Thứ sáu, 26/04/2024,


Dời nhà (Kim Quyên) (10/12/2013) 

 


Nhà văn Kim Quyên

Tôi giật mình, mở choàng mắt. Trời đã rựng sáng, bầy chim sẻ trên tàn cây mận ríu rít gọi nhau đi tìm mồi. Đàn heo trong chuồng nhà bên cạnh kêu eng éc đòi ăn, đám vịt dưới mé sông cũng đập cánh quàng quạc.

Tôi nhìn đám bao bị, thúng mủng nằm ềnh ra khắp nhà mà chóng cả mặt. Suốt hai đêm qua, một mình ngồi cặm cụi sắp xếp mọi thứ vật dụng gia đình cho vào thùng giấy, vào bao tải, bao nhựa xốp... nhưng vẫn chưa hết đám đồ dùng linh tinh, mang theo hết thì không xuể mà bỏ cái nào cũng tiếc. Thế là lựa tới lựa lui, thức suốt hai đêm ròng.

Tiếng còi xe tin tin trước ngỏ. Cậu tài xế gọi í ới:

- Chị Hai ơi! Xong chưa bà?

- Rồi! Vô đây phụ chị một tay coi!

Tôi với bác tài khiêng từng bao lên xe, nặng ơi là nặng, mồ hôi vã ra như tắm. Hai mẹ con con Tài nhà bên kéo qua, vừa đi nó vừa la:

- Cái bà nầy! Đã dặn chừng nào đi thì cho hay em qua phụ mà làm thinh làm một mình. Bộ bà khỏe lắm hả? Ráng cho dữ, lên đó đổ bệnh không ai lo nằm một chỗ là chết luôn.

Tôi nhìn nó cười cười:

- Mầy giỏi tài trù ẻo tao không. Mạnh sần như vầy mà bệnh hoạn nỗi gì. Thôi! Hai mẹ con giúp chị một tay. Ngày hôm qua con Loan, con ông cậu tới phụ mà má nó bệnh, chạy về rồi.

Cậu tài xế thắc mắc:

- Dọn nhà chớ đâu phải chuyện chơi mà chị không kêu mấy đứa con về phụ cho đỡ một tay.

- Ối! Có đồ đạc gì nhiều đâu, tụi nó đứa đi làm, đứa đi học, có thời gian rảnh đâu mà mượn.

- Còn ông xã chị?

Tài vọt miệng:

- Chồng con gởi nhà người ta lâu rồi. Ứ hự! Thấy cảnh của chỉ tội ghê. Tối ngày lui cui có một mình, bệnh đau cũng có một mình, cái gì cũng một mình hết trọi.

Cậu tài xế chép miệng:

- Cô đơn như vậy sống làm sao được, để em kiếm một ông giới thiệu cho chị nhen.

Con Tài trề môi:

- Dễ gì? Bà nầy khó chịu lắm, bả không ưng đâu.

Tôi giục:

- Thôi lo khiêng đi, sáng bét rồi. Chuyện của tao xía vô làm gì. Thằng Dũng phụ khiêng mấy bao nặng nè con. “Đâu cần thanh niên có, đâu nặng có thanh niên”.

Dũng cười giòn, nó nói cô Hai vui tính, dạy nó học thích lắm mà đi Sài Gòn buồn quá, không biết chừng nào mới lên thăm cô Hai được. Nó lại hỏi:

- Cô Hai ơi! Cái lớp của con nghỉ giữa chừng, cô sang lại cho ai đặng con tiếp tục học?

- Cô giao cho ông thầy Hiền rồi. Con muốn học thì đăng ký ổng ở nhà số 135 Lê Thị Hồng Gấm. Hôm cho lớp nghỉ cô có thông báo mà con vắng mặt nên không biết, vậy con xuống đăng ký liền đi nghe.

Tài thở ra:

- Chị đi, thằng Dũng em chơi vơi nửa chừng, ba cái Anh văn của nó chưa đầy lá mít, mai mốt đi học thầy khác không biết có được không?

- Được sao không được, miễn chịu học là thầy nào dạy cũng giỏi hết, ăn thua do mình chớ không phải thầy giỏi rồi tự khắc giỏi đâu.

- Em lo quá. Từ hôm chị báo dọn nhà đi em buồn làm sao! Mà hoàn cảnh của chị, con cái ở thành phố hết rồi, ở đây một mình hiu quạnh quá, chị đi cũng phải thôi .

- Tao đi tao còn về chớ bộ đi luôn sao mà lo.

- Nói vậy chớ dễ gì chị ơi! Ở đâu thì bám đó, có thời gian đâu mà về thăm lom.

- Thôi đừng nói nữa, tao thêm buồn. Tao không thích sống ở thành phố đâu, chộn rộn, ồn ào lắm mà cái tình cái nghĩa con người cũng không giống ở đây. Nếu tao về không được thì mầy lên thăm, đây đó có xa xắc gì.

- Em cũng lu bu thấy trời, có rảnh rỗi gì đâu. Chị đi ráng mạnh giỏi, chừng nào có điều kiện về Mỹ Tho thì ghé em chơi nha.

- Ờ…

Thấy tôi buồn buồn, Tài không nói nữa nhưng gương mặt nó buồn thiu. Tôi sực nhớ tới con chó thân yêu, căn dặn:

- Mầy nhớ cho con Na ăn đàng hoàng, đừng để nó đói mang tội nghe. Lên trển coi tình hình thế nào tao sẽ về mang nó lên. Sống ở đây hơn chục năm rồi, bỏ đi buồn lắm nhưng biết sao bây giờ…

Nước mắt tôi rươm rướm, Tài thấy vậy cười vã lã rồi phụ với thằng con khiêng mấy bao to kềnh lên xe.

***

 

Căn nhà thuê nằm trong con hẻm nhỏ của một xóm lao động. Đêm nào cũng ồn ào vì cái quán ăn ở kế bên. Trên gác thì vợ chồng con cái người chủ nhà đánh bài (ăn tiền) với khách la lối om sòm tới gần sáng.

Đêm nào mệt mỏi quá thì chợp mắt được vài tiếng đồng hồ, nhiều đêm thức trắng, trăn qua trở lại suốt đêm rồi nhớ tới ngôi nhà của mình dưới quê, nhớ mẹ con con Tài, nhớ con Mina, nhớ đủ thứ… mà nước mắt ngắn dài.

Ngày nào tôi cũng cùng cậu Honda ôm rảo đi khắp nơi theo các địa chỉ trên báo để tìm mua nhà. Bán căn nhà dưới quê được 10 cây vàng, lên đây thất nghiệp tiền bạc hao mòn, nếu không mua gấp căn nhà, số tiền có nguy cơ tiêu hết. Tìm cả tháng trời, nhà vừa với túi tiền thì không ở được và không có giấy tờ, còn nhà kha khá một chút thì phải mười mấy hai chục cây là hạn chót.

Đi suốt ngày, đêm về không ngủ được, tôi đổ bệnh. Các con đi học cả ngày, thấy mẹ bệnh đứa con gái định nghỉ học để chăm nom nhưng tôi không cho, thằng con trai mới vào năm nhất đại học, nó chật vật với chương trình mới nên cũng không có thời gian.

Nằm một mình trong căn nhà xa lạ ồn ào, tôi thấy lòng trống rỗng bơ vơ. Ước gì mình có tiền mua căn nhà nhỏ cho hai con ở đi học rồi mình trở về khu vườn cũ sống với những người hàng xóm thân thiết, thương yêu.

Buồn nhiều, khóc hoài cũng không giải quyết được chuyện gì, tôi quyết định phải làm việc cật lực để xoay chuyển tình thế. Tôi đem cái máy đánh chữ cũ kỹ ra lau chùi rồi ngồi viết bài, tiếp tục công việc viết lách mà tôi yêu thích từ lâu.

Chữ nghĩa làm nguôi ngoai nỗi buồn, bệnh tình dần lui, bao nhiêu ưu phiền tôi trút hết lên trang giấy. Một truyện ngắn và một truyện ký hoàn thành rất nhanh, tôi mạnh bạo đưa cho tạp chí Văn của thành phố rồi lao vào việc tiếp tục đi kiếm nhà. Đêm đêm van vái Phật Trời, van vái ba tôi phò trợ cho việc tìm nhà được nhanh chóng.

Có lẽ lời vái van linh nghiệm, tôi tìm được căn hộ trong cư xá nằm trên đường Trần Đình Xu, gần nhà đứa em gái. Tiền bạc thiếu khoảng 5 cây, nó cho mượn rồi trả dần. Căn nhà khá rộng rãi mát mẻ nhưng nội thất phải sửa chữa nhiều mới ở được vì đó là loại nhà quá xưa cũ được xây cất từ đời Pháp, vật liệu xây nhà chủ yếu là gạch cát. Nhưng dù sao tôi cũng có được một mái nhà che mưa che nắng giữa nơi phồn hoa đô hội nầy.

Hai bài của tôi được tạp chí Văn lần lượt đăng. Tôi tự tin tìm đến Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh để xin vào Hội. Gặp nhà văn Nguyễn Quang Sáng (Chủ tịch Hội), anh tươi cười bảo: “Em viết lách dưới Hội Tiền Giang đã lâu, không cần kết nạp nữa mà chỉ chuyển lên thôi, dư tiêu chuẩn rồi”. Tôi mừng rỡ làm hồ sơ đưa cho Chủ tịch Hội. Vậy là từ nay, tôi có nơi để “nương tựa”, để có thêm bạn văn mà chia sẻ chuyện vui buồn.

Dời về nhà mới, tinh thần phấn chấn hơn, tôi mở lớp dạy kèm Anh văn và cùng với hai đứa con (khi nào chúng nó rảnh rang) làm các loại bánh bỏ cho quán ăn của đứa em, trừ dần vào số tiền đã mượn mua nhà. Dạy học, làm bánh, viết văn và những công việc linh tinh khác ở địa phương làm tôi bù đầu. Khi nào Hội có tổ chức trại sáng tác thì tham gia đi viết bài, việc nhà và bánh trái giao cho hai đứa con đảm nhiệm.

Một năm sau, nhà văn Nguyễn Quang Sáng bảo tôi làm hồ sơ xin vào Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi nửa mừng nửa lo vì không biết có “đậu” được không, bởi “trên đó” là chốn “triều đình” của văn trường, cao xa diệu vợi và cũng lắm nhiêu khê. Hai nhà văn giới thiệu là nhà văn Anh Đức và nhà văn Nguyễn Khải. Nhà văn Nguyễn Khải thấy tôi “nhởn nhơ”, bài vở viết không đều, ông thường nhắc nhở: “Em viết được đấy, mà không siêng năng chút nào. Chưa có phong cách làm việc của một nhà văn, được chăng hay chớ kiểu đó thì làm sao? Phải nghĩ là ngày mai mình sẽ chết đi thì mới viết được”. Tôi cười cười, nói đùa: “Anh sợ chết thì viết nhanh đi, còn em từ từ cũng được, chưa tới ngày đâu mà lo”. Nhà văn nhìn tôi lắc đầu: “Bó tay rồi! Nói ngang như cua thế đấy!”.

Năm 2000, tôi được kết nạp vào Hội. Lễ kết nạp diễn ra ở Hội Văn học - nghệ thuật Long An với sự có mặt đông đảo hội viên của các Hội miền Đông, miền Tây và Hội chủ nhà, có sự tham dự của nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Anh Đức, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Hoa… Buổi lễ diễn ra giản dị, ấm áp, vui tươi.

Buổi tối, dưới ánh trăng rằm, các nữ nghệ sĩ của đội đờn ca tài tử địa phương trong những chiếc áo dài tha thướt, đứng dưới tán xoài, hát những bản vắn, những bài vọng cổ thật mùi mẫn, nhạc sĩ Trần Hoàn cầm cây ghi-ta hát “Lời người ra đi” của ông, trông ông lúc ấy thật sự là một nghệ sĩ. Không khí hào hứng vui vẻ khiến cho nhà thơ Hữu Thỉnh phải dừng ăn chén cháo khuya, đứng dậy hát bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của anh.

Từ ngày vào Hội, tôi chú ý nhiều hơn vào việc sáng tác bởi mình không thể “lơ mơ” như trước nữa, không thể làm mất đi sự tin cậy của những người giới thiệu. Vừa dạy học, vừa làm bánh kiếm tiền cho con ăn học và trả tiền nhà, tôi ít còn thời gian nghĩ ngợi chuyện riêng tư để buồn rầu. Thỉnh thoảng có vài người bạn văn thân thiết đến nhà chơi, cùng nhau làm những loại bánh ngon cùng ăn, cùng đàm đạo chuyện văn chương thật vui vẻ.

Đứa con gái ra trường, đi làm biên dịch và dạy Anh văn cho học sinh, thằng con trai tốt nghiệp trường Du lịch cũng xin được một chân trong công ty. Tiền lương chúng nó tự lo liệu cho bản thân tạm đủ.

Mẹ con con Tài thỉnh thoảng điện lên hỏi thăm và báo tình hình con Mina, Tài bảo: “Chị ơi! Tội nghiệp con Mina lắm, hễ nó thấy ai chạy chiếc cub 84 màu xanh giống xe chị là nó chạy theo mút mùa, thấy tội quá chị ơi...”.

Nghe Tài nói mà ứa nước mắt, nghĩ thương con chó đã bao năm bầu bạn, nó khôn lanh và biết nghe tiếng người, nhưng cái đất thành thị chật chội này làm sao đem nó lên được. Đúng như lời nó nói, lên đây rồi, bận bịu bao nhiêu việc, cũng khó quay về chốn cũ.

Có đêm, nằm ôn lại những ngày qua, lòng trĩu nặng bao niềm vui, nỗi buồn. Nhiều lúc tự hỏi, không hiểu sao mình đã vượt qua được những ngày cam go khổ sở như vậy, rồi tự an ủi động viên, mình được như vậy là may mắn lắm rồi, còn nhiều người hoàn cảnh khó khăn hơn mình nhưng người ta vẫn vượt qua được và vẫn sống vui. Bây giờ nhớ làm gì những chuyện đã qua cho thêm buồn, thêm tủi.

Kim Quyên

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: