Thứ bảy, 20/04/2024,


Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến: Viết để mình vui... (02/01/2009) 

Trong giới âm nhạc, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến là một trong số ít người viết khá nhiều ca khúc hay dành cho thiếu nhi. Nhắc đến anh là nhắc đến: “300 năm thành phố Hồ Chí Minh”; “Thành phố Bác Hồ, thành phố của em”… Thế nhưng, 10 năm nay, không thấy anh cho “ra lò” ca khúc thiếu nhi nào. Cuối tuần, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng anh…

 

* Chào anh, khi viết nhạc, anh  thấy viết ca khúc cho thiếu nhi, thanh niên, sinh viên hay ca khúc về quê hương…, cái nào dễ hơn?

 

- Tôi thấy thể loại nào cũng có cái khó riêng của nó. Tuy nhiên, khi mình có cảm xúc thật sự thì sáng tác sẽ dễ dàng hơn. Khi sáng tác, tôi luôn viết bằng những cảm xúc thật của mình. Trước tiên, tôi viết để tự mình thỏa niềm đam mê, để mình vui. Từ năm 12 tuổi, tôi đã bắt đầu viết ca khúc Tuổi thơ. Đến giờ, với tôi mỗi ca khúc là một kỷ niệm.

 

* Hàng trăm ca khúc thiếu nhi của anh, hầu hết đều được viết từ năm 1998 trở về trước, còn 10 năm trở lại đây, không thấy anh viết ca khúc thiếu nhi?

 

- 10 năm nay làm công tác quản lý, bận rộn, ít đi đây đi đó nên chưa có điều kiện để viết. Tôi nghĩ, có dịp nào đó, tôi sẽ lại viết ca khúc cho thiếu nhi, vì đây là một quãng thời thơ ấu của mình – ai cũng có một thời ấy!

 

* Còn có một Trần Xuân Tiến có rất nhiều ca khúc trở thành bài hát truyền thống?

 

- Điều này chắc tại… cái duyên Trần Xuân Tiến. Tôi rất hạnh phúc khi có những ca khúc của mình trở thành bài hát truyền thống, bài hát sinh hoạt của nhiều nơi. Tôi nhớ, có một hôm xem ti vi, thấy cảnh sinh hoạt tập thể của bộ đội Trường Sa, tất cả bộ đội ở đảo Trường Sa lớn đều hát vang bài Hành khúc chiến sĩ Trường Sa của tôi: “Ta là chiến sĩ trên đảo Trường Sa. Giữa bão tố phong ba đảo vẫn là nhà. Tổ quốc gọi ta đi. Vinh quang người chiến sĩ….' lòng cảm thấy lâng lâng niềm vui sướng.  Ca khúc 'Hành khúc chiến sĩ Trường Sa' tôi viết tại đảo Trường Sa vào ngày 8-7-1994, khi đưa đoàn làm phim “Gần lại Trường Sa” của Thành đoàn TPHCM đến đây quay phim.

 

* Năm 2008 được xem là năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị, là một nhạc sĩ, anh có sáng tác nào hưởng ứng cuộc vận động này? 

Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến sinh ra ở Nghĩa Lộ, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, khi lớn lên học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Từng là Đoàn trưởng Đoàn văn nghệ sinh viên – học sinh Sài Gòn tham gia phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” trong thời của các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Tuất Kiệt, Nguyễn Văn Sanh… Là một trong số ít nhạc sĩ có giọng hát hay, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến còn là người vui tính, hay trào phúng, được nhiều đồng nghiệp, bạn bè quí mến.

- Gần đây, tôi không có sáng tác nào về nếp sống văn minh đô thị. Nhưng trước đây, trong những sáng tác của mình, tôi đã từng viết về điều này. Chẳng hạn như bài 'Hát cho chị công nhân quét lộ' được viết vào tháng 6-1975, từng là bài hát truyền thống của chị em công nhân quét rác ở TPHCM. Rồi bài 'Thành phố màu xanh'. Với bài hát này, tôi thấy rất phù hợp cho việc tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị: “Ta yêu thành phố màu xanh... Reo vui ngày chủ nhật xanh. Thành phố xanh như lá. Thành phố đẹp như hoa. Thành phố trong tim ta. Xanh sạch khắp mọi nhà…”.

 

* Còn cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, anh có sáng tác nào hưởng ứng, tuyên truyền?

 

- Suốt bốn tháng nay, tôi đều dành thời gian suy nghĩ cho sáng tác của mình hưởng ứng cuộc vận động này. Và tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi đã hoàn thành tác phẩm hợp xướng viết về Bác Hồ 'Tiếp bước theo Người'. Đây được xem là sáng tác mới nhất của tôi và là tác phẩm được tôi đầu tư nhiều thời gian, công sức nhất từ trước đến nay.

 

* Ngoài việc sáng tác nhạc, anh còn tham gia công tác quản lý văn hóa - nghệ thuật, anh có nhận xét gì về lĩnh vực nhạy cảm này?

 

- Trong năm qua, văn hóa nghệ thuật ở thành phố có những chuyển biến đáng mừng, phục vụ nhu cầu giải trí của người dân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, văn hóa nghệ thuật của thành phố vẫn còn tồn tại những nỗi lo.

Đó là tình trạng nhạc não tình, tựa và nội dung bài hát thiếu tính thẩm mỹ xuất hiện ngày càng nhiều. Hiện nay, trong quản lý văn hóa còn những kẽ hở. Có người bảo, luật không cấm thì làm sao có thể cấm những bài hát đó phổ biến được. Nhưng tôi lại nghĩ, trong quản lý văn hóa, điều quan trọng nhất là chúng ta phải linh động, phải có tâm, nếu thấy ca khúc nào thiếu tính thẩm mỹ, chúng ta có thể không cấp phép.

Có hôm, khi nghe những bài hát có tựa thiếu tính thẩm mỹ được phổ biến, tôi đã hỏi Phòng quản lý nghệ thuật của Sở VH – TT và DL thì được trả lời: Ở TPHCM đã từ chối cấp phép, nhưng những bài hát đó lại được ngành văn hóa của một số địa phương khác cấp phép phổ biến!? Cho nên, trong quản lý văn hóa, chúng ta cần có sự đồng nhất, tránh tình trạng nơi cấm, nơi không sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý…

 

ĐỖ HẠNH Thực hiện

(Nguồn:  Báo SGGP)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: