Chủ nhật, 01/12/2024,


Cưới là gì? (Tạp văn của Bùi Đức Ánh) (28/11/2013) 


Dù nhịp sống xã hội có thay đổi theo chiều hướng gấp gáp và sôi sục như thế nào, tình yêu vẫn nảy nở giữa phái nam và phái nữ. Thế nhưng, cưới lại là một chuyện khác. Khi không khí hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, thì một bộ phận không nhỏ người Việt bắt đầu có tâm lý ngại … cưới. Tất nhiên, ở đây chỉ mới dừng ở góc độ quan sát, chứ chưa hề có cuộc điều tra mạch lạc nào để đưa đến con số thống kê đáng tin cậy.
Gặp gỡ và trò chuyện với bạn trẻ tuổi từ 20 đến 30, chẳng nghe ai nói ngại … yêu, chỉ thấy than vãn ngại… cưới. Có thể người khó tính sẽ bực bội khi đề cập điều ấy, nhưng đó là sự thật. Mỗi thời đại chắc chắn hình thành một kiểu nếp ăn, nếp nghĩ khác, mà chúng ta không thể lấy quan niệm cá nhân làm chuẩn mực để đòi hỏi và áp đặt những người bên cạnh.


Có 1001 lý do để ngại cưới. Vì thích tự do, vì không muốn bị ràng buộc, vì sợ hãi những nghi lễ phiền phức… Lý do nào cũng có vẻ đáng thông cảm nhưng không dễ chia sẻ. Đặc biệt, đối tượng khước từ giấc mơ ôm hoa vào phòng tân hôn lại chiếm khá đông trong giới nữ. Đừng nghì những cô gái kia có vấn đề gì đó nhé. Họ rất thông minh, rất xinh đẹp và rất thành đạt. Trở ngại duy nhất mà họ mường tượng về hôn nhân là sự … rắc rối. Họ có nghề nghiệp ổn định đang theo chiều hướng phát triển, nên họ không muốn bất kỳ ai, kể cả người họ yêu nhất, tạo ra lực cản đối với họ. Dạng phụ nữ này rất tự tin và rất bản lĩnh. Những gã đàn ông biếng ăn nhác làm đừng mong có cơ hội tiếp cận họ. Và nói không ngoa, khi cảm thấy cần thiết, họ sẽ chọn giải pháp làm mẹ đơn thân. Hãy mở lòng nhìn xung quanh chúng ta, giữa những đô thị nhộn nhịp, rất nhiều phụ nữ không màng một lần mặc áo cô dâu vẫn đi về một cách hạnh phúc và không ngừng cống hiến cho cộng đồng!


Không mấy ai cổ vũ lối sống độc thân. Vì vậy, yêu để cưới vẫn viên mãn nhất. Tuy nhiên, một đám cưới không thể đồng nghĩ kết thúc một mối tình, mà mở ra một mối tình khác, gắn bó hơn. Có những đôi trai gái khi yêu nhau rất ngọt ngào, nhưng sau khi cùng ký vào giấy đăng ký kết hôn thì phát sinh mâu thuẫn. Người vợ không thể tiếp tục nhìn người chồng bằng ánh mắt buổi hẹn hò, và người chồng cũng không thể tiếp tục chiều chuộng người vợ như buổi ngập ngừng cái hôn vụng trộm. Có biết bao tật xấu thói hư mà lúc yêu đương không nhìn thấy hoặc xuề xòa bỏ qua, thì khi chung đụng dưới một mái nhà lại trở thành… yếu điểm để trách móc lẫn nhau. Vì vậy trước khi cưới nhau, cả nam lẫn nữ đều phải thành thật hỏi chính mình: có đủ độ lượng để tha thứ và dung hòa cho người kia không?


Đừng đùa với đám cưới. Và cũng đừng mong đám cưới là phép thần lấp bằng sự chênh vênh nào đó giữa hai con người. Ngày xưa, đám cưới có khi chỉ là miễn cưỡng theo tập tục “trai lớn lấy vợ gái lớn gã chồng”. Bây giờ, con người văn minh có quyền đắn đo trước đám cưới. Tâm lý ngại cưới dù sao cũng đáng quý hơn tâm lý cưới…bừa. Không ai cần học trước khi yêu, nhưng có lẽ ai cũng cần học trước khi cưới. Học cách trân trọng người vợ hoặc chồng sẽ đi cùng mình quãng đường đời lắm cam go!



Bùi Đức Ánh

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: