Thứ bảy, 28/12/2024,


Chiếu chèo Quân đội giòn giã chiến công (29/11/2013) 
Tại cuộc thi sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 vừa qua, Nhà hát chèo Quân đội đã giành thắng lợi giòn giã.
 
Cảnh trong vở "Tiếng đàn vùng Mê Thảo" của Nhà hát chèo Quân đội.
Vở Tiếng đàn vùng Mê Thảo đoạt Giải thưởng đặc biệt và vở Người thầy của muôn đời đoạt Huy chương vàng ngoài ra còn có năm Huy chương vàng, bảy Huy chương bạc được trao tặng các nghệ sĩ. Đây là "vụ mùa bội thu" nhất trong lịch sử gần 60 năm phát triển của Nhà hát chèo Quân đội, tiền thân là Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần nổi tiếng trước đây.
Sự thành công đầu tiên chính là ở khâu lựa chọn được kịch bản tốt của ban lãnh đạo nhà hát. Hai vở diễn được sáng tác với chủ đề khác nhau, nhưng đều có điểm tương đồng là đề cao lối ứng xử mang đậm tính nhân văn. Điều mà PGS Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã nêu bật trong đánh giá tổng kết cuộc thi: Nếu như vở Tiếng đàn vùng Mê Thảo là sự tôn vinh cái đẹp, cái tinh tế đến tột cùng của nghệ thuật, thì ở vở Người thầy của muôn đời là bài học về "Đạo làm thầy, đạo làm trò và cao hơn cả là đạo làm người". Đó là những cái chết đẹp vì nghiệp, vì nghệ thuật, không bi lụy, bi phẫn của Tiếng đàn vùng Mê Thảo, vở diễn được sáng tác dựa trên tác phẩm Chùa Đàn của Nguyễn Tuân. Với một tác phẩm nổi tiếng của một nhà văn tên tuổi, được nhiều người biết đến, thì việc dàn dựng, thể hiện được tư tưởng nghệ thuật tác phẩm là rất khó. Ở đây, nghệ thuật chèo và đặc biệt là với tài năng của các nghệ sĩ chèo áo lính, dưới sự dàn dựng của đạo diễn Đào Lê, đã đưa người xem đến một góc độ cảm nhận mới và đầy sức lôi cuốn. Vở diễn ra đời và được dàn dựng trong thời gian ngắn, song đã "thai nghén" từ nhiều năm trước và được sự ủng hộ, cố vấn của các tên tuổi lớn trong giới sân khấu, đầy tâm huyết với chèo cũng như sự nhiệt tình, đam mê của các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát.
Trong khi đó, ở vở diễn Người thầy của muôn đời, cái độc đáo, cái khác lạ được thể hiện trong mối quan hệ của đạo thầy trò. Cả hai vở diễn đều được các tác giả đẩy đến tận cùng của "tính kỳ", một trong những yếu tố đặc trưng của chèo, tạo nên sức hấp dẫn của vở diễn.
Thành công thứ hai của ban lãnh đạo nhà hát và của đạo diễn là đã biết chọn mặt gửi vàng, giao những vai diễn chính vào các diễn viên xứng tầm. Ở vở Tiếng đàn vùng Mê Thảo, người xem bắt gặp ở đây một Duy Từ trong vai ông chủ bề ngoài dữ dằn nhưng chất chứa bên trong là một tâm hồn phóng khoáng, yêu cái đẹp đến cuồng si, một Thanh Tuyết dịu dàng, đằm thắm trong vai Thị Tơ, một Minh Tiến hào hoa, phong nhã, lắng sâu trong vai Bá Nhỡ. Còn trong vở Người thầy của muôn đời lại là một Tự Long chững chạc, ung dung, tự tại, nghiêm cẩn trong vai Chu Văn An, một Thùy Linh đĩnh đạc, thanh thoát trong vai Hoàng hậu... Trong vai thầy giáo Chu Văn An, trái ngược những vai diễn hài hước thường ngày, NSƯT Tự Long đã đưa khán giả từ ngạc nhiên tới khâm phục. Tự Long cho biết, khi đảm nhiệm vai thầy Chu Văn An, anh phải chịu áp lực rất lớn bởi đây là một nhân cách lớn, biểu tượng hình mẫu người thầy đất Việt tài, đức vẹn toàn. Vì vậy, ngoài đọc kịch bản, Tự Long phải tìm tòi, đọc thêm tài liệu và các câu chuyện kể về thầy Chu Văn An.
Thành công thứ ba là đội ngũ nhạc công. Trong hai vở diễn, dàn nhạc của nhà hát đã cho thấy được một phong thái riêng, chững chạc, thể hiện "ăn ý" với giọng hát và diễn xuất giàu tính tự sự của các nghệ sĩ trên sân khấu.
Đặc biệt tiếng đàn đáy, một nhạc cụ ít xuất hiện trong dàn nhạc chèo được thể hiện một cách tinh tế, tài hoa đã làm nên sức mạnh của Tiếng đàn vùng Mê Thảo, góp phần không nhỏ vào thành công của vở diễn. Tuy nhiên, điều thành công hơn cả qua hai vở diễn của Nhà hát chèo Quân đội, có lẽ đó chính là lòng yêu nghề, say nghề đến cháy bỏng của các nghệ sĩ, diễn viên.
Các anh, các chị là vua, là hoàng hậu trên sân khấu, nhưng khi trở về với đời thường, lại sẵn sàng cùng với anh em kỹ thuật, hậu đài, bưng, bê, vác, khênh đồ đạc, dọn sân khấu. Mồ hôi nhễ nhại mà họ vẫn cười vui. Ấn tượng đó khắc sâu trong tâm trí rất nhiều người yêu chèo và "chiếu chèo Quân đội" trong những ngày diễn ra cuộc thi.

 

 Mai Văn Lạng (Theo Báo Nhân dân điện tử)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: