lầm. Con thuyền Tuổi Trẻ dưới bàn tay thuyền trưởng Lê Hoàng vẫn cứ rùng rùng ra khơi, thậm chí vài ba phen được mùa gió lộng cũng hứng khởi giong buồm phấp phới! Cầm tờ báo Tuổi Trẻ rộn ràng thông tin nóng hổi, tôi thầm thán phục nhà báo Lê Hoàng đúng là “chân nhân bất lộ tướng”, mà không thể phân định phẩm chất nhà báo ẩn nấp sẵn trong ông, hay môi trường nhật báo đã thay đổi ông! Dẫu thời gian làm Tổng Biên tập của Lê Hoàng tính trước tính sau chỉ vỏn vẹn sáu năm, nhưng tôi tin những sóng gió mà ông trải qua vẫn đủ để những người tiếp tục làm báo Tuổi Trẻ củng cố tinh thần Tuổi Trẻ, trái tim Tuổi Trẻ trong ước mơ phụng sự cho nhân dân!
3.
Năm 1996, khi nhà báo Nam Đồng từ báo Tuổi Trẻ chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Pháp Luật TPHCM, thì bạn đọc lại có thêm một kênh thông tin bổ ích. Phải thừa nhận, trong sự trưởng thành nhanh chóng của báo Pháp Luật TPHCM, ai cũng nhìn thấy vai trò của nhà báo Nam Đồng. Khen tài làm báo của ông Nam Đồng không khéo sẽ giống như khen phò mã tốt áo. Tôi đã tận dụng nhiều cơ hội hiếm hoi để ngắm nghía nhà báo Nam Đồng, vì ông luôn kín tiếng, không khoa trương hình thức cũng không hoạt ngôn diễn đàn.
Phương tiện duy nhất để người đời hiểu Nam Đồng là tờ báo phát hành mỗi ngày. Sẽ rất chủ quan, nếu cho rằng tờ báo nào đó thu hoạch được kết quả mỹ mãn chỉ nhờ vào một người. Kiến thiết một giá trị trong ngành truyền thông, ngoài tài năng và bản lĩnh, còn đòi hỏi cơ duyên nữa. Cơ duyên của người đứng đầu tờ báo quan trọng lắm. Xét về nhân tướng học, nhà báo Nam Đồng có tướng ngũ đoản. Những người có tướng ngũ đoản, nếu xương thịt cân xứng, thần thái uy nghi, ấn đường sáng sủa sẽ là đại phú quý. Thế nhưng, cái dáng thấp đậm của Nam Đồng không dễ cho người khác nắm bắt được suy tưởng của ông, khi nhìn vầng trán vuông vức với cặp chân mày thường hay nhíu lại.
Có lần, trong một bữa tiệc chiêu đãi, tôi có dịp ngồi đối diện với nhà báo Nam Đồng. Ông không biết chàng trai trước mặt, và tôi cũng không bắt chuyện, nên ai cũng thoải mái chọn lựa một tâm trạng riêng. Tôi đã nhìn nhà báo Nam Đồng như xem một đoạn phim không lời, mà nhạc nền là những tiếng cụng ly chúc tụng xung quanh. Không khí bữa tiệc rất vui vẻ, nhưng Nam Đồng ăn ít và uống cũng ít, còn ánh mắt lúc nào cũng nhìn thẳng. Ánh mắt ấy chìm hẳn vào khuôn mặt đầy đặn đen sạm của ông. Ánh mắt ấy mang hai màu sắc, cương trực và độ lượng. Ánh mắt ấy báo cho tôi biết người đàn ông này khi làm việc gì hay khi hợp tác với ai, thái độ có thể thỏa hiệp nhưng mục tiêu rất kiên định.
Một nhà báo giỏi, không chỉ chú trọng uy tín cá nhân và doanh thu tờ báo, mà còn phải lưu tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ kế cận. Nhà báo Nam Đồng đã làm được điều đó, mà ví dụ cụ thể là đào tạo nhà báo Nguyễn Đức Hiển. Từ một cử nhân luật thơ phú chữ nghĩa lương vương, Nguyễn Đức Hiển đã đầu quân dưới trướng Nam Đồng và cứng cáp lên từng ngày. Suốt 12 năm làm Tổng Biên tập báo Pháp Luật TPHCM, nhà báo Nam Đồng hầu như không viết lách gì, về hưu chắc sẽ có nhiều điều trải ra trang giấy, vì ở ông hình như vẫn còn năng lực tiềm tàng!
4.
Nhà báo Nguyễn Minh Hiền sinh năm 1951. Nghỉ hưu bây giờ kể ra cũng đã quá hai năm, tính theo qui định. Thế nhưng, chị ở lại thêm hai năm thì báo Doanh Nhân Sài Gòn càng có thêm hai năm thăng hoa để lan tỏa vào đời sống thương mại Việt Nam.
