* Vì sao anh chọn bút danh miên di, mà lại không viết hoa?
- miên di: Cái tên miên di là một kỷ niệm riêng tư, nên không tiện nói ra. Có lần, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bảo: “miên di, làm tôi nhớ đến một loài chim thiên di, đã ngủ suốt hai phần ba quãng đường bay, nhưng vẫn tìm về được miền ấm...”. Đạo diễn Phan Huyền Thư thì bảo: “miên di là thi sĩ vừa đi vừa... ngái ngủ”. Và còn vài ý kiến rất sâu sắc nữa, khiến tôi nhận ra người đọc rất giỏi, nên ngay cả cái tên, tôi cũng chẳng dám viết hoa. Thôi thì cứ viết thường để còn chút gì... động đậy!
* Các sáng tác của anh cũng không viết hoa nhan đề và chữ cái đầu dòng. Vì sao anh lại lựa chọn hình thức ấy cho thơ mình?
- Điều này không mới, trước miên di nhiều người đã làm rồi. Với tôi, việc không viết hoa các ký tự đầu dòng là để nối liền mạch cảm xúc mỗi xuống hàng, và để xóa đi vẻ gồng cứng của hình thức các câu thơ.
* Trong các sáng tác của anh có rất nhiều bài thơ lục bát rất đời, bình dị và hồn hậu, như: xê dịch ngày, thử, tôi nôn ra một chính mình, quạnh hiu... Vì sao anh thích thể loại lục bát đến vậy?
- Cũng như nhiều người, tôi lớn lên bằng lời ru của mẹ. Với tôi, thơ lục bát là ngõ cũ để trở về, cho một kẻ quen thói ra đi...
* Thơ anh hay nói về nỗi buồn. Đọc, có cảm giác như anh nương náu vào thơ để tìm kiếm sự sẻ chia?
- Ai mà không đau đớn trước những khổ đau, mất mát. Nên thường thì chúng ta dễ dàng nhận ra vẻ bi thương của nỗi buồn. Nhưng cũng có những nỗi buồn xinh xắn, điều đó mong manh và ẩn sâu lắm! Vì thế, tôi cậy nhờ thơ, để cùng với người đọc đi tìm.
* Trong tập thơ miên di, có rất nhiều bài “thơ chớp” như “đười ươi lặng lẽ ngắm chiều / nỗi buồn tiến hóa thành điều quạnh hiu” (quạnh hiu) hay “hình như thành phố ngủ mê / con đường nào cũng dẫn về không nhau” (lang thang). Anh nghĩ gì khi sáng tác một bài thơ chỉ có hai câu?
- Tôi thích thơ chớp, bởi sự nén căng của nó. Mỗi bài thơ hai câu là một lần “cài chốt”. Với mong muốn, người đọc sẽ... rút chốt, để bùng vỡ những chiêm nghiệm từ chính trải nghiệm của người đọc, mà vì bận rộn quá nên bỏ quên. Đôi khi, chúng ta như những cái đèn đầy năng lượng, nhưng ít được bật công tắc để chính mình rọi sáng...
* Anh có thể cho biết anh đã đến với thơ như thế nào được không?
- Điều đó cũng nhẹ nhàng thôi, cũng như “duyên nợ” khiến tôi có niềm vui vì được gặp những câu hỏi này. Cũng như, quanh ta có nhiều hạnh phúc rất đỗi bé nhỏ. Mà đã là hạnh phúc thì không bao giờ sơ sài cả. Chỉ khác là, có người thì nhận lấy, có người thì vô ý bỏ qua.
* Tuổi áo trắng bây giờ và tuổi áo trắng thuở miên di có gì khác biệt?
- Tôi có cái không may nhưng lại là... may mắn. Là tuổi áo trắng của tôi lăn lộn với bãi vàng, hẻm chợ. Tôi không thể quên tiếng muôi cạo nồi ken két, không thể quên những tháng bảy dài hơn hũ gạo cứ vơi dần... Tôi không muốn so sánh tuổi áo trắng ngày ấy với bây giờ. Chỉ muốn chia sẻ với các bạn trẻ rằng, có những khó khăn cần thiết để được làm người. Và trong tận cùng đói khổ, là cả vầng khát vọng sẽ nhen mầm.
* Nhà thơ miên di tặng bạn đọc Áo Trắng 5 cuốn thơ thơ miên di. Bạn đọc gửi địa chỉ về email: miendi1976@yahoo.com.
Xê dịch ngày
thạch sùng chậc lưỡi tiếc đuôi
một tôi buông nửa phần đời im re
đầu ngày mở cửa dắt xe
cuối đêm đóng cửa
một xê dịch ngày
từng giờ phút chật ngày mai
không còn chỗ để một vài lãng quên
bên ô cửa sổ trống tênh
cành hoa vẫn nở cạnh tên một người
tuổi đầy đựng những ngày vơi
nỗi buồn còn thức nụ cười mộng du
nếu em thừa ít tâm tư
tôi xin nhận lấy làm hư ảo mùa
nhìn nhau cứ tưởng là xưa
cái lạnh năm cũ cũng mưa thế này
bây giờ có phải hôm nay
mà cành hoa rụng còn quay quắt vàng
trở mình kê lại trái ngang
em cười sao vẫn hở hang nỗi buồn
Theo Tuổi trẻ