Khi nhà văn Trần Thanh Phương còn làm Phó Tổng biên tập phụ trách phía Nam của báo Đại Đoàn Kết, mỗi lần ghé tòa soạn thăm ông, tôi thường thấy một người phụ nữ cặm cúi trên bàn làm việc. Đó là nhà báo Nguyễn Minh Hiền, khi ấy chị đang thực hiện ấn phẩm Đại Đoàn Kết Cuối Tuần. Cộng tác viên của chị hầu hết là sinh viên báo chí, và chị ân cần góp ý cho từng người. Tôi không biết từ cái bàn biên tập của nhà báo Nguyễn Minh Hiền, bao nhiêu bạn trẻ đã được tiếp thêm nghi lực để theo đuổi nghề báo chuyên nghiệp, nhưng cái dáng ngồi tận tụy của chị tỏa xuống một chiếc bóng thầm lặng khiến tôi cảm mến!
Năm 2004, nhà báo Nguyễn Minh Hiền chuyển sang làm Tổng Biên tập một tờ báo mới toanh có tên là Doanh Nhân Sài Gòn. Phụ nữ ở độ tuổi tri thiên mệnh còn can đảm xê dịch nghề nghiệp quả thật đã là một chuyện đáng nể. Măng –sét Doanh Nhân Sài Gòn rất hay, nhưng muốn trụ được không phải đơn giản, vì cùng thể tài này đã có nhiều tờ báo có chỗ đứng vững vàng như Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thời báo Kinh tế Việt Nam hay Diễn đàn Doanh Nghiệp. Vậy mà chị vẫn chiêu hiền đãi sĩ để có một Doanh Nhân Sài Gòn mang bản sắc đặc thù. Hơn nữa, những ngày vất vả với tờ báo mới, đã giúp chị vượt qua một cơn bạo bệnh!
Thỉnh thoảng tôi có tạt qua báo Doanh Nhân Sài Gòn tán gẫu với mấy người bạn. Đôi lần tôi dừng lại cửa phòng Tổng Biên tập, định chào nhà báo Nguyễn Minh Hiền một câu, nhưng sợ tiếng gõ cửa làm phiền chị. Với quan điểm tôn vinh doanh nhân, nhà báo Nguyễn Minh Hiền đã đưa lần lượt chân dung các vị giám đốc lên trang bìa. Tôi hình dung, mỗi số báo chị phải đắn đo xem tấm hình của giám đốc này phải sử dụng kỹ thuật photoshop như thế nào để lộng lẫy hơn, hoặc bài viết về giám đốc kia phải dùng mỹ từ uyển chuyển như thế nào để nhân vật tin rằng ngày mai mình sẽ thành đại thương gia. Tóm lại, với sự đam mê và tâm huyết của nhà báo Nguyễn Minh Hiền, tờ Doanh Nhân Sài Gòn đã giúp không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa dẫu đang buôn rón bán rén cũng nung nấu ý chí vươn cao bay xa, như những Bạch Thái Bưởi của thế kỷ 21!
So với ba đồng nghiệp Nguyễn Công Khế, Lê Hoàng và Nam Đồng, thì tên tuổi nhà báo Nguyễn Minh Hiền nhạt nhòa hơn. 58 tuổi, nhà báo Nguyễn Minh Hiền bắt đầu thong dong làm một công chức hưu trí. Có thể rời khỏi tòa soạn thì chị đã quên ngay mình từng là một nhân vật nữ được chú ý trong làng báo, nhưng tôi dám chắc rằng, những cô gái Việt hứng thú bước chân vào nghề báo sẽ nhớ đến chị bên cạnh những người phụ nữ cùng thế hệ chị thành đạt trong nghề báo như Kim Hạnh, Nguyễn Thế Thanh, Thái Phong Sương, Hồ Thị Thu Hồng, Hà Phương, Mai Hiền…
VĨ THANH
Bốn Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế, Lê Hoàng, Nam Đồng, Nguyễn Minh Hiền từ những góc độ khác nhau đã góp phần vào sự phong phú và đa dạng của báo chí Việt Nam đồng hành với sự tiến bộ của đất nước. Tất nhiên, góc nhìn của tôi chỉ là những xúc cảm vội vàng và thô sơ. Tôi tản mạn dông dài nhằm tỏ lòng tri ân họ, cảm ơn họ đã đánh đổi những được mất cá nhân để mang đến cho bạn đọc những sản phẩm báo chí hữu ích. Bạn đọc không quên họ, và lịch sử báo chí nước nhà cũng sẽ nhắc họ sau những tên tuổi Trần Bạch Đằng, Hoàng Tùng, Phan Quang, Hữu Thọ, Thái Duy… trong công cuộc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh!
Lê Thiếu Nhơn
(Nguồn: lethieunhon.com